Editor: Gió+Đá bào

Beta: Bảo Trân



Trà sữa được cho thêm rất nhiều đá viên khiến thành cốc ngưng đọng lại những giọt nước mịn. Cầm cốc trà sữa trên tay nhiệt độ mát lạnh liên tục truyền vào lòng bàn tay, Nguyễn Sương cúi đầu một hơi uống hết một phần ba.

Cái lạnh thấm ướt cổ họng cô, nhiệt độ cơ thể dường như đã giảm xuống được một chút. Ánh mắt dừng lại nơi chiếc xe thể thao màu đen đậu ở tầng dưới của tòa nhà giảng dạy, vị trí ghế lái phụ đang đối mặt với cô, trong đầu cô như có hàng ngàn con ve sầu kêu gào khô nóng.

Điện thoại kêu ding ding mấy tiếng, Nguyễn Sương lấy điện thoại di động ra.

Là Trần Cương Sách: [Bố vợ cũ của anh lúc trước hẳn là khá đẹp trai, khó trách ông ấy lại có một cô con gái xinh đẹp như em.]

Ống hút trong suốt lăn qua mấy viên trân châu đen, Nguyễn Sương nhai trong miệng, những viên trân châu đường đen tỏa ra hương vị ngọt ngào.

Đôi mắt cụp xuống của cô tràn ngập hơi nóng của mùa hè, tốc độ gõ chữ rất nhanh: [Đừng gọi bừa.]

Trần Cương Sách cũng nhanh chóng trả lời: [Này sao gọi là gọi bừa?]

Càng phản ứng với anh, anh càng được nước lấn tới, Nguyễn Sương dứt khoát tắt màn hình.

Một lúc sau, cô mở khóa điện thoại và tắt thông báo tin nhắn của anh. Nói chuyện phiếm với anh không có lần nào là tâm không phiền ý không loạn. Đến một người cảm xúc ổn định như cô mà lần nào cũng bị anh chọc cho tức đến độ lồ ng ngực phập phồng lên xuống, sau đó… “tâm viên ý mã”.

*tâm viên ý mã (心猿意馬): được dùng để ví dụ cho vọng tâm của người ta luôn luôn biến động bất định

Điện thoại im lặng.

Các nhân viên uống xong trà sữa và bắt đầu tiến vào trạng thái tập trung quay phim.

Nguyễn Sương chưa xem qua tác phẩm của Chu Tĩnh Dưỡng, trước đó cô vẫn còn lo lắng về việc ký hợp đồng với Chu Tĩnh Dưỡng. Cũng may là kỹ năng diễn xuất của cậu ta đúng là như cậu ta nói, kỹ năng không tệ và lời thoại cũng không bị cứng nhắc. Cô nghĩ chắc cậu ta cũng đã tiếp thu tốt các tiết học chuyên ngành khi còn ở trường đại học.

Lớp học ngột ngạt oi bức, dù có bật điều hòa cũng chẳng giúp ích được gì. Nguyên nhân chính khiến Nguyễn Sương không thích mùa hè là vì khi mùa hè đến cô sẽ dễ bị say nắng và sốt cao, do dự một lúc, cô kéo Hàm Hàm lại nói: “Tôi sẽ đến phòng hoà nhạc đợi mọi người trước.”

Hàm Hàm làm cử chỉ “ok” với cô.

Nguyễn Sương thuê địa điểm của trường để quay phim, mỗi ngày phải trả một số tiền lớn cho chi phí sân bãi. Ban giám hiệu nhà trường nói với cô trong cuộc điện thoại rằng với một ngày trời nắng nóng như hôm nay, buổi sáng họ đã bật điều hòa ở sảnh trung tâm trong phòng hoà nhạc. Phòng hòa nhạc quá rộng nên phải được bật điều hòa trước.

Sau khi xuống lầu, Nguyễn Sương nhìn quanh trái phải, không biết phòng hòa nhạc ở hướng nào. Cô liếc nhìn ra phía bên ngoài, thấy Trần Cương Sách đang ở cách đó không xa.

Bên cạnh anh là người phụ trách trường học – người này cũng đồng tình với suy đoán của cô rằng người giàu có kia chắc có quá nhiều tiền đến mức không có nơi nào để tiêu nên mới quay lại trường cũ để bày tỏ tình yêu và quyên góp hỗ trợ. Nguyễn Sương nhớ rằng khi họ ở bên nhau, cô đã hỏi anh rằng có đúng là có thể vào trường đại học nước ngoài bằng cách quyên góp một tòa nhà hay không.

Trần Cương Sách cho biết: “Tương tự như Đại học Harvard, đây là một trường tư thục. Nếu em quyên góp cho trường một triệu đô la Mỹ, em có thể tham gia vào Ủy ban Tài nguyên của Đại học Harvard. Khi số tiền quyên góp tích lũy của những ủy viên này vượt quá một phần ba tích luỹ của tất cả các thành viên khác thì xác suất mà con cái họ được nhận vào Harvard cũng là gần 100%.”

“Nếu thành tích không đủ tiêu chuẩn thì sao?”

“Sao lại không đủ tiêu chuẩn?” Anh rất có kiên nhẫn giải thích cho cô, “Giống như họ và không chỉ họ, rất nhiều du học sinh cũng không tham gia các lớp học. Họ sẽ tìm người học hộ và viết hộ luận văn và cuối cùng vẫn thuận lợi tốt nghiệp đấy thôi.”

Trước kia cô từng là người tò mò về mọi thứ xung quanh, và có vẻ anh lại là người biết gần như tất cả mọi thứ nên từng câu từng chữ anh rất kiên nhẫn giải thích cho cô.

Còn về sau tại sao cô lại không tò mò nữa?

Bởi vì không có ai giải đáp được cặn kẽ câu hỏi của cô. Cũng không ai có thể kiên nhẫn như anh, khi giải đáp thắc mắc, trên mặt anh không hề có sự giễu cợt của người vế trên hay có bất kỳ cử chỉ coi thường nào. Thường những người thuộc thế hệ “phú nhị đại” như họ không biết đến từ “tôn trọng” viết như thế nào. Có lẽ khi ở bên một người phụ nữ có hoàn cảnh gia đình không tương xứng thì họ không phải đang nói chuyện yêu đương mà là tự hạ thấp địa vị để chơi đùa với đối phương mà thôi. Nhưng trong khoảng thời gian hai người ở bên nhau, Trần Cương Sách lại cho cô cảm giác cô không phải đồ chơi hay bạn gái thông thường mà là cô bạn gái được cưng chiều hết mức.

Trong lúc suy nghĩ vẩn vơ, Trần Cương Sách đã tạm biệt người đàn ông kia rồi đi thẳng về hướng này.

“Muốn về nhà à?” anh hỏi.

“Không có, bên ngoài nóng quá, tôi đến phòng hòa nhạc có máy điều hòa,” cô nói.

“Em có biết phòng hòa nhạc ở đâu không?” Vừa rồi anh đã nhìn thấy cô ngó nghiêng xung quanh với vẻ ngơ ngác, trên khuôn mặt xinh đẹp lạnh lùng viết rõ từ “mờ mịt bối rối.”

Thần sắc của Nguyễn Sương có chút không tự nhiên: “… không biết.”

Trần Cương Sách nhếch khóe môi: “Anh dẫn em tới đó.”

Dừng một chút, cô nói: “Cảm ơn anh.”

“Em khá khách sáo đấy.” Anh bước về phía trước với vẻ nhàn nhã, khuôn mặt góc cạnh và nụ cười bất cần trên môi. Anh nói nhỏ với giọng gần như đang thì thầm, “Sao mỗi lần ‘sử dụng’ anh xong không thấy em nói lời ‘cảm ơn’ gì nhỉ?”

Nguyễn Sương trầm giọng nói: “Tôi không nói ‘cảm ơn’ với app chỉ đường, cũng sẽ không nói ‘anh vất vả rồi’ với gậy massage.”

“…”

“…”

Hóa ra trong mắt cô anh chỉ là một cây gậy massage. Được thôi, giỏi lắm.

Họ đi đến phòng hòa nhạc, Nguyễn Sương lấy chìa khóa mở cửa. Từ khóe mắt, cô bắt gặp bóng dáng anh đang đi theo vào.

Nguyễn Sương: “Anh vào làm gì?”

Trần Cương Sách: “Ngồi điều hòa.”

Nguyễn Sương nói: “Anh có thể quay lại trong xe bật điều hòa, mà không phải anh đã nói xong chuyện rồi sao? Nói xong rồi thì không định rời đi à?”

Trần Cương Sách cười ra tiếng, dáng vẻ giống như một tên lưu manh: “Ồ, anh không muốn rời đi.”

Trường cũng không phải của mình nên không thể đuổi anh đi được, cô dứt khoát tìm một góc rồi ngồi xuống. Chỗ ngồi trong phòng hòa nhạc mềm mại, lúc này đang là thời điểm buổi chiều nên khá buồn ngủ. Nguyễn Sương dựa lưng vào ghế ngồi, từ từ nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi. Cô nhận thức được là Trần Cương Sách đang rời đi nhưng không mở mắt nhìn anh.

Dù gì cũng đang là ở bên ngoài nên cô không ngủ được lâu, khi tỉnh dậy, Trần Cương Sách cũng đã quay lại đang ngồi cách cô một ghế. Ở khoảng trống giữa họ có một chiếc hộp đựng thứ gì đó trông quen quen.

Cô còn chưa kịp nhìn rõ đã nghe thấy tiếng anh đóng lại, lạnh lùng nói: “Hoắc hương chính khí, lát nữa uống một bình.”

*藿香正气 (Hoắc hương chính khí): Hoắc hương có vị ngọt đắng, hơi cay, tính ấm mùi thơm đặc trưng vào 3 kinh Phế, Tỳ, Vị. Thuốc này có tác dụng trị sốt, giải cảm, chống nôn, hàn nhiệt, đau đầu, tức ngực.

Nguyễn Sương dường như ngửi thấy được mùi nước hoắc hương chính khí trong dạ dày, đột nhiên cảm thấy buồn nôn và muốn nôn.

Cô từ chối không chút do dự: “Không muốn.”

Trần Cương Sách nói: “Nghe lời đi Miên Miên, em không muốn bị say nắng đúng không?”

Anh nói điều này mà không hề do dự, giọng điệu vừa như cưng chiều, vừa như dỗ dành. 

Thực ra họ chỉ ở bên nhau có một mùa hè, Nguyễn Sương cũng chỉ bị bệnh một lần trong thời gian đó. Cô không ngờ anh vẫn nhớ. Trần Cương Sách cũng không có chủ ý nhớ, chỉ là anh không thể quên được mà thôi.

Chỉ là không thể quên được.

Có lẽ điều khó khăn nhất trên đời này không phải là khó quên mà là không thể quên.

Nguyễn Sương cố gắng mỉm cười, nhận lấy mở chai uống, cô lẩm bẩm: “Mùi vị thật tệ.”

Trần Cương Sách bất đắc dĩ cũng mở một bình khác ra, uống như đang uống rượu, nói: “Anh cũng uống một bình.”

Cô không nhịn được mà bật cười, nụ cười này là thật lòng.

Bầu không khí đã tốt lên rất nhiều, chẳng mấy chốc đoàn phim đã hoàn thành phần quay ở lớp học và đến phòng hòa nhạc. Có rất nhiều người nên không khí rất náo nhiệt, có người đã thấy sự hiện diện của Trần Cương Sách. Người trong đoàn phim đã sớm đã lan truyền chuyện Nguyễn Sương đang “theo đuổi” một phú nhị đại. Chỉ là vị phú nhị đại này cũng khá tốt bụng, có thể từ Nam Thành chạy đến chỗ này để bà chủ họ tiện cho việc “theo đuổi” anh ta. Bọn họ đều là những người trưởng thành nên cũng không hỏi gì, chỉ nhìn bọn họ với ánh mắt ba phần ranh mãnh.

Nguyễn Sương nheo mắt lại, bất đắc dĩ hỏi anh: “Khi nào anh mới về Nam Thành?”

Trần Cương Sách nói: “Ở đây anh có chút việc, có lẽ phải một tuần.”

Ánh mắt cô tối lại: “Anh thật sự có việc sao?”

Trần Cương Sách lấy điện thoại di động ra, cho cô xem lịch làm việc của mình: “Em tự xem——”

Lịch trình đã đầy, Nguyễn Sương liếc nhìn, mơ hồ còn trông thấy dòng chữ Sở Đất đai và Tài nguyên và Sở Công Thương. Cô không hiểu nhiều về công việc của anh, cũng không rõ ngân hàng làm thế nào lại dây dưa với những đơn vị đó. Nhưng suy cho cùng thì anh cũng có công việc nghiêm túc phải bận rộn và không phải cố ý đến tìm cô.

“Không cần cho tôi xem những thứ này, tôi không hiểu.” Nguyễn Sương quay mặt đi chỗ khác nói.

“Hôm nay anh tương đối rảnh nhưng vài ngày tới sẽ bận và không có thời gian ở bên em.”

“Tôi không cần anh ở cạnh tôi.”

“Nhưng sau mười giờ tối anh đều có thời gian, gọi điện cho em có được không?”

“Tôi rất bận.”

“Ừ, em không thích nói chuyện điện thoại, cũng không được hôn hay chạm vào, vậy anh sẽ đến nhà tìm em?” Anh cười với ý vị thâm sâu, thì thầm: “Em yên tâm, sẽ không đỗ xe trước cửa nhà em, anh sẽ đậu nó ở xa một chút, đảm bảo bố mẹ em không phát hiện được.”

“…Tôi sẽ không ra ngoài.”

“Vậy anh đành phải vào nhà tìm em và thăm bố mẹ vợ cũ.”

“Trần Cương Sách——!”

“Cuối cùng em cũng chịu nhìn thẳng vào anh rồi sao?” Nụ cười trên mặt Trần Cương Sách tắt dần, anh nhẹ nhàng hạ giọng, “Trong khoảng thời gian này anh sẽ rất bận rộn, nếu không kịp trả lời tin nhắn của em thì không phải anh giống như em là không muốn bị ai quấy rầy mà là do anh không có thời gian để trả lời.”

“…” Lông mi Nguyễn Sương khẽ run, cô nhỏ giọng mắng anh: “Tôi không muốn bị quấy rầy là bởi vì anh quá ồn ào.”

Cường độ của lời mắng mỏ vẫn như trước, nhẹ nhàng mềm mại như gãi ngứa.

Trần Cương Sách nói: “Nếu nhớ anh, cứ nói với anh một tiếng, lúc đọc được anh sẽ tới tìm em.”

Nguyễn Sương nói: “Tôi sẽ không nhớ anh.”

Trần Cương Sách trầm mặc mấy giây, giọng điệu rất nhẹ nhàng, gần như thở dài: “Nhưng anh sẽ nhớ em, rất nhớ em, Miên Miên.”

Nói xong lời này, anh liền rời đi.



Sáu giờ tối, ánh hoàng hôn nghiêng về phía bên kia bầu trời, những ánh đèn màu vàng nhạt đã phủ kín thành phố. Tất cả nhân viên thu dọn công việc, gọi xe đón họ về khách sạn.

Mặt trời gần xuống núi nhưng nhiệt độ không khí vẫn cao như vậy, mặt đất bốc lên hơi nóng, mọi người cùng hẹn thời gian làm việc ngày mai: “Có thể quay chiều được không, nóng chết đi được, mọi người dậy nổi không? Nếu không thì từ ngày mai trở đi chúng ta đều đến quay từ bảy, tám giờ sáng đi.”

Hầu hết đều có thể dậy vào giờ đó, nhưng chỉ sợ diễn viên chính dậy sớm mà sưng mặt, ảnh hưởng đến hình ảnh.

Nữ chính bày tỏ: “Hôm nào tôi cũng dậy từ 6 giờ sáng, hoàn toàn không có vấn đề gì cả.”

Nam chính Chu Tĩnh Dương cũng nói: “Tôi cũng có thể dậy được, yên tâm.”

Nguyễn Sương không thể yên tâm về cậu ta được: “Dạo này tạm dừng một chút, đừng uống rượu, đừng đến quán bar, ngoan ngoãn ở lại khách sạn cho tôi.”

Chu Tĩnh Dương đáp: “Yên tâm đi chị Sương, cho dù em có muốn đến quán bar cũng không thể.”

Sau khi ký hợp đồng với phòng làm việc, chuyện đầu tiên Nguyễn Sương yêu cầu cậu ta làm là không được gọi cô ‘Chị Miên Miên’, nếu thực sự coi cô là chị thì cứ gọi ‘Chị Sương’. Chu Tĩnh Dương vô cùng ngoan ngoãn làm theo.

Nguyễn Sương: “Tại sao vậy?”

Cậu ta lắc đầu, giọng khô khốc: “…Không có tiền.”

Nguyễn Sương ngây người: “Tiểu thiếu gia nhà họ Chu, sao lại không có tiền được?” Cô lại nghĩ đến một khả năng nào đó, “Cậu lại bỏ nhà ra đi à?”

Sở dĩ dùng từ ‘lại’ là bởi vì nhiều năm trước Nguyễn Sương có nhặt được tiểu thiếu gia nhà họ Chu bỏ nhà ra đi ở bên đường. Khi ấy Chu Tĩnh Dương mới học cấp hai, Nguyễn Sương và Quý Tư Âm đi hát đến nửa đêm, sau khi kết thúc mới về nhà. Đường phố đêm khuya tĩnh lặng như tờ, Nguyễn Sương lập tức nhìn thấy Chu Tĩnh Dương đi ngược đường. Tiểu thiếu gia quả thực có ngoại hình bắt mắt, quần áo đồng phục không mặc hẳn hoi, cổ áo cởi ra, tóc nhuộm vàng.

Nguyễn Sương và Chu Tĩnh Dương chỉ gặp qua một lần nhưng cô vẫn dừng xe lại, mở cửa xe ra, gọi cậu ta: “Chu Tĩnh Dương?”

Cậu ta ngẩng đầu lên, Nguyễn Sương nhìn thấy gương mặt đầy vết thương.

Chu Tĩnh Dương cố gắng gượng cười: “…Chị dâu.”

Nguyễn Sương cũng đã trải qua độ tuổi này, thấy quá nhiều thiếu gia phản nghịch, đặc biệt là mấy người nhuộm tóc vàng như vậy, cả ngày không làm gì ngoài đi đánh nhau.

Cô không hỏi nguồn gốc vết thương trên mặt cậu ta, mà khẽ nói: “Đã ăn tối chưa?”

“…” Nụ cười trên mặt Chu Tĩnh Dương lập tức nhạt đi, lúc đó cậu ta đã cao một mét tám nhưng lại rất gầy, cúi đầu đáp: “Em chưa.”

“Muốn ăn gì? Chị mời cậu ăn.” Cô cười nói.

Chỉ là nửa đêm nên chỉ có cửa hàng tiện lợi là còn mở cửa, Chu Tĩnh Dương cầm hai hộp mì tôm, sì sụp ăn mì.

Đợi cậu ăn xong Nguyễn Sương mới hỏi: “Lát nữa tôi đưa cậu về nhà nhé?”

Chu Tĩnh Dương lắc đầu: “Không cần.”

Nguyễn Sương cười: “Cãi nhau với người nhà à?”

Cậu gật đầu.

Cô nói: “Vậy tôi đưa cậu đến khách sạn?”

Cậu do dự vài giây, khổ sở mà đáp: “…Em không đem tiền.”

Nguyễn Sương trêu chọc: “Sao không đem tiền đã bỏ nhà ra đi rồi? Làm chuyện gì cũng phải lên kế hoạch trước mới được.”

Chu Tĩnh Dương ngượng ngùng: “…Chị Miên Miên, chị đừng nói em nữa.”

Cậu không gọi cô là ‘Chị dâu’, mà gọi ‘Chị Miên Miên’.

Nguyễn Sương nhìn nam sinh nhỏ hơn mình năm tuổi trước mặt, trong mắt ngập tràn sự dịu dàng và hiền từ: “Em họ của tôi bằng tuổi cậu, cậu ta cũng thường bỏ nhà ra đi, nhưng lần nào cũng kịp nhét vài trăm vào túi, cậu phải học tập mới được.”

“…” Chu Tĩnh Dương mới kịp phản ứng lại, “Bỏ nhà ra đi là chuyện đáng để khen sao, sao chị không mắng cậu ta?” Cũng không mắng em.

Bốn chữ sau, cậu ta không nói ra.

“Dậy thì nổi loạn mà, có thể hiểu được.” Nguyễn Sương nói, “Cảm xúc phải được giải tỏa mới được, không nên kìm nén.”

“Em đã nói em không vui, bảo họ đừng nói nữa nhưng họ chỉ biết mắng em thôi.”

“Họ nói cậu thế nào? Mắng cậu vì nhuộm tóc vàng à?”

“Vâng, đẹp trai thế cơ mà.”

Nguyễn Sương đồng ý: “Rất đẹp trai.”

Chu Tĩnh Dương giống như tìm được người cùng chiến tuyến, đôi mắt sáng lên: “Chị Miên Miên, chị cũng thấy rất đẹp trai, đúng không?”

Nguyễn Sương nói: “Đẹp trai là vì gương mặt cậu, với gương mặt này thì để đầu trọc cũng đẹp trai.”

Chu Tĩnh Dương: “Có một loại cảm giác được khen, nhưng cũng như đang bị mắng.”

Nguyễn Sương cười ha ha, chuyển chủ đề: “Đi thôi, chị tìm chỗ ngủ cho cậu, mai là thứ sáu, ngủ dậy nhớ phải đi học đấy.”

Chu Tĩnh Dương đá hòn đá trước mặt, không nói.

Nguyễn Sương thấy vậy hỏi: “Không muốn đi học sao?”

Cậu ta lắc đầu: “Không phải.”

“Chỉ là…Chị Miên Miên, em có đem điện thoại.”

“Hả?”

“Chuyện này hơi buồn cười, điện thoại em không đủ tiền, không có chặn ai cả.”

“Ừm.”

“Nhưng em bỏ nhà ra đi được tám tiếng rồi mà cũng không có ai gọi cho em, hỏi xem em đang ở đâu.”

“…”

“Chị, hay là chị đừng làm chị dâu của em nữa, làm chị ruột của em đi.”

“…” Nguyễn Sương khẽ cười, mắng cậu ta, “Tôi không có một em trai phản nghịch nhuộm tóc vàng như cậu.”

Thật ra Nguyễn Sương cũng đoán được ít nhiều, hào môn quá coi trọng quyền lực và địa vị nên quên đi mất tình thân. Vì thế đối với người bạn nhỏ thiếu sự yêu thương và quan tâm là Chu Tĩnh Dương mà nói, sự giúp đỡ nhỏ nhặt của Nguyễn Sương lại có ảnh hưởng sâu sắc trong lòng cậu. Vì vậy cho dù cô và Chu Hoài An đã chia tay, Chu Tĩnh Dương vẫn luôn nhớ đến cô, hơn nữa bằng lòng từ bỏ công ty tốt hơn để đến phòng làm việc nhỏ của cô.

Nhưng cô không ngờ rằng cách nhiều năm như vậy cậu ta lại bỏ nhà ra đi.

“Cậu bao nhiêu tuổi rồi, sao vẫn còn bỏ nhà ra đi?” Cô nhíu mày.

Chu Tĩnh Dương nói: “Chuyện rất phức tạp, nhất thời không thể nói rõ ngay được.”

Nguyễn Sương hỏi: “Lần này cũng không đem tiền theo à?”

Chu Tĩnh Dương đáp: “Có đem có đem, nhưng không mang nhiều lắm.”

Nguyễn Sương: “Có tiền ăn cơm không?”

Cậu gật đầu.

Nguyễn Sương vẫn lo lắng: “Hay là tôi trả lương cho cậu trước?”

Chu Tĩnh Dương lắc đầu: “Không cần đâu ạ, có tiền lại tiêu nhiều, không có thì không tiêu, hơn nữa bây giờ em cũng không thích ra ngoài nữa, ở trong khách sạn cũng không tiêu gì đến tiền.”

“Vậy cũng được.”

“Chị Miên Miên.”

“Ừm?”

“Em mời chị một bữa nhé.”

“Hôm nay sao?”

“Vâng.”

Vừa nói xong, điện thoại của Nguyễn Sương rung lên.

Là tin nhắn bố gửi đến, cô ngẩng đầu lên, nhìn thấy xe của ông, “Hôm nay không được rồi, tôi có cuộc xem mắt, bố tôi đến đón đi xem mắt rồi.” Cô vội vàng nói, “Tôi đi trước đây, tối nào không xem mắt thì đi ăn với cậu sau.”

Chu Tĩnh Dương chớp chớp mắt, gương mặt chất đầy sự hoang mang.

Tối nào không xem mắt?

Vậy có nghĩa là hôm nào cũng xem mắt sao?

Còn Trần Cương Sách thì sao?

Không phải anh đang ‘theo đuổi’ chị ấy sao?

Rốt cuộc quan hệ giữa hai người là gì vậy?

Đầu óc của người trẻ tuổi nhưng lại chậm chạp, nghĩ ngợi thật lâu nhưng vẫn không hiểu được.

Trên đường về khách sạn cậu ta đều nhíu mày. Cậu ta từ chối lời mời ăn tối của người khác, “Tôi quay phim thường sẽ không ăn tối, sợ ảnh hưởng đến việc ghi hình.” Sau đó, hoảng loạn đi vào thang máy khách sạn.

Cánh cửa thang máy chậm rãi đóng lại, bên ngoài đột nhiên xuất hiện một bóng người đến nhấn nút thang máy, cánh cửa lại mở ra. Người bước vào khiến cậu vô cùng ngạc nhiên.

Sau khi Trần Cương Sách nhìn thấy Chu Tĩnh Dương, anh cũng hơi ngây người. Trước kia Chu Tĩnh Dương thường hay đến quán bar của Chí Cảnh Đình, vì vậy khi thấy Trần Cương Sách cũng gọi anh một tiếng ‘Anh Cương Sách’.

“Anh Cương Sách.” Hôm nay cậu vẫn gọi anh như vậy.

“Tĩnh Dương, Nguyễn Sương sắp xếp cho cậu ở khách sạn này sao?”

“Vâng.”

Mặc dù Trần Cương Sách và Chu Hoài An có hợp tác vài lần, nhưng quan hệ giữa hai người khá nhạt nhoà, thậm chí còn không bằng cả quan hệ giữa anh và Chu Tĩnh Dương. Dù sao thì mấy lần Chu Tĩnh Dương đến quán bar uống đến bất tỉnh nhân sự, đều là Trần Cương Sách cho người đưa cậu về. Chu Tĩnh Dương được nhà họ Chu nuôi kiểu tự do, nói khó nghe hơn thì là một quân cờ bị nhà họ từ bỏ, vì vậy cậu ta muốn gì thì làm, gần như không ai nói gì. 

Đè nén lại sự nghi hoặc trong lòng, mãi đến khi thang máy gần đến tầng cậu ở, Chu Tĩnh Dương không nhịn được nữa mới hỏi thẳng Trần Cương Sách.

“Anh Cương Sách, bây giờ anh và chị Sương là bạn bè bình thường thôi đúng không?”

Trần Cương Sách do dự một lát, phải nói với người bạn nhỏ chưa hiểu sự đời về quan hệ giữa anh và Nguyễn Sương thế nào đây.

Thang máy đã đến nơi, phát lên một tiếng ‘tinh’.

Không đợi Trần Cương Sách mở miệng, Chu Tĩnh Dương đã lên tiếng, giống như tự hỏi tự đáp: “Chắc là bạn bè bình thường rồi, nếu không sao chị Sương lại đi xem mắt chứ? Em nghe chị ấy nói giống như hôm nào cũng đi xem mắt vậy. Cũng đúng, chị ấy xuất sắc như vậy, số người đàn ông xếp hàng đợi xem mắt chắc cũng dài lắm.”

Trong thang máy sáng đèn có thể nhìn thấy được gương mặt Trần Cương Sách lập tức tối đen.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện