Trên giang hồ, việc lấy tài chế chúng và phát ngôn cay độc vốn là chuyện thường, lúc đầu Y Xuân chẳng quan tâm mấy.

Nhưng bốn ngày liên tiếp bị kẻ khác sáng khiêu khích tối ám sát, đến cả ăn ngủ tiêu tiểu riêng tư cũng chả yên bình được một khoảnh khắc, cuối cùng nàng cũng đã ngộ ra, mình vướng phải đống rắc rối to rồi.

Cửa sổ khách điếm đã cũ, không cài then được nên khi ngủ Y Xuân thường dùng ghế chốt chặn, giữa đêm khuya lặng tiếng, quả nhiên lại nghe tiếng ghế bị ai đó khe khẽ dời đi.

Người nọ nhẹ nhàng xoay mình tiến vào từ cửa sổ, hơi có vẻ chần chừ, sau đó chầm chậm tiếp cận giường ngủ.

Y Xuân nhấc kiếm, mắt vẫn lười mở, chĩa thẳng kiếm vào họng kẻ ấy, thấp giọng hỏi: “Tính tới tính lui thì ta chỉ lấy có ba mươi lượng bạc của các ông, lý trí một chút được không? Ba mươi lượng bạc mà vẫn bám mãi không buông à?”

Giọng nói người nọ toát lên vẻ giận dữ và nỗi nhục nhã khi bại dưới tay một thiếu nữ: “Việc này liên quan đến thể diện của bang Trung Hưng! Đâu chỉ đáng ba mươi lượng bạc!”

Y Xuân mở mắt, than thở: “Vậy rốt cuộc các ông muốn thế nào? Dùng hết mọi cách để truy sát ta?”

Người nọ phẫn nộ đáp: “Bại bởi cô là do ta học nghệ không tinh! Có bản lĩnh thì tối nay đến Tổng đường bang Trung Hưng với ta, đầu lĩnh đang ở đấy chờ, có gan đơn đấu với ngài ấy không?!”

“Xong chuyện thì không gây rắc rối cho ta nữa chứ gì?”

“Không sai! Còn tùy cô có đủ can đảm hay không thôi!”

Y Xuân lật mình trở dậy, đút kiếm vào vỏ: “Đi thôi.”

Đáp rất sảng khoái, trái lại khiến đối phương khó chịu: “Cô… thực sự muốn đi?”

“Chuyện này còn phải bàn thật giả nữa à?” Y Xuân cười cười, “Nhưng ta không biết Trung Hưng bang nằm ở đâu, ông phải dẫn đường đấy.”

Người nọ khựng lại một hồi rồi dẫn đầu nhảy xuống khỏi bệ cửa sổ.

Đường thủy quanh co chằng chịt, đi hơn nửa canh giờ mới thấy trước mặt có ánh lửa, bờ sông dài khoảng mấy trượng, cứ cách ba bước lại đắp một cái bệ bằng đá cắm đuốc, ánh lửa phản chiếu xuống mặt nước trải dài như một con rồng.

Bên bờ có người đứng chờ, trông thấy Y Xuân thì vẻ mặt hơi kỳ lạ, song không có thái độ thù địch, chỉ nói: “Vậy mà đưa được nó đến thật à.”

Người đi theo phía sau thấp giọng hỏi: “Đầu lĩnh còn chờ không?”

Đối phương gật đầu, chẳng nói lời nào đã đưa Y Xuân vào Tổng đường, bên trong cũng trang hoàng ánh lửa, phía sau cửa chính là một khoảng không gian trống, xung quanh cắm đuốc, đầu lĩnh đã gặp trên sông vài ngày trước đang khoanh tay đứng chờ, trên vai xăm một con mãnh hổ, dưới ánh lửa bập bềnh nom có vẻ dữ tợn.

“Gan cô lớn lắm.” Đầu lĩnh có chất giọng rất trầm, hơi lộ vẻ tán thưởng.

Y Xuân lười thừa lời với hắn, rút kiếm khỏi vỏ ngay: “Đánh thế nào?”

Biểu cảm của đầu lĩnh hơi khác trước, hắn nhìn nàng một lúc, nói: “Dừng đúng lúc, không tổn hại đến tính mạng. Niệm tình cô còn bé, lại là nữ, ta nhường năm chiêu, nếu cô thắng, Trung Hưng bang chẳng những không làm khó mà còn dốc sức tương trợ nếu có ai gây rắc rối cho cô trên cái đất Dương Châu này. Còn nếu cô thua, cứ tự bẻ kiếm rồi dập đầu lạy ta ba cái!”

Y Xuân vứt bao kiếm xuống đất, khẽ cười: “Ta mười tám tuổi, đã không còn bé nữa rồi. Chẳng cần ông nhường!”

Vừa dứt lời, bóng kiếm đã đến trước mắt hắn.

Nhanh, độc, chuẩn. Thư Tuyển từng nói, tuy động tác của nàng nhanh nhưng lại không đủ tàn nhẫn, hai năm trôi qua, kiếm thuật của nàng sớm đã thay da đổi thịt, e rằng khi có dịp diện kiến, Thư Tuyển cũng chẳng dám phê bình như thế nữa.

Muốn chắn, chắn không kịp. Muốn tránh, cả người đều bị bao phủ bởi ánh kiếm, có tránh đi đâu cũng sẽ bị thương.

Nàng chừng như bóng ma, hoàn toàn không nhìn thấu bước tiếp theo sẽ làm gì, thấy kiếm sắp lia đến vai trái, đầu lĩnh nghiêng người né, siết chặt nắm tay, định dùng sức đánh bay nàng.

Nắm đấm trúng mục tiêu, đầu lĩnh hớn hở, chẳng ngờ khi nhìn kỹ lại thì thấy một chân nàng đang đưa lên chặn nắm đấm, khí lực của cả nắm đấm xông thẳng lên trời, phí hoài vô ích.

Đường kiếm tựa rồng bạc trong tích tắc đã dừng lại, vững vàng cách mi tâm hắn bốn tấc, mũi kiếm khẽ dao động.

Y Xuân thở gằn, thấp giọng: “Là ta thắng.”

Đầu lĩnh chết đứng một hồi lâu, gương mặt đầy sẹo dần hiện nét cười.

“Không sai, cô thắng rồi.” Giọng hắn ấm áp, “Muốn cùng ta uống một chén không?”

Thấy Y Xuân hơi do dự, hắn nói tiếp: “Nếu có việc không tiện ở lâu, mời cô nương tùy ý.”

Y Xuân nhe răng cười: “Không, rượu ấy, không phải Thiết Đao Tử nhỉ? Loại đó… ta không thích uống.”

Đầu lĩnh cười sang sảng: “Không phải Thiết Đao Tử, danh tửu ở Quảng Lăng là Quỳnh Hoa Lộ, cô nương có nể mặt không?”

Ban đầu khi rời khỏi Giảm Lan sơn trang thì Y Xuân vẫn chưa biết uống rượu, nhưng hành tẩu giang hồ hai ba năm, dần cũng ngấm thói uống rượu thong dong, bốn năm chén không thành vấn đề.

Nàng rất hiếm khi để bản thân say mèm thất lễ, cạn ba chén nhưng đầu lĩnh vẫn muốn rót tiếp cho nàng, nàng uyển chuyển ngăn lại: “Tửu lượng ta kém, chẳng phải từ chối hảo ý mà thực sự hết nổi rồi.”

Đầu lĩnh không ép buộc, không khỏi xúc động khi nhìn nàng: “Ta có một đứa con trai, nếu bây giờ vẫn còn sống thì chắc cũng cỡ tuổi Cát cô nương đây. Tiếc rằng thằng lõi ấy vô dụng bất tài, gây chuyện khắp chốn, cuối cùng vướng vào án mạng, bị quan phủ chém đầu. Ta vốn là người phủ Hưng Nguyên, có ở lại đấy cũng chỉ thêm phần tức cảnh sinh tình nên dứt khoát rời đi, đến Dương Châu này lại kết giao được với nhiều hảo huynh đệ. Trong mắt cô nương, bọn ta hẳn không tốt đẹp gì, giặc nước cướp bóc cũng chỉ là một trong muôn vàn cách tồn tại dưới gầm trời này, bọn ta hiềm vì miếng cơm manh áo mà thôi.”

Thấy Y Xuân không tiếp lời, có vẻ không đồng tình cho lắm, hắn lại nói: “Cô nương đừng quá bận lòng, hôm nay chẳng qua cảm xúc bỗng dưng trỗi dậy. Huynh đệ bọn ta cũng đã kiếm đủ tiền, vài ngày sau rời Dương Châu, tìm một thôn trang an bình cày ruộng cưới vợ sinh con. Cướp bóc chiếm đoạt, sau này không làm nữa. Chỉ khuyên cô nương một câu, gần đây Dương Châu không yên, thân thủ cô nương tốt như thế nhưng cây non không chọi được với gió rừng, kẻo gây chuyện thị phi lại rách việc. Vẫn nên rời khỏi đây thì hơn.”

Y Xuân ngạc nhiên: “Có chuyện gì à?”

Đầu lĩnh khẽ giọng như sợ người khác nghe thấy: “Cô nương có từng nghe đến Yến môn?”

Tất nhiên là đã nghe qua, hai chữ này quả thật như sấm dội bên tai. Nàng cúi đầu không đáp, cũng hiểu đại khái hắn muốn nói gì.

“Năm ngoái chúng vỡ mộng đất Tương, bèn dời sự chú ý sang vùng Giang Nam này. Giang Nam là vùng đất báu, tuy nhiều bang phái nhưng lại rất lộn xộn, cũng chưa từng có bang phái nào lớn mạnh, những hội tạp nham như bọn ta nhiều đến nỗi chất thành đống. Bang phái đã đông nên lòng người càng phức tạp, nếu có thể tập hợp lại đánh nhau so tài một trận thì vui biết mấy, nhưng số người dám đứng ra lại ít, toàn là bọn trông chờ kẻ khác bán mạng ình! Ta thấy nơi này sớm muộn cũng sẽ bị Yến môn thâu tóm, một ngày nào đó hắn nổi hứng đút lót ít tiền cho quan phủ thì tôm tép bọn ta làm gì còn chỗ dung thân? Cô nương còn nhỏ đã có bản lĩnh như thế, thật hợp khẩu vị Yến môn. Vị tam thiếu gia gì đó của bọn chúng, mấy năm gần đây thích thú với việc bồi dưỡng một lớp gọi là Thu Phong gì đó, chỉ chuyên thu gom hiệp khách tuổi trẻ tài cao, nếu bọn chúng ngỏ lời, cô mà đồng ý gia nhập thì thể nào cũng sẽ phải bán mạng cả đời, chẳng biết mình vì sao mà chết. Giả như không chịu, kết cuộc cũng chỉ có chết mà thôi. Cô nương nên thận trọng.”

“Tam thiếu gia?” Y Xuân ngẩn người mất một lúc mới nhớ ra vị môn chủ Yến môn đó có đến bốn người con, Yến Vu Phi chẳng qua chỉ đứng hàng thứ hai, trên có một đại ca bị người chặt chân, dưới còn hai đệ đệ.

Nàng liếm môi: “… Đa tạ đã nhắc nhở, ta sẽ cẩn trọng.”

Đến Dương Châu chơi thôi mà cũng đụng phải Yến môn, đúng là âm hồn bất tán.

Sau khi rời khỏi Trung Hưng bang, Y Xuân về khách điếm thu dọn hành trang, ngay đêm đó thuê thuyền định rời khỏi Dương Châu. Nàng không phải kiểu người thích dây vào rắc rối, dù sao cũng từng trải qua khoảng thời gian không vui vẻ gì mấy với Yến môn, bàn tay phải của Yến Vu Phi do chính nàng chặt, nếu lại giáp mặt thì thể nào cũng nổi sóng, thôi cứ rời đi là thượng sách.

Vì đã khuya nên chẳng thuyền phu nào đồng ý chèo thuyền cho nàng, Y Xuân đành phải bỏ tiền thuê đứt một chiếc, tự thân lội sông.

Nàng chèo thuyền không thạo lắm, phí sức chín trâu hai hổ mới tạm điều khiển thuyền lướt được giữa sông. Khi ấy trăng sáng giữa trời, tiếng nước róc rách, Y Xuân dứt khoát buông mái chèo, đứng trước mũi thuyền mặc nó trôi theo dòng.

Gió đêm mát lành lướt nhẹ qua người, phảng phất tiếng đàn ca hát xướng vọng lại từ chốn trăng hoa ngoài xa, nơi có đại quan quý nhân giàu có vung tiền như rác, nơi mà họ lưu luyến thâu đêm suốt sáng, cho rằng ấy là chuyện thanh nhã.

Bỗng nhớ tiểu Nam Qua từng bảo, chốn phù phiếm Dương Châu có vài cô nương trứ danh say đắm chủ tử nhà cậu ta, nhưng chủ tử nhà cậu lại thủ thân như ngọc, lúc nào cũng cự tuyệt, thế là khiến họ đau lòng thiếu nữ, hận hắn thấu xương.

Trước mặt nàng, tiểu Nam Qua rất thích tâng bốc Thư Tuyển thành nhân vật trên trời có dưới đất thì không, chợt thấy buồn miệng, nàng không khỏi phá ra cười.

Xoay đầu lại nhìn, chỉ có thể thấy từng đốm sáng mơ hồ phản chiếu trên mặt nước, thuyền khẽ rẽ lối, ngoài ánh trăng thì chẳng còn trông thấy gì khác.

Đi được khoảng nửa dặm, bỗng thấy trước mặt có vài chiếc thuyền đỗ giữa dòng, tình huống có vẻ lạ lùng.

Bị vài chiếc thuyền đánh cá mũi nhọn vây lại ở giữa là một chiếc thuyền hoa không to lắm nhưng lan can điêu khắc, bậc thềm bằng ngọc, đèn đuốc sáng trưng, rõ vẻ xa hoa.

Nay thuyền hoa bị chúng quây lấy, không thể cựa quậy là vì phần đuôi của đám thuyền đánh cá ấy nối với một sợi xích, xích móc vào liễu mọc hai bên bờ, đồng nghĩa với việc phong tỏa luôn mặt sông, chẳng những thuyền hoa không đi nổi mà đến cả thuyền con của nàng cũng qua không lọt.

Y Xuân cắm mái chèo xuống lớp bùn dưới đáy sông, cau mày trông sang, chỉ thấy trong thuyền hoa có ba người đang ngồi ngay ngắn, một già hai trẻ, thuyền bị bao vây nhưng họ lại không nao núng, trái lại còn có vẻ bình thản.

Ngoài ra còn có vài kẻ mặc đồ đỏ tía cầm vũ khí lớn tiếng quát nạt, mặt mũi hung tợn, ba người vẫn chẳng mảy may nhíu mày, tựa như hoàn toàn không nghe thấy.

Cuối cùng, tên cầm đầu hẳn là đã sôi máu, đưa tay đẩy ngã một trong hai thanh niên nọ, cụ già ngồi cạnh vội vàng đứng dậy như muốn đỡ lấy, song cũng bị kẻ khác đá thẳng vào ngực, ngã xuống, chẳng hay sống chết thế nào.

Y Xuân không thể cứ thế mà xem nữa, bèn chèo nhanh thuyền đến, sau đó nhún người vọt đến thuyền hoa, chẳng chờ ai phản ứng đã rút kiếm đánh “keng”.

Vài kẻ mặc áo tía khác đứng gác lập tức nhào đến cản trở nhưng đều bị nàng đá lọt xuống sông, lũ còn sót lại trên thuyền nhìn nàng bằng vẻ mặt kỳ lạ rồi nhanh chóng trao đổi khẽ vài câu với nhau, Y Xuân loáng thoáng nghe chúng nói “Có người phá đám, chưa rõ tình hình, rút lui là nhất!” gì gì đó.

Trong đám có một kẻ cầm kiếm ra vẻ như muốn chém cụ già, Y Xuân vội vã lao ra ngăn cản, người nọ bỗng nhanh nhẹn thu kiếm rồi cùng đám còn lại lắc mình nhảy khỏi thuyền hoa, xích sắt được gỡ khỏi liễu hai bên bờ rồi thu về đánh tiếng ầm ầm, mấy chiếc thuyền đánh cá mũi nhọn kia lướt đi rất nhanh, chỉ trong chớp mắt đã thuận dòng trôi mất, không rõ tăm hơi.

Y Xuân thu kiếm, đi đến đỡ cụ già dậy, khẽ hỏi: “Không sao chứ ạ?”

Cụ lắc đầu, bỗng ngước mặt lên, ánh mắt hiền hậu đảo một vòng quanh nàng, chẳng có vẻ gì là kinh sợ.

“Đa tạ cô nương trượng nghĩa tương cứu.” Giọng cụ trầm lắng, nom rất vững vàng.

Y Xuân hẳn là không ngờ bọn họ bình tĩnh như thế, trái lại khiến việc ra tay giúp người của mình trông có vẻ hơi nhiều chuyện. Chợt thấy người thanh niên bị xô ngã dưới đất kia vật vã muốn đứng dậy, người còn lại lập tức chìa tay kéo hắn, tấm chăn che chỗ chân vô tình rơi xuống đất, nơi ấy trống rỗng —– Là một người khuyết tật.

Khi hai vị trẻ tuổi nọ cùng cảm tạ, Y Xuân quan sát kỹ càng một phen mới thấy cả ba có khí chất hơn người, thấp thoáng nét gì đó đã từng gặp.

Cụ già tuổi chừng sáu mươi, râu tóc hoa râm nhưng chẳng mảy may lộ vẻ mắt mờ chân chậm, nom có vẻ quắc thước khỏe mạnh lại toát ra khí chất không giận mà uy, nhất là đôi mắt như ấp ủ tất cả nhuệ khí cùng quang hoa kia, trái lại hiện lên nét hiền hòa đặc biệt.

Vị trẻ tuổi khuyết tật nọ trên dưới ba mươi, dáng dấp hệt như ông cụ, có điều lại hơi u ám, sau lời cảm tạ thì không nhìn đến nàng nữa, chỉ xoay đầu trông sang mặt nước đen ngòm, chẳng hay đang chờ gì.

Thanh niên còn lại nhỏ hơn một chút, chắc độ chỉ trên hai mươi, vóc người hơi đậm, gương mặt tròn trịa, có vẻ thân thiện.

Hắn nhìn nàng bằng ánh mắt hứng thú, tán thưởng: “Cô nương thật là có bản lĩnh, sư phụ cô là ai?”

Y Xuân vừa định đáp lời, cụ già lại thấp giọng trách: “Vu Đạo, sao có thể vô lễ như thế!”

Đoạn cụ chắp tay thi lễ với Y Xuân, hòa nhã nói: “Khuyển tử vô lễ, cô nương chớ bận lòng. Lão phu họ Yến, dám hỏi phương danh cô nương?”

Y Xuân không chấp nhặt, cười bảo: “Cụ chớ đa lễ, ta tên Cát Y Xuân, tình cờ rẽ ngang mà gặp. Các vị nếu đã không sao nữa thì ta xin cáo từ vậy.”

Nàng xoay người định đi, bỗng nghe thanh niên mặt tròn kinh ngạc thốt lên: “Cát Y Xuân?! Cô là cái cô Cát Y Xuân ấy à?!”

Nàng chững lại một lúc, cụ già kia quát: “Vô Đạo!”

Y Xuân ngoái đầu nhìn thì thấy vẻ mặt cả ba người đều đã thay đổi, ngay cả thanh niên khuyết tật khi nãy hãy còn ngắm mặt nước đăm đắm cũng đã ngước đôi mắt sáng rực lên nhìn nàng chằm chằm. Ánh mắt ấy, thật khó miêu tả ý vị ẩn chứa, Y Xuân bị nhìn đến độ nổi cả da gà, gượng cười một tiếng: “Có gì thất thố ư?”

Cụ già nhìn nàng một lúc, hòa ái đáp: “Cát cô nương lòng dạ hiệp nghĩa khiến lão phu bái phục bội phần. Hôm nay cô cứu mạng ba cha con nhà này, ngày sau lão phu nhất định sẽ ân tình hoàn đủ.”

Y Xuân phất tay lia lịa: “Chẳng hề gì, chỉ là chuyện nhỏ!”

Cụ già nhấc ấm trà trên bàn lên, rót một chung trà xanh rồi đưa đến trước mặt nàng bằng hai tay, mỉm cười: “Trên thuyền đơn sơ, chẳng thừa rượu biếu, duy chỉ biết kính một chung trà thơm tỏ lòng cảm tạ.”

Vì thái độ kỳ lạ của họ, Y Xuân bỗng dấy lên nỗi hoài nghi, chỉ mong mình sớm rời khỏi nơi này. Nhưng cụ già nhiệt tình vô cùng, nàng cũng ngại từ chối nên đành nhận chung trà, chợt nghe sau lưng lại có tiếng nước róc rách, mười mấy chiếc thuyền đánh cá mui đen chỉ chớp mắt đã quây lấy chiếc thuyền hoa này, hai người trung niên dẫn đầu nhảy lên thuyền rồi lao vội đến trước mặt cụ già, quỳ thẳng xuống, mặt hoảng hốt giọng run run: “Thuộc hạ đến trễ! Xin môn chủ trách phạt!”

Cụ ấy thế mà lại là môn chủ gì gì đó à? Không phải chỉ là một ông chủ giàu có bình thường đưa con trai ra ngoài du sơn ngoạn thủy sao?

Y Xuân lặng lẽ lùi lại hai bước, định bụng thừa dịp họ không để ý đến để rút lui.

Cụ ông cất giọng ôn hòa: “Lão Từ, lão Lâm, đứng lên mau đi! Lần này là do lão phu tùy hứng, thuở trước nghe thiên hạ đồn nhị thập tứ kiều Dương Châu ngây ngất lòng người bèn thừa dịp đêm khuya đi ngắm thử, ai ngờ lại bị đám giặc kia hạ độc, bằng không há có thể dễ dàng cho chúng đến gần.”

Bọn họ nghe ba người bị hạ độc thì vội vã đẩy một vị đại phu áo thẫm màu lên trước. Y Xuân càng nhìn càng thấy vị đại phu này quen mắt, dường như trước đây từng gặp ở đâu rồi? Song lại chẳng thể nào nhớ ra.

Đại phu bắt mạch cho ba người, lại rút một con dao nhỏ ra rạch tay thử máu, bấy giờ mới cười nói: “Không sao cả, chỉ là Mông Hãn Dược thông thường, hẳn đám giặc xuống tay cũng chỉ là bọn rơm rạ giang hồ.”

Lão Từ quýnh quáng hô: “Khâu đại phu, ông chắc chứ! Thực sự chỉ là Mông Hãn Dược tầm thường ư?”

Khâu đại phu lại cười: “Cứ an tâm đi.”

Y Xuân nhìn gương mặt tươi cười kia, bất chợt rùng mình, bừng tỉnh.

Khâu đại phu! Chẳng phải là lão đại phu năm ấy khử độc ám khí cho Yến Vu Phi ở trấn Hiền Đức sao?! Lão là người Yến môn! Thế thì, cụ già này chính là môn chủ Yến môn! Yến Vu Phi từng kể mình có một vị đại ca bị phái Vạn Hoa đất Ba Thục chặt chân, từ đấy chỉ có thể khuyết tật vĩnh viễn, quả nhiên không sai một ly một tấc nào!

Chẳng trách khi nghe đến tên nàng mà họ lại phản ứng lạ như thế, chẳng trách khí độ quẩn quanh người họ lại quen thuộc đến vậy, Yến Vu Phi cũng tựa tựa đấy thôi.

Y Xuân ngoảnh mặt định nhảy xuống, chợt nghe cụ già sau lưng lên tiếng: “May mà có Cát cô nương đây trượng nghĩa tương trợ, bằng không tính mạng của ba cha con chúng ta rơi thẳng vào tay giặc rồi.”

Nhất thời mọi người đều đánh mắt sang phía này, Y Xuân lúng túng, không thốt nổi một lời.

Thanh niên mặt tròn —– bây giờ thì biết tên hắn rồi, Yến Vu Đạo, chỉ không rõ là thứ ba hay thứ tư —– cười khì nói: “Uầy, chắc nhận ra rồi nhỉ! Chúng ta là kẻ thù lâu năm đấy, Cát cô nương.”

Y Xuân thấy hắn nói rõ ràng gãy gọn như thế thì bình tĩnh lại, thấp giọng đáp: “Không sai, các người tính sao?”

Yến Vu Đạo cười ha hả, nom có vẻ thật thà phúc hậu, chỉ có đôi mắt là lập lòe sáng rực, đặc điểm của Yến môn, hắn mềm mỏng nói: “Đó là ân oán giữa cô và nhị ca, Yến môn ta trước nay rạch ròi lắm, thù ai ai tự báo, chả liên quan gì tới bọn ta. Nghe đồn bàn tay lợi hại nhất của nhị ca bị người ta chặt mất, ta còn nghĩ chả biết là nữ hiệp lợi hại nào, chẳng ngờ chỉ là một cô nhóc như cô. Sao nào? Ta thấy cô rất có tiềm chất, gia nhập Thu Phong bang nhé! Bảo đảm không xử tệ cô đâu.”

Y Xuân không đáp, có vẻ như không nghe thấy.

Yến Vu Đạo vẫn muốn khuyên lơn, môn chủ bỗng buông lời: “Cát cô nương, lão phu đồ rằng cô có ở lại đây cũng chẳng lấy làm thoải mái. Dù sao chăng nữa, ba cha con chúng ta cũng đã nợ vài phần ân tình của cô, ngày sau gặp nạn, xin chớ ngại ngùng. Ngoài ra… vẫn còn một chuyện muốn thỉnh giáo cô nương.”

Y Xuân lặng lẽ gật đầu, lại nghe cụ hỏi: “Thư Tuyển đang ở đâu?”

Lòng nàng bỗng hẫng một nhịp, sực nhớ đến thù sâu oán nặng giữa Yến môn và cha của Thư Tuyển, nay cụ ta hỏi, hẳn là muốn gây phiền phức cho huynh ấy.

“… Ta không biết.” Y Xuân lạnh nhạt đáp.

Yến Vu Đạo cười khì lắc đầu: “Ngoài kia đều bảo Thư Tuyển và cô như uyên ương cùng tổ, sớm đã thành đôi thần tiên quyến lữ tình sâu ý nặng, hắn ở đâu sao cô lại không biết được?”

Y Xuân nhướng mày: “Ta đáp rồi, không biết!”

Dứt lời cũng chẳng muốn dây dưa cùng họ, trở người nhảy khỏi thuyền hoa, vững vàng đáp xuống thuyền mình, khua mái chèo, vụng về đưa thuyền lướt xa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện