Ở thành phố Lâm Xuyên, thời tiết vào tháng bảy nóng bức đến mức có thể nung chảy đế giày.

Đường Tây Ngũ cực kỳ nhộn nhịp về đêm, song ban ngày lại hơi vắng vẻ.

Phố Đông trên đường Tây Ngũ cũng được gọi là một con phố bar, chỉ cần trời tối thì những ánh đèn neon đẹp mắt lại sáng bừng lên, bất kể xuân hạ thu đông, nơi đây luôn có tiếng người rộn rã, náo nhiệt vô cùng. Những người trẻ tuổi thích chơi đùa nhất ở khắp thành phố đều gọi bạn gọi bè tụ tập về đây vào buổi tối.

Đối diện phố bar chính ​​là một con phố ẩm thực tuyệt vời. Sau khi đi quẩy đến mệt nhoài trong quán bar, bụng đã đói cồn cào, vả lại cũng chẳng muốn kết thúc buổi đêm sôi động này quá sớm nên mọi người sẽ tìm một cửa hàng để ăn uống một bữa no nê. Vì vậy, buổi tối chính là thời điểm kinh doanh tốt nhất của con phố ẩm thực này. Vào thứ bảy lẫn chủ nhật, cho dù đã hai, ba giờ sáng thì việc bán buôn cũng vẫn rất nhộn nhịp, cho dù tiền thuê mặt bằng tăng cao hàng năm thì người ta vẫn không thể nào thuê được.

Nhưng đối lập với sự tưng bừng về đêm, phố Đông ở đường Tây Ngũ vào ban ngày quạnh quẽ hơn nhiều.

Mặc dù có phố đi bộ cách đó chỉ vài trăm mét nhưng vào một ngày nắng nóng như vậy, bên ngoài giống như một lò thiêu ngoài trời. Ngay cả những cô gái đi mua sắm lúc mặt trời chói chang đã nhô lên đ ỉnh đầu cũng thà đi shopping trong trung tâm thương mại có máy điều hòa đầy đủ chứ chẳng muốn ra ngoài, để rồi chịu cảnh phơi nắng gay gắt trong một ngày nóng nực.

Thực ra các cửa hàng có mặt tiền nằm ven đường vẫn có khá nhiều thực khách nhưng càng đi sâu vào trong đường số 2 ở phố Đông thì càng thêm vắng lặng hơn.

Hầu hết các cửa hàng trên đường số 2 đều kinh doanh vào ban đêm, mở cửa vào buổi chiều rồi buôn bán đến tận ba bốn giờ sáng, còn ban ngày thì đóng cửa, các chủ quán đều ở nhà để ngủ bù.

Mà lúc này, vào mười hai giờ trưa, một trong số các cửa hàng kia đang tất bật nấu nướng.

Ôn Kiều đứng trước bếp lò, trong tay cầm một cái nồi sắt to tướng, vừa nhìn đã thấy rất nặng. Bàn tay đang cầm cái nồi sắt kia trông có vẻ nhỏ bé và trắng ngần, chẳng có chút sức lực nào cả. Nhưng mà động tác khi xoay nồi lại thuần thục, thoải mái vô cùng, những đường cong cơ bắp trên cánh tay lúc ẩn lúc hiện nương theo chuyển động của cô.

Cái nồi sắt lớn trong tay cô tựa như một món đồ chơi trẻ con, mặc cho cô tung lên nảy xuống. Trong lúc đảo thìa, cô vừa cầm chiếc thìa nấu ăn lớn bằng inox trong tay phải vừa lấy đủ loại gia vị từ mấy cái bát đựng gia vị khác nhau trước mặt mình một cách thành thạo rồi rắc vào nồi. Dù cô chỉ thuận tay múc chúng lên nhưng trọng lượng lại chẳng sai lệch tí nào.

Trong cửa hàng không có máy điều hòa, hai chiếc quạt đứng cỡ lớn đều đặt trong góc phòng chứ không bật lên. Chiếc quạt trần treo trên nóc nhà đang thổi cọt kẹt, chỉ có một làn gió mát nhè nhẹ thổi xuống dưới mà thôi.

Mái tóc dài đen nhánh được buộc gọn gàng sau đầu, chỉ có vài sợi tóc nhỏ lòa xòa dán trên làn da trắng nõn của vầng trán ướt đẫm mồ hôi, trên chóp mũi cũng rịn ra những giọt mồ hôi li ti. Khuôn mặt trắng muốt cũng bị hơ nóng đến mức đỏ bừng. Nhưng dường như cô không hề cảm thấy nóng nực mà chỉ nhanh nhẹn bày biện thức ăn đã được nấu chín trong nồi vào hộp cơm mang đi đã chuẩn bị sẵn gần đó với vẻ mặt tập trung, chẳng làm đổ một giọt canh nào cả. Cô rướn một bả vai lên cao để lau mồ hôi trên mặt vào vai mình, sau đó quay người hô to: “San San, đóng gói đi!”

Miệng thì nói chuyện, mà công việc trên tay cô cũng chẳng dừng. Cô nhanh chóng rửa nồi rồi chuẩn bị món ăn tiếp theo.


...

Bên kia, Tạ Khánh Phương đang ngủ mơ màng thì bị điện thoại đánh thức. Đối phương nói rằng xe giao hàng đã tới nơi rồi nên kêu bà ấy sang đây mở cửa. Thế là tóc tai cũng chưa thèm chải chuốt, Tạ Khánh Phương vừa tới đây vừa chửi mát suốt dọc đường dưới cái nắng gay gắt giữa trưa.

Đừng trách bà ấy mắng chửi người khác.

Đêm hôm trước Tạ Khánh Phương đã bận rộn đến tận năm giờ sáng mới đóng cửa về nhà. Lúc đầu đối phương vốn hứa là sẽ giao hàng sau một giờ chiều, thế mà rốt cuộc họ lại đánh thức bà ấy trong khi lúc này còn chưa tới mười hai giờ.

Tạ Khánh Phương có một cửa hàng bán cá nướng trên đường số 2 ở phố ẩm thực. Giống như hầu hết các cửa hàng khác trên đường số 2, cửa hàng của bà ấy cũng chỉ buôn bán vào ban đêm cho nên tới bốn giờ chiều hàng ngày, Tạ Khánh Phương mới mở cửa kinh doanh.

Bà ấy chạy một mạch tới mở cửa, vừa chửi kháy vừa nhìn vào tài xế trẻ tuổi tới đây giao hàng. Tất nhiên Tạ Khánh Phương cũng chẳng bày ra sắc mặt hòa nhã với đối phương, vừa mở cửa vừa quở trách với biểu cảm sa sầm.

Người lái xe giao hàng hãy còn trẻ, là một thanh niên tầm đôi mươi tuổi, nước da ngăm đen, dáng người gầy gò, song các đường nét trên gương mặt lại cân đối. Vì tuổi còn nhỏ nên độ láu lỉnh còn kém xa mấy tài xế lớn tuổi - những người mà có bị mắng vài câu cũng có thể xem như gãi ngứa, làm như chẳng hề nghe thấy. Thế là cậu ấy quẫn bách đến mức đỏ mặt, hết giải thích rồi lại xin lỗi.

Cũng may là đúng lúc này, một người đã bước ra từ cửa hàng thịt nướng bên cạnh rồi giải vây cho anh chàng tài xế trẻ trung khỏi tình huống khó xử này.

“Chị Phương* ơi, chị có thể cho em mượn xe điện để đi giao thức ăn được không? Lúc nãy Tiểu Hoa vừa đi giao đồ ăn thì bị té ngã trên đường nên đã đến bệnh viện rồi. Em còn một đơn hàng cuối cùng nên phải tự đi giao một chuyến ấy mà.”

*Trong bản gốc, nữ chính gọi bà Phương là “chị”.

Giọng điệu của người nói đượm ý cười dịu dàng và mềm mại, tựa như một dòng suối mát lành đang lặng lẽ giải tỏa cơn nóng giận.

Đó là Ôn Kiều. Cô vừa xách một túi thức ăn mang đi vừa bước ra khỏi nhà, tình cờ bắt gặp Tạ Khánh Phương đang phát cáu. Ban đầu cô đã chốt mượn xe của ông chủ bán lẩu cay tê Tứ Xuyên ở phía đối diện rồi. Nhưng khi nhìn thấy tình cảnh này, Ôn Kiều bèn quyết định tạm thời mượn xe của Tạ Khánh Phương.

Sau khi nói chuyện với Tạ Khánh Phương xong, cô lại chào hỏi người tài xế trẻ tuổi một cách hết sức thân thiết: “Tiểu Châu à, cậu đã làm gì khiến chị Phương tức giận đến vậy hả?”


Trên người cô còn đeo một chiếc tạp dề màu xanh lá cây do nhà cung cấp bia tặng, trên tạp dề có in logo của hãng bia kia, còn bên trong là một chiếc áo thun cotton màu trắng đơn giản nhất, trên đầu đội một chiếc mũ lưỡi trai bằng vải jean có màu xanh nhạt, bên dưới vành mũ là một khuôn mặt nhỏ nhắn, xinh xắn và thanh tú. Dẫu không thể nói là xinh đẹp vô ngần nhưng làn da trắng nõn cùng với ngũ quan duyên dáng lại giúp mặt mũi của cô trông vừa ưa nhìn vừa dễ chịu.

Gương mặt Ôn Kiều mang theo ý cười, giọng điệu nói chuyện cũng như đang trêu chọc, giúp bầu không khí căng thẳng và ngượng ngập trước đó hòa hoãn hẳn đi.

Tuy nhiên, tài xế Tiểu Châu không hề thả lỏng mà lại hơi xấu hổ tới độ đỏ mặt, ánh mắt cũng chẳng dám nhìn vào Ôn Kiều. Với khuôn mặt đỏ bừng, cậu ấy giải thích một lần với vẻ chẳng mấy lưu loát: Vì buổi chiều còn có hàng hóa khẩn cấp khác cần phải giao nên bản thân thực sự không còn cách nào khác.

Tạ Khánh Phương cũng đang đi tới, nghe thấy lời giải thích của Tiểu Châu thì lại nổi giận, còn muốn chửi thêm vài câu nữa.

Nhưng Ôn Kiều vừa cười vừa cắt ngang: “Thảo nào chị Phương lại tức giận. Tối hôm qua chị ấy bận bịu tới tối muộn mới về nhà ngủ nên chắc chắn hôm nay ngủ không được ngon giấc rồi. Nếu đổi thành lúc bình thường thì chị Phương nhất định sẽ không nổi cáu với cậu dữ dội vậy đâu. Thời tiết nóng bức thế này, vậy mà chị Phương còn phải đội nắng gắt tới đây mở cửa cho cậu đấy. Cậu còn không mau đi mua một chai trà thảo dược để mời chị Phương uống đi.”

Tiểu Châu nghe vậy thì cảm kích nhìn cô một thoáng, lập tức đỏ mặt rồi vội vàng đồng ý không ngớt. Chẳng đợi Tạ Khánh Phương lên tiếng, cậu ấy đã đi đến siêu thị nhỏ ở đối diện để mua trà thảo dược.

Người đã đi rồi nên có muốn la mắng cũng chẳng được.

Tạ Khánh Phương vẫn chưa hết giận nhưng khi xoay mặt lại rồi đối mặt với Ôn Kiều đang tươi cười, bà ấy cũng chẳng nổi nóng được nữa mà chỉ tức tối thốt lên: “Em nói cứ như thể chị đang đòi uống trà thảo dược của cậu ta vậy.”

Ôn Kiều vẫn cười tủm tỉm: “Giận dữ nhiều sẽ có hại cho cơ thể đấy. Hôm nay trời nóng bức nên nhiệt độ con người cũng cao, cứ để Tiểu Châu mời chị uống trà thảo dược để áp chế lửa giận đi. Nó tốt cho sức khỏe mà.”

Khi cười rộ lên, đôi mắt Ôn Kiều cong cong, hai bọng mắt đầy đặn dưới mắt cũng lộ ra, trên mặt cô viết hai chữ “hiền lành” khiến người ta có cảm giác gần gũi.

Đó là một khuôn mặt dễ mến.

Đặc biệt là khi Ôn Kiều cười rộ lên.


Tạ Khánh Phương trợn mắt nhìn cô một thoáng: “Cái miệng lanh lợi của em thật biết cách nói chuyện đấy.” Mặc dù ngoài miệng nói như vậy nhưng trong lòng bà ấy cũng biết Ôn Kiều có ý tốt, vậy nên Tạ Khánh Phương bèn đổi giọng điệu rồi quay lại chủ đề chính: “Em vừa nói Tiểu Hoa bị ngã hả? Thế nào rồi? Không nghiêm trọng chứ?”

Ôn Kiều trả lời: “Chắc là không nghiêm trọng lắm đâu. Em bảo em ấy tới bệnh viện trước rồi.”

Tạ Khánh Phương lại nhìn vào số đồ ăn mang đi trong tay cô: “Em tự đi giao đồ ăn mang về luôn à? Trần San San đâu rồi?”

Tạ Khánh Phương vừa nói vừa liếc nhìn bên trong cửa hàng của Ôn Kiều, sau đó lập tức trông thấy cô gái tên Trần San San kia đang ngồi ở nơi có quạt thổi và nghịch điện thoại di động trong quán của Ôn Kiều. Trái ngược, bà chủ là Ôn Kiều lại đổ mồ hôi đầy mặt, bất chấp ánh nắng chói chang để đi giao đồ ăn. Vì thấy chướng mắt nên Tạ Khánh Phương đã cố tình cất cao giọng: “Em thuê nhân viên phục vụ hay là mời tổ tiên về để cúng bái thế hả? Tại sao công việc nào cũng tới tay một bà chủ như em vậy?”

Trần San San đang ngồi bên trong cửa hàng cũng chẳng hề ngẩng đầu lên, như thể cô ta không nghe thấy gì cả mà chỉ tiếp tục cúi đầu nghịch điện thoại của mình.

Lại là Ôn Kiều mỉm cười rồi giải thích một cách tốt tính: “San San không biết lái xe điện đâu. Chị Phương à, chị mau đưa chìa khóa cho em đi, em còn phải tranh thủ đi giao đồ ăn nữa.”

Tạ Khánh Phương liếc nhìn Ôn Kiều với biểu cảm chỉ tiếc rèn sắt không thành thép, sau đó đành phải đi vào trong để lấy chìa khóa cho cô.

Bên kia, Tiểu Châu cũng đã mua trà thảo dược xong rồi quay lại. Trên tay cậu ấy cầm hai chai nước, vừa tới đây đã đỏ mặt đưa một chai cho Ôn Kiều trước.

Ôn Kiều không nhận mà chỉ mỉm cười xua tay: “Tôi không cần đâu, cậu tự uống đi.” Dứt lời, cô cất đồ ăn mang về vào chiếc hộp giữ nhiệt ở phía sau xe điện, nhận chìa khóa từ tay Tạ Khánh Phương, sau đó mỉm cười rồi nói lời cảm ơn: “Cám ơn chị Phương nhé. Vậy em đi trước đây.”

“Lái xe chầm chậm thôi nhé, chú ý an toàn đấy.” Tạ Khánh Phương giao chìa khóa cho cô, nhịn không được nên lại hỏi: “Ôn Kiều, chẳng phải việc kinh doanh buổi tối của em đã rất tốt rồi à? Tại sao em còn làm việc một cách liều mạng đến vậy chứ? Buổi tối thì làm lụng đến tận ba giờ sáng, ban ngày còn dậy sớm như vậy để bán thức ăn mang về nữa. Em đến đây mở quán mới được bao lâu đâu chứ? Thế mà em đã gầy đi rất nhiều rồi đấy.”

Ôn Kiều ngồi trên xe điện, đang định khởi động xe thì lại nghe thấy câu nói này của Tạ Khánh Phương, thế là cô chỉ mỉm cười cho qua chứ chẳng cho là đúng: “Đâu có nghiêm trọng đến vậy đâu. Em đi trước nhé!”

...

Mức độ làm việc cực nhọc đôi chút thế này thực sự chả là gì đối với Ôn Kiều cả.

Những năm gần đây, mấy công việc cô đã làm đều không được thoải mái như công việc hiện tại. Hơn nữa bây giờ cô đang làm việc cho chính mình, tất cả số tiền kiếm được đều vào túi của cô, mỗi ngày Ôn Kiều đều có năng lượng vô tận thì làm sao cô có thể cảm thấy vất vả cho được?

Ba tháng trước, cô đã thuê cửa hàng này ở phố ẩm thực, nơi đây chỉ cách phố bar ​​ một con đường, tuy việc buôn bán không sầm uất như con phố chính ở phía trước nhưng lượng người qua lại cũng rất khả quan, thời gian càng muộn thì việc kinh doanh càng tốt, đặc biệt là vào cuối tuần, đã hai ba giờ sáng nhưng trên đường vẫn còn người đến kẻ đi, trong cửa hàng cũng đầy tiếng người rộn rịp.

Ôn Kiều nằm vùng ở đây chưa đầy nửa tháng để khảo sát thực tế, cuối cùng mới cắn răng tiêu một số tiền lớn để chuyển giao cửa hàng này.


Trước đây cửa hàng này cũng là một quán bán đồ nướng khuya, bởi vì đủ loại nguyên nhân khiến chuyện kinh doanh ế ẩm nên đã đóng cửa. Tuy nhiên, các dụng cụ trong phòng bếp cùng với bàn ghế đều đã có sẵn rồi, ban đầu chủ quán nóng lòng muốn bán đi nên Ôn Kiều đã thu mua với giá thấp hơn nhiều so với giá cả thị trường. Sau khi sửa sang lại một chút, cô bèn đổi thành biển hiệu mới, đồng thời còn tìm hai người cùng quê đến đây giúp đỡ, cứ như vậy mà mở cửa hàng kinh doanh.

Vì mới khai trương, hơn nữa khu vực gần đây có khá nhiều khách quen vui chơi, bọn họ đều thích chen chúc ở những chốn đông người nên việc kinh doanh của quán cá nướng cùng với tiệm lẩu xiên que gần đó cực kỳ phát đạt, còn cửa hàng của cô lại bị kẹp ở giữa nên hoạt động kinh doanh có một dạo rất ảm đạm và ế ẩm.

Nửa tháng trước, ngày nào cửa hàng cũng bị lỗ, chỉ riêng việc lãng phí nguyên liệu nấu ăn mỗi ngày cũng đã là con số không nhỏ rồi. Ôn Hoa – người trong nhà mà cô đã rủ tới đây để hỗ trợ - cũng cảm thấy lo lắng cho cô. Thế nhưng Ôn Kiều – người ngày nào cũng lỗ vốn – lại mở cửa kinh doanh như thường lệ mỗi ngày, khuôn mặt luôn nở nụ cười như thể cô không hề lo lắng chút nào cả.

Các chủ cửa hàng gần đó đều cho rằng: Cửa hàng khai trương chưa được ba tháng thì Ôn Kiều sẽ phải bỏ chạy lấy người thôi.

Thực ra chẳng phải lí do nào khác mà là bởi: Mặt bằng của cửa hàng này vốn dĩ đã hết sức bất thường rồi.

Thoạt nhìn thì vị trí cũng không tệ lắm nhưng mỗi năm đều phải thay đổi hai hoặc ba người chủ cửa hàng, cho dù buôn bán thứ gì cũng có nhưng nhiều nhất họ cũng chỉ chống đỡ được nửa năm thôi, sau đó lập tức đóng cửa rời đi. Đúng là không thể nào kinh doanh nổi.

Cũng chính vì nguyên nhân này nên mới đến lượt Ôn Kiều thuê mặt bằng này.

Nhưng chẳng ai ngờ rằng: Đến tháng thứ hai, công việc kinh doanh của Ôn Kiều cũng dần dần chuyển biến tốt đẹp hơn.

Ôn Kiều cũng chẳng bao giờ ăn bớt ăn xén nguyên liệu cả. Nguyên liệu nấu ăn mà cô sử dụng cực kỳ tươi mới, hàm lượng đầy đủ, quan trọng nhất là hương vị quả thực rất ngon. Cả trong lẫn ngoài phố vẫn còn vô số cơ sở kinh doanh đồ nướng. Trước khi mở cửa hàng này, Ôn Kiều đã tới từng nơi một để nếm thử tất cả rồi. Dựa vào gu của chính mình, cô chẳng thấy món nào ngon hơn khẩu vị của mình nên mới quyết định thuê cửa hàng này.

Quả nhiên, khách lạ từ từ trở thành khách quen, mà khách quen lại dẫn theo khách hàng mới, công việc kinh doanh bắt đầu càng ngày càng tốt hơn. Sau khi trừ tiền thuê nhà cùng các loại chi phí từ số tiền mà cô kiếm được tháng trước, Ôn Kiều vẫn kiếm được một ít lợi nhuận, tuy rằng chẳng nhiều nhặn gì nhưng Ôn Kiều tin rằng chuyện kinh doanh nhất định sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Ôn Kiều thở phào nhẹ nhõm. Mặc dù hai tháng qua trên mặt cô vẫn luôn tươi cười nhưng mà buổi tối, khi về nhà tính toán, cô cũng cảm thấy cực kỳ áp lực. Để mua được cửa hàng này, chưa kể tới việc Ôn Kiều đã phải bỏ ra toàn bộ số tiền mà mình tích góp được trong mấy năm qua, cô còn phải cắn răng mượn thêm một ít nữa. Vất vả lắm gia đình cô mới trả hết số nợ trong nhà, thế mà lại phải gánh vác thêm một khoản nợ vì cửa hàng này. Nếu chuyện làm ăn vẫn không khả quan thì số tiền mà cô có trong tay cũng chẳng thể chống đỡ được bao lâu.

May mà hết thảy đều đang phát triển theo chiều hướng tốt.

Nếu không phát sinh chuyện ngoài ý muốn thì chỉ cần Ôn Kiều cần mẫn thêm một chút nữa, biết đâu trong vài năm tới, cô có thể mở được một nhà hàng nhỏ, lại tiếp tục tiết kiệm chút tiền, đợi đến khi trong tay dư dả hơn thì thay vì mua nhà, trước tiên cô sẽ thuê một căn nhà tốt hơn một chút. Đến lúc đó, Ôn Kiều sẽ đón bà nội và bác cả tới đó, cả nhà sum họp, thế là cô đã cảm thấy hài lòng thỏa dạ rồi.

Nhưng cuộc đời lại giáng một đòn vào đầu Ôn Kiều trong lúc cô chẳng hề phòng bị mảy may.

Vào thời điểm cô đang đeo tạp dề và xách theo đồ ăn mang đi, cả người đầy mùi khói dầu, dòng đời đã xui khiến cô gặp lại người bạn trai cũ có khí chất quý phái với bộ âu phục, giày da trong thang máy của một tòa nhà văn phòng cao cấp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện