Bác cả vốn tính trẻ con, vừa nãy vẫn còn ủ dột chán nản, bây giờ có kem ăn là đã vui vẻ hơn nhiều. Ông ấy hớn hở cầm kem sữa chua ăn tới mức dính đầy bên mép.

Không có đứa trẻ nào không thích ăn kem. Bình An dù có “chững chạc, nghiêm túc” thế nào cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của que kem. Cậu bé tạm thời quên chuyện không vui ban nãy, ngồi cắn từng miếng kem một.

Ôn Kiều cũng bẻ một miếng rồi ăn cùng với bọn họ. Cô cố ý ăn rất chậm vì không muốn ngồi đằng trước. Tống Thời Ngộ cũng ngồi ăn với cô, thỉnh thoảng anh đưa bàn tay đang cầm kem của cô tới trước miệng rồi cắn một cái.

Bác cả thấy Tống Thời Ngộ ăn mấy miếng, cuối cùng không chịu nổi nữa, bèn nhắc nhở Tống Thời Ngộ: “Nhóc Thời Ngộ, cháu đừng ăn của Kiều Kiều nữa, trong tủ lạnh vẫn còn mà!”

Tống Thời Ngộ nuốt một miếng kem trong miệng, khẽ húng hắng: “Của em ấy ngon ạ.”

Bác cả do dự một lúc rồi đưa nửa cây kem trong tay ra: “Của bác với của Kiều Kiều ngon như nhau. Cháu ăn của bác đi, bác ăn cây khác.”

Tống Thời Ngộ: “...”

Ôn Kiều không khỏi bật cười.

Tống Thời Ngộ liếc nhìn cô rồi mỉm cười nói với bác cả: “Không cần đâu bác, bác cứ ăn đi ạ.” Anh dừng một chút rồi nói tiếp: “Cháu cũng không ăn của em ấy nữa.”

Bác cả hiếu khách nên chủ động hỏi: “Vậy cháu muốn ăn gì? Bác đi lấy cho cháu.” 

Ôn Kiều nín cười.

Tống Thời Ngộ mỉm cười: “Không cần đâu bác.”

Bác cả nhìn anh với vẻ quái dị, nghĩ mãi không rõ vì sao Tống Thời Ngộ muốn cướp đồ ăn trong tay của Ôn Kiều.

Lúc này bà Tống bước vào, nói với bọn họ: “Sao mọi người trốn hết vào trong đây thế này? Sắp đến giờ ăn cơm rồi đấy, hôm nay không ăn ở nhà, lên thị trấn ăn nhé.”

Thế là đám người xuất phát lên thị trấn để ăn cơm.

Tống Thời Ngộ lái xe, Ôn Kiều ngồi ở ghế phụ còn mẹ và bà Tống yên vị ngồi ghế sau.

Bà nội và bác cả ngồi một chiếc xe khác thuê trong thôn.

Mẹ của Tống Thời Ngộ buột miệng nói: “Con tên Bình An phải không? Năm nay con học lớp mấy rồi?”

Bình An đáp: “Học kỳ sau con vào trung học cơ sở ạ.”

Mẹ của Tống Thời Ngộ hơi sửng sốt: “Trung học cơ sở? Con mấy tuổi rồi?”

Bình An trả lời: “Năm nay con tám tuổi ạ.”

Bà Tống bật cười ha hả: “Bình An nổi danh là thần đồng từ bé, ba tuổi đã biết đọc thơ rồi.”

Mẹ Tống Thời Ngộ thắc mắc: “Thế giờ con học ở đâu?”

Bình An: “Lâm Xuyên ạ.”

Bà Tống: “Bình An được Kiều Kiều một tay nuôi nấng, ba tuổi đã theo Kiều Kiều rồi.”

Mẹ của Tống Thời Ngộ có chút kinh ngạc, không khỏi liếc nhìn ghế phụ. Nói thật, bà không có ấn tượng xấu với Ôn Kiều, mặc dù ngoại hình không quá nổi bật nhưng rất ưa nhìn, dáng vẻ hào phóng, khi đứng cùng Thời Ngộ cũng rất đẹp đôi. Ngoại trừ hoàn cảnh gia đình không tốt, trình độ không cao thì thật sự nhìn bề ngoài không thể bởi móc được khuyết điểm gì.

Hơn nữa mấy năm nay bà cũng sốt ruột vì chuyện kết hôn của Tống Thời Ngộ lắm rồi.

Điều kiện của Tống Thời Ngộ có tốt đến đâu thì cũng vô dụng nếu anh không chịu tìm người để kết hôn.

Mấy năm nay quả thực là bà đã nợ anh nhiều, dù là tuổi thơ hay thời niên thiếu bà đều không thể ở bên anh. Những năm này anh không tiêu một đồng tiền nào trong gia đình, dù là đi học hay khởi nghiệp, thế nên bây giờ bọn họ cũng không thể nào chen vào chuyện của anh và có quyền quyết định được.

Bây giờ dù bà có không thích, không mong muốn đến đâu thì cũng chẳng thể phản đối, vì Tống Thời Ngộ chắc chắn sẽ không nghe theo bà ấy.

Nhưng cũng may, sau khi đến nhà Ôn Kiều thì trong lòng bà mới cảm thấy dễ chịu hơn một chút.

Tuy môi trường sống và điều kiện của gia đình này tệ hơn bà ấy tưởng tượng nhưng những thành viên trong nhà lại khác xa với những gì bà nghĩ trước đó. Trong suy nghĩ của bà, cả gia đình hẳn là sống một cuộc sống khốn khó nên toàn người già yếu bệnh tật, song hiện thực lại khác một trời một vực với suy nghĩ đó của bà.

Bà nội của Ôn Kiều là một người phụ nữ quê mùa, cả đời chưa từng lên thành phố và không biết chữ, nhưng lại rất quy củ rõ ràng, không khiêm tốn cũng không hống hách, tuy nói là nhà họ trèo cao nhưng thần thái lại rất ung dung thản nhiên.

Ban đầu người bà ấy lo nhất là bác cả có vấn đề về trí tuệ, ấy mà sự lễ phép hiểu chuyện của ông ấy đã khiến bà phải giật mình. Toàn thân gọn gàng sạch sẽ, mặc dù nhìn qua là có thể nhận ra không giống người bình thường vì từ đôi mắt tới vẻ mặt đều toát lên vẻ ngây ngô của trẻ con. Nếu lần đầu nhìn thấy sẽ cảm thấy hơi kỳ lạ khi một người đàn ông có vẻ ngoài trưởng thành khôi ngô lại có nét mặt ngây thơ hồn nhiên, song nhìn lâu cũng dần quen.

Trước khi đến, bà ấy vốn cho rằng người đàn ông này sẽ gây phiền phức vì không kiểm soát được hành động, nhưng khi thấy ông ấy hoàn toàn có khả năng giao tiếp, phục vụ trà nước rất giỏi nhưng tính cách lại như một đứa trẻ thì bà ngạc nhiên vô cùng. Nhìn thế, bà cũng hiểu rằng để dạy bảo thành công như vậy đã phải tốn bao nhiêu tâm huyết và sự kiên nhẫn mới có thể đạt được.

Về phần Bình An, sau khi biết cậu bé là con trai của bác cả, bà ấy không khỏi lo lắng rằng liệu cậu bé có bị suy giảm về trí tuệ không nữa.

Nhưng giờ biết được cậu bé không chỉ không bị suy giảm trí tuệ mà còn là một thần đồng.

Phải biết rằng, dù từ bé đến lớn Tống Thời Ngộ học rất giỏi, kể cả đạt thủ khoa khi thi đại học thì cũng phải đi lên từng lớp một, chưa từng vượt lớp.

Đó là niềm kiêu ngạo bấy lâu nay của bà. Bây giờ phát hiện Bình An mới chỉ tám tuổi đã vào cấp hai, sau khi sự khó tin qua đi là cảm giác chua chát.

Nhưng cậu bé này thật sự rất xinh xắn.

Xinh xắn thông minh thế này, lại còn ngoan ngoãn lanh lợi nữa chứ.

Dù sâu trong lòng bà ấy cảm thấy hơi chua xót nhưng vẫn không kìm được sự yêu thích với cậu bé.

“Vất vả cho cháu rồi.” Bà ấy nhẹ nhàng nói với Ôn Kiều, giọng điệu cũng dịu đi không ít.

Không nói những thứ khác thì đức tính của Ôn Kiều hoàn toàn không có chỗ để chê. Nếu không sẽ không sẵn sàng gánh trên lưng gánh nặng lớn như vậy khi còn nhỏ và dạy dỗ đứa trẻ này tốt như vậy.

Ôn Kiều ngẩn người, được quan tâm mà có phần lo sợ bèn nói: “Không đâu ạ…”



Sau bữa ăn này, mọi việc cần quyết định về cơ bản đã được giải quyết xong, thái độ của mẹ Tống Thời Ngộ cũng dịu đi rõ rệt.

Tuy nhiên, khi nghe Tống Thời Ngộ nói muốn kết hôn vào tháng mười hoặc tháng mười một, bà ấy vẫn rất ngạc nhiên hỏi: “Bây giờ là tháng tám, chỉ hai tháng nữa là tháng mười rồi, vậy có gấp quá không?”

Tống Thời Ngộ gắp một miếng thịt gà vào bát của Ôn Kiều rồi thong thả đáp lại: “Không gấp. Đủ thời gian.”

Mẹ anh không nói được gì nữa.

Cơm đã ăn xong, chuyện cần bàn cũng bàn xong.

Lễ đính hôn cũng giống như đám cưới, phải đặt trước hai bữa tiệc, một ở nhà và một ở Lâm Xuyên để chiêu đãi họ hàng hai bên.

Vì thời gian Tống Thời Ngộ lên lịch tổ chức hôn lễ đã gần kề nên gia đình đã chọn một ngày gần đó để làm lễ đính hôn, cũng là ngày kia.

Ở quê của Ôn Kiều, lễ đính hôn chỉ để chiêu đã cho họ hàng. Nhà Ôn Kiều không nhiều họ hàng nên chỉ cần hai ba bàn là đủ.

Ôn Kiều cũng thông báo cho Lê Tư Ý và Mục Thanh, bảo bọn họ không cần tới vì còn tổ chức ở Lâm Xuyên một lần nữa.

Không ngờ tuy Mục Thanh và Lê Tư Ý đồng ý nhưng cả hai đều lần lượt đến, Mục Thanh đến sớm trước một ngày còn Lê Tư Ý và Diêu Tông đến vào sáng hôm sau.

Lúc Lê Tư Ý nhìn thấy Mục Thanh thì lập tức trợn tròn mắt, thậm chí cô ấy còn lén hỏi Ôn Kiều rằng có phải chỉ gọi Mục Thanh đến còn cô ấy thì không không, đúng lúc ấy Mục Thanh nghe thấy bọn họ nói bèn bảo.

“Cậu ấy bảo tôi đừng tới nhưng tôi vẫn muốn tới, người bạn thân nhất của tôi đính hôn nên dù có bận thế nào tôi cũng phải đến.” Mục Thanh nói, mỉm cười nắm lấy tay Ôn Kiều trước mặt Lê Tư Ý, dáng vẻ khiêu khích tranh giành tình cảm.

Lê Tư Ý lập tức trút bỏ vẻ giận dỗi khi đứng trước mặt Ôn Kiều và đổi sang nét mặt lạnh lùng cao quý rồi nhướng mày: “Trùng hợp thế sao, tôi cũng nghĩ thế đấy. Dẫu sao thì tôi và Kiều Kiều đã quen nhau từ hồi nghỉ hè năm hai trung học rồi cơ.”

Ôn Kiều nói với Mục Thanh với vẻ bất đắc dĩ: “Cậu trêu cậu ấy làm gì.”

Mục Thanh nhướng mày cười nói: “Vui mà.”

Lúc thấy mẹ của Tống Thời Ngộ, Mục Thanh đưa cho bà ấy một tấm danh thiếp rồi nói: “Chào cô ạ, cháu là bạn cấp ba của Kiều Kiều, cũng là bạn thân nhất của cậu ấy.”

“Chào cháu.” Mẹ của Tống Thời Ngộ nhìn tờ danh thiếp trong tay, có phần bất ngờ vì không ngờ Ôn Kiều lại có người bạn là nhà sản xuất của một đài truyền hình lớn như thế.

Rồi nhìn thấy dáng vẻ cũng rất gần gũi của Lê Tư Ý với Ôn Kiều, bà ấy lại càng ngạc nhiên hơn nữa.

“Tư Ý, con có quen Ôn Kiều à?” Mẹ của Tống Thời Ngộ hỏi.

Mẹ của Lê Tư Ý là bạn cấp ba của bà ấy, sau này cả hai người đều lấy chồng ở Lâm Xuyên nên nhiều năm nay hai gia đình có mối quan hệ rất tốt. Bà cũng nhìn Lê Tư Ý từ bé đến lớn nên tính cách cô ấy thế nào rất rõ. Mặc dù nghịch ngợm và thích vui đùa nhưng lại có rất ít bạn bè thân thiết, với những người không thích thì thật sự là con bé chẳng bao giờ để tâm tới.

Bây giờ thấy Lê Tư Ý với Ôn Kiều gần gũi thân thiết như vậy, thậm chí còn luôn bám dính lấy Ôn Kiều, đó là hành động với người mà con bé yêu quý.

“Dì à, tất nhiên là con quen rồi! Con với Kiều Kiều là bạn thân mà, chúng con biết nhau từ thời cấp ba nhưng gần đây mới liên lạc lại.” Lê Tư Ý nói xong còn không quên khen ngợi Ôn Kiều: “Dì à, Thời Ngộ lấy được Kiều Kiều là phúc ba đời của anh ấy đó. Nếu con mà là đàn ông thì con cũng muốn lấy cậu ấy làm vợ.”

Mẹ của Tống Thời Ngộ nghe xong cảm thấy có chút khó chịu, bà đã chuẩn bị rất nhiều tâm lý để tiếp nhận gia đình này, bây giờ lại còn nghe nói là Thời Ngộ thật may mắn khi cưới được Ôn Kiều nữa. Bà tỏ ra thoải mái nhưng trong lòng không mấy vui vẻ, trên mặt vẫn mang ý cười: “Vậy à? Con bé tốt đến thế sao, thế mà dì còn chưa thấy đấy.”

Lê Tư Ý cười tủm tỉm đáp: “Thế dì cứ từ từ mà khám phá thôi, Kiều Kiều là kho báu cần khai quật từ từ.”

Mẹ của Tống Thời Ngộ: “...”

Trong lòng bà cảm thấy Lê Tư Ý không đáng tin nên lại bắt Diêu Tông để dò la.

Diêu Tông hoàn toàn không được thông báo về việc đính hôn của Tống Thời Ngộ, sau khi biết tin từ Lê Tư Ý thì cũng đi theo cô ấy luôn.

Đến lúc nghe mẹ của Tống Thời Ngộ hỏi bóng hỏi gió, Diêu Tông lập tức khen Ôn Kiều không ngớt lời.

“Dì ơi, Thời Ngộ mà giao cho Ôn Kiều thì dì cứ yên tâm đi.”

Mẹ Tống Thời Ngộ im lặng một lát, bỗng nghi ngờ hỏi: “Có phải Thời Ngộ bảo cháu nói thế không?”

Diêu Tông lập tức giơ tay làm dáng thề thốt: “Dì à, tuyệt đối không phải Thời Ngộ dạy cháu đâu, tất cả là cảm nhận thật sự của cháu mà.” Anh ấy nói rồi ra hiệu cho mẹ Tống Thời Ngộ nhìn Tống Thời Ngộ đang bị họ hàng của Ôn Kiều vây quanh: “Dì xem kìa, không lẽ dì không nhận thấy Thời Ngộ khác trước đây nhiều lắm sao?”

Mẹ Tống Thời Ngộ nhìn theo.

Bên kia Tống Thời Ngộ đang bị một một đám đông họ hàng của Ôn Kiều vây quanh, bởi vì đang là kỳ nghỉ hè nên có rất nhiều trẻ con đến gây ồn ào, chỉ nhìn thôi bà đã phải cau mày huống chi là Tống Thời Ngộ. Trước đây anh ghét nhất là bị người khác vây quanh như động vật trong sở thú, nhưng giờ phút này lại vô cùng kiên nhẫn, trên mặt mang theo ý cười mà không phải nụ cười qua loa lịch sự như bình thường.

Một người mẹ luôn có thể biết được con mình thực sự hạnh phúc hay giả vờ hạnh phúc, bà có thể dễ dàng nhận ra rằng anh đang thực sự hạnh phúc.

Anh luôn nắm tay Ôn Kiều như sợ buông tay ra sẽ không tìm được cô, khi nói chuyện với người khác cũng thường đột nhiên quay đầu lại nhìn cô, sự quan tâm và yêu thương mà anh thể hiện một cách tự nhiên khiến một người mẹ như bà nhìn thấy cảnh này cảm thấy vui mừng nhưng cũng không tránh khỏi có chút chua xót.

“Dì à. Cháu cháu thực sự mừng cho Thời Ngộ bởi vì cậu ấy đã đợi mười năm, cuối cùng cũng đợi được ngày này. Dì cũng nên mừng cho cậu ấy ạ."

Mẹ Tống Thời Ngộ đang suy tư, bỗng nhiên nhìn Diêu Tông với ánh mắt có phần trách móc: “Dì vốn mừng rồi.”

Diêu Tông bật cười vỗ vào miệng mình: “Vâng ạ, tất nhiên là dì mừng rồi, không chừng sắp sửa được bế cháu trai cháu gái rồi ấy chứ.”

Mẹ của Tống Thời Ngộ nghe được câu này thì nở nụ cười thật lòng: “Vậy thì xin nhận câu chúc quý của cháu.”

Bà lại tiếp tục nhìn Tống Thời Ngộ đang ngồi trong đám đông, bỗng nhận ra mấy năm nay bà đã bỏ lỡ quá nhiều.

Nhưng cũng may là vẫn còn cơ hội bù đắp.

Bà lại nở nụ cười rồi chủ động đi về phía mọi người.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện