Edit: Ấy lại quên rồi | Beta: À nhớ ra rồi

Năm Vĩnh Xương thứ sáu, mùng chín tháng giêng.

Bông tuyết mỏng manh bay tán loạn xuống hành lang dài, tựa như nhánh liễu lắc lư theo ngọn gió bên bờ sông hồi đầu mùa hạ, chậm rãi lướt theo bức tường ngoài thư phòng, nán lại trên mái tóc vừa chải xong lúc sáng sớm của Lý Mộ.

Lý Mộ ôm lấy đầu gối, ngồi xổm ngoài cửa sổ thư phòng, nghe hai nam nhân đằng trong đang bàn luận với nhau, lòng dạ cứ nôn nóng chờ khi hai người đó rời khỏi thư phòng.

Lý Mộ nàng vốn không phải tên là Lý Mộ, cũng chẳng phải chủ nhân của cơ thể này, tháng ba năm ngoái, chủ nhân trước đã chết trên giường do bệnh tật khi chỉ mới mười sáu tuổi, giúp một người vừa chết vì tai nạn giao thông như nàng được lợi.

Cũng do bạn cùng phòng đại học rất mê Hán phục*, nàng cũng mưa dầm thấm đất mà nhanh chóng nhận ra y phục của người nơi này rất giống với Hán phục thời nhà Minh.

*Hán phục: Tên gọi chung cho các loại trang phục truyền thống của người Trung Quốc, bao gồm cả các loại trang phục đặc trưng của các triều đại.

Ngay khi Lý Mộ thấy hết sức tuyệt vọng, tay nàng đã chui vào trong chăn, vuốt v e bàn chân của mình… may mắn ở đây không có tục bó chân, nàng có thể miễn cưỡng mà vượt qua cuộc sống này.

Nhưng cũng chỉ là “miễn cưỡng” thôi.

Chủ nhân trước không để lại chút ký ức nào cho nàng, hơn nữa lúc nàng xuyên vào cơ thể này thì đã mười sáu tuổi, không thể giả vờ bản thân là một đứa trẻ con không hiểu biết gì, từ từ mà làm quen với thế giới bên ngoài. Cho nên nàng cần một lý do, một lý do có thể giải thích tại sao nàng lại không biết gì về mọi thứ quanh mình.

Bình thường Lý Mộ cũng thích đọc tiểu thuyết mạng, hiểu rõ kịch bản khi xuyên không, cũng biết mấy nhân vật chính khi rơi vào tình huống như nàng khi này rất hay dùng cách vờ như mất trí nhớ.

Có điều tình huống của nàng đặc biệt hơn một chút, nàng bị bệnh… bệnh sợ giao tiếp.

Khác với những kẻ cứ tự cho mình là “sợ hãi xã hội” trên mạng, bệnh của nàng thật sự là chứng rối loạn tinh thần.

Cho nên nàng chỉ tốn có ba giây để quyết định bản thân sẽ giả ngây giả dại, dáng vẻ này so với việc “giả vờ mất trí nhớ” thì thích hợp với nàng hơn.

Chỉ trong vòng hai ngày ngắn ngủi, trên dưới Lý gia đều biết ngũ cô nương triền miên giường bệnh hơn một năm nay đã phát sốt tới độ hỏng đầu.


Lý Mộ cho rằng Lý gia sẽ là gia tộc được miêu tả như trong các tác phẩm điện ảnh, văn học, bọn họ sẽ vứt bỏ, không quan tâm tới nàng nữa, hoặc là dứt khoát tìm một ngôi nhà, nhốt nàng ở đó, để tránh không cho nàng chạy loạn khắp nơi, làm mất mặt gia tộc.

Ai ngờ lão phu nhân Lý gia lại hết sức thương tiếc nàng, không chỉ cho phép nàng được ở lại mà còn sai người dọn đồ của nàng vào viện mình, kiếm tìm danh y khắp nơi, vậy nên nàng đã gặp qua không ít đại phu, cũng dần phân biệt được người xung quanh mình là ai, xác nhận nơi mình hiện đang ở không phải là nhà Minh.

Đất nước nàng đang sống lấy quốc hiệu là “Ung”, hoàng đế không họ Chu mà họ Cố, là một triều đại hư cấu không có trong lịch sử.

Hoàn cảnh vừa xa lạ lại quen thuộc này khiến nàng hết sức kinh ngạc, không ngờ mình lại vô tình xuyên vào một quyển tiểu thuyết có tên là “Túy Thanh Loan”.

Lúc gặp tai nạn giao thông, Lý Mộ đang ngồi trên ghế phụ, đọc chương cuối của quyển tiểu thuyết này, cho nên nàng vẫn còn nhớ nội dung của nó.

Tiểu thuyết là câu chuyện kể về nữ chính Lý Vân Khê, vào Tết Đoan Ngọ năm nàng mới mười tuổi, gia tộc nàng bị xét nhà, nàng cũng bị sung thành cung nữ trong cung, ngoài ý muốn mà quen biết với vị nam chính là hoàng tử nhưng không được xem trọng, cả hai người cùng nhau trưởng thành, phấn đấu, cuối cùng từng bước tiến đến ngôi vị cao nhất.

Lý Mộ là đường tỷ của nữ chính, lúc nàng vừa xuyên vào cơ thể này thì nữ chính vừa mới qua sinh nhật chín tuổi, từ lúc này đến khi Lý gia bị xét nhà chỉ còn một năm lẻ hai tháng.

Lý Mộ mất tận mấy tháng để thích ứng với hoàn cảnh xung quanh mình, xác định rằng khát khao được sống không cho phép mình đi tìm cái chết, nàng bắt đầu hành trình tự cứu đầy gian khổ.

Phần mở đầu của “Túy Thanh Loan” có nhắc tới việc gia tộc nữ chính bị xét nhà là do đại bá của nữ chính – Lý Văn Đạo – phụ thân của Lý Mộ, lập âm mưu với đám đại thần khác trong triều hòng bí mật ám sát Yến Vương, sau khi cuộc ám sát thất bại, tất cả các quan lại tham gia vụ việc ấy đều bị xử tội.

Về sau, khi nữ chính có được quyền lực đã từng lật lại hồ sơ về vụ ám sát Yến Vương năm ấy, trong đó có ghi chuyện Thái phó từng thông qua Lễ Bộ thượng thư tặng một tập thơ cho Lý Văn Đạo, trong tập thơ có kẹp tin mật, mời Lý Văn Đạo cùng mình bày mưu tính kế.

Lý Văn Đạo đồng ý với lời mời này, mượn chức quan của mình để giúp đỡ Thái phó thực hiện vụ ám sát.

Trong sách không nhắc tới việc Lễ Bộ thượng thư tặng tập thơ cho Lý Văn Đạo vào lúc nào, Lý Mộ cũng không biết bây giờ Lý Văn Đạo đã tham gia vào âm mưu ám sát Yến Vương hay chưa. Nàng chỉ có thể cố gắng điều tra vị phụ thân này của mình, sau một thời gian dài mày mò, lấy lý do “chơi trốn tìm” để cắt đuôi đám nha hoàn, ma ma được lão phu nhân Lý gia đưa tới hầu hạ, tìm được mấy chỗ Lý Văn Đạo hay dùng để tiếp đãi khách, trong số đó có cả thư phòng của Lý Văn Đạo.

Mỗi khi có cơ hội, Lý Mộ sẽ ngồi xổm ngoài thư phòng để nghe lén, lúc trong thư phòng không còn ai, nàng sẽ bò vào từ cửa sổ, gắng tìm tập thơ có khả năng chứa tin mật liên quan tới việc ám sát Yến Vương.

Nhưng từng ngày trôi qua, Lý Mộ vẫn chưa nghe hay tìm được bất cứ điều gì liên quan tới việc ám sát.


…mãi cho tới buổi sáng hôm nay.

Lý Mộ được ma ma chuyên chăm sóc mình lôi ra từ ổ chăn, bên ngoài tấm bình bình phong phía cửa là tiếng nói chuyện rôm rả, đó là ba vị phu nhân tới thỉnh an lão phu nhân, đi theo còn có các vị huynh đệ tỷ muội cùng thế hệ với Lý Mộ.

Tình huống của Lý Mộ khá đặc thù nên không cần phải dậy sớm, đa số thời gian nàng đều không gặp được bọn họ, thế nhưng hôm nay là mùng chín tháng giêng, ngày Đế Thích Thiên tôn của Phật giáo được sinh ra.

Mỗi năm cứ vào ngày này, lão phu nhân đều sẽ dẫn cả nhà tới tham dự pháp hội ở chùa Minh Đài.

Lý Mộ vốn ngủ không sâu, tối hôm qua nàng còn nhớ tới chuyện phải ra ngoài cùng một đám người, bắt đầu lo lắng đủ thứ, lăn qua lộn lại tới hơn nửa đêm mới ngủ được.

Ban đầu nàng bị đánh thức cũng không thấy buồn ngủ lắm, chỉ có điều chân tay nàng đang hơi lạnh, cử động cũng chậm hơn bình thường, dường như chỉ cần chậm lại một chút thôi thì nàng sẽ không cần phải rời khỏi căn phòng nhỏ này, đối mặt với đám người nhà Lý gia đang nói chuyện vui vẻ bên ngoài.

So với Lý Mộ chậm chạp thì các nha hoàn và ma ma phụ trách chăm sóc nàng lại nhanh nhẹn hơn nhiều, chẳng mấy chốc bọn họ đã giúp Lý Mộ mặc y phục, chải tóc, còn bưng tới một chén cháo đậu gà và bánh ngọt để lót bụng.

Lý Mộ im lặng nhét đồ ăn vào miệng, Triệu ma ma ở phía sau cầm bàn là lên, ủi phẳng y phục, nhỏ giọng dạy dỗ hai nha hoàn là Phi Tinh và Tiêm Vân, nói các nàng biết đây là y phục hôm nay Lý Mộ cần mang theo ra ngoài, lỡ như khi đi trên đường mà y phục bị ướt cũng có thứ để thay đổi, đáng ra tối hôm qua đã phải chuẩn bị xong hết mọi thứ rồi, hẳn là các nàng đã trộm lười biếng nên mới quên mất chuyện quan trọng như vậy.

Tiếng dạy bảo của Triệu ma ma hòa với tiếng nói bên ngoài khiến Lý Mộ thở dài không biết bao nhiêu lần trong lòng…

Thật muốn về nhà quá đi.

“Cha!” Tiếng cười nói bên ngoài bị một âm thanh lanh lảnh của nữ hài tử phá vỡ.

Lý Mộ nhận ra được đó là giọng của nữ chính Lý Vân Khê, lão phu nhân có ba nhi tử, cha của Lý Vân Khê là người cuối cùng.

Quả nhiên lão phu nhân gọi một tiếng “lão tam”, hỏi: “Sao chỉ có mình con vậy? Chẳng phải lão đại đi gặp khách, con theo bên cạnh sao, khách đâu rồi?”

Tam lão gia của Lý gia là một vị tiên sinh dạy học, khí chất rất nho nhã, nói chuyện cũng từ tốn lịch sự.


Ông đáp lời lão phu nhân, nói rằng khách tới là Ôn đại nhân của Lễ Bộ, Lễ Bộ quản lý việc khoa cử, cho nên lúc nói chuyện sẽ khó tránh nhắc tới việc chuẩn bị cho kỳ thi mùa xuân sắp tới, ông ta phải tị hiềm nên mới tới đây trước.

*tị hiềm: tránh trước đi, không làm việc gì đó vì sợ dễ bị nghi ngờ, hiểu lầm

Lý Mộ ngồi xổm ngoài thư phòng, nghe lén suốt nửa năm cũng không phải toàn bộ đều là công dã tràng, ít nhất thì nàng cũng biết rằng Lễ Bộ thượng thư họ Ôn, từng là bạn cùng trường với Lý Văn Đạo, vì cả hai cùng có chung sở thích là tranh chữ nên thỉnh thoảng Lý Văn Đạo sẽ mời Ôn đại nhân tới thư phòng của mình, cùng bình phẩm về một bản tranh chữ mới mua được.

Mấy lần trước Ôn đại nhân tới nhà đều chỉ đi tay không, chưa tặng Lý Văn Đạo bất kỳ tập thơ nào.

Lý Mộ không thể xác định được lần gặp mặt này của bọn họ có xảy ra chuyện gì khác với trước kia hay không, huống chi ngoài kia còn có rất nhiều người đang đợi để cùng ra ngoài, nếu nàng lén chạy tới thư phòng Lý Văn Đạo ngay lúc này, chắc chắn sẽ làm mọi người trong phủ phải chạy đi tìm.

Khung cảnh đó thật sự quá bắt mắt, rất dễ trở thành tiêu điểm, Lý Mộ chỉ tưởng tượng thôi cũng đã thấy nổi da gà rồi.

Lý Mộ không muốn đi nhưng rồi lại không thể không đi… thời điểm Lý gia bị xét nhà chỉ còn có bốn tháng nữa thôi, nàng không dám đánh cược.

Thế nên mới có cảnh nàng ngồi xổm dưới cửa sổ thư phòng.

May mắn là chuyến đi lần này của nàng không phải vô ích.

Trong thư phòng, Ôn đại nhân đang tặng một tập thơ cho Lý Văn Đạo, nói rằng trong đó có viết hai bài thơ của nhi tử làm trong hội thơ, nhờ Lý Văn Đạo có thời gian rảnh rỗi thì đánh giá giúp.

Sau đó bọn họ tiếp tục nói chuyện phiếm với nhau, Lý Mộ chờ suốt một lúc lâu mới nghe thấy Ôn đại nhân mở miệng cáo từ, nàng cứ nghĩ mình có thể nhân lúc Lý Văn Đạo ra ngoài tiễn khách, lén lút chạy vào trong thư phòng tìm tin mật, ai ngờ Ôn đại nhân còn chưa bước ra khỏi cửa đã vội cản Lý Văn Đạo lại: “Ta biết hôm nay huynh định ra ngoài, lại còn làm chậm trễ thời gian của huynh, ta không thể làm phiền huynh đưa tiễn nữa.”

Lý Văn Đạo cũng không khách sáo, sai quản sự tiễn khách, còn ông ta thì quay về thư phòng, đang định cất tập thơ đi bỗng chợt nhớ tới gương mặt có biểu hiện kỳ lạ khi đến chơi của bạn hiền.

Lúc nãy khi ông ta nhắc tới kỳ thi mùa xuân cứ như là cố ý muốn đuổi tam đệ ra ngoài vậy.

Tam đệ của ông ta dạy học ở thư viện Đàm Lâm, cũng là người bình luận thi văn xuất sắc nhất ở đây, nếu tam đệ có mặt thì sẽ ngay lập tức mở ra tập thơ, đọc thử thơ văn của tiểu nhi tử Ôn gia, chẳng lẽ…. ngôn tình hài

Lý Văn Đạo đang cất tập thơ đi thì chợt khựng lại.

Ông ta mở tập thơ ra, nhanh tay lật đến bài thơ do tiểu nhi tử Ôn gia làm, nhìn tới nhìn lui cũng không phát hiện có gì kỳ lạ mới tiếp tục tìm đến bài thơ thứ hai.


Ông ta còn chưa phát hiện được gì thì ngoài thư phòng đã vang lên tiếng động ầm ĩ.

Lý Văn Đạo khép tập thơ lại theo bản năng, hít sâu vài hơi để lấy lại bình tĩnh, sau đó mới ra ngoài hỏi xem có chuyện gì.

Đám người hầu bên ngoài nói rằng ngũ cô nương đột nhiên biến mất không thấy đâu nữa, mọi người trong phủ đều đang bận rộn đi tìm.

Lý Văn Đạo thoáng do dự, cuối cùng vẫn tạm đặt tập thơ kia lên bàn, xoay người rời khỏi thư phòng.

Ngay khi cửa phòng vừa đóng lại, Lý Mộ đã nhanh chóng đứng dậy khỏi mặt đất, nghe thấy có vài tiếng bước chân đang tới gần khu vực hẻo lánh này, vội vàng bò vào trong cửa sổ.

Lúc nha hoàn đi tới chỉ thấy con đường nhỏ ở giữa thư phòng với tường viện vì quá hẻo lánh, không ai chịu dọn dẹp nên cỏ dại mọc um tùm, nha hoàn đó chỉ cần liếc mắt thoáng qua là có thể nhìn được hết cả rồi, thấy chỗ này trống không, chẳng có nửa bóng người thì rời đi.



Trong thư phòng, Lý Mộ vừa thở chậm vừa liếc nhìn đồ trang trí trong phòng, nhanh chóng thấy tập thơ được đặt trên bàn.

Tập thơ được thiết kế theo kiểu đóng chỉ, nhìn bên ngoài thì nó có bìa màu xanh giống như trong các bộ phim cổ trang, thế nhưng từ khi Lý Mộ xuyên không về thời cổ đại, tiếp xúc với những thứ này mới biết sách đóng chỉ cũng không như nàng từng tưởng tượng, chỉ xếp chồng những trang giấy được in đều hai mặt lại với nhau, sau đó đơn giản dùng chỉ khâu lại.

Ở thời đại này, các loại sách vở đều chỉ in một mặt, mặt có chữ viết hướng ra bên ngoài, nếp gấp ở ngoài bìa dư ra sẽ được dùng làm mép sách, bên còn lại làm gáy sách, dùng dây giấy cố định từng trang, cuối cùng mới lấy chỉ khâu lại.

Đừng ai hỏi lý do tại sao nàng lại biết, hỏi ra chính là vì tò mò nên đã tự tay tháo tung một quyển sách ra.

Kiểu đóng sách này làm cho giữa mỗi trang sách đều có khoảng trống, tựa như là một ống giấy, có vẻ người ta hay gọi là ống trang.

Lý Mộ không biết nhi tử của Ôn đại nhân kia tên gì, chỉ có thể tìm hết những bài thơ do người có họ Ôn viết ra, quả nhiên nàng thấy được một tờ giấy mỏng được giấu trong ống trang.

Đó cũng chính là tin mật.

Trên giấy toàn chữ là chữ, Lý Mộ không đọc kỹ, cứ thế nhét tờ giấy vào lòng rồi trả tập thơ về lại chỗ cũ.

Sau khi xong chuyện, nàng nhanh chân chạy tới cạnh cửa sổ, đang muốn nhảy ra ngoài mà bỏ chạy, cửa thư phòng đột nhiên bị người nào đó mở ra.

Lý Mộ đang dẫm một chân lên bệ cửa sổ kinh sợ quay đầu lại, đối mặt với Lý Văn Đạo đang ngạc nhiên nhìn mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện