Mạc Vũ lưu lại thôn Ba Đất vài hôm thì nghe tin Ái Ái bị bắt giải về thành phố Nghệ Bắc, mới thở phào nhẹ nhõm. Cảm giác như trút bỏ được một mối họa, cậu theo đó tinh thần sảng khoái, ăn uống ngon miệng, vết thương càng mau khôi phục.

Mỗi ngày Mạc Vũ cùng gia đình Lý Tiềm Xuân ra ruộng chăm sóc dược liệu, rảnh rỗi lại đến nhà dược sư học nghệ. Mạc Vũ không ham thích nghề dược nhưng thấy Lý Tiền Xuân vui vẻ cũng nhiệt tình hưởng ứng.

Gia đình Lý Tiềm Xuân trú ngụ ở thôn chưa lâu, nhưng bản tính nhà nông chất phát, không phân biệt xuất thân, kẻ trước người sau. Ngay đến Mạc Vũ cũng được người dân trong thôn rất quý. Mọi người sống hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau, cảnh tượng thật thanh tịnh ấm áp.

Mạc Vũ được cái tính sảng khoái chẳng mấy mà hòa hợp với mọi người. Về đêm trong thôn lại đốt lửa, uống rượu, ca múa, vui chơi chẳng khác gì nơi đô hội.

Một đêm nọ, sau bữa tiệc rượu mọi người đều ra về cả. Mạc Vũ vẫn còn lưu lại cùng Lý Tiềm Xuân thưởng rượu, ngắm trăng, đến lúc ngà ngà say Mạc Vũ cầm phách lên gõ. Lý Tiềm Xuân hai má hây hây đỏ, nghe phách có nhịp có điệu, liền ngân lên hát: “Dưới trăng, gió xuân phơi phới. Chàng gõ nhịp, mặt hớn hở như hoa, ngâm bài tình khúc, mắt ngắm thiếp múa vũ điệu phong trần…”

Giọng Lý Tiền Xuân lảnh lót như chim hót, Mạc Vũ nghe cô hát thấy vui tai, vung tay gõ phách theo từ, vậy mà hòa hợp. Cả hai cùng cất tiếng ngâm.

Lý Tiềm Xuân mỉm cười xoay người đứng dậy, theo nhịp phách Mạc Vũ lúc trầm lúc bổng múa một điệu. Người múa, người xướng hợp theo âm phách, qua nửa giờ ngắn ngủi mà tưởng ở chốn bồng lai, tiên cảnh.

Mạc Vũ vừa dứt tiếng phách, Lý Tiềm Xuân sà vào lòng cậu, thơm một cái lên môi.

Lý Tiềm Xuân hai má đỏ bừng bừng, khẽ đẩy cậu ra, xoay người chạy đi mất. Mạc Vũ ngây ngất đưa mắt nhìn theo, đến khi cô khuất mất trong bóng tối mới bật cười đứng dậy đi về.

Thời gian vậy mà thấm thoát đã trôi qua hơn nửa tháng, ngày lên đường rồi cũng tới.

Mạc Vũ vết thương đã khỏi hẳn, thân hình trải qua một thời gian dãi dầu với nông vụ xem ra còn có phần tiêu sái, phong trần hơn xưa rất nhiều.

Mạc Vũ ngồi sẵn trên cỗ xe, bấy giờ đã được dân làng giúp sửa chữa lại như mới, tay giữ chặt lấy dây cương ghìm hai con trâu, đứng đợi sẵn bên ngoài sân. Mai Tiềm Xuân thu dọn hành lý, bái biệt mẹ và em trai mới lên xe cùng Mạc Vũ. Cả hai hướng hàng xóm đứng tiễn biệt trước sân chào hỏi một lượt, mới cho cỗ xe chạy đi, nhắm thẳng hướng võ quán Hữu Quan đi miết.

Cả hai trên đường đi nói chuyện vui vẻ, ngày đi đêm nghỉ. Chuyện ngày hôm đó không ai nói ra miệng nhưng mãi ghi dấu trong lòng, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nhau lại bật cười.

Hai người đi được mười ngày thì đến địa giới Diễn Ngọc, thấy phía trước là một thôn nhỏ, đường vào thôn hàng quán dựng tạm hai bên đường nhiều như nấm. Người, xe đi đi lại lại không ít thì lấy làm lạ.

Mạc Vũ, Lý Tiềm Xuân ghé một quán nhỏ gọi vài món thức ăn nhanh, hỏi ra mới biết nơi này cách võ quán Hữu Quan không xa. Quanh đây mấy trăm dặm lại không có nhà trọ, quán ăn thành thử mấy thôn ven võ quán hàng năm đến ngày ‘tựu võ’ đều dựng nhà, mở quán kiếm lợi.

Mạc Vũ, Lý Tiềm Xuân ăn được vài miếng thì một toán hơn tám chín người đi vào quán. Một trung niên cho gọi rượu, thịt mang lên. Một phụ nữ tầm bốn mươi, tướng mạo xấu xí rầu rĩ nói: “Chúng ta đã rèn luyện ở võ quán hơn ba năm rồi mà vẫn không có chút thành tượu gì. Yếu quyết thì thuộc làu làu, thể lực không tệ vậy mà bước vào trong ảo cảnh Rèn Luyện Trường, chưa đánh được một hiệp đã bị đẩy ra. Hừm, chẳng lý nào cả đời không qua nổi giai đoạn tích cấp này sao!”

Mạc Vũ không lạ gì giai đoạn tích cấp. Đinh Bật từng nói vượt qua giai đoạn này mới chính thức được xem là người đạt chuẩn mực Rèn Luyện Trường cấp một. Cách đây không lâu Nguyễn Thị Hồng lập được công trạng, nhận được Rèn Luyện Trường, không chịu nghe Mạc Minh khuyên giải vẫn tự ý nhỏ máu nhập thể, bước vào ảo cảnh. Chưa đầy ba nhịp thở đã thấy cô bị đẩy ra khỏi Rèn Luyện Trường trong tình trạng bất tỉnh hôn mê, ốm hai ngày mới tự bò dậy ra khỏi giường được.

Mạc Vũ lại nghe một người trung niên nói: “Để đạt đến chuẩn mực Rèn Luyện Trường chị nghĩ mấy năm là có thể đạt được hay sao? Chúng ta không kiên trì hơn nữa thì con đường luyện thể càng thêm xa vời.”

Cả bọn gật đầu tán thành. Vừa hay chủ quán đã mang thức ăn tới. Chợt nghe một thanh âm giễu cợt nói: “Chỉ là một đám nông phu kiết xác cũng mong đạt được chuẩn mực Rèn Luyện Trường. Thật nực cười!".

Cả bọn nghe vậy không khỏi giận dữ hướng nhìn đôi thanh niên ngồi bàn bên cạnh. Người phụ nữ mặt xấu xí quát: “Mi vừa nói cái gì?”.

Hai thanh niên cười khanh khách, ra chiều đắc ý. Người thanh niên vừa lên tiếng, tướng mạo dễ nhìn, mặc y phục trắng, đầu chít khăn hồng thêu chữ Võ. Rõ ràng là người có gia thế, hắn lại nói: “Ta nói bọn mi đó! Một đám nông phu quê mùa!”

Người phụ nữ giận quá, rút luôn thanh kiếm nhắm đầu hắn bổ tới. Kiếm vừa cách hắn một tấc đã bị đôi đũa kẹp cứng không sao nhúc nhích được. Người phụ nữ gồng mình rút lại, không khác gì kiến lay cột đình. Người phụ nữ rú lên một tiếng, gắng hết sức bình sinh rút mạnh thêm lần nữa. Người thanh niên lơi đôi đũa ra, người phụ nữ mất đà té ngửa ra sau chấn nát cả bàn ghế. Đám bằng hữu thấy bàn thức đổ cả, người mình bị làm nhục không khỏi giận dữ rút khí giới lao lên: “Bọn mi khinh người quá đáng rồi đó.”

Người thanh niên áo trắng khinh khỉnh nói: “Ta nói sự thực! Không đúng hay sao?”

“Mi dám!”, Cả bọn vừa dứt lời liền lao đến người thanh niên đánh tới. Người thanh niên bên cạnh mặc y phục xanh, tướng mạo xanh xao, gầy gò ốm yếu, hai mắt trũng sâu, đầu cũng chít khăn thêu Võ gia. Mắt hắn nãy giờ chỉ chú mục đến Lý Tiềm Xuân, thấy cả đám người kia cùng lao tới không khỏi mất hứng, vung tay tóm lấy một lão già hất ra đường quát: “Một đám phế vật! Cút đi cho ta!”

Lời đó vừa dứt thì người thanh niên áo trắng kia cũng mau lẹ không kém đánh văng mấy người kia ra ngoài đường cả hết rồi. Hắn nhổ một bãi nước bọt nói: “Cút đi đám nông phu rác rưởi.”

Cả đám người bị hai thanh niên làm nhục, tức lắm nhưng không biết phải làm sao chỉ biết dậm chân bỏ đi. Người thanh niên gầy gò phủi phủi tay, hừ một tiếng quay lại ngồi xuống ghế, mắt vẫn nhìn về phía Lý Tiền Xuân. Người thanh niên áo trắng phì cười nói: “Anh thích cô ta thì cứ bắt lấy mà hưởng thụ, có đáng gì!”

“Chú mày biết cái gì! Chỉ ăn nói ba hoa rước phiền phức vào người. Từ nay hãy bớt cái trò đó đi! Chú không phải em ruột tôi thì đã xong cái mạng rồi.”, Hóa ra hai người họ là anh em ruột thịt, chẳng qua tướng mạo khác xa một trời một vực.

Mạc Vũ chẳng để lời hắn nói vào tai, chỉ bực bội ánh mắt hắn cứ săm soi đến Lý Tiềm Xuân không rời. Cậu vừa rồi toan bước ra mắng mấy câu nhưng thấy Lý Tiềm Xuân đưa mắt, lắc đầu. Lời chưa ra khỏi miệng đã ngậm lại. Tên thanh niên gầy gò chớp mắt đã nhìn ra biểu hiện của Mạc Vũ, phì cười mỉa mai.

Mạc Vũ, Lý Tiềm Xuân ăn xong lập tức rời khỏi thôn. Đi không bao xa nghe phía sau có tiếng thú cưỡi rượt theo, nhìn lại đúng là hai anh em Võ gia nọ.

Người em cưỡi một con ngựa đen, vượt lên cười khanh khách hỏi: “Hai người đi đâu mà nhanh vậy, chắc là đến võ quán Hữu Quan phía trước?”

Mạc Vũ, Lý Tiềm Xuân vừa rồi đã trải qua miệng lưỡi hách dịch của hắn, nghe hắn hỏi có phần nhẹ nhàng càng thêm chối tai. Mạc Vũ bấm bụng chửi thầm nhưng vẫn cười khì khì đáp: “Đúng vậy! Anh có gì muốn nói phải chăng?”

Hắn chưa đáp lời thì người anh gầy gò, ho xụ xụ mấy tiếng, thúc con ngựa đỏ chạy lên nói: “Từ đây đến Hữu Quan còn xa lắm, có người đi cùng đường trò chuyện vẫn tốt hơn nhiều! Hai vị không biết từ đâu tới?”

Mạc Vũ cười hì hì nói, nhưng bụng không khỏi mắng thầm: “Bọn khốn kiếp này nhắm tới chị Tiềm Xuân đây mà. Ta không tìm cách trị chúng một trận, không xong.”, Nghĩ vậy liền nói: “Tôi từ thị trấn Diễn Long tới. Ông chủ sai tôi theo hầu cô chủ đến võ quán Hữu Quan cho kịp ngày tựu võ. Hai anh chắc cũng đến võ quán nhập học chăng?”

Mạc Vũ vừa nói vừa bấm lấy bàn tay Lý Tiềm Xuân nháy mắt, cô là người lanh trí tự nhiên là hiểu ngay.

Hai anh em Võ gia tính khí ngạo mạn, hành sự độc ác nhưng trong máu đã nhiễm thói xu phụ người quyền thế. Nghe Mạc Vũ nói từ thị trấn Diễn Long tới thì có chút e dè, nơi đó ngọa hổ tàng long, người có gia thế thì càng ghê gớm. Lại thấy Mạc Vũ, Lý Tiêm Xuân hai người ăn mặc sang trọng, đi cỗ xe mới do hai con trâu dị thú hơn trăm năm tuổi thì càng chắc mẩm lời Mạc Vũ nói.

Người em cười khì khì: “Hóa ra hai vị từ Diễn Long đến! Hai anh em chúng tôi đúng là đang trên đường đến võ quán nhập học. Không biết hai vị xuất thân từ gia thế nào ở Diễn Long?”

Mạc Vũ nhớ hôm đó ở Diễn Long đến Trung Tâm Thương Mại, thấy đề trước cửa lớn là ‘Dương Gia Hội’ biết đó là cơ sở kinh doanh của gia tộc này, vậy là buộc miệng nói luôn: “Dương gia.”.

Mạc Vũ dứt lời, Lý Tiềm Xuân vô tình lại nghĩ ngay tới họ Dương cậu nói móc Mai Đình Tú trước kia, không khỏi phì cười một tiếng.

Hai anh em Võ gia nghe vậy không khỏi kinh hãi. Dương gia ở Diễn Long trực thuộc chi chính họ Dương, gia tộc trung đẳng duy nhất ở địa giới Nghệ Bắc. Danh tiếng rất lớn đương nhiên hai người đã nghe qua rồi. Mạc Vũ thấy cả ngẩn ra thì nói thêm: “Hai anh chắc đã từng đến Trung Tâm Thương Mại của ông chủ tôi rồi chứ?”

Cả hai xuất thân trong thị trấn Diễn Ngọc, từ đây đến thị trấn Diễn Long không bao xa. Hai người họ đến đó không ít lần, nghe Mạc Vũ hỏi, liền cười nói: “Đương nhiên rồi!”

Cả bọn đi được một đoạn nữa thì thấy đám người phụ nữ xấu xí trước đó không lâu bị hai anh em họ đánh đuổi đi khỏi quán ăn.

Đám người nọ đang vội vàng rảo bước đi mau trên đường, nghe thấy có người phía sau đi tới, quay lại thấy hai anh em họ thì giận lắm, nhưng không nói gì. Hai anh em Võ gia nghênh ngang đi qua cười dè bĩu. Mạc Vũ thấy thái độ cả hai thì bực lắm nhưng hiện tại không có cách gì trừng trị ngay được.

Cả bốn vừa đi vừa nói chuyện đến chập tối thì đến một thôn nhỏ. Ở đây cũng có lắm người kéo tới lập quán, dựng nhà tạm cho thuê. Người lưu trú đông không thua kém gì cái thôn lúc sáng.

Mạc Vũ, Lý Tiềm Xuân thuê một căn lều tạm hai giường nghỉ ngơi. Ăn xong bữa tối vừa đặt mình lên giường chợp mắt một lúc đã nghe bên ngoài lều có tiếng gọi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện