Triệu Hâm chỉ xem Lâm Vận như một nốt nhạc lệch, sau khi những lời đồn đãi khiến cho nàng cảm thấy mất tự nhiên kia hoàn toàn biến mất, nàng liền vứt đối phương ra sau đầu, không nghĩ tới nửa tháng sau, nàng lại tiếp tục nghe thấy cái tên Lâm Vận này.

Nàng thưởng thức quan sát chiếc bình nhỏ có dáng vẻ vô cùng quen thuộc trong tay.

Trưởng sử của phủ công chúa cung kính lên tiếng, "Nghe nói đây là loại nước hoa đang nổi danh trong kinh thành, khác với các loại nước hoa trước, loại nước hoa này được đựng trong một chiếc bình nhỏ tên là pha lê."

9526: "......" Mấy hệ thống tiền bối từng nói, người xuyên không thích lăn lộn nhất, hoá ra không phải là lừa nó.

Triệu Hâm hứng thú ngắm nhìn thứ được gọi là pha lê thành phẩm của công nghệ thời đại này, ừm, không thuần tịnh bằng lưu li do Tây Vực tiến cống, tạp chất cũng tương đối cao, nhưng lưu li của Tây Vực thuộc về trường hợp hy hữu, nên thứ được gọi là pha lê này vẫn hấp dẫn sự chú ý của rất nhiều người, nhận xét một câu thiên kim nan cầu[1] cũng không quá đáng.

Chẳng qua Triệu Hâm sẽ không mua, cái này cũng không phải do người của phủ công chúa mua, mà là người khác dâng tặng, Triệu Hâm thân là Lạc Hà công chúa, người muốn xây dựng mối quan hệ tốt với nàng không ít, đáng tiếc Triệu Hâm điệu thấp, bình thường không thích ra ngoài, thành ra cũng hiếm khi qua lại với các quý tộc tôn thất đó.

"Nghe nói người chế tạo ra nước hoa và pha lê này, chính là vị Lâm công tử kia." Tuy rằng trưởng sử vẫn giữ nguyên danh xưng Lâm công tử, nhưng thái độ lại thập phần khinh miệt, cho dù hắn chỉ là một nô tài, cũng nhịn không được cảm thấy xem thường Lâm Vận, bản thân là thư sinh, không sử dụng học thức tài hoa của mình xây dựng đất nước, ngược lại đi nghiên cứu những thứ này, quả thực là khiến cho người ta chê cười.

Nếu có ai đấy muốn Triệu Hâm nêu ý kiến, thì câu trả lời của nàng đương nhiên là bởi vì hắn không có danh, nên chuyển sang tìm kiếm lợi.

Ha hả, nàng còn chưa nghĩ ra cách chơi chết hắn, hắn đã tự tìm đường chết rồi, Triệu Hâm vừa tuỳ ý ban thưởng lọ nước hoa pha lê cho một vị thị nữ thích nó, vừa cười lạnh.

Triệu Hâm suy đoán không sai, danh khí của Lâm Vận hiện tại so với lúc hắn mới đến kinh thành còn không ổn hơn nhiều,

Tự mình kinh doanh, chẳng khác gì tự mình cắt đứt con đường khoa cử của bản thân, trở thành ngự dụng nhàn nhân[2] xong bị biếm, hắn chỉ không được hoàng đế Triệu Tấn trọng dụng, nhưng hiện tại, đừng nói là tham gia khoa cử, e rằng toàn bộ thư sinh trong kinh thành đều khinh thường tiếp xúc với loại người tham đắm ngũ dục[3] như hắn.

Lâm Vận thì hiển nhiên không thèm để ý, hắn đến từ hiện đại, không có thành kiến gì đối với kinh thương, thậm chí còn cảm thấy sở hữu gia tài phú khả địch quốc[4] chính là một loại kiến công lập nghiệp[5], trong tay có tiền, thanh danh gì đó chỉ là gió thoảng mây bay.

Hắn vẫn còn nhung nhớ chuyện chuộc thân cho những mỹ nhân từng qua lại với mình, ai, mấy tú bà đó quả thực quá tham lam, vừa mở miệng đã là hơn vạn lượng, chẳng qua sao Lâm Vận có thể mặc kệ những mỹ nhân ấy ở lại nơi như vậy ép dạ cầu toàn chứ.

Kim Sơn Hải vốn dĩ muốn khuyên can, bản thân hắn còn hy vọng con cháu của mình sẽ dựa vào con đường khoa cử để thoát khỏi thân phận thương nhân, Lâm Vận thân là một vị đại tài tử lại làm ngược lại, tuy Kim Sơn Hải không rõ lý do, nhưng hắn vẫn cho Lâm Vận mượn một số tiền gây dựng sự nghiệp.

Nước hoa và pha lê nổi danh khắp kinh thành, khiến cho Kim Sơn Hải vừa vui mừng vừa lo lắng.

Vui mừng vì tiền vào như nước, lại lo lắng cục diện hiện tại không thể kéo dài, Kim Sơn Hải hiểu đạo lý thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội[6], Lâm Vận trái lại không quá quan tâm, hắn là đại thi nhân, ngự dụng nhàn nhân tiền nhiệm, ai dám gây chuyện với hắn.

Dưới chân thiên tử, trọng địa kinh thành, quả thực không có ai dám quang minh chính đại[7] chiếm đoạt tài sản của người khác, chẳng qua không quang minh được, thì có thể làm âm thầm nha, huống chi trước đây Lâm Vận từng đắc tội với không ít hậu duệ quý tộc tôn quý, nếu hắn thông minh một chút, nhanh chóng rời khỏi kinh thành thì bỏ đi, bằng không, chỉ cần ngày nào Lâm Vận còn ở lại nơi này, ngày đó vẫn có rất nhiều người xếp hàng xử lý hắn.

Không bao lâu sau đã có người chủ động bày tỏ ý muốn được hợp tác với Lâm Vận, ban đầu Lâm Vận không đồng ý, hắn là người hiểu rõ giá trị của nước hoa và pha lê nhất, hắn phân chia lợi nhuận cho Kim Sơn Hải, là bởi vì tình nghĩa ngày xưa, còn người khác đừng hòng chiếm tiện nghi[8] của hắn.

Nhưng đối phương cũng không dễ dàng chịu thua, sau lưng liên tục bày mưu tính kế[9] làm khó dễ[10] Lâm Vận, trước mặt lại đưa tay ra giúp đỡ, hiển nhiên bọn họ từng nghiên cứu tính cách của Lâm Vận, biết người này ích kỷ háo sắc, vừa dễ bị lừa gạt vừa dễ tin người, liền cố ý để Lâm Vận nhìn thấy tiểu thư của bọn họ.

Cứ như vậy, đừng nói là cảm ơn, Lâm Vận sắp trở thành thông gia với bọn họ luôn rồi.

Ngày nạp tiểu thư của Đổng gia làm thiếp, Lâm Vận còn cảm thấy Đổng gia nhìn xa trông rộng[11], tri tình thức thú[12], không có cưỡng cầu vị trí chính thê.

Tuy rằng Kim Sơn Hải cảm thấy mọi chuyện có vẻ quá trùng hợp, nhưng hắn chỉ là một thương nhân nhỏ, nhìn không ra Đổng gia có âm mưu gì. Huống chi hiện tại mối quan hệ giữa Đổng gia và Lâm Vận có thể nói là gần gũi hơn hắn nhiều.

Sau khi thành thân, Lâm Vận liền hào phóng đưa mấy cửa hàng của mình cho tiểu thư của Đổng gia, đối xử với mỹ nhân đương nhiên không thể keo kiệt, hơn nữa, trong đầu hắn có rất nhiều ý tưởng kinh doanh, cần gì phải tiếc chứ.

Chưa đến hai tháng, sản nghiệp nước hoa pha lê của Lâm Vận đã thuộc về Đổng gia, không lâu sau đó, Lâm Vận tiếp tục bị người của Đổng gia lừa gạt, đá ra khỏi vị trí ban đầu.

Đổng tiểu thư vừa trở về mẫu tộc, lập tức phái người đưa cho Lâm Vận một phong thư hoà li, khiến cho Lâm Vận tức giận đến mức thiếu chút nữa ngất xỉu.

Hắn vất vả bao lâu nay, cư nhiên lại vi tha nhân tố giá y thường[13].

Hiển nhiên Lâm Vận đã trở thành trò cười cho toàn bộ kinh thành, cho dù báo quan cũng vô dụng, bởi vì tiểu thư của Đổng gia và người của Đổng gia không hề lừa đảo chiếm đoạt tài sản gì, tất cả đều là do Lâm Vận tự tay chuyển giao. Chưa kể Lâm Vận còn bị tống vào đại lao với tội danh vu cáo, cuối cùng vẫn là Kim Sơn Hải tiêu tiền giúp đỡ hắn bình an ra ngoài.

Các gia tộc huân quý vô cùng vui sướng sử dụng chuyện của Lâm Vận giáo huấn nữ nhi nhà mình, thân có thiên tư trác tuyệt thì đã sao, tính tình kiêu căng tự đại như vậy, suy cho cùng cũng chẳng khác gì một cái gối thêu hoa.

Liên tục bị đả kích, khiến Lâm Vận không thể không rời khỏi chốn kinh thành.

Sau đó Kim Sơn Hải cũng nhanh chóng tạm biệt Lâm Vận, hắn là thương nhân, phải đi buôn bán để nuôi sống bản thân, hắn không có tinh lực lăn lộn khắp nơi với Lâm Vận, kết giao bằng hữu thì được, nhưng những việc khác, vẫn là thôi đi.

Rơi vào hoàn cảnh này, đều là do bọn họ tự làm tự chịu, có thể trách được ai đây.

Triệu Hâm hiển nhiên cũng biết chuyện, nguyên nhân chủ yếu là bởi vì sau khi trải qua nhiều lần chuyển giao, cuối cùng kỹ thuật chế tạo pha lê cùng nước hoa thuộc về một gia tộc có nhiều đời làm thương nhân, tân chủ nhân là một người khôn khéo, không chỉ chủ động dâng hiến kỹ thuật chế tạo pha lê cho triều đình, mà còn chủ động dâng hiến lợi nhuận do nước hoa mang lại, cụ thể là ba phần cho phủ công chúa, ba phần cho mẫu tộc của Hoàng Hậu, và hai phần cho một số gia tộc huân quý trong kinh thành.

Tổ tiên của gia tộc này vốn dĩ là hoàng thương, nên vô cùng am hiểu cách xây dựng mối quan hệ, chỉ cần hai phần lợi nhuận, vừa an tâm mưu cầu tiền tài, vừa dựa vào sự liên kết với triều đình, để đích trưởng tử của hắn chiếm một vị trí trong Quốc Tử Giám, hai nữ nhi trong nhà, một người trở thành thứ phi của quận vương phủ, một người gả cho ấu tử của Hộ Bộ thượng thư[14].

Rất thông minh.

Kỳ thực thì Lâm Vận rơi đài là chuyện không khó hiểu, tựa như cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ở hiện đại thôi, phương pháp khác nhau, bản chất tương đồng, đều là mỹ nhân kế[15].

Có lẽ Lâm Vận vẫn chưa biết, vị Đổng tiểu thư mà hắn nạp làm thiếp thật ra là ca cơ do Đổng gia dự trữ nuôi dưỡng với mục đích tuỳ thời tặng cho các gia tộc quyền quý đi.

Bằng không Đổng gia sẽ nguyện ý để thân sinh nữ nhi của mình làm thiếp của một cử tử nghèo túng sao?

Hoàng thương dám dâng hiến lễ vật cho phủ công chúa, thì hiển nhiên cũng đã điều tra rõ ràng lai lịch và quá trình chế tạo.

Triệu Hâm vốn dĩ muốn từ chối ba phần lợi nhuận kia, nàng có phong ấp có bổng lộc, không thiếu một chút vàng bạc đó, nhưng Hoàng Hậu lại khuyên nhủ nàng, nói xây dựng dược đường ở Giang Nam cần rất nhiều tài lực, hơn nữa bệ hạ cũng biết chuyện này, nên nàng không phải lo lắng gì hết, chỉ cần tiếp nhận thôi là được.

Tế Thế Dược Đường có thể phát triển và phân bố rộng khắp Giang Nam, không chỉ bởi vì nhờ có Triệu Hâm tài trợ, mà còn do có Triệu Tấn duy trì, việc vừa đăng cơ được mấy năm liền gặp phải thiên tai đã cảnh tỉnh hắn, sông sâu dễ đo, lòng người khó dò, từ khi tình hình thực tế của thiên tai bị vỡ lở, tới lúc phát hiện ra đám quan viên ở Giang Nam tham ô ngân lượng, cứu tế chậm trễ, Triệu Tấn đều vội vàng đến mức không có thời gian nổi giận, thiếu điều ngất xỉu tại chỗ.

Xử trảm vài người chỉ là trị ngọn, điều Triệu Tấn muốn là sự kiện này sẽ không tái sinh lần thứ hai.

Sau đó hắn chú ý đến dược đường của Lạc Hà và Vệ Thiếu Tư ở Giang Nam, trong lòng đột nhiên sinh ra một chút tâm tư, đương nhiên Triệu Tấn không đặt quá nhiều hy vọng, dù sao Vệ Thiếu Tư cũng chỉ là một vị đại phu yếu ớt, ngoại trừ chữa bệnh cứu người ra thì không biết gì cả, nên những chuyện như giám sát các quan viên tại Giang Nam, thu thập chứng cứ gì đấy, Triệu Tấn chưa từng có ý định để hắn đi làm.

Hắn chỉ hy vọng kể cả khi xuất hiện thiên tai, giá gạo giá thuốc ở Giang Nam vẫn có thể ổn định, cho dù có vấn đề, kinh thành cũng phải là nơi nhận được tin tức đầu tiên.

Dược đường ở Giang Nam chủ yếu cung ứng cho bá tánh, không có dược liệu quý hiếm gì, kết hợp với sự duy trì của Lạc Hà công chúa và triều đình, càng ngày càng phát triển.

Ba năm nay, tuy rằng mọi thứ không giống như dự liệu của Triệu Tấn, nhưng hắn được tận mắt chứng kiến khung cảnh bá tánh không ngừng hướng về Tế Thế Dược Đường. Hơn nữa bởi vì mọi người biết quan hệ cá nhân của người nắm quyền dược đường là Vệ Thiếu Tư và Lạc Hà công chúa không tệ, nên không có ai dám gây chuyện.

Triệu Tấn không công khai việc triều đình duy trì dược đường, tránh cho người có tâm lấy cớ hãm hại triều đình.

Đối với Triệu Hâm, hắn cũng chỉ nói sơ qua, dù sao thì dược đường này là do Lạc Hà và Vệ Thiếu Tư vất vả gây dựng, hắn không tiện nhúng tay quá nhiều. Được nhìn thấy lợi ích mà dược đường mang lại cho bá tánh, hắn đã mãn nguyện rồi.

Hắn tin tưởng Lạc Hà sẽ lo liệu ổn thoả, càng không lo lắng người khác sẽ nghị luận về Lạc Hà, bọn họ có thể nghị luận cái gì chứ? Khoảng thời gian Vệ Thiếu Tư xây dựng và mở rộng dược đường ở Giang Nam, Lạc Hà đều tu hành tại đạo quan, hai người hoàn toàn không hề giao thoa với nhau.

Người vui mừng nhất trong chuyện này chính là Vệ Thiếu Tư, hắn không suy nghĩ sâu xa, chỉ cần được làm đại phu, chữa bệnh cứu người là hắn đã cảm thấy mỹ mãn, quan cao lộc hậu[16] hay danh dự của thế gia thì có liên quan gì đến hắn.

***

Ba tháng sau là thời gian khoa cử, bởi vì Lâm Vận, nên Triệu Hâm phá lệ chú ý sự kiện này nhiều hơn một chút.

Nàng cứ tưởng rằng sau khi câu dẫn nàng thất bại, Lâm Vận sẽ thành thật khoa khảo chứ.

Có lẽ là do chuyện của Lâm Vận trước đó, các cử tử đều vô cùng an phận, khiến cho không khí của năm nay có vẻ ảm đạm hơn năm ngoái không ít, chẳng qua như vậy cũng không ảnh hưởng đến việc bá tánh nghị luận về những nhân vật xuất sắc, không nhắc tới tài tử từ khắp thiên hạ, chỉ tính riêng tứ đại công tử ở kinh thành đã có ba vị tham gia, trong đấy đích ấu tôn của Chu các lão là Chu Minh Gia vừa đến nơi khác rèn luyện vào hai tháng trước, nhi tử của hữu thừa tướng là Tống An Thời vẫn còn lưu lại Hàn Lâm Viện[17], cùng tôn nhi của viện trưởng thư viện Vân Sơn là Đàm Dư Trạch, cũng là người nghênh thú Tấn An huyện chúa làm thê tử, nhậm chức ở Lễ Bộ cách đây không lâu.

Có một lần Triệu Hâm tiến cung thăm Hoàng Hậu, vô tình bắt gặp Triệu Tấn, hai người có nói chuyện phiếm với nhau về một số vấn đề, được một lúc thì Triệu Tấn bắt đầu nhắc tới khoa cử, hắn kể rằng có một cử tử bởi vì nghèo túng, không có tiền thuê khách điếm, nên đã quyết định cư trú tại một ngôi miếu bỏ hoang bên ngoài kinh thành, kết quả do mưa to gió lớn[18], cùng đêm khuya lạnh lẽo, người này không chỉ không thể tham gia khoa cử, mà còn mất đi tính mạng.

Khi Triệu Tấn nhận được tin tức, cũng nhịn không được cảm thấy bi thương, khoa cử vốn là điển chế chọn hiền tài cho xã tắc, không nghĩ tới sẽ có người bởi vậy mà bỏ mình.

Theo lý thuyết, chỉ cần là cử tử, về căn bản đều có bổng lộc, không nên nghèo túng đến mức không có tiền thuê khách điếm như thế, nhưng trên thực tế có rất nhiều tình huống bất khả kháng có thể xảy ra, dù sao thì đường xá xa xôi, đột nhiên bị bệnh hay đụng phải người không tốt là việc khó tránh khỏi.

Triệu Tấn vì chuyện này mà phiền não không thôi.

Triệu Hâm thuận miệng hỏi tại sao Triệu Tấn không thành lập một số hành quán bình thường, cung cấp chỗ ở cho các cử tử nghèo túng trong thời gian khoa cử, xem như long ân của thiên tử.

Triệu Tấn lại cảm thấy ý kiến đó không tồi, tuy rằng hiện tại mới làm thì có hơi gấp gáp, nhưng xây dựng được chừng nào hay chừng đấy đi, ít nhất cũng tốt hơn mặc kệ bọn họ, bỏ lỡ cơ hội khoa khảo chỉ vì những việc ngoài ý muốn như vậy, không phải quá đáng tiếc à.

Triệu Hâm tuỳ ý đề nghị hai câu xong, liền không thèm quan tâm nữa.

Gần đây nàng đang bận rộn huấn luyện hộ vệ cho phủ công chúa, hộ vệ của phủ công chúa có tổng cộng 500 người, trong đó có 80 người là do Triệu Tấn tự mình chọn lựa từ Vũ Lâm Quân của hắn, còn những người khác, đương nhiên là thông qua tỉ thí võ nghệ.

Kỳ thực thì lúc ở Thanh Duyên Quan, Triệu Hâm có bồi dưỡng riêng bọn họ một chút, chỉ dẫn bọn họ học tập một số công phu quyền pháp, chẳng qua mấy ngày nay nàng không còn làm như thế nữa, bởi vì nàng đã mời được một vị tướng quân oai vũ chỉ đạo tổ chức huấn luyện rồi.

Bản thân Triệu Hâm vốn không cần người bảo vệ, so với lãng phí những hộ vệ này, chẳng bằng chú ý huấn luyện bọn họ nhiều hơn.

Vị tướng quân oai vũ kia họ Cổ, vì chuyện bạch dược, nên mối quan hệ giữa hắn và Triệu Hâm có thể nói là không tồi. Chưa kể thông qua quan sát, nhìn thấy nàng không giống như các hậu duệ quý tộc khác, hắn còn trịnh trọng cảm tạ riêng Triệu Hâm một lần.

Nếu là triều thần thân vương, có khả năng hắn phải cẩn thận đề phòng, nhưng Triệu Hâm chỉ là một vị công chúa, sẽ không có ai kiêng kị điều gì.

Sau khi bàng quan quá trình huấn luyện binh lính trong quân doanh xong, Triệu Hâm bỗng nhiên nhớ ra, nàng quên mất mang theo vài thứ ở Thanh Duyên Quan, không biết bây giờ có nên quay lại lấy không.

Triệu Tấn làm theo lời của Triệu Hâm, phái người xây dựng vài hành quán, tuy rằng không thể so sánh với khách điếm, nhưng lại sạch sẽ, ngăn nắp, những điều kiện cơ bản như ăn, mặc, ở, đi lại đều có, để cho các cử tử nghèo túng có nơi cư trú trong thời gian khoa cử.

Nếu là người khác xây dựng, thì ít nhiều gì cũng sẽ vướng phải nghi vấn mượn sức cử tử, hoặc là thư sinh kiêu ngạo thanh cao thà chết chứ không muốn nhận đồ bố thí.

Ngược lại nếu là do thiên tử xây dựng, thì ý nghĩa lại hoàn toàn khác biệt, bọn họ tham gia khoa cử, là để trở thành môn sinh của thiên tử, đương nhiên vô cùng nguyện ý ở lại những hành quán này, thậm chí còn có người tình nguyện từ bỏ khách điếm, mong cầu được nghỉ ngơi tại hành quán.

Dẫn đến việc một số cử tử thực sự khốn quẫn bất mãn, chỉ trích mấy người đó chiếm cứ cơ hội mà thiên tử ban cho bọn họ.

Chẳng qua sau đấy lập tức có người nhanh chóng ngăn chặn mầm mống hiểm hoạ, nhiều hậu duệ của các gia tộc hào môn bắt đầu nhường khách điếm cho các cử tử nghèo túng, các cử tử nghèo túng ngoại trừ ồn ào lúc ban đầu, cũng cảm thấy hổ thẹn, không tiếp tục lưu lại hành quán.

Sự tình miễn cưỡng xem như phát triển thuận lợi.

Tầng lớp sĩ phu cũng dành tặng không ít lời khen cho Triệu Tấn, chủ yếu là ca ngợi hắn nhân tâm nhân ái, là phúc của thiên hạ.

Triệu Tấn ngược lại cười khẽ, nói việc này là đề nghị của Lạc Hà công chúa.

Đột nhiên được ban thưởng, khiến cho Triệu Hâm cảm thấy có hơi kinh ngạc, bởi vì vô luận là thực hiện kiến nghị, hay là phái người ngăn chặn mầm mống hiểm hoạ, đều là hoàng huynh Triệu Tấn làm, nàng thực sự không đóng góp công sức gì cả.

Nhưng nếu mọi chuyện đã trở nên như vậy, thì Triệu Hâm cũng không ngại nhắc đến sự kiện xây dựng tàng thư lâu, về vấn đề tiền tài ấy à, không phải triều đình vừa cải tiến kỹ thuận chế tạo pha lê sao, sau khi nâng cao độ thuần và sản xuất hàng loạt, hiện tại có lẽ pha lê đã được đưa tới Man tộc ở phương bắc đi.

Xây dựng tàng thư lâu, tuy rằng mục đích chính là để lung lạc tinh thần của thư sinh, nhưng quả thực cũng mang lại không ít lợi ích cho đất nước.

Còn về Lâm Vận vừa không thể tham gia khoa cử, vừa kinh doanh thất bại, sau khi trở về quê hương Giang Châu, tuy rằng bởi vì việc ở kinh thành, nên hắn không dám tuỳ tiện sáng tạo ra thứ gì mới lạ nữa, nhưng không có nghĩa là hắn biết hai chữ từ bỏ được viết như thế nào, minh chứng chính là hắn tiếp tục sử dụng thơ ca chiếm trọn trái tim của một vị thiên kim xuất thân từ gia tộc quyền quý tại nơi đây, gia tộc kia không biết thanh danh của Lâm Vận ở kinh thành, lại nhìn thấy nữ nhi giống như bị trúng mê hồn hương, một hai phải gả cho Lâm Vận, chỉ đành thoả hiệp.

Chẳng qua trước lúc thành thân bọn họ đã chuẩn bị sẵn sàng để áp chế tên cử tử Lâm Vận nho nhỏ này, đến thiếp thất của hắn là Phù Cừ cũng bị bọn họ ép uống thuốc gây vô sinh, tại Giang Châu, Lâm Vận chỉ có thể dựa vào nhạc gia, nên đương nhiên không dám hé răng.

Không bao lâu sau, tân thê tử của hắn mang thai.

Trong lòng Lâm Vận nảy sinh một ý tưởng, tuy rằng hắn không thể đi lên đỉnh cao nhân sinh, nhưng biết đâu nhi tử của hắn sẽ khác.

Hắn hạ quyết tâm sẽ nỗ lực bồi dưỡng nhi tử của mình, đồng thời cũng đánh mất ý niệm có tam thê tứ thiếp[19], vị thê tử này của hắn không dễ chọc, chịu đựng một Phù Cừ không có sức uy hiếp đã là miễn cưỡng, hơn nữa sau khi thành thân nàng ta cũng phát hiện ra một số manh mối, chẳng qua bởi vì quan niệm phu quý phụ vinh[20], nên nàng ta mới không để lộ ra ngoài. Cùng lắm chỉ là lãnh đạm với hắn một chút thôi.

***

Khoa cử kết thúc là tới sinh thần tuổi 30 của hoàng đế, để ăn mừng, hoàng đế mở tiệc ở Thiên Di Viên, chiêu đãi quần thần và gia quyến của bọn họ, cùng các phi tần trong cung.

Một tháng trước là sinh thần của Hoàng Hậu, Triệu Hâm có vẽ một bức tranh chúc mừng Hoàng Hậu mang thai, hình dáng trong tranh tựa như Quan Âm trong miếu, sinh động tuyệt diệu, Hoàng Hậu yêu thích không thôi, đến Triệu Tấn cũng cảm thấy có hơi ghen tỵ.

Hắn cũng muốn được Triệu Hâm vẽ tặng một bức, đương nhiên hắn không nói thẳng, mà là cực kỳ rụt rè ám chỉ.

Triệu Hâm sảng khoái đáp ứng, "Nếu hoàng huynh thích, vậy thì Lạc Hà sẽ vẽ một bức."

"Chẳng qua, bức tranh này của ta tương đối phức tạp, e rằng hoàng huynh phải đợi một hồi lâu rồi." Triệu Hâm cười nói,

Triệu Tấn vui vẻ, "Được." Sau đó lập tức phái người chuẩn bị giấy và bút cho công chúa,

Nghe nói Lạc Hà công chúa trực tiếp vẽ tranh tặng Thánh Thượng, rất nhiều triều thần cùng phi tần đều đến xem, tuy rằng bọn họ có biết về bức tranh Quan Âm kia của Hoàng Hậu, nhưng không có bao nhiêu người thực sự nhìn thấy, nên bọn họ cũng không cảm thấy Triệu Hâm vẽ đẹp, mà cho rằng sở dĩ Hoàng Hậu yêu thích bức tranh đó là bởi vì người tặng thôi.

Lần này có lẽ cũng chỉ là làm vui lòng Thánh Thượng, hai huynh muội tương thân tương ái[21] với nhau.

Đợi tới lúc vẽ xong, bọn họ chỉ cần khen ngợi là được, mọi người tự cho là đúng nghĩ thầm.

Hoàng Hậu ngược lại biết hoạ nghệ của Triệu Hâm không hề tầm thường, cho dù tác giả của bức tranh Quan Âm kia không phải Triệu Hâm, nàng cũng sẽ trân quý. Đáng tiếc hiện tại thân thể của nàng không được thuận tiện, không thể tận mắt chứng kiến Triệu Hâm vẽ tranh.

Chỉ đành cười nói với Triệu Tấn, "Bệ hạ, nếu Hâm Nhi vẽ xong, thì ngài không được giấu giếm, phải nhường cho thần thiếp thưởng thức ít nhất mấy ngày."

Trước đây muốn nhìn bức tranh Quan Âm của Hoàng Hậu nhưng bị giận dỗi Triệu Tấn: "......"

Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nán dưỡng dã[22].

Cung nhân vừa nhận được mệnh lệnh liền nhanh chóng chuẩn bị trường án, cùng khoảng 80 loại màu và bút, hiển nhiên đây không phải là một tác phẩm bình thường. Thế trận như vậy, quả thực khiến cho người ta nhịn không được cảm thấy kinh ngạc.

Triệu Hâm không thèm để ý đến những thứ khác, bắt đầu cầm bút vẽ tranh.

Có lẽ là bởi vì nhận thấy thực sự phải đợi một hồi lâu, nên mọi người xung quanh dần dần tản đi, phần lớn người ở lại vây xem đều là người của Hàn Lâm Viện hoặc là người của Tư Hoạ Phường.

Khi Triệu Hâm vừa mới bắt đầu cầm bút, bọn họ còn có thể đạm nhiên mỉm cười, xem đối phương như tiểu bối mà thưởng thức cổ vũ, dù sao cũng là công chúa hoàng gia, lại là người trẻ tuổi, chịu dành thời gian rèn luyện hoạ nghệ đã là điều không dễ.

Nhưng lúc hình dáng trong tranh trở nên rõ nét, sắc mặt của những người đứng ở đây liền nhanh chóng thay đổi, có một số người khẽ nhíu mày, có một số người thì trực tiếp hiển lộ vẻ ngạc nhiên.

Nhíu mày là bởi vì bọn họ chưa từng nhìn thấy kỹ thuật vẽ này, hoàn toàn không giống như các loại phương pháp vẽ đang lưu hành, ngạc nhiên là mặc dù kỹ thuật vẽ mới lạ, ngược lại không hề có vẻ phàm tục tầm thường, với năng lực đánh giá của bọn họ, kỹ thuật vẽ như vậy tại thời đại hiện tại tuyệt đối là nhất lưu.

Vô luận là ngưng thần hay đặt bút làm thơ, từng đường nét câu chữ đều cực kỳ kinh diễm, hành động tựa như hành vân lưu thuỷ[23], cho dù là hoạ sư sở hữu mấy chục năm kinh nghiệm cũng chưa chắc có thể làm được như thế. Giữa chốn hoàng cung hoa lệ ca vũ linh đình, nơi Lạc Hà công chúa vẽ tranh lại yên lặng đến mức phảng phất như đã tách rời khỏi thiên địa.

Những người vây xem hầu hết là các lão nhân khoảng 50 tuổi trở lên, chẳng qua bây giờ bọn họ không chỉ không cảm thấy mệt mỏi, mà còn tràn đầy tinh thần nhìn chằm chằm bức tranh đang dần dần hoàn thành.

Nhận thấy tửu quá tam tuần[24], nhưng bên kia vẫn không có động tĩnh gì, Triệu Tấn nhịn không được hỏi Trần tổng quản, "Lạc Hà công chúa vẽ trong bao lâu rồi?"

Trần tổng quản cung kính trả lời, "Đã hai canh giờ."

Triệu Tấn nhíu mày, câu tiếp theo lại không hề liên quan đến bức tranh kia, mà là, "Lâu như vậy, liệu Lạc Hà có mệt hay không."

Tuy hắn hâm mộ Hoàng Hậu có bức tranh Quan Âm kia, nhưng rốt cuộc tranh không quan trọng bằng người, nếu như bị hao tổn nguyên khí thì phải làm sao bây giờ. Triệu Tấn không cho rằng hoàng muội nhà mình thật sự là hoạ sư, Lạc Hà là công chúa hoàng gia, cầm kỳ thi hoạ[25] gì đó cứ xem như thú vui tiêu khiển là được, tốn công tốn sức, người làm hoàng huynh là hắn sẽ cảm thấy đau lòng.

Khi Triệu Tấn đang bồn chồn lo lắng, cố gắng nghĩ ra một cách hợp lý để Lạc Hà dừng bút, sau này vẽ tiếp,

Triệu Hâm đột nhiên lên tiếng, "Xong rồi."

Bên kia không có ai nói chuyện, im lặng đến mức bất thường như thế, quả thực khiến cho người ta nhịn không được hoài nghi, đám người đó bình thường khôn khéo lắm mà, sao hôm nay lại im lặng vậy.

Trần tổng quản ở bên cạnh vừa nghe thái giám bẩm báo xong, liền quay đầu cười nói với Triệu Tấn, "Bệ hạ, Lạc Hà công chúa đã vẽ xong."

Thần sắc của Triệu Tấn lập tức trở nên hoà hoãn, khuôn mặt tràn đầy ý cười, "Được, phái người mở ra."

"Trẫm muốn cùng mọi người tại nơi đây chiêm ngưỡng tác phẩm của Lạc Hà công chúa."

Nghe thấy bệ hạ nói như thế, những người ở yến hội đều sôi nổi nhìn về phía bức tranh, trong lòng cảm thán bệ hạ quả thực vô cùng ngưỡng mộ Lạc Hà công chúa, chỉ là một bức tranh thôi mà cũng trịnh trọng như vậy.

Thanh âm như châu như ngọc của Triệu Hâm vang lên, "Đây là lễ vật Lạc Hà dành tặng cho hoàng huynh, 《Thiên Lý Giang Sơn Đồ[26]》."

Cung nhân cẩn thận mở bức tranh ra, từng đường nét trong tranh hoàn toàn hiển lộ trước mặt mọi người, những ngọn núi ngút ngàn trùng điệp, dòng sông mênh mông bát ngát, muôn hình vạn trạng[27], tráng lệ rộng lớn, vừa quen thuộc lại vừa hùng vĩ.

Cung điện đột nhiên lặng ngắt như tờ[28], các quan viên đều kinh ngạc đến mức nói không nên lời, suy nghĩ trước đó cũng nhanh chóng biến mất vô tung vô ảnh.

Người khiếp sợ nhất không ai khác chính là Triệu Tấn, người khác chỉ nhìn thấy bức tranh này xinh đẹp như thế nào, hoạ nghệ của tác giả kinh diễm bao nhiêu, còn hắn, hắn nhìn thấy non sông ngàn dặm của Đại Hi, cùng lê dân bá tánh[29] trong thiên hạ.

Triệu Tấn trực tiếp đứng dậy, không để người khác phản ứng kịp thời, hắn đã bước tới chỗ của bức tranh rồi.

Người đứng đầu của Hàn Lâm Viện là Ân Thừa chủ động cắt đứt bầu không khí trầm mặc, "Đẹp, quả thực rất đẹp."

Ngữ khí tựa như kinh ngạc lại tựa như cảm thán.

Chủ sự của Tư Hoạ Phường cũng vừa ngắm nhìn bức tranh 《Thiên Lý Giang Sơn Đồ》 vừa thở dài một hơi, "Ngô may mắn, có thể tận mắt chứng kiến một danh hoạ cầm bút vẽ tranh."

Chủ sự vừa nói xong, mọi người mới bừng tỉnh, không nghĩ tới Lạc Hà công chúa bình thường bất hiển sơn bất lộ thuỷ[30] lại sở hữu hoạ nghệ tuyệt diệu như thế.

Trước khi nhìn thấy bức tranh, tất cả mọi người đều cho rằng, Lạc Hà công chúa sẽ vẽ hoa điểu ngư trùng[31], hay non xanh nước biếc[32] gì đó, không ngờ người lại vẽ về giang sơn của Đại Hi. Thử hỏi, trên đời này có ai dám tự ý cầm bút vẽ về giang sơn.

Lạc Hà công chúa ngược lại không chỉ cầm bút vẽ, mà còn vẽ đẹp đến mức không ai có thể so sánh được, ý nghĩa của bức tranh này, thực sự khiến cho người khác nhịn không được cảm thấy mênh mông.

Không nghĩ tới tầm mắt, trí tuệ, tâm chí, tài hoa như vậy sẽ xuất hiện trên người của một vị công chúa.

Người như thế, cho dù là bọn họ cũng nguyện ý thần phục.

Những người ở yến hội không tiếc lời khen ngợi bức tranh, Triệu Tấn trịnh trọng lên tiếng, "《Thiên Lý Giang Sơn Đồ》 này chính là lễ vật tốt nhất đối với trẫm, Lạc Hà, ngươi có muốn được ban thưởng cái gì không?"

Đôi mắt của Triệu Hâm tựa như ánh sao đang toả sáng, "Giang sơn đẹp đẽ, đáng tiếc Lạc Hà lại chưa từng đi qua, ngắm nhìn non sông ngàn dặm của Đại Hi ta."

Triệu Tấn mỉm cười, ngữ khí sảng khoái, "Điều đó thì có gì khó."

Huống chi sau khi nhìn thấy bức tranh kia, hắn quả thực không đành lòng để Lạc Hà bị câu thúc trong chốn hoàng cung nho nhỏ này.

Tác giả có lời muốn nói:

Triệu Hâm: Giả vờ, ai mà không biết.

[1] Thiên kim nan cầu: Ngàn vàng cũng khó có thể đạt được.

[2] Ngự dụng nhàn nhân: Chân sai vặt của vua.

[3] Ngũ dục: Là năm sự ham m.uốn, năm thứ dục lạc của trần cảnh nên cũng gọi là "Ngũ tiềm":

- Sắc dục: Ham m.uốn sắc đẹp, ưa thích tướng tốt, người nữ thích người nam hoặc ngược lại.

- Thanh dục: Ham mu.ốn tiếng hay, lời nói ngọt ngào, êm tai.

- Hương dục: Ham m.uốn mùi thơm ngào ngạt, còn ẩn dụ mùi hương của người nữ hoặc người nam.

- Vị dục: Ham mu.ốn đồ ăn, thức uống ngon ngọt, bổ dưỡng để phục vụ cho cái thân xác tạm thời.

- Xúc dục: Ham m.uốn sự đụng chạm mềm dịu của người nữ để thỏa mãn dụ.c vọng.

Ngũ dục còn có năm thứ sau:

- Tài dục: Ham m.uốn tiền bạc, vàng ngọc thật nhiều như cái bình không đáy.

- Sắc dục: Ham sắc đẹp, mỹ miều, kiêu sa, nghiêng nước nghiêng thành.

- Danh dục: Ham mu.ốn địa vị cao sang, tiếng tốt, ông này bà nọ...

- Thực dục: Ham mu.ốn thức ăn ngon và ăn thật nhiều cao lương mỹ vị để thỏa mãn cho cái thân này.

- Thùy dục: Ham m.uốn ngủ nghỉ thật nhiều.

[4] Phú khả địch quốc: Giàu đến nỗi có thể đối địch với nhà nước.

[5] Kiến công lập nghiệp: Xây dựng, tạo lập sự nghiệp lớn lao.

[6] Thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội: Người bình thường vốn không có tội, nhưng vì người bình thường ấy sở hữu thứ bảo ngọc quý giá mà thân phận của người bình thường ấy không xứng có được, khiến người ta thèm thuồng để ý, nên thành có tội.

Ý chỉ những người có thứ quý giá trong người thường bị người khác ghen ghét, dòm ngó, hãm hại.

Những người bình thường không có thân phận bảo vệ thường vì sở hữu vật bất phàm hoặc quý hiếm mà rước phải không ít phiền toái, thậm chí mất mạng.

Câu tục ngữ còn mang hàm ý người thường không có tội, tội của họ là sở hữu thứ cao hơn thân phận của mình. Nghĩa là "dám" sở hữu thứ mà bản thân họ không có khả năng bảo vệ. Sở hữu trân bảo mà không biết giữ mình, giữ mồm giữ miệng thì sẽ không ngừng bị người ta hãm hại.

Ngoài ra nó còn ám chỉ những người tài thường bị người khác ghen ghét, đố kị, còn kẻ vô tri hầu như luôn vui vẻ mà sống. Tài giỏi nhưng không biết cách nhẫn nhịn sẽ dễ dàng trở thành cái bia cho mọi người xung quanh nhắm tới.

[7] Quang minh chính đại: Ngay thẳng, rõ ràng, không chút mờ ám.

[8] Chiếm tiện nghi: Chiếm lấy phần lợi cho mình, không nhường nhịn san sẻ cho mọi người.

[9] Bày mưu tính kế: Ám chỉ việc bày ra mưu lược – tính toán kế sách để đối phó - ứng phó với các vụ việc đang diễn ra trong hiện tại hoặc sẽ diễn ra trong tương lai.

[10] Làm khó dễ: Kiếm chuyện làm phiền người khác.

[11] Nhìn xa trông rộng: Sáng suốt, có khả năng lường trước, thấy được trước những vấn đề hoặc tiềm năng mà người khác chưa thấy được.

[12] Tri tình thức thú: Kinh nghiệm phong phú.

[13] Vi tha nhân tố giá y thường: Làm áo cưới cho người khác, nghĩa là những gì mình đã làm chẳng giúp ích được gì cho bản thân mà chỉ có lợi cho người khác.

[14] Hộ Bộ thượng thư: Vị quan đứng đầu bộ Hộ, tương đương với bộ trưởng của các bộ ngày nay.

[15] Mỹ nhân kế (美人計): Là một trong 36 sách lược dùng trong quân sự điển hình của Trung Quốc cổ đại, nổi tiếng với tên gọi "Tam thập lục kế", xuất hiện từ thời Nam Bắc triều và tới thời nhà Minh thì được tập hợp thành sách. Nội dung của sách lược này là dâng hiến người đẹp mê hoặc chủ tướng của đối phương khiến cho chủ tướng của đối phương trễ nải chính sự hoặc quyết định sai lầm, từ đó nắm ưu thế để giành thắng lợi.

[16] Quan cao lộc hậu: Người có chức vụ, quyền hạn lớn, có lương bổng, lợi lộc nhiều.

[17] Hàn Lâm Viện (翰林院): Là một tổ chức trong các triều đại quân chủ Á Đông xưa gồm các học sĩ uyên thâm Nho học, văn hay chữ tốt, chuyên trách việc soạn thảo văn kiện triều đình như chiếu, chỉ, sắc, dụ, chế.

Quan viên của Hàn lâm viện cũng là nguồn nhân lực cung cấp cho Quốc sử quán trong việc biên soạn quốc sử, thực lục, điển lễ. Ngoài ra, Hàn lâm viện cùng với các cơ quan học thuật khác đảm nhiệm trọng trách nghiên cứu, giảng dạy kinh truyện, phụ trách việc khoa cử, thị tùng văn học, và khi cần, đảm nhận trách nhiệm Khâm sai. Hàn lâm viện và Quốc tử giám (tức trung tâm giáo dục giữ trọng trách đào tạo nhân tài cho quốc gia) là hai cơ quan học thuật rất được trọng vọng trong quan chế triều đình xưa.

[18] Mưa to gió lớn: Mưa gió như bão.

[19] Tam thê tứ thiếp: Đàn ông ngày xưa có thể cưới nhiều thê thiếp, có nhiều vợ lớn vợ bé.

[20] Phu quý phụ vinh: Chồng được phú quý, sang trọng thì vợ cũng được vinh hiển, danh giá.

[21] Tương thân tương ái: Thương yêu lẫn nhau.

[22] Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nán dưỡng dã: Câu đầy đủ là "Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nán dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán", hiện nay câu này vẫn còn nhiều tranh cãi, nên mình sẽ không đưa ý nghĩa của câu này vào đây, các bạn chỉ cần hiểu ý của Triệu Tấn là nữ nhân và tiểu nhân là hai đối tượng khó chiều nhất là được rồi:v

[23] Hành vân lưu thuỷ (行云流水): Nước chảy mây trôi, ở đây có ý nghĩa là hành động thuần thục.

[24] Tửu quá tam tuần: Câu đầy đủ là "Tửu quá tam tuần, thái quá ngũ vị", nghĩa là chỉ những người cùng bàn đã uống ba phiên (mỗi người uống ba chén), ăn đủ năm vị (thức ăn). Ám chỉ bữa tiệc đã có thể kết thúc.

[25] Cầm kỳ thi hoạ (琴棋詩畫): Chỉ bốn thứ tài năng khi tiêu khiển mà con người trong xã hội cũ, đặc biệt là phụ nữ, cần phải có (cầm - kỳ - thi - họa, tức giỏi đàn, đánh cờ, làm thơ, và vẽ giỏi).

[26] Thiên Lý Giang Sơn Đồ: Tác phẩm duy nhất của Vương Hy Manh, là bức tranh lụa với chiều dài 11,9 m, với tên gọi 千里江山 (nghĩa là "Non sông ngàn dặm"). Tác phẩm này được hoàn thành vào năm 1113 khi Vương Hy Manh mới 18 tuổi. Đây là một trong những bức tranh lớn nhất của lịch sử Trung Hoa và cũng là một trong những tác phẩm đồ sộ nhất của nền nghệ thuật Trung Quốc. Hiện giờ nó được trưng bày vĩnh viễn ở Bảo tàng Cố Cung.

[27] Muôn hình vạn trạng: Nhiều dáng vẻ, trạng thái khác nhau.

[28] Lặng ngắt như tờ: Yên ắng, tĩnh mịch.

[29] Lê dân bá tánh (黎民百姓):

Tương truyền vào khoảng 5000 năm trước, ở vùng Trung Nguyên có vài bộ tộc lớn có sức mạnh và hung hãn nhất. Đó chính là các tộc Hoàng Đế, tộc Viêm Đế, Di tộc, Cửu Lê tộc. Cửu Lê tộc nằm ở phương nam, nhiều lần có xung đột với Viêm Đế tộc.

Về sau, hai tộc Hoàng Đế và Viêm Đế liên minh với nhau tổng cộng hơn trăm thị tộc lớn nhỏ chống lại Cửu Lê tộc. Kết quả là Cửu Lê tộc bị đánh bại. Kể từ đó "bá tánh" hay "bách tính" chính là từ ngữ dùng để gọi con cháu Viêm Hoàng, còn những tù binh bị bắt của Cửu Lê tộc được gọi là "Lê dân".

Trải qua sự phát triển hàng ngàn năm của xã hội, giữa các bộ tộc không còn có sự phân biệt rạch ròi nữa mà đã được dung hợp lại. Từ "Lê dân" vì thế mà không còn được sử dụng theo nghĩa ban đầu của nó. "Lê dân" và "bá tánh" đã trở thành từ ngữ tương đồng về mặt ngữ nghĩa và đều có nghĩa là quần chúng nhân dân.

[30] Bất hiển sơn bất lộ thuỷ (不显山不露水): Ý nói những người không hiển lộ tài năng.

[31] Hoa điểu ngư trùng: Hoa cỏ, chim chóc, cá, côn trùng.

[32] Non xanh nước biếc: Sông núi và dòng nước có màu xanh biếc nhìn tràn đầy sức sống.

==========

Deadline dường như rất thích tui, đã dí là phải dí liên tiếp gần 1 tuần liền:)
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện