*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Tiểu Bàng chẳng còn hứng đùa cợt với họ nữa, đi vào kho lấy ra một hộp màu đưa cho Nhiếp Tung.

Nhiếp Tung mở nắp, ánh mắt lóe lên: “Là bột vàng nghiền à?”

“Bố em bảo em đưa cho anh, nói là dùng để sửa bức tranh anh đang giúp bố.”

“Nhiêu đây nhiều quá.”

“Phần còn lại anh mang về đi.”

Nhiếp Tung ngạc nhiên, vội đứng dậy: “Bác Bàng đang ở đâu? Anh phải đi cảm ơn.”

Tiểu Bàng khoát tay: “Không cần, đây là tiền công anh sửa tranh.”

“Không được, chuyện nào ra chuyện nấy. Lát nữa anh chuyển khoản tiền màu cho cậu.”

“Không liên quan đến em, anh đừng hại em nữa.” Tiểu Bàng nói xong liền chuồn mất.

Thái độ nghiêm túc của Nhiếp Tung khiến Doãn Hy cũng nghiêm chỉnh theo, cô đứng dậy hỏi: “Sao vậy?”

Hộp bột vàng trong tay như nặng ngàn cân, ánh mắt Nhiếp Tung trầm xuống: “Bác Bàng đã mấy năm không làm bột vàng nữa rồi.”

“Tại sao?” Doãn Hy nhận lấy hộp, cúi xuống nhìn kỹ: “Thiếu nguyên liệu à?”

“Em biết bột vàng làm ra thế nào không?”

“Theo như anh từng kể với em, em đoán là: trước hết nghiền đá nguyên chất, từ thô đến mịn cho đến thành bột, sau đó là rửa, lắng, lấy màu rồi sấy khô. Có đúng không?” Cô ngẩng mặt lên, vẻ mặt đầy tự tin.

Nhiếp Tung cười khẽ, cọ nhẹ mũi cô một cái: “Cũng gần đúng.”

“Vậy thì vì sao lại không làm nữa?” Doãn Hy càng thêm khó hiểu.

“Làm bột vàng cần phải làm liền một mạch, suốt cả ngày không được uống nước, không được ăn, không được đi vệ sinh. Phải dùng tay mài đi mài lại, đến khi hạt vàng biến thành lá vàng mỏng đến mức có thể bay trong không khí. Quá trình đó gọi là ‘mài vàng’, ít nhất mất mười ngày nửa tháng.”

“Sau đó thì sao?”

“Rồi tiếp tục lắng, loại bỏ hạt thô, lắng tiếp, cuối cùng mới thu được thứ bột vàng cực kỳ mịn.”

Lặp đi lặp lại động tác như vậy trong thời gian dài không chỉ khiến lòng bàn tay chai cứng mà còn gây tổn thương nghiêm trọng về thể lực. Chỉ cần tưởng tượng thôi cũng thấy gian nan vô cùng. Doãn Hy chợt hiểu được sự trân trọng của Nhiếp Tung, liền đổi tay để cẩn thận nâng hộp màu lên.

Bột vàng cực kỳ tốn sức tốn thời gian ấy rốt cuộc dùng để làm gì, Doãn Hy đã biết được vào ngày hôm sau.

Nhà họ Bàng có một bức họa truyền đời mấy thế hệ, là bản vẽ phong cảnh phỏng theo “Du Xuân Đồ”. Trong tranh, núi đá được vẽ bằng những nét mảnh tinh tế, phần thân núi tô bằng màu lam đá và lục đá, phần chân núi được phủ mờ bằng bột vàng.

(*)《游春图》 (Du Xuân Đồ) là một trong những bức tranh sơn thủy nổi tiếng và cổ xưa nhất trong lịch sử hội họa Trung Quốc, do danh họa 展子虔 (Triển Tử Khiêm) thời Tùy (thế kỷ VI) vẽ. Miêu tả khung cảnh mùa xuân tươi đẹp với núi non, sông nước, cây cối xanh tươi, thuyền bè xuôi dòng, người cưỡi ngựa dạo chơi trên đường ven sông. Là một biểu tượng của sự sống động, nhẹ nhàng, thanh thoát trong mùa xuân. Hiện vật gốc đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh.

Gần đây, bức tranh bị oxy hóa nghiêm trọng, nhiều chỗ đã chuyển sang màu đen, thậm chí lớp keo trong màu khoáng đã biến chất, bong khỏi mặt tranh.

Việc Nhiếp Tung cần làm là loại bỏ phần bị đen, cố định màu, khôi phục lại tranh như ban đầu. Dù bức tranh không lớn, nhưng khắp nơi đều là điểm khó cần phục chế. Anh không dám lơ là, từ độ đậm của keo đến độ dày của cọ, tất cả đều chuẩn bị tỉ mỉ, không sót điều gì.

Đây là lần đầu tiên Doãn Hy được chứng kiến toàn bộ quá trình Nhiếp Tung phục chế tranh. Cô bị cảm xúc của anh ảnh hưởng, đến mức không dám thở mạnh, chỉ lặng lẽ ngồi một bên. May mà thư phòng của bác Bàng chẳng khác gì một kho báu, với đủ loại cổ thư và tài liệu quý hiếm, cô chỉ cần tiện tay lấy vài quyển trên giá là đủ đọc cả ngày.

Sau vài ngày, quá trình phục chế của Nhiếp Tung cũng đi đến giai đoạn cuối cùng, còn Doãn Hy thì gần như đã đọc hết sách trong nhà bác Bàng.

Nhiếp Tung tựa đầu lên vai cô, nhắm mắt nghỉ ngơi, tiện miệng hỏi: “Đọc có hay không?”

“Hay lắm…” Doãn Hy không chỉ đọc mà còn ghi chép cẩn thận, chỉ hận không thể khuân hết đống sách của nhà họ Bàng về.

“Em đang đọc gì đấy?”

“《Ngũ Tạng Sơn Kinh》.”

(*) Ngũ Tạng Sơn Kinh (五藏山经) hay đôi khi còn gọi là Ngũ Tạng Sơn là tên gọi xuất hiện trong một số văn bản cổ truyền Trung Hoa, gắn liền với y học, địa lý và vũ trụ quan cổ đại. Ngũ Tạng Sơn Kinh có thể hiểu là: Kinh sách mô tả các đường mạch, địa hình, khí huyết, hoặc đạo lý vận hành của ngũ tạng trong cơ thể như một hệ thống núi non phức tạp.

“Là sách gì vậy?”

“Là quyển sách địa chất cổ nhất của nước mình đó. Anh biết 《Sơn Hải Kinh》 chứ? Trong đó có năm phần gọi là 《Sơn Kinh》, còn 《Ngũ Tạng Sơn Kinh》 chính là tên gọi chung của năm phần đó.”

(*) Sơn Hải Kinh – một tập cổ thư nổi tiếng thời Tiên Tần miêu tả về địa lý, thần thoại, dị thú và các truyền thuyết cổ đại, gồm 5 phần: Nam Sơn Kinh, Bắc Sơn Kinh, Đông Sơn Kinh, Tây Sơn Kinh, Trung Sơn Kinh. Các phần này tổng hợp lại gọi là “Ngũ Tạng Sơn Kinh” (五藏山经) – tức năm phần mô tả núi non của thiên hạ.

Nhiếp Tung mở mắt, liếc nhìn quyển sách tranh trong tay cô: “Nghe có vẻ ghê gớm đấy.”

“Tất nhiên rồi.” – Doãn Hy không hề che giấu sự yêu thích với quyển sách này – “Hy Lạp cổ đại có một quyển địa chất gọi là 《Ký sự đá》, ra đời còn muộn hơn sách này, mà cũng chỉ ghi lại 16 loại khoáng vật thôi, không chi tiết bằng mình.”

“Thật thế à?”

“《Ngũ Tạng Sơn Kinh》 ghi chép đến 89 loại khoáng vật – gồm khoáng kim loại, phi kim và đủ loại đá kỳ dị, đất sét các màu. Ngoài phân loại, sách còn ghi lại hơn 300 địa điểm khai thác, thậm chí còn mô tả nguồn gốc của các khoáng sản nữa cơ.”

“Thời cổ đâu có công cụ khảo sát khoa học hiện đại, sao họ ghi chép được nhỉ?” Đây là lĩnh vực Nhiếp Tung hoàn toàn xa lạ, nghe thì thấy rất mới mẻ và tò mò.

“Khai thác ở núi nào, sông nào, ở sườn núi hay chân núi, hướng đông hay tây, tất cả đều ghi rõ địa điểm. Ngoài ra còn căn cứ vào độ cứng, màu sắc, độ trong, từ tính để phân biệt, từ đó biết được khoáng vật nào có thể luyện kim. Anh thấy ngầu không?”

“Trí tuệ người xưa đúng là không thể xem thường, nếu không thì các ngành khoa học sao có thể phát triển đến ngày nay.” Nhiếp Tung thẳng lưng, duỗi tay chân một chút rồi tiếp tục công việc phục chế.

“Tiến độ đến đâu rồi?” Doãn Hy gập sách lại, đứng sau lưng anh.

“Sắp xong rồi, chỉ còn con dấu cuối cùng.”

“Anh phải khắc ấn à?”

“Ừ.”

“Khó không?”

Nhiếp Tung đầy tự tin: “Chỉ là khắc triện thông thường thôi, không có gì khó.”

Lần đầu tiên thấy Nhiếp Tung cầm dao khắc, Doãn Hy vô cùng hứng thú. Con dao trong tay anh như món đồ chơi, đường nét ngang dọc lộ rõ khí chất. Sau khi khắc xong, anh thử in thử vài lần, chỉnh sửa vài nét nhỏ, rất nhanh đã hoàn thành. Nhúng vào loại mực dấu đặc biệt do xưởng nhà họ Bàng làm thủ công – “bát bảo ấn nê” – một con dấu đỏ tươi, sắc nét hiện lên trên bức tranh. Sau đó, anh dùng chút bùn cát xử lý làm cũ nhẹ cho con dấu, thế là bức họa cổ đã hoàn toàn được phục chế xong. 

(*) “Bát Bảo Ấn Nê” (八宝印泥) là một loại mực dấu (ấn nê) truyền thống cao cấp của Trung Hoa, thường dùng trong thư pháp, hội họa và nhất là để đóng ấn triện lên các tác phẩm nghệ thuật hoặc văn kiện quan trọng.

Doãn Hy cầm con dấu in thử lên giấy chơi, càng in càng thấy đẹp: “Mực dấu này màu chuẩn quá, còn đẹp hơn cả loại em mua gấp trăm lần.”

“Em thích thì mang một hộp về.”

“Có đắt không?”

Nhiếp Tung chỉ cười không nói.

“Chắc là đắt lắm phải không?” Doãn Hy vội đặt con dấu xuống, không dám nghịch tiếp.

Nhiếp Tung ghé sát tai cô, thì thầm: “Anh mua cho em.”

“Xì.” Doãn Hy lườm anh một cái, ra vẻ chị đại: “Chị đây tự mua!”

“Ồ, mua gì thế?” Bác Bàng bước qua ngưỡng cửa, mỉm cười hỏi cả hai người.

“Là mực dấu của bác đó ạ.” Doãn Hy nâng hộp “bát bảo ấn nê” lên, khen không ngớt lời: “Màu đỏ đẹp quá trời.”

“Vậy còn phải mua gì nữa? Bác tặng cháu một hộp.”

“Nếu là tặng thì cháu không dám nhận đâu.”

“Chà, cái cô nhóc này…”

“Cháu tiếc đồ thôi. Bác cứ tặng cái này cái kia là thành ‘phá của’ đấy ạ.” Doãn Hy cười híp mắt, đùa lại.

Bàng Niên Húc không tranh luận thêm với cô, chỉ khẽ thở dài: “Sau này bột vàng, mực dấu… bác cũng không làm nổi nữa rồi.”

Doãn Hy cúi đầu, ánh mắt rơi vào đôi bàn tay đầy chai sạn của ông. Nhiếp Tung lặng lẽ đứng bên cạnh cô, đặt tay lên lưng cô, âm thầm an ủi.

“May mà vẫn còn vài người chịu học nghề, ít ra cũng không để kỹ nghệ cổ truyền này thất truyền trong tay bác.” Bác Bàng sắp xếp lại các loại màu sắc gọn gàng, trong mắt toàn là sự mãn nguyện.

“Công việc như làm mực dấu, phải giã liên tục bốn năm tiếng đồng hồ, từ lâu nên để cho người trẻ làm rồi.” Nhiếp Tung nhẹ giọng trách, trong lời nói chứa đầy sự xót xa.

“Chu sa loại tốt phải năm ngàn tệ một cân, ban đầu bác thật sự không nỡ đưa cho mấy người học việc dùng đâu!” Nói đến nguyên liệu chu sa, Bàng Niên Húc nhớ lại chuyện xưa: “Hồi trước nghe ông nội với bố bác kể, khi họ làm mực dấu thì dùng dầu thầu dầu, bột ngọc trai, xạ hương, san hô đỏ… tha hồ mà dùng, chẳng thấy tiếc chút nào. Giờ nghĩ lại, thật chẳng dám tiêu xài như thế nữa.”

“‘Một lạng mực dấu ngang một lạng vàng’ trước đây câu này là để nói đến công sức người thợ bỏ ra. Một con dấu đẹp ít nhất phải giã hơn mười vạn nhát mới luyện thành. Giờ nguyên liệu ngày càng đắt, câu nói này cũng chẳng còn là ví von nữa.” Nhiếp Tung vừa nói vừa giúp bác Bàng sắp xếp lại màu và mực dấu vào hộp.

Bác Bàng cười xòa, không để bụng: “Cũng không nghiêm trọng như cháu nói đâu. Giá nguyên liệu mỗi năm đều dao động, tổng thể vẫn trong tầm kiểm soát. Cái làm người ta lo là nghề truyền thống này không có người kế tục.”

Doãn Hy nhớ lần này đến, lại thấy vài gương mặt học trò mới trong xưởng, liền hỏi: “Lứa học trò trước lại nghỉ rồi ạ?”

“Có đứa thì cảm thấy học đủ rồi, đi mở tiệm riêng. Có đứa thì thấy vất vả quá, bỏ ngang luôn.” Nhắc đến chuyện này, bác Bàng không khỏi thở dài: “Thôi thì… đến con trai bác còn không chịu nối nghiệp, bác cũng không ép ai được. Chỉ cần bác còn sức thì bác vẫn làm. Có người chịu học, bác sẽ dạy.”

“Học dăm ba tháng thì giỏi được gì? Mở tiệm rồi sống bằng nghề kiểu gì?” Nhiếp Tung biết đôi chút về chế tác màu, căn bản không tin rằng học một thời gian ngắn là đủ thành nghề, nói gì đến mở tiệm mưu sinh.

“Đúng vậy. Cháu nói xem, riêng mực dấu thôi cũng đã là lao động cực nhọc. Không chỉ dùng sức tay, mà còn phải có cảm giác tay nữa. Mà cảm giác tay là thứ phải rèn luyện qua năm tháng, chỉ trong khi giã mực liên tục, mình mới từ từ đúc kết, cảm nhận được thông tin từ cây chày truyền đến, như độ dính của từng phần mực, mức độ đồng đều…” Bác Bàng giơ từng ngón tay ra đếm cho Doãn Hy xem: “Thấy chưa? Đây đâu phải ngày một ngày hai mà có được.”

Chai tay, viêm gân là bệnh nghề nghiệp của những người làm màu, cũng chính vì vậy mà nghề này ngày càng khó có người nối nghiệp.

Doãn Hy cúi đầu nhìn những hộp màu và mực dấu được sắp xếp gọn gàng kia, nhìn bức tranh Nhiếp Tung vừa phục chế xong, nhìn những dấu ấn mình vừa in thử. Màu sắc đậm đà yên tĩnh, sắc đỏ tươi tắn dễ chịu, trên mặt giấy toát lên thần vận và ý nghĩa bút mực, càng nhìn càng thấy sáng ngời.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện