ẤY CHÍNH LÀ ĂN ĐÓ.

Phái Dung Trần sơn là tông môn lớn có thanh thế ở cõi tu chân, toạ lạc tại trăm dãy núi thiêng to nhỏ muôn trùng, hằng năm đắm mình giữa linh khí, cảnh đẹp như tiên dàn trải khắp nơi.

Dãy Bạch Linh khá là đắc địa, chẳng riêng gì nơi ở của Bạch Nhiễm Đông, đỉnh Bạch Nhẫn của Trịnh Dao, đỉnh Bạch Luyện của Yến Phù Tô mà ngay cả ngọn Bạch Tín của Giang Trừng cũng tưng bừng hoa quý cỏ lạ. Cơ mà để đụt nắng hè, hội họp nghỉ ngơi thì chỉ có sang núi Thanh Uyển của nhị sư bá Tạ Xuân Hoài mới là chuẩn nhất.

Ghềnh đá xanh nơi thềm suối ngọc tắt nắng rồi lại mát mẻ hẳn, có loài linh trùng phát sáng ghé lại nhành lan cạnh bờ, ánh lam thăm thẳm lập loè, đôi cánh xanh gần như trong suốt, đẹp đẽ xiết bao.

Làn nước trong veo lành lạnh, trên chiếc xích đu buông thõng gốc cổ thụ bên bờ là một đôi chân thiếu nữ nõn nà thi thoảng vẩy gợn lăn tăn.

Thiếu nữ váy hồng tung tẩy nước, trên gương mặt thanh tú là một đôi mắt to khéo léo khép hờ, trông như sắp thiếp đi. Bấy giờ, một thiếu nữ khác có dung mạo và cách ăn mặc giống hệt nàng thong dong bước đến, cánh tay trắng nõn vốc nước tưới thẳng lên người ngồi đằng xa.

Cô nàng xích đu như chẳng hề hay biết, mái đầu gục gặc, song trước khi bọt nước bắn đến đã có màn chắn vô hình hiện ra, che kín nàng.

Thiếu nữ áo hồng vừa ra chiêu giận dữ đạp nước, quát cô gái đang ngồi ở một góc khác bên thềm đá: “Đại tỷ, tỷ cản ta làm chi!”

Nàng này cũng có vẻ ngoài và phong cách y hệt hai người nọ, nghe đoạn tươi cười như hoa: “Tam muội, đừng bắt nạt nhị tỷ của muội nữa.”

Lúc này đây thiếu nữ xích đu mở choàng mắt ra, mơ màng nhìn chị em mình trò chuyện, chẳng hay biết gì.


Cô nàng đứng dưới suối lầu bầu đôi câu, kéo thiếu nữ còn đang mông lung dậy, “Đủ rồi nhị tỷ, sao tỷ cứ mịt mờ như buồn ngủ mãi vậy, nào phải có mang như Trừng Trừng sư muội đâu, đi thôi, nghịch nước với ta!”

Ba cô thiếu nữ váy hồng Chân Hảo, Chân Mỹ, Chân Lệ tính tình khác nhau này là đồ đệ của đại sư bá Liên Vị Hành, học trò chung nhà trẻ Tạ nhị sư bá với Giang Trừng năm xưa. Có điều thuở ấy là ba cô bé nhỏ tý, nay đã thành thiếu nữ đẹp xinh.

Bên dòng suối ngọc không chỉ có bọn nàng, chàng trai trông đoan chính thật thà, chững chạc hiểu chuyện đang trở thịt nướng trên tảng đá thơm nức mũi dưới tán cây gần bờ là đại đồ đệ Chu Uyển của đại sư bá Liên Vị Hành.

Ngoài ra còn có hai đồ đệ Hứa Thanh Sương, Hứa Tố Tề của Tạ nhị sư bá, dường như Hứa Thanh Sương trưởng thành hẳn sau chuyện của Trịnh Dao và ca ca Hứa Lam Kiều, nàng và sư đệ Hứa Tố Tề thường bầu bạn chơi cùng, bấy giờ cả hai đang ngồi xổm nghịch sỏi cạnh ghềnh đá, chăm chú so bì màu sắc và hoa văn của chúng.

Đệ tử của đại và nhị sư bá ở cả đây, song học trò của Bạch Nhiễm Đông thì không đủ mặt, sau lần sư phụ mất tích thì đại sư huynh Bạch Linh chưa từng rời nàng nửa bước, nay sư phụ không đến ắt hắn cũng vậy.

Tam sư tỷ Trịnh Dao cũng chẳng tới góp vui, mấy tháng trước sư phụ về chị đã sang thăm, song lúc Giang Trừng đến đạo quán Vô Cực thì chị cũng về nhà họ Hứa ở Thương Nguyên dưỡng thương, giờ chưa quay lại.

Bốn sư huynh muội chỉ có nhị sư huynh Yến Phù Tô và Giang Trừng tham gia, nhưng nơi đây vẫn đông đúc rộn ràng vì hai đồ đệ Phong Hữu Chỉ, Giang Nguyệt của cô cũng đến cùng.

Nhóm đệ tử thân truyền cùng nhánh này thỉnh thoảng sẽ tề tụ chung vui, có điều lần nào cũng thiếu người này mất kẻ nọ, hiếm khi đủ cả. Song mọi người vẫn cực kỳ thân nhau, chơi cùng khá hợp.

Đệ tử thân truyền hội họp hâm nóng tình cảm là truyền thống của dãy Bạch Linh, sau buổi tiệc đầu lúc vừa gia nhập môn phái, Giang Trừng đã bị ném vào phòng tối vài năm, ra rồi lại đôn đáo khắp nơi, bởi thế không góp mặt được bao lần.

Mấy tháng nay về Dung Trần dưỡng thai, bấy mới chung đụng cùng sư huynh sư tỷ nhiều hơn.


Bậc trưởng bối bộn bề công việc, nhóm đệ tử đành theo lệ đến vườn linh của đại sư bá vặt đồ ngon thức tốt rồi mang sang chỗ nhị sư bá mở tiệc.

Khác với đệ tử Vô Cực đạo quán hằng ngày dốc lòng tu luyện, hiếm khi tụ tập chơi bời, không tẹo nào lơi lỏng, cũng chẳng tu hành quán triệt như đệ tử Thượng Vân tự, đệ tử Dung Trần sơn phái, chí ít đệ tử dãy Bạch Linh này, có sự đời khá “chất”.

Họ không dành trọn thời gian cho việc tu luyện, hưởng thụ cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ví như sư phụ Bạch Nhiễm Đông của cô thường dắt đại sư huynh la cà mọi nơi, chẳng hay đi đâu làm gì, Giang Trừng ngờ rằng nàng cướp bóc nhà ai, chứ không thì lấy đâu ra nhiều quà tặng họ mỗi dịp về nhà như thế.

Còn đại sư bá thì thích lùng sục hoa cỏ xinh tươi hữu dụng khắp chốn đem về trồng, người trông rõ nghiêm khắc ngang tàng lại yêu thực vật đến vậy, rõ là ngược đời. Thú vui của Tạ nhị sư bá khá nên thơ, cũng hợp với hình tượng, rỗi rãi thường đánh đàn vẽ tranh, hệt như ẩn sĩ.

Lứa Giang Trừng mỗi người hứng một món, nhị sư huynh nhà cô khoái nghiên cứu các loại thuốc lạ lùng, thường phát cho sư huynh muội phòng thân chơi.

Ba chị em sinh đôi Chân Hảo Mỹ Lệ* thì khéo tay may vá, làm đồ trang sức sau giờ tu luyện, lành nghề thủ công mỹ nghệ, Giang Nguyệt được cả ba tặng cho không ít món.

*Tên mấy bé này vui lắm, đọc trại cả ba là thành “đúng đẹp tuyệt trần”

Chu Uyển sư huynh hảo nấu ăn, bởi thế ôm luôn nghiệp đầu bếp cho mấy buổi chè chén kiểu này.

Hứa Thanh Sương ưa sưu tập sỏi, nghe đồn cung điện của nàng có một gian phòng trưng toàn đá, cũng đầy tràn rồi. Giang Trừng không rõ sở thích của Hứa Tố Tề, cậu chàng hơi mờ nhạt, lúc nào cũng núp dưới bóng sư tỷ kiêm chị họ Hứa Thanh Sương.


Còn thú vui của Giang Trừng thì đi đâu cũng hợp, ấy chính là ăn đó. Hai học trò của cô, đứa lớn thì không rời khoản đánh bạc ăn tiền, đứa nhỏ lại ham đút thức ăn cho chó mèo hoang ven đường, thỏ gà trong rừng, thậm chí cả sư phụ sư huynh lười chảy thây cũng thành đối tượng. Từ ngày Giang Trừng về, Giang Nguyệt trong lốt trẻ em đã tự giác đảm nhận nhiệm vụ chăm bà bầu.

Hiếm nhóm đệ tử với tính cách và sở thích hoàn toàn khác nhau nào hoà thuận được như thế.

“Xong rồi, mọi người sang đây, chuẩn bị ăn thôi.” Bảo mẫu Chu Uyển sư huynh thật thà gọi cả đám, trải chiếu trúc linh vừa mát vừa mềm rồi kê bàn thấp bày đầy đồ ăn, sau đó dọn nào là bát tô chén dĩa đang trôi nổi bên người ra.

Giang Nguyệt thơm thảo vội sang đỡ đần, nhóm còn lại thong dong vào chỗ. Kẻ thì om sòm quấy quả, người thì khẽ giọng hàn huyên, chỉ có đôi cô trò Giang Trừng Phong Hữu Chỉ là ra cốt con lười, ngáp dài ngồi xuống.

Giang Trừng trước đấy tự mang giường tre ra chỗ tán cây gà gật, mơ màng nhón thức vặt được Giang Nguyệt tách sẵn vỏ đặt gần đấy mà xơi, Phong Hữu Chỉ cũng chống cằm nhâm nhi hạt khô sư muội bóc, rỗi rãi nghịch mười mấy con xúc xắc. Hai sư đồ này người thì to bụng đến nỗi ai nấy đến gần đều tự giác nương tay nhẹ chân, kẻ lại tu vi bằng không toàn thân chằng chịt băng trắng, trông rõ yếu đuối thảm thương.

“Sư phụ, giờ còn uống rượu thì không ổn lắm đâu?” Giang Nguyệt lo lắng nhìn sư phụ vừa nhập tiệc đã bay biến cơn ngủ mê, dốc cạn chén rượu xanh biếc.

“Hề gì.” Giang Trừng vuốt má trò nhỏ bằng chén rỗng, cô phát phì thì Giang Nguyệt cũng thế, nay trông bầu bĩnh hẳn, đáng yêu biết nhường nào.

“Giang sư muội, muội dùng canh này cho bổ người.” Chu Uyển sư huynh múc canh rồi buông tay, bát canh cứ thế vững vàng bay đến bên Giang Trừng.

Nhị sư huynh Yến Phù Tô ngồi kế cô nhàn nhạt chêm lời: “Đừng vỗ béo nó nữa, lắm quá hoá tật.” Hắn săm soi chiếc bụng đùng đoàng của sư muội nhà mình, thẳng thừng: “Núc ních mỡ kia kìa.”

Hứa Thanh Sương ngồi đối diện đang gặm thịt sư đệ đưa cho, lúng búng: “Đâu có mập, ta có vị biểu tẩu lúc mang thai béo lắm kia, không bồi bổ linh khí mệt lắm.” Vừa nói vừa đẩy đĩa thịt nướng béo ngậy thơm lừng đến trước mặt Giang Trừng.

Giang Trừng mang thai rồi thì miệng mồm tốt hẳn, xơi toàn món ngon, đầy tràn linh khí, sau khi thoả thuê cái thói tham ăn thì linh khí đều dồn cho con mình cả, bụng to là do linh khí thôi, đẻ xong tiêu tán sẽ gầy ngay đấy, thế cô mới thả cửa nhồm nhoàm.


Yến Phù Tô hễ thấy cái vẻ chẳng màng điều chi của tiểu sư muội Giang Trừng là lại muốn trợn mắt phỉ phui, con nhóc này không biết kiêng kem gì cả. Trên có hai sư bá một sư phụ, dưới được sư đệ sư muội sư điệt dạo này chiều mãi thành thói, cứ có món ngon lại đút nó ăn, thật quá lắm rồi.

Yến Phù Tô hiểu cái cảm giác lần đầu tận mắt trông thấy nữ tu thân thiết có mang, khó tránh kích động của họ, nhưng đám này sao lờ cả cái đạo lý chín quá hoá nẫu cơ chứ, mà Giang Trừng cũng chẳng tự giác, ngày càng tham ăn, khiến kẻ làm y sư lần đầu đảm nhiệm trọng trách chăm sóc sức khoẻ cho thai phụ như hắn hao tâm tổn sức cực kỳ.

“Nó nạp đủ linh lực rồi, có ních nữa cũng chẳng bổ thêm được đâu.”

Hắn lạnh lùng buông vài câu thế thôi mà ngoái sang đã thấy Giang Trừng khoắng sạch ba đĩa thức ăn, cô lại còn dám ôm bụng trưng bản mặt vô tội ra nhìn hắn, Yến Phù Tô chợt thấy ngứa tay vô cùng. Nhưng vừa giơ lên đã bị ba chị em họ Chân cản, một đứa ôm tay hắn, hai đứa còn lại kéo hắn sang chỗ khác, thuần thục lắm thay.

“Yến sư tỷ đừng giận, hung lên trông xấu cực ~”

“Đúng đó đúng đó, sư muội đang mang thai tiểu sư điệt mà, không đánh được đâu!”

“Yến sư tỷ đừng nóng mà.”

Yến Phù Tô: “…” Chậc, hắn cũng có định ra đòn thật đâu.

Giang Trừng quá quen với thói lạnh lùng của sư huynh tốt mã dễ dỗi, chỉ mỉm cười ứng đối, cô nằm lòng cái kiểu quan tâm vặn vẹo này rồi. Thực ra cô cũng đâu muốn ăn nhiều vậy, cơ mà ngứa miệng… À không, là tại đứa bé trong bụng chả biết làm bằng gì mà cần nhiều linh khí đến thế, cô buộc phải không ngừng nhồi nhét, trân trân nâng thói tham ăn của mình lên một tầm cao mới.

Tu sĩ bình thường mà gặp phải nhóc con hao linh lực như này có khi tán gia bại sản, cô hãy còn may, phía chùa Thượng Vân gửi sang không ít đồ tốt, tuy không ngon nhưng là tuyệt phẩm bổ sung linh lực, bên Hạc Kinh Hàn thì dẫu đang đi diệt rối ma khắp nơi cũng thường phái người tới tặng quà, chẳng hổ danh em trai cưng chị, món nào món nấy vừa bổ vừa ngon, ngoài ra được cả mọi người trong tông môn quan tâm chăm sóc.

Giang Trừng sờ chiếc bụng ngày càng núc ních của mình, an tâm vô cùng. Ngoài kia tuy lắm rối ren, nhưng đứa bé này từ lúc lọt lòng sẽ hạnh phúc bình yên, ừ thì được biết bao người chờ mong đón nhận kia mà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện