Nhưng Chu Phỉ không hề di chuyển.

Nàng như một lữ nhân đi xa mới trở về, lòng không hẳn không vui, chỉ là vô cùng mệt mỏi, mệt đến mức thấy người thân ngày ngày lo lắng cũng không muốn chào, ngửi mùi cơm nhà nhớ nhung tưởng niệm cũng không muốn ăn, thoạt nhìn dửng dưng hờ hững.

Chu Phỉ đứng bên bờ chốc lát, nhìn những bọt nước nhỏ li ti vỗ vào đá ngầm ven bờ, một phần lưới đánh cá chìm trong nước, nhấp nhô lên xuống theo mặt nước, lúc chìm trong bọt nước trắng xóa thì lộ ra ánh sáng khác thường. Thật lâu, nàng mới chống Toái Già xuống đất, lấy ra một bình nhỏ, nói:

– Con tìm được “cỏ Chu Minh Hỏa Vĩ” trong truyền thuyết, nhờ Độc lang trung mài thành bột đem về, không biết có tác dụng không.

Năm ấy Chu Phỉ lấy được bản đồ từ Chu Dĩ Đường liền chạy đi đào mộ Lương Thiệu tanh banh.

Lương tướng gia thật thảm, lúc sống cúc cung tận tụy, sau khi chết cũng không được an bình, mộ bị người ta đào bới không chỉ một lần. Khi Chu Phỉ đi, ngay cả hài cốt của ông cũng không tìm thấy, nắp quan tài hất ở một bên, lộ cái quan tài trống rỗng, vô cùng thê lương. May mà vị khách ghé thăm trước tìm đồ rất có tính mục đích, phần lớn vật tùy táng đều không bị động đến, Chu Phỉ hốt hết đồ có liên quan tới Đại Dược cốc, thứ hữu dụng thì đưa tới Bồng Lai, còn lại thì tặng cho Ưng Hà Tòng, bán một ân tình.

Mấy năm nay, Chu Phỉ đối chiếu với “Bách độc kinh” của kỳ tài lầm đường lỡ bước Lữ Nhuận một cách máy móc, đi qua vô số nơi giả dối của nhân gian, còn kết thâm thù đại oán với Đồng Khai Dương, bản thân cũng thành một nửa người trong nghề kỳ trân thảo dược, nhưng kết quả dường như luôn không như ý muốn, trị ngọn khó trị gốc.

Đôi lúc Chu Phỉ cũng sẽ nghĩ, nếu nàng là Tạ Doãn, nàng sẽ bằng lòng treo một hơi thở để quá nửa thời gian đều trôi qua trong hôn mê như vậy sao?

Chỉ nghĩ thôi nàng đã thấy muốn điên rồi.

Tâm tư rẽ đi như thế, Chu Phỉ sẽ thường xuyên cảm thấy rất nản lòng, nhưng tính cách nàng lại có chút cố chấp, tuy nản lòng nhưng chưa bao giờ hết hi vọng, nản một buổi tối là ngay hôm sau có thể “tro tàn lại cháy” (1).

(1) Tác giả chơi chữ: từ “tro” (khôi – 灰) vừa có nghĩa ‘nản lòng, chán nản’ vừa có nghĩa là ‘tro than’.

Thời gian Tạ Doãn tỉnh táo rất ngắn ngủi, ban đầu hắn được ba vị trưởng bối trên đảo dùng nội lực chữa thương ép tỉnh, gần như không có ý thức, một năm qua dùng “Giao Hương” được làm từ gan mãng xà kỳ lạ theo ghi chép của “Bách độc kinh”, hắn mới hơi có chuyển biến tốt, đã có thể ngồi dậy hoạt động được một chút, tiếc rằng… Chu Phỉ vội vội vàng vàng đuổi tới nhưng vẫn không kịp.

Chu Phỉ nhẹ giọng nói:

– Con vẫn chưa tìm được loại nội lực mà Đồng Minh đại sư nói.

Lão ngư dân không hề bất ngờ, vô cùng chuyên chú kéo lưới trong tay, không ngẩng đầu nói:

– Lúc con bước vào, ta nghe bước chân con hơi nặng, chần chừ không quyết đoán là biết không có kết quả gì rồi.

“Bồng Lai tiên” trong truyền thuyết gồm 4 người, năm xưa vì cứu Tạ Doãn, có một vị tiền bối gạt ba người kia lén lút truyền công cho hắn nên đã qua đời, hiện nay chỉ còn một cao tăng Đồng Minh đại hòa thượng, một thầy đồ Lâm trà trộn quốc tử giám, nhiệt tình làm hại con cháu người ta, và lão ngư dân này.

Ông lão mặc trang phục ngư dân này tên Trần Tuấn Phu, cả tên và tướng mạo đều bình thường, nói ra chưa chắc bao nhiêu người biết, nhưng vật ông làm ra lại cực kỳ nổi tiếng – ví dụ như “Mộ Vân sa” đao thương bất nhập mà Sơn Xuyên kiếm năm xưa đặt làm cho phu nhân, sau đó rơi vào tay Thanh Long chúa Trịnh La Sinh.

Tương truyền ông có một đôi tay có thể biến đá thành vàng, cơ quan, binh khí, bảo y… không thứ nào là ông không tinh thông.

So với Đồng Minh đại sư nói chuyện luôn mang ý thiền, với thầy đồ Lâm ăn nói ba hoa, thì Chu Phỉ khá thích trò chuyện với vị Trần lão này hơn.

Hơn ba năm, dù Chu Phỉ là người bản tính nóng nảy cũng đã trấn định lại sau nhiều lần thất vọng, nàng và lão ngư dân một đứng một ngồi, miệng nói lời chán chường nhưng mặt không chút dao động, giống như chỉ đang tán gẫu việc nhà với ông vậy.

Chu Phỉ hỏi:

– Trần lão, nếu đến cuối cùng, con vẫn không tìm được thì sao?

Lão ngư dân lấy ra một con thoi hình dáng cổ quái, dùng tốc độ tay mà người thường nhìn không rõ bắt đầu đan thêm một lớp lưới nữa bên trên lớp lưới trước, ông dùng dây câu cực nhỏ, nhỏ hơn cả sợi tơ “năm tầng lụa mỏng vẫn có thể thấy nốt ruồi trên ngực” trong truyền thuyết.

Tay Trần Tuấn Phu tuy nhanh nhưng nói lại rất chậm, ông bình tĩnh nói:

– Lần đầu tiên lão Lâm gặp con, vừa gặp là muốn ra tay đùa bỡn, lúc đó con bó tay với ông ấy, nhưng bây giờ chỉ mới 2 3 năm mà ông ấy đã không dám tùy tiện chọc giận con nữa, con biết tại sao không?

Tuy Chu Phỉ đam mê võ nghệ nhưng cũng có lúc không muốn thảo luận võ công, nghe vậy uể oải nói:

– Không biết, nắm đấm sợ tuổi trẻ chăng? Không chừng là ông ấy đọc “chi, hồ, giả, dã” nhiều nên càng lúc càng thụt lùi cũng nên.

Trần Tuấn Phu đưa tay nhẹ nhàng kéo dây câu, dây câu liền gọn gàng lưu loát bị ông cắt đứt, “lưới đánh cá” to trải trên đất hơi cử động, ánh sáng chói mắt “rào” chảy lan ra như giội. Ông ngước khuôn mặt ngăm đen, nheo mắt cười với Chu Phỉ, nói:

– Vì người khác hoặc lên dốc, hoặc xuống dốc, hoặc đứng nguyên tại chỗ không nhúc nhích, dưới chân nhấp nhô lên xuống đều có chỗ đặt. Nhưng con thì khác, đường con đi không phải dốc mà là vách đá cheo leo, giữa các bậc đá không có đường, chỉ có thể liều mạng tung người nhảy lên, lần nào cũng phải gắng túm được đá bên trên rồi giãy giụa bò lên, lỡ bò không được sẽ ngã tan xương nát thịt, đây là đường tìm đường sống trong chỗ chết. Ta hỏi con, con có từng sợ không?

Chu Phỉ ngẩn người, sau đó gật đầu nói:

– Có.

Sợ là thói thường của con người, nhưng nàng cứ bị Tạ Doãn lây vận xui, mỗi lần lâm vào hiểm cảnh đều như mắc trong khe đá, nếu không muốn bị vây chết ở đó thì chỉ có thể tiến về phía trước, sợ cũng vô dụng.

Trần Tuấn Phu hỏi:

– Vậy lúc sợ, con sẽ làm sao?

– Nghĩ rằng kỳ thực con đang ở trên bậc đá cao hơn một bậc… hoặc cao hơn nữa, nghĩ đến mức bản thân tin tưởng không chút nghi ngờ thì sẽ thấy chuyện trước mắt không đáng kể nữa.

Chu Phỉ mím môi, gật đầu với Trần Tuấn Phu, miễn cưỡng cười nói:

– Con hiểu rồi, đa tạ Trần lão chỉ điểm.

– Chỉ điểm gì đâu, chẳng qua dạy con lừa mình dối người cho dễ chịu chút thôi, mau đi đi.

Trần Tuấn Phu khoát tay với nàng, lại bắt đầu bận rộn.

Chu Phỉ xoay người đi vào động bế quan của Tạ Doãn, vừa tới cửa đã cảm giác được hơi nóng phả vào mặt, một mùi hương kỳ lạ từ bên trong tỏa ra, đó chính là Giao Hương, nghe nói người bình thường ngồi thiền bên trong chốc lát, hít ít Giao Hương thì nội công tu vi có thể làm ít ăn nhiều, chỉ là không thể ở lâu, bằng không sẽ tổn hại đến kinh mạch.

Trong động bị mấy lão già thô kệch khoe của làm cho sáng choang, không có nửa bó đuốc mà toàn bộ đều là dạ minh châu to cỡ nắm tay, Chu Phỉ vừa vào liền sững sờ. Trên vách đá lần trước nàng tới còn trống trải giờ đây được ai đó dùng mực đậm vẽ lên bức tranh hoa đỗ quyên, kỹ xảo vẽ rất tốt, màu đỏ rực rỡ y như thật nở rộ cả một mặt vách, xán lạn đến cực điểm in sâu vào mắt, sức sống bừng bừng, tựa như một cơn gió thổi qua là có thể gợn lên một đợt sóng đỏ lửa, khiến người ta vừa nhìn liền cảm thấy nỗi âu sầu không tan trong ngực như vơi đi mấy lần.

Giao Hương lượn lờ, một người gầy đi không ít đang an tĩnh nằm đó, sắc mặt tái nhợt được bức tranh trên vách chiếu ra nhiều thêm chút máu, tay đang cầm một khối hồng ngọc đỏ rực.

Chu Phỉ từ từ đi tới ngồi xuống bên cạnh hắn, cảm giác cả hang đá đều nóng như lò lửa, chỉ có khối băng lớn bên cạnh Tạ Doãn mới mát được một chút.

Nàng ngẩng đầu nhìn bức tranh trên tường, nói với Tạ Doãn:

– Tranh ngươi vẽ à? Chậc, nhàn hạ ghê nhỉ.

Người nằm đương nhiên không thể đáp, nhưng Tạ Doãn lại có câu trả lời. Ánh mắt Chu Phỉ lướt qua đỗ quyên đỏ cả mặt vách, phát hiện ở góc có mấy dòng chữ đề và lạc khoản, đầu tiên là đề một câu của Bạch Lạc Thiên “Quay nhìn đào mận đều vô sắc, Chiếu đến phù dung chẳng phải hoa” (2), sau đó lại viết “Ta mơ một giấc mơ dài, trong mơ hoa núi rợp trời như phỉ (3), như thấy cố nhân, lòng vui khôn xiết”, phần lạc khoản ký tên “cư sĩ nghĩ thoáng”.

(2) Trích “Sơn tì ba” (Sơn trà núi) của Bạch Lạc Thiên (tức Bạch Cư Dị), cả bài thơ khen vẻ đẹp của hoa sơn trà núi, 2 câu trích này có nghĩa đã thấy vẻ đẹp rực rỡ của hoa sơn trà núi rồi, quay đầu nhìn lại các loại hoa khác (đào mận phù dung) đều thấy chúng nhạt nhòa kém sắc.

                (3) Chữ “phỉ” ở đây là翡, cũng chính là chữ “phỉ” trong tên Chu Phỉ, chữ này có 2 nghĩa: 1 là chim trả – loài chim có bộ lông rất đẹp, và 2 là phỉ thúy – một loại ngọc đẹp, người ta hay dùng chữ này để khen thứ gì đó đẹp rực rỡ lộng lẫy. Khi Doãn thấy hoa núi rợp trời lộng lẫy thì nhớ đến cố nhân là A Phỉ.

Khi nhìn thấy hai chữ “nghĩ thoáng”, Chu Phỉ không kìm được nở nụ cười.

Tiếp đó, nàng thấy trên bàn nhỏ bên cạnh có bút nghiên giấy mực, bèn nhảy xuống khỏi giường đá, bước chân nhẹ nhàng đi tới trước bàn, lật xem lá thư Tạ Doãn viết cho nàng.

Trên mặt bàn trải mấy bức tranh, bức đầu tiên vẽ một tiểu cô nương 13-14 tuổi, vô cùng non nớt, nhỏ nhắn xinh xinh, đứng một chân trên tảng đá lớn, nghiêng đầu nhìn ra ngoài bức tranh, mặt mày sinh động, vô cùng oai phong.

Chu Phỉ kinh ngạc nhướng mày, loáng thoáng nhớ ra đây là dáng vẻ mình lúc nhỏ khi lần đầu gặp Tạ Doãn trên sông Tẩy Mặc, chính nàng đã mơ hồ không nhớ rõ, không ngờ lại tái hiện đầy đủ dưới ngòi bút Tạ Doãn, tim nàng đầu tiên là hơi nhảy lên… không ngờ khi nhìn thấy dòng chữ sau đó thì lập tức từ cảm động không thôi biến thành giận không chỗ phát. Cái đồ xúi quẩy Tạ Doãn lại đặt cho bức tranh này cái tên “rong tinh lúc nhỏ”.

Bức tranh thứ hai là một thiếu nữ, hơi lớn hơn chút, khuôn mặt xinh đẹp, cầm trong tay một cái đầu lâu đặt nó lại trên đống xương, bên cạnh là bóng đen lay động, chỉ có chút ánh trăng chiếu xuống bóng lưng thiếu nữ.

Chu Phỉ dằn sóng to gió lớn trong lòng, xem tiêu đề trước, thấy bức tranh này viết “rong tinh uy phong một mình xuống động ngầm, chuẩn bị chiến 800 rùa đen Bắc Đẩu”.

Chu Phỉ:

– …

Nàng nghiến răng tại chỗ, quay đầu liếc Tạ Doãn, không biết có phải ảo giác hay không mà nàng luôn cảm thấy khóe môi Tạ Doãn như mang chút ý cười xấu xa.

Trong nháy mắt, Chu Phỉ chợt cảm thấy tâm trạng nặng nề của mình thực không quan trọng, vị cư sĩ nghĩ thoáng này biết chơi như vậy, xem ra cách cái chết còn xa lắm.

Nàng thầm mắng một tiếng “vô sỉ”, tức giận mở bức tranh thứ ba.

Bức tranh thứ ba vẽ một cô nương trẻ, hơi lớn hơn thiếu nữ trong mấy bức trước nhưng ngũ quan giống hệt, đang mỉm cười, nàng mặc bộ váy đỏ, tà váy tung bay, tóc mai như lông quạ, mặt mũi xinh xắn, đứng giữa đám hoa đỗ quyên đỏ, tay chắp sau lưng xách một thanh trường đao.

Chu Phỉ sững sờ, chợt bỗng dưng cảm thấy mình quả thực nên mặc một bộ váy đỏ như thế.

Liền sau đó, nàng lại lắc đầu, xem phần chữ Tạ Doãn viết cho bức tranh rởm này, chữ viết: “Tiên trong tranh là…”.

Là gì thì phía sau không nói, Chu Phỉ tìm một lát, phát hiện ba chữ trong góc: “Cô đoán xem.”

Chu Phỉ không nhịn được hỏi ra tiếng:

– Bức tranh này của ngươi tên là “cô đoán xem”?

Tạ Doãn không lên tiếng, nhưng bức tranh trên tay theo động tác của nàng rơi ra một phong thư nhỏ, bên trên kèm theo một tờ giấy, viết: “Đoán sai rồi, không phải cô, mà là vợ ta.”

Chu Phỉ dở khóc dở cười mở thư, thấy nét chữ quen thuộc từng viết “Ly hận lâu” và “Hàn nha thanh”, chỉnh tề ngay ngắn.

Hắn viết: “A Phỉ, nghe nói ít ngày nữa cô đến, ta rất vui, bọn binh tôm tướng tép của Đông Hải rất đông, đều là đồng tộc của cô, đem nhúng tương giấm dầu muối pha thêm gừng giã nhuyễn là vô cùng ngon, cô có thể thân thiết với chúng nhiều một chút…”

Trong thư, Tạ Doãn không nhắc một chữ về Thấu Cốt Thanh, cũng không thê lương thảm thiết cảm kích nàng bôn ba, mà vừa đùa tiêu khiển nàng vừa liệt kê những món ăn ngon và thú chơi vui của Bồng Lai, kế đó bảo nàng mở xem cái hộp nhỏ bên gối, thần bí nói là bên trong có “dị bảo”, kết quả Chu Phỉ nghe lời mở ra, chỉ thấy bên trong là một đống vỏ sò khiến nàng dở khóc dở cười.

Phần cuối, Tạ Doãn đáng thương cầu khẩn: “Bút mực đều để trên bàn đá, xin rủ lòng thương xót, viết thao thao bất tuyệt là tốt nhất, nhưng viết dăm câu vài lời cũng được, mong chờ cô hồi âm đôi chút để hơi xoa dịu nỗi nhớ nhung của ta nơi ngòi bút”.

Sau đó hắn lại dặn dò thừa thãi: “Chú ý: văn chương chỉ viết trên mặt giấy, cấm lấy ta ra xài.”

Chu Phỉ vốn không nghĩ cầm bút mực làm gì, nhưng thấy câu này nàng lập tức được gợi ý lớn, bèn cười xấu xa xắn tay áo lên, nhúng mực thật đậm rồi đi tới trước mặt Tạ Doãn đang hôn mê không còn tri giác, thầm nhủ: “Đây là tự ngươi tìm nhá.”

Nàng đưa tay ước tính trên mặt Tạ Doãn, sau đó quyết đoán vung bút, bắt đầu ra tay ác độc với khuôn mặt mắt mũi rõ ràng của Đoan vương, trước tiên vẽ một viền tròn trên mặt hắn, kế đó vẽ hai hàng chân mày của hắn thành hai cây gậy đen, hai bên mặt mỗi bên vẽ ba cọng râu, cuối cùng giữa trán thêm một chữ “vương” ngay ngắn.

Vẽ xong, Chu Phỉ nghiêng đầu quan sát hắn chốc lát, vẫn cảm thấy thiếu thiếu gì đó, bèn kéo cái tay không của Tạ Doãn qua, viết vào lòng bàn tay hắn: “Thiếu một trận đòn”.

Chu Phỉ quanh quẩn trong sơn động như lò lửa một lát, lúc trở ra, sự do dự và uể oải khi đến bất giác đều không còn nữa.

Trần Tuấn Phu không ngẩng đầu lên, nói:

– Đi à?

– Dạ.

Chu Phỉ gật đầu với ông:

– Tết trùng dương phải về nhà, Tào Trọng Côn vừa chết, cha con đại khái lại bắt đầu bận rộn rồi. Về con lại đi khắp nơi tìm xem, nghĩ cách kiếm thêm một cái gan mãng xà nữa.

– Không cần gấp, có một chút đó là đủ đốt tới mấy năm rồi.

Trần Tuấn Phu nói, đưa tay ném một thứ gì đó sáng loáng cho nàng:

– Cầm đi.

Chu Phỉ quơ tay tiếp được, thấy nó là một chiếc nhuyễn giáp bó sát người, kích thước nhỏ nhắn, cảm giác nhẹ như không:

– Mộ Vân sa?

Trần Tuấn Phu cười nói:

– Mộ Vân sa là thứ đồ nát gì chứ, nhưng đây cũng không phải vật gì quan trọng, ta đan lưới đánh cá còn thừa thẹo một chút, làm vật gì người khác cũng mặc không vừa, chỉ đủ cho con dùng. Lão phu đặt cho nó cái tên “Thải Hà”, thế nào?

Chu Phỉ:

– …

Hèn gì Tạ Doãn lại có sở thích đi sưu tập vỏ sò (4).

(4) Thải hà (彩霞): nghĩa là ráng mây màu, Doãn sưu tập vỏ sò để làm vật trang sức cho áo mới của Phỉ, chứ không liên quan tới cái tên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện