GIANG TRỪNG: CON GÁI TUI ĐÁNG YÊU NHẤT QUẢ ĐẤT!

Nhóm sư huynh muội ăn chơi chuyện phiếm, đêm buông lại thêm hai người nhập tiệc.

Giang Trừng vơ nốt miếng thức ăn còn trong bát, ngờ ngợ có ai vừa vào ngồi cạnh, thong dong xoay sang mới biết sư phụ Bạch Nhiễm Đông nhà mình chẳng hay đến tự bao giờ, khẳng khái cạn sạch chén rượu cô vừa hớp mất nửa. Đại sư huynh cũng ở cả đây, anh ngồi kế sư phụ, đang được nhị sư huynh rót rượu cho.

“Ấy, sư phụ xong chuyện rồi hả?” Giang Trừng chùi mép hỏi.

Bạch Nhiễm Đông đặt chén xuống, “Nhị sư bá của con kiểm tra hộ ta rồi, vẫn không sao hết.”

Kể từ sau lần lành lặn quay về song lại mất trí nhớ về quãng thời gian bị bắt trước đó, Tạ nhị sư bá thỉnh thoảng sẽ khám sức khoẻ cho nàng, đến nay vẫn chưa thấy gì lạ. Chẳng vì Bạch Nhiễm Đông cứ luôn cảm thấy không ổn thì mọi chuyện đã êm xuôi cả rồi.

“Chuyện sau này để xảy ra hẵng tính, ta cũng đã thu vén hết những điều mình có thể làm rồi, chẳng gì phải sợ.” Bạch Nhiễm Đông không ngại mối nguy tiềm tàng trong cơ thể, thấy đồ đệ Giang Trừng cau mày thì hỉ hả cười, thò tay sờ chiếc bụng to của cô, “Bà bầu như trò thì có gì phải lo, sư phụ đáng tin hơn trò nhiều, ý mà chừng nào bé con mới ra đời?”

Bạch Nhiễm Đông tò mò ve vuốt, chưa mấy chốc đã bị trò cả Bạch Linh ngồi kế bên kéo tay về.

“Được rồi được rồi, ta nhìn thôi không chạm vào nữa.” Vỗ về đại đồ đệ mặt lạnh, nhưng thoắt cái đã lời nói gió bay, thừa lúc Bạch Linh cúi đầu uống rượu, nàng lại ngứa tay rờ thêm đôi lượt.

Giang Trừng hết chịu nổi bèn móc một bầu rượu từ túi trữ vật ra đặt trước mặt sư phụ, hòng dời sự chú ý của nàng, “Rượu ngon em trai trò đưa sang, uống không nè?”

“Có!” Bạch Nhiễm Đông rốt cũng buông tha cho cô, khui rượu rót đầy chén, “Lạ vậy, rượu của trò sao chả thơm gì cả… Ủa? Cái gì đây? Rượu thuốc hả? Ngâm cả con nhện đây này?”

“Nhện? Nhện gì cơ?” Giang Trừng đăm chiêu một lúc, đến khi trông thấy con nhện trắng im lìm như đã chết dập dềnh trong chén của Bạch Nhiễm Đông mới sực nhớ ra.

Thương Di – yêu tu nhện vẫn luôn tu dưỡng trong Phật Hương Lộ cơ mà, cô quên bắng mất! Đúng là có bầu một chốc ngu mất ba năm mà!


“Gượm đã sư phụ, đừng có uống!” Giang Trừng giật bầu Phật Hương Lộ cầm nhầm lại, dốc ngược rượu và con nhện trắng trôi nổi trong chén nàng vào đấy dán kín nắp.

Bạch Nhiễm Đông trông cái điệu kia, cười trêu: “Sao vậy ta, gã yêu tu mất yêu đan đang ngủ say kia thân cả trò lắm à?”

Giang Trừng bị sư phụ nhìn thấu cũng chẳng lấy làm lạ, cô đang rầu vì chẳng biết nên giải quyết chú nhện này như nào đây, say sưa mãi chỗ cô cũng dở, cứ cái đà này chẳng mấy chốc lại quên nữa cho xem, bữa nào kèm nhèm nuốt luôn cũng nên.

Khéo thay vừa lúc Giang Nguyệt bưng đồ sư huynh Chu Uyển mới nướng xong sang, Giang Trừng thấy nó tức thì sáng mắt. Chú nhện này là bạn trai của cha ruột con bé mà, giờ giao nó chăm cũng đúng lý hợp tình. Giang Trừng tự dưng lĩnh ngộ được kỹ năng “sư phụ quẳng gánh” của Dung Trần sơn phái, nghiêm túc đưa bầu Phật Hương Lộ cho Giang Nguyệt.

“Trong đấy có một tiền bối yêu tu đang tu dưỡng, ông ấy và trò có đôi phần duyên cớ, sau này giao trò chăm sóc, giữ cho kỹ, lát đem về phòng cất cẩn thận.”  Giang Trừng phỉnh phờ tiểu đồ đệ. Giang Nguyệt ngoan ngoãn ắt chẳng chối từ, dè dặt ôm bầu rượu, mờ mịt về chỗ ngồi.

Bạch Nhiễm Đông xem từ đầu chí cuối, chăm chăm nhìn Giang Trừng, như cười như không, “Kể ra trong đám thì ta nhận trò muộn nhất, thế mà mỗi trò là lĩnh hội được căn cơ của ta.”

Giang Trừng: Sư phụ à, căn cơ của người là bẫy đồ đệ với quẳng gánh mặc ai đó hả?

Tận khi trăng treo giữa trời, cả đám mới dừng bù khú, ai nấy phất áo ra về, hôm sau, Giang Trừng choàng tỉnh khỏi cơn bí tỉ thì sư huynh sư tỷ đã rời nhà đi làm nhiệm vụ đã, trừ Yến Phù Tô. Tông môn đã ban lệnh diệt trừ rối ma.

Mấy tháng trước rối ma chỉ mới manh nha, vậy mà giờ đã dấy sóng to gió lớn ở cõi tu chân này.

Số lượng rối ma cực khổng lồ, ban đầu chỉ nhen nhóm ở vùng tây nam, sau xuất hiện khắp mọi nơi. Nhiều rồi mới thấy rối ma luôn có mặt gần tử giới, còn đám ma tu tạo nên chúng thì bặt vô âm tín. Mọi người truy tra nhưng chẳng tài nào biết rối ma là tác phẩm của ai.

Trước đó các môn phái cẩn trọng đề phòng, đồ rằng bọn ma tu ở Ma Vực lại định giở quẻ, song lâu rồi vẫn chưa thấy động thái nào. Chẳng biết do đâu mà Ma chủ lại tăng phòng ngự của Ma Vực, cực ít ma tu lộ mặt ở cõi tu chân. Thứ duy nhất thó ra là rối ma với số lượng ngày càng đông đảo.

Trái lại, người phàm và tu sĩ gặp nạn tựa nấm sau mưa, tán tu và tiểu tu sĩ không dưng mất tích như cơm bữa, về sau hoá thành rối ma mất trí. Nay cứ hễ đến gần tử giới sẽ gặp rối ma vất vưởng, biến nơi ngày càng ít người lại thêm sự vụ mất tích thành cõi chết hoang vu.


Tử giới và rối ma xuất hiện ở vùng sâu vùng xa cũng đỡ, chứ chúng giáng trần gần địa bàn của các môn phái tu chân thì hỏng, ví như nơi xuất hiện tử giới đầu tiên Giang Trừng tận mắt chứng kiến năm ấy – Xuất Trần sơn phái đen đủi thuở nào nay đã sụp đổ biết bao nhiêu thứ, phải núp dưới bóng tử giới qua ngày mà vẫn không dọn nhà.

Dẫu sao cũng là phái to vạn năm tích luỹ, ắt chẳng thể cứ vậy bỏ đi, họ cố cầm cự, có lẽ cũng vì có Xuất Trần toạ trấn mà xung quanh vắng bóng rối ma.

Dạo này rối ma gây hoạ muôn phương, Vô Cực Tử của Vô Cực đạo quán là mực thước của cõi tu chân nên phải sát phạt khắp nơi, nhóm các môn phái lớn như Dung Trần nào muốn tụt hậu, tất cũng phái đệ tử luân lưu chi viện, chuyến này đến phiên dãy Bạch Linh.

Ngay cả chị em sinh ba họ Chân hãy còn tuổi hoa cũng phải góp sức, các đệ tử thân truyền dắt đệ tử nội môn và ngoại môn cùng dãy cuồn cuộn lên đường, chỉ mỗi Giang Trừng sắp sinh phải ngoan ngoãn ở nhà.

“Ở lì trong môn phái, mỗi hôm chỉ biết ăn rồi lại ngủ, tu luyện cũng chỉ thi thoảng mới được phép, chán biết mấy.” Thêm một ngày nữa trôi qua, Giang Trừng nằm trên ghế mềm, tứ bề thoảng gió, than thở thế đấy. Chắc cô là người rảnh nhất cõi tu chân hiện thời, ngoài kia ai nấy bộn bề muốn chết.

Cơ mà Giang Trừng đâu phải người ưa nhàn rỗi, một hai tháng vẫn ổn chứ cứ ở không vác thêm quả bóng to tròn nặng trịch thế này, cô sắp chịu hết nổi rồi. Bữa giờ tố khổ với đứa bé trong bụng mãi. Nào là “Con ngoan ra mau, mẹ dẫn con đi chơi.” rồi thì “Không được dạo đây dạo đó chắc mẹ điên mất, chừng nào con mới chịu ra?” hay “Con ơi bàn tý, mai mình đẻ được không?” các kiểu.

Hôm nay cô theo lệ ôm bụng dỗ con, bảo: “Con ngoan, chừng nào con ra? Giờ trời đẹp nè, chọn ngày chi bằng gặp ngày, hay cứ đẻ hôm nay luôn được không?”

Phong Hữu Chỉ ngồi kế khẽ cười, “Sư phụ, chưa đến lúc thì người có gọi cháu cũng chẳng ra đâu.”

Giang Trừng hồi lâu chẳng nói gì, Phong Hữu Chỉ ngờ vực nhìn sang, thấy sư phụ nhà mình tái mặt cười khan đôi tiếng, sau lại buông câu: “Chưa chắc, ta đây gọi được rồi này.”

Cô ôm bụng đi thẳng vào gian phòng chuẩn bị từ trước, ngoái lại bảo đại đồ đệ còn đang ngơ ngẩn: “Gọi nhị sư bá của trò qua đây, sư phụ sắp sinh rồi.”

Phong Hữu Chỉ: “…”


Bé con trong bụng hoặc thấy bà già mình phiền quá, hoặc thương lắm không nỡ để mẹ chết chán, bèn đương lúc nghe Giang Trừng dỗ mà máy mình, quyết định giáng trần sớm.

Đỉnh Bạch Tín một phen hoảng loạn, nghe báo tiểu sư muội sắp sinh, Yến Phù Tô vốn đang luyện đan bỗng căng cả da đầu, mẻ thuốc cứ thế mà đi toong. Song hắn cũng chẳng hơi đâu màng đến, đứt phắt dậy chạy sang. Chốc sau lại vòng về, lạnh lùng trút hết thuốc dư vào túi mới đi.

Tạ nhị sư bá hay chuyện cũng phớt hỏng bức tranh đang hoạ, cuống cuồng mà đến, không quên báo tin cho các đệ tử khác.

Tu sĩ sinh con tiện hơn người phàm nhiều, cơ mà lúc mang thai phải nạp đủ linh khí, bằng không đau nhiều đớn lắm. Giang Trừng chẳng lo lắng gì, cô đầy tràn linh khí, chúng bảo vệ cô và đứa trẻ trong bụng, thậm chí chẳng mấy chốc bé con đã ra đời, thuận buồm xuôi gió.

Sinh con còn chả đau bằng lúc bị vạn kiếm xẻo người hồi còn ở trong phòng tối, đơn giản hơn tưởng tượng của cô nhiều. Soạt một tiếng, bé con giáng trần, lúc nó rời bụng, cô tức thì thấy cơ thể nhẹ như bay.

Linh khí trong người tự động tản đi, da dẻ cô mịn màng trở lại. Sinh nở nhanh gọn không di chứng như này, Giang Trừng hài lòng vô cùng.

Giang Nguyệt hãy còn trân trân lo rằng sư phụ sẽ đau vô cùng, Giang Trừng đã tràn trề sức sống bật dậy khỏi giường ôm bé con, cười nhe răng tít mắt.

Nữ tu cõi này sinh xong khoẻ lại rất nhanh, không cần ở cữ, ngay cả bé con cũng trắng nõn mượt mà chứ chẳng đỏ hỏn nhăn nheo như người phàm.

Bé ngoạc miệng oa oa đôi tiếng, bực bội cuộn tròn lại, tóc máu ít mà mềm, cánh tay như ngó sen, mông nhỏ tròn trịa, bàn tay núng nính, đáng yêu cực kỳ, khiến người làm mẹ như Giang Trừng thật chẳng tài nào kiềm chế nổi, bừa bãi ôm vội ôm vàng rồi ngất ngây.

Sau cùng Yến Phù Tô thấy sao cứ im lìm, sợ xảy ra bất trắc bèn đến xem, bấy mới biết Giang Trừng ôm con cười khờ, đang đếm xem con mình có bao nhiêu sợi lông mi.

Yến Phù Tô trán bật gân xanh, nghiếng răng trèo trẹo. Quát: “Giang Trừng!”

Giang Trừng bấy mới nhìn sư huynh, cười ngơ vô cùng, dứ dứ bé sang, “Nhị sư huynh trông này, con gái muội đáng yêu chưa ~”

Yến Phù Tô vừa giễu cái vẻ ngờ nghệch của Giang Trừng vừa… vô thức đến cạnh giường ngắm bé. “Ý đáng yêu thật này, trẻ con mới lọt lòng đều thế cả ư? Uống thuốc được chăng? Ta mang nhiều thuốc tới lắm, con bé có đói không? Muốn uống chứ?”

Tức thời chung quanh Giang Trừng đặc kín những người. Cuối cùng bà mẹ cô đây bị chèn ra ngoài.


Giang Trừng: “…”

Lúc bé con ra đời, tại thành trấn trần gian xa xôi vạn dặm, tăng nhân áo trắng luôn thoáng ý cười, từ bi bình thản đứng trước cổng nhà ai như cảm nhận được, chàng ngẩng phắt đầu lên nhìn về hướng của một tông môn nào đấy.

Bấy giờ, cửa gỗ trước mặt chàng kẽo kẹt mà vang, một bà lão mở cửa, soi xét người bên ngoài. Thấy đấy là một tăng nhân áo trắng, bà vơi bớt đề phòng, chắp tay vái, “Đại sư có việc gì chăng?”

Tăng nhân áo trắng dời ánh nhìn phương nao, rũ mắt chắp tay vái, chuỗi hạt bồ đề reo lên khe khẽ, chàng đáp: “Ta kính niệm một đoạn kinh, mong cụ ban cho một hạt gạo.”

Bà lão không hiểu lắm: “Một hạt gạo?”

Tăng nhân cười cười: “Vâng, một hạt gạo thôi.”

Sau một tuần trà, chàng rời nơi ấy, cho hạt gạo bà lão tặng vào chiếc túi đỏ cỡ bàn tay, đi sang nhà kế tiếp.Phù Hoa: Giang Trừng: Đại sư, chàng đang làm gì á?

Thanh Đăng: …

Giang Trừng: Em biết ngay chàng quan tâm con bé hơn cả em!

Thanh Đăng: …

Giang Trừng: Em không phải công trúa nhỏ đáng yêu nhứt của chàng à, sao im lặng vậy!

Thanh Đăng: Ừ.

Kéo: Chắc mọi người cũng biết tích “Gạo trăm nhà” rồi. Tương truyền phụ huynh bế con trẻ đến từng nhà xin từng hạt gạo một rồi đem về nấu cháo, đứa bé ăn xong như đã nhận phước lộc trăm nhà, bình an khoẻ mạnh, hạnh phúc lớn khôn. Trong truyện thì hình như bé hổng có ăn, nhưng mà ý nghĩa vẫn từa tựa vậy đó.

Đại sư lạnh nhạt thản nhiên là thế, song lúc nào cũng chăm lo cho Giang Trừng và con mình theo cách riêng của chàng. Dịu dàng và ấm áp lắm lắm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện