Hai bên giáp chiến, chuông trống khua vang. Chiêu Kiết với Giả Năng đánh nhau hơn mấy hiệp chưa phân thắng bại. Chiêu Kiết thương pháp rất tinh phục nhưng giả cách sợ hãi, giả thua dụ địch chạy vào giữa trận. Giả Năng đuổi theo thì bị Chiêu Kiết quay ngựa lại đâm một thương làm cho Giả Năng té nhào xuống ngựa. Binh Phiên áp lại vây phủ binh Tống, làm cho binh Tống rối loạn. Giữa lúc đó, bỗng thấy một viên nữ tướng xông ra đánh Chiêu Kiết. Đánh được mấy hiệp, nữ tướng ném dây xích thằng trói Chiêu Kiết lại, binh Tống bắt dẫn đem về giao cho Khấu Chuẩn. Khấu Chuẩn hỏi:

- Nữ tướng vừa thắng trận là ai vậy? Nữ tướng đáp:

- Tôi là con gái của Dương Nghiệp, thường gọi là Bát nương. Khấu Chuẩn khen:

- Thật đúng là con nhà tướng.

Liền khiến quân ghi vào sổ công lao, rồi dọn tiệc ăn mừng. Bấy giờ tướng Phiên là Thổ Kim Tú thấy Chiêu Khiết bị bắt, thì giận lắm, vừa muốn ra binh, bỗng có Ma Lý Khánh Kiết bước tới nói:

- Cái thù giết anh lẽ nào tôi chẳng trả?

Nói rồi vung đao ra trận. Bên Tống, Triệu Ngạn cũng xông ra ứng chiến. Hai tướng đánh nhau được vài hiệp, Triệu Ngạn đuối sức quay ngựa bỏ chạy. Khánh Kiết rượt theo, xảy có một viên nữ tướng múa đao đón lại, chém Khánh Kiết rơi đầu. Nữ tướng này là Cửu muội, con gái của Dương Nghiệp. Khấu Chuẩn nói:

- Nhà họ Dương chỉ còn mấy người sót lại mà tài năng làm cho quân địch khiếp vía.

Lúc này tại dinh Phiên, Thổ Kim Tú nổi giận giục ngựa xông ra hét to:

- Có ai dám ra đây thi bắn với ta chăng?


Thổ Kim Tú là một tướng có tài thiện xạ, từ trước tới nay không ai địch nổi. Bây giờ tướng Tống là Dương Văn Hổ xông ra nói:

- Có ta thi bắn với ngươi.

Thổ Kim Tú liền trương cung lắp tên, cho ngựa chạy vòng một hồi, rồi bắn luôn ba mũi, trúng đích cả ba. Quân sĩ vỗ tay khen ầm lên. Dương Văn Hổ nổi giận cũng cho ngựa chạy vòng một lúc rồi trương cung bắn ra ba mũi, nhưng chỉ trúng đích một mũi mà thôi. Thổ Kim Tú nói:

- Như vậy thì ngươi thua ta hai mũi, phải đem tướng vừa bị bắt trả lại cho ta. Dương Văn Hổ nói:

- Nghề bắn thì ta thua ngươi, còn nghề võ ngươi dám đấu với ta chăng? Kim Tú nổi giận mắng:

- Để ta giết ngươi trả thù cho Khánh Kiết.

Nói rồi vung đao đâm tới. Hai bên đánh nhau được vài hiệp, Văn Hổ bị thương bên tay trái, quay ngựa bỏ chạy. Thổ Kim Tú đuổi theo, liền bị Dương lục lang xông ra chận lại. Kim Tú nói:

- Tướng Tống hãy khoan đấu võ đã. Hãy thi bắn với ta trước. Dương lục lang cười lớn:

- Nghề bắn của ngươi giỏi đến bực nào mà dám khoe khoang như vậy?

Nói rồi liền khiến quân đem cung tên ra, ngồi trên ngựa bắn luôn ba mũi đều trúng vào đích rồi quay lại nói với Kim Tú:

- Người khỏi cần phải bắn, hãy trương thử cây cung của ta đây xem có đủ sức hay không? Quân sĩ khiêng cây cung đem trao cho Kim Tú. Kim Tú trợn mắt, ráng sức kéo dây cung, rồi thất kinh nói:

- Cung cứng như thế này kéo sao cho nổi.

Lúc này binh Phiên thất kinh vừa muốn kéo nhau bỏ chạy thì Khấu Chuẩn đã bước ra giữa trận nói:

- Ta trả lại những tướng ta đã bắt cho các ngươi. Các ngươi hãy về nói với Tiêu hậu chớ nên xâm phạm bờ cõi sát hại sinh linh nữa. Nếu không tuân lời thì bọn ta sẽ không dung thứ.

Nói rồi truyền quân mở trói Chiêu Kiết thả về. Thổ Kim Tú hổ thẹn, dẫn quân trở về Đại Liêu, không dám quấy rối nữa.

Ngày hôm ấy Khâu Chuẩn hạ lệnh thâu binh về Biện Kinh vào ra mắt vua Chơn Tông và tâu:

- Tôi đem binh ra trận nhờ có mấy anh em họ Dương mới thắng được binh Phiên, Bệ hạ thật có phước lớn. Vua Chơn Tông liền triệu Dương quận mã đến trước điện phán:

- Cha con khanh thật là tôi trung của nước Tống. Tiên đế cũng thường hay ngợi khen.

Dương quận mã cúi đầu tạ ơn. Vua Chơn Tông hỏi Khấu Chuẩn:

- Nay nên phong chức gì cho Quận mã? Khấu Chuẩn tâu:

- Đất Cao Chân còn thiếu Tiết đại sứ, xin Bệ hạ phân chức ấy. Vua Chơn Tông nói:


- Lúc Tiên đế còn sống vẫn thường nói đến công nghiệp cha con khanh. Nay đã đánh lui binh Phiên, lẽ nào không trọng thưởng. Quận mã tâu:

- Nếu Bệ hạ muốn phong chức, tôi xin lãnh làm Tuần kiểm tại Giải Sơn mà thôi. Vua Chơn Tông nói:

- Chức Tiết đại sứ là cao sang, sao khanh lại muốn lãnh chức Tuần kiểm là một chức nhỏ mọn như vậy? Dương quận mã tâu:

- Tôi nghe xứ ấy có mấy viên tướng giỏi, muốn đến đó chiêu dụ họ. Vả lại, Giải Sơn là chỗ xung yếu của Tam Quan, gần bờ cõi U Châu, nên tôi muốn trấn thủ ở đó để giữ bình an cho dân chúng. Vua Chơn Tông nghe nói, khen:

- Khanh thật là kẻ tôi thần trung nghĩa.

Dương quận mã tạ ơn lui ra. Hôm sau Dương quận mã ra Giải Sơn trấn thủ đem theo Nhạc Thắng là người văn võ toàn tài, muốn lập công danh. Dương quận mã nói:

- Nếu ngươi muốn lập công thì hãy đi với ta ra Giải Sơn trại mà trấn thủ, sẽ có dịp xuất thân. Nhạc Thắng nói:

- Tiểu tướng xin tình nguyện theo làm bộ hạ tướng quân. Dương lục lang thâu được Nhạc Thắng, liền từ gia Dương lịnh bà và Thái quận mà đi. Dương lịnh bà hỏi:

- Trước kia cha con làm Đại Châu thứ sử, nay con lại làm Giải Sơn tuần kiểm, họ chẳng nhục với tiền nhơn sao? Lục lang thưa:

- Chẳng phải con không muốn làm quan lớn, nhưng lúc triều đình có nhiều việc mờ ám, con phải lựa chỗ an thân.

Dương lịnh bà liền truyền bày tiệc rượu tống hành vào tiết xuân, khí trời ấm áp, cây cỏ xanh tươi, Dương lục lang đi được mấy ngày đã đến Giải Sơn, quan quân đều ra nghênh tiếp. Dương lục lang nói:

- Nay triều đình thấy binh Liêu, hay xâm lấn bờ cõi, nên sai ta ra đây trấn thủ chỗ yết hầu, gần bờ cõi U Châu để cho biên thùy khỏi nạn binh đao.

Chư tướng nghe nói đều cảm tạ. Hôm sau, Nhạc Thắng đi dạo trong vùng, thấy trước mặt một tòa núi cao sừng sững, đá dựng chập chùng. Liền hỏi người dân trong xứ:

- Hòn núi trước mặt là núi gì mà hiểm trở như vậy? Người dân đáp:

- Xin tướng quân đừng hỏi chỗ đó. Nơi đó có nhiều điều rất bí ẩn. Nhạc Thắng nói:

- Chắc có nhiều thú dữ lấm sao? Người dân nói:

- Xa xa phía trước có một cái suối là Hồ Lâm, có một cái động Khả Lạc, có một người chủ trại là Mạnh Lương ở xứ Đăng Châu, hay dùng một cây búa lớn, tụ tập hơn mấy trăm người, phá xóm phá làng, lại hay bắt đàn bà con gái, nên chẳng ai dám đi qua núi ấy.

Nhạc Thắng nghe nói liền trở về ra mắt Dương lục lang thuật lại mọi việc. Lục lang nói:

- Ta vẫn nghe xứ này có một người tên là Mạnh Lương, có tài đặc biệt, nếu được người ấy về giúp thì rất tốt. Nhạc Thắng nói:

- Vậy thì xin để tôi đi một mình đến đó thăm dò, rồi sẽ liệu kế.

Lục lang y lời, liền cho Nhạc Thắng đi đến động Khả Lạc. Lúc này Mạnh Lương đang đi dạo Sơn Thủy, chỉ còn những tên bộ hạ là Lưu Siêu, Trương Cái ở giữ động. Khi Nhạc Thắng đến nơi liền hét lên một tiếng, làm cho Lưu Siêu và Trương Cái thất kinh, ngỡ là quan quân kéo đến, liền dẫn lâu la ra đánh. Nhưng Nhạc Thắng lại quày ngựa chạy về. Khi Mạnh Lương trở về động được bọn thủ hạ báo lại, liền hỏi:


- Ai dám đến đây mà giỡn coi như vậy? Bọn thủ hạ đáp:

- Có một thằng tướng nhỏ đơn thân độc mã xông vào, hét lên một tiếng rồi chạy mất.

Mạnh Lương suy nghĩ mãi vẫn không tìm được nguyên nhân. Còn Nhạc Thắng về trại ra mắt Lục lang kể lại mọi chuyện. Lục lang nói:

- Hễ Mạnh Lương hay được việc này, chắc là nó kéo lâu la đến. Bọn ngươi phải đề phòng. Chẳng bao lâu, quân vào báo:

- Có Mạnh Lương đang ở ngoài trại khiêu chiến.

Lục lang và Nhạc Thắng liền dẫn quân xông ra, thấy Mạnh Lương mày rô mắt lớn, tướng mạo hùng tráng, liền nói:

- Ta xem ngươi tướng mạo đường đường, chẳng phải là một tên cướp núi, sao không theo chúng ta mà trấn thủ biên thùy, lập công với triều đình, lại làm nghề ăn cướp. Mạnh Lương nói:

- Ta nghe cha con ngươi bỏ Hà Đông, về đầu nước Tống, nay đều là quỷ không đầu, mà ngươi không thấy thù oán. Còn ta chiếm cứ nơi đây có can chi đến ngươi mà đến đây phá phách? Nếu ngươi theo ta về làm tướng cướp, thì cuộc đời vui vẻ hơn nhiều. Lục lang nổi giận nói:

- Quân thất phu. Dám khi dễ ta như vậy.

Nói rồi vung đao xốc tới đánh Mạnh Lương. Hai bên đánh nhau hơn bốn mươi hiệp chẳng phân thắng bại. Nhạc Thắng xông ra trợ lực, Lục lang bèn trương cung bắn con ngựa Mạnh Lương một mũi làm cho Mạnh Lương té nhào xuống. Quân sĩ xông ra bắt trói Mạnh Lương đem về trại. Lục lang hỏi:

- Ngươi đã bị ta bắt rồi, có chịu hàng phục không? Mạnh Lương nói:

- Ngươi bắn lén con ngựa ta, chớ có tài giỏi gì mà bảo ta hàng phục. Lục lang nói:

- Nếu ngươi không phục thì ta thả ngươi ra ngươi có phục không? Mạnh Lương nói:

- Nếu ngươi thả ta về thì phải chỉnh đốn quân sĩ, để cùng ta đấu chiến, chừng nào rõ được hơn thua thì ta mới phục. Lục lang nói:

- Ta tha ngươi rất dễ, dẫu ngươi có cánh bay lên trời ta cũng bắt được Nói rồi liền khiến quân mở trói, đuổi Mạnh Lương về động.

Lời bàn: Tài năng và trí tuệ là yếu tố thu phục nhân tâm. Trong đó phải xây dựng đạo nghĩa làm người. Trong đời ai cũng quí trọng tài năng và trí tuệ, vì tài năng và trí tuệ là nguồn vốn đế chiến thắng đối phương. Nhưng nếu đem tài năng và trí tuệ đế hãm hại và chém giết mọi người, không xây dựng trên đạo nghĩa thì chỉ làm cho đối phương câm hờn và oán giận, không làm cho đối phương kính phục. Dương lục lang, một kẻ tài trí, đã thu phục nhân tài bằng đạo nghĩa làm người. Trước một Mạnh Lương, kẻ cướp có biệt tài, vẫn thu phục bằng đạo nghĩa. Đạo nghĩa phải đặt trên tài năng, mưu trí phải ứng dụng đúng người đúng lúc. Dù xã hội nào, kẻ có lương tâm cũng làm ọi người kính phục. Lục lang thả Mạnh Lương về, tức là muốn giữ Mạnh Lượng lại. Mà muốn giữ một kẻ phục tùng mình, trước tiên phải làm cho họ thấy đạo nghĩa của mình. Bởi vậy, có những việc buông ra mà không mất, có những việc giữ lại không còn, ấy là do bản lãnh của con người.-oOo-

- Hết hồi 51:2 (38):


Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện