Triệu Vĩnh An lại đánh ta một trận, không hề e dè rằng có người nghe thấy.
Hắn hành hạ ta, càng khiến người vợ mới của hắn yên tâm, rằng hắn không còn lưu luyến gì với người vợ trước.
Chúng đi cùng ta suốt ba ngày, hầu như không cho ăn uống.
Đến ngày thứ ba, ta nghe tiếng vó ngựa dồn dập từ phía sau.
Ngoài kia, tiếng cha ta vang lên.
Triệu Vĩnh An hét lớn, mắng cha ta không biết lượng sức, rồi ra lệnh cho gia đinh xông lên.
Nhưng rất nhanh sau đó, là tiếng gia đinh kêu la thất thanh.
Tiếp đến, là giọng cầu xin của Triệu Vĩnh An.
Khi cha cứu ta ra, ta đã thoi thóp, hơi thở mong manh như sợi chỉ.
Cha giận dữ, lại đánh Triệu Vĩnh An thêm một trận.
Uyển Nguyệt sợ hãi hét lên thất thanh:
"Ngươi là đồ dân đen thô lỗ, có biết ta là ai không? Ta sẽ không tha cho ngươi!"
Cha lạnh lùng nhìn nàng, nói:
"Ngươi dung túng kẻ đào binh, nghĩ xem nha môn có tha cho ngươi không?"
Sắc mặt Uyển Nguyệt thay đổi, kinh ngạc nhìn Triệu Vĩnh An.
Hóa ra nàng ta chẳng biết gì, còn tưởng mình nhặt được một nam nhân ngoan ngoãn trung thành.
Có bản lĩnh thế mà không biết tìm hiểu kỹ càng?
Ta cười mỉa mai:
"Triệu Vĩnh An định chờ ngươi chết rồi nuốt trọn gia sản nhà ngươi, ngươi còn bênh hắn. Tiểu thư nhà giàu đúng là người tốt thật!"
Rất nhanh sau đó, nha môn đã đến, giải Triệu Vĩnh An về huyện.
Quản gia bá bá cũng đi cùng, thấy cha con ta bình an thì thở phào nhẹ nhõm.
"Lão Trương à, thấy Chiêu Chiêu không sao rồi, yên tâm chứ?"
Cha ta im lặng gật đầu.
Sau này, quản gia bá bá kể lại, cha ta biết tin liền không nghỉ ngơi, suốt ba ngày liền ròng rã truy đuổi theo dấu chúng.
Ngay cả người khỏe mạnh bình thường cưỡi ngựa như thế còn chịu không nổi, huống chi cha ta lại bị thương ở chân.
Khi trở về, Triệu Vĩnh An bị giam vào ngục, cả nhà họ Triệu cũng bị bắt giữ.
Thì ra cả nhà đều biết hắn chưa chết, bao năm qua vẫn nhận thư và tiền bạc hắn gửi.
Đây chính là lý do mấy năm nay nhà họ không làm ăn gì mà vẫn có tiền tiêu xài.
Khi bị bắt, nhà họ Triệu kêu oan, nói rằng mình không hay biết, rồi quay ra mắng Triệu Vĩnh An hại cả nhà gặp họa.
Triệu Vĩnh An đáp trả:
"Khi nhận bạc của ta sao không trách ta hả?"
Cả nhà tranh cãi, chửi bới, như chó cắn chó.
Còn Uyển Nguyệt cũng không tránh khỏi liên lụy.
Chứa chấp kẻ đào binh là tội nặng, cả gia đình nàng ta đều bị vạ lây.
Ta không rảnh để bận tâm đến đám người này, bởi còn bận chăm sóc cha.
Vì cứu ta mà cha đã chạy suốt ba ngày, khiến chân đau tái phát, đau đớn không chịu nổi.
Ta đưa cha đến y quán, mỗi ngày đều chăm sóc, châm cứu, xoa bóp, và bôi thuốc cho cha.
Thầy đứng bên cạnh hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, không ngừng khen ngợi:
"Tốt, cứ như vậy, đúng rồi!"
Cha đau lắm, nhưng thấy thầy khen ta, ông lại vui vẻ cười mãn nguyện:
"Nữ nhi của ta rất lợi hại!"
19Chân của cha được điều trị hơn một tháng thì dần dần hồi phục, ông mới cùng nương trở về nhà.
Nửa năm sau, Triệu Vĩnh An bị phán chém đầu sau mùa thu.
Khi bị đưa ra pháp trường, hắn đã sắp không còn sống nổi.
Ngày ấy, hắn giam giữ ta ba ngày, thường xuyên đánh đập, hoàn toàn không nhận ra hương thơm lạ thường trên người ta.
Ta đã hạ độc hắn, khiến hắn trong ngục dần dần gầy mòn, đêm không ngủ yên, liên tục gặp ác mộng.
Hắn là cơn ác mộng của ta và nương trong quá khứ, nay đến lượt hắn sống trong ác mộng.
Trước khi hắn ch/ế/t, ân oán này ta phải trả cho xong.
Sau khi Triệu Vĩnh An ch/ế/t, có người trong thôn còn bảo ta phải thu xếp tang lễ và chịu tang cho hắn.
Cha ta lập tức lấy tờ giấy bán thân ra, lạnh lùng nói:
"Chiêu Chiêu là nữ nhi nhà họ Trương ta, bảo nó chịu tang cho kẻ khác, chẳng phải coi ta như đã ch/ế/t sao? Mà Triệu Vĩnh An là kẻ đào binh, các người nói giúp cho hắn, là có dây mơ rễ má gì với hắn phải không?"
Dân làng chẳng dám nói thêm câu nào, càng không dám để lộ quan hệ với Triệu Vĩnh An.
Lúc này, nhờ việc ta kiên trì mát xa trị liệu, chân của cha đã khỏi nhiều, đi lại không còn khập khiễng nữa.
Ông càng hăng hái hơn, bởi nương đã mang thai.
Thầy bắt mạch cho nương, nói bà trước kia u uất trong lòng, nay tâm kết đã gỡ, sức khỏe cũng tốt lên, tự nhiên dễ mang thai.
Ta nghĩ, có lẽ bởi nương cuối cùng cũng dám đánh Triệu Vĩnh An, lại tận mắt thấy hắn bị xử tử, nỗi hận trong lòng được giải tỏa, tâm trạng thoải mái thì cơ thể sẽ khỏe mạnh.
Vài tháng sau, nương sinh một em trai, dáng vẻ rất giống cha, đầu hổ mặt báo, nghịch ngợm nhưng hiếu thảo và đáng yêu.
Sau đó, nương lại sinh thêm một em trai và một em gái.
Cha đối xử công bằng với cả bốn tỷ muội ta, dạy chúng ta học chữ, tập võ, và sống tự trọng, tự cường.
Nhưng các em lại thường bảo cha thương ta nhất:
"Mỗi lần đại tỷ về nhà, cha đều đặc biệt vui mừng."
"Đúng vậy, cha thiên vị đại tỷ rõ ràng."
"Nhưng mà muội cũng thích đại tỷ!."
Nhiều năm sau, khi cha nương đều đã già, một hôm nương vô tình nhắc đến chuyện cũ:
"Ông nó à, năm ấy sao ông nỡ bỏ ra ba mươi lượng bạc mua nương con ta?"
Ba mươi lượng bạc, đó là cả một gia tài lớn.
Dù cha có tích góp từ đâu đó, nhưng bỏ ra ngần ấy tiền cũng phải đau lòng.
Cha nhìn về dãy núi ngoài thôn, trầm giọng nói:
"Ngày ấy, ta lên núi săn bắn, chân đau tái phát, nằm bất động trên núi, chính Chiêu Chiêu đã gọi bà đến, đỡ ta đứng dậy."
Khi ấy, cuộc sống của nương rất khổ, không dám tiếp xúc với người lạ, ra đường cũng chẳng dám ngẩng mặt nhìn ai.
Nhưng bà vẫn chần chừ, nhìn quanh không thấy ai, liền dìu cha xuống núi.
Đó chỉ là một việc rất nhỏ, ta khi ấy còn nhỏ nên đã quên, nương cũng không nhớ nữa.
Nhưng cha đã khắc ghi trong lòng nhiều năm.
Khi thấy nương, thấy ta quỳ xuống gọi ông là cha, ông liền lấy bạc ra.
"Ta nghĩ, nếu nương con bà không muốn sống cùng một kẻ què như ta, đợi Chiêu Chiêu lớn hơn một chút, ta sẽ tìm một nơi tốt khác cho hai người."
Ai ngờ, ta thực sự coi ông là cha, còn nương cũng thật lòng sống với ông.
Trong ngày tuyết lớn, ta cùng nương lên núi tìm ông, để ông quyết định kết thành một nhà với chúng ta, không bao giờ chia lìa nữa.
Cha hỏi ta, từ lúc nào ta thật sự xem ông là cha.
Ta cười đáp:
"Khi cha lấy bạc ra và nói rằng con từ nay là nữ nhi của người."
Ông nói ta là nữ nhi của ông, chứ không nói rằng đã mua ta về.
Ông chưa bao giờ coi ta là món hàng.
Đây chính là cha ta, người cha duy nhất, và thật sự là cha ta.