Sáng hôm sau, tức ngày mười sáu tháng tư, Bạch Thúy Sơn và Bất Trí thư sinh lên đường đi Bắc Kinh. Tô Châu ngũ tặc được tháp tùng, lòng vui mừng như tết.

Ba chị em nhà họ Điền vẫn chưa thoát khỏi tà pháp của Kỵ Ba Thần Quân nhưng đã khá hơn nhiều. Họ không còn dáo dác tìm kiếm vị sư phụ giả là Độc Biển Thước nữa, mà quay sang gọi tên Nhương Thư.

Giờ chúng ta đi trước bọn Thúy Sơn để xem chàng trai họ Tần đang làm gì?

Cũng như mọi ngày, Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách rời Kinh Đô đệ nhất lữ điếm, đến Vạn Hương lâu dùng bữa trưa.

Các nữ nhân thành Bắc Kinh đều biết thói quen ấy nên đã sớm có mặt, chiếm những vị trí tốt nhất, gần nhất với bàn riêng của Tần Nhật Phủ.

Những nàng tiểu thư khuê các đoan trang, thùy mị thì chỉ dám nép sau chiếc quạt lụa ngắm trộm dung mạo của bậc anh hùng tài mạo, nhưng đám nữ hào kiệt thì mặt dầy hơn, ngang nhiên liếc mắt đưa tình hoặc sà xuống ghế cùng họ Tần đối ẩm.

Ả nào nhanh chân hơn thì sẽ chiếm được một trong bảy ghế của chiếc bàn Bát tiên. Đã ngồi rồi thì họ không bao giờ dám đứng lên, dẫu cho bàng quang nặng trĩu nước tiểu, cơ hồ sắp vỡ tung. Họ mà rời ghế thì lập tức mất chỗ ngay.

Mật ít ruồi nhiều, các nàng chỉ muốn giết sạch những kẻ cạnh tranh song lại không dám để Tần công tử xem mình là kẻ đố kỵ hẹp hòi. Bởi thế, ngoài mặt họ vẫn nói cười vui vẻ.

Vị trí hạnh phúc nhất là ở hai bên Tần Nhật Phủ. Được vài chén, họ có thể giả say quàng vai hay lả lơi dựa vào người chàng ta.

Các bộ võ phục mỗi ngày một mỏng hơn, để ánh mắt Tần Nhật Phủ được thưởng thức trọn vẹn những gò bồng đảo mơn mởn gọi mời. Tuy nhiên, sợ chàng cho rằng mình phóng đãng, các nàng luôn khép chặt áo choàng, chỉ mở ra khi ngồi với Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách.

Rốt cuộc, một kiểu thời trang mới ra đời, đó là võ phục may bằng the mỏng, đi chung với áo choàng.

Đây quả là một cuộc cải cách lớn trong lịch sử y phục vì trước đây các kiểu xiêm y mới đều xuất xứ từ kỹ viện.

Hồi đầu tháng, suýt nữa đã xảy ra cảnh đầu rơi máu đổ giữa các nàng nữ hiệp si tình. May thay, một ả khôn ngoan đã thuyết phục được cả bọn đồng ý với một lịch chia phiên, mỗi bữa bảy người.

Thế là, cứ đến đầu giờ Ngọ và đầu giờ Dậu, có bảy nàng nữ kiệt, vai mang kiếm báu, đến ngồi chờ sẵn để chờ thần tượng. Họ cũng thay nhau trả tiền cả bữa ấy.

Tại sao các ngươi lại say mê Tần Nhật Phủ một cách điên cuồng như thế? Bởi vì, ngoài vẻ anh tuấn phi phàm, võ nghệ tuyệt luân. Họ Tần còn có nụ cười quyến rũ và ánh mắt đầy mị lực. Các nàng vừa chạm phải ánh mắt ấy là sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời.

Thế còn thái độ của bọn vương tôn công tử đất Đế đô thì sao? Tất nhiên họ ghét cay ghét đắng Tần Nhật Phủ, kẻ đã cướp mất tất cả những cô nương xinh đẹp nhất thành.

Nhưng họ chỉ rủa thầm tổ tông mười tám đời họ Tần chứ không dám đụng đến. Thứ nhất là vì võ công Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách rất cao siêu. Hồi giữa tháng ba, chàng ta giết chết một đại cao thủ Hắc đạo là Diêm Vương Đao Phạm Phi Luân một cách dễ dàng.

Lão cường đạo độc hành họ Phạm mò vào nhà Lâm tài chủ, cách Kinh Đô đệ nhất lữ điếm hơn dặm, bị Tần Nhật Phủ đứng trên lan can trông thấy.

Chàng ta tìm đến nơi, đúng lúc Diêm Vương Đao đang uy hiếp khổ chủ để tra chỗ giấu của.

Mà Lâm tài chủ lại là bào huynh của quan Tả Đô ngự sử, cầm đầu Đô Sát viện. Do vậy, khi Tần Nhật Phủ trở thành ân nhân của Lâm gia trang rồi, không còn ai dám xúc phạm chàng nữa.

Tóm lại, giờ đây Tần Nhật Phủ có đủ danh vọng, quyền thế, tiền bạc và nữ sắc. Nhưng liệu chàng có hạnh phúc hay không và cư xử như thế nào?

Khổng Phu Tử nói “Nhân chi sơ, tánh bản thiện”. Còn Như Lai thì bảo rằng: “Trong mỗi chúng sinh đều tiềm tàng Phật tính. Hai cái tính đó là một, chỉ có thể bị mờ lấp chứ không mất đi.”

Ải Thần Quân dùng phép Di Hồn đại pháp xóa đi ký ức quá khứ, nhồi nhét những ý niệm mới về một Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách anh hùng, hào hoa, lịch lãm, song đã không hoàn toàn thành công.

Tu hành suốt mười bảy năm, Phật tính trong Nhương Thư rất sáng, nhưng đã bị cái chết thảm thương của mẫu thân che phủ. Nay ký ức ấy mất đi, Phật tính có thể bộc lộ và tăng tiến. Rốt cuộc, Nhương Thư cứ như một vị thiền sư vào chốn sa đọa để phổ độ chúng sinh vậy!

Ải Thần Quân dạy chàng hiếu sát, song Nhương Thư thường chỉ chặt tay hoặc phế võ công đối thủ. Lão muốn chàng vơ tóm hết những nữ nhân trong thiên hạ để hưởng thụ thì chàng chỉ cười hiền, không xua đuổi nhưng cũng không chiếm đoạt.

Trong số những nàng nữ hiệp say đắm Nhương Thư, có bảy tám ả sớm góa bụa, hoặt thích bày tỏ lòng mình một cách cụ thể bằng thân xác. Thế là họ trèo qua cửa sổ phòng Nhương Thư nơi khách điếm, múa điệu Nghê Thường rồi dâng hiến.

Họ áp sát tấm thân khiêu gợi, mỡ màng của mình vào người chàng mời mọc, thế mà Nhương Thư chẳng hề động tình, ôm họ ngủ một mạch đến sáng.

Các nàng yêu nữ kia vô cùng thất vọng song càng bội phần thán phục và yêu mến. Họ không hiểu vì sao Tần Nhật Phủ lại từ chối ái ân, dù trường thương dựng đứng như cột bườm kiêu hãnh?

Đôi lúc chàng cũng vuốt ve những đường cong trên cơ thể họ, song chỉ thế mà thôi.

Có một kẻ đã chứng kiến tất cả, tiếc cho chàng và nổi tam bành, chửi rủa hết lời. Người ấy chính là Ải Thần Quân.

Lão ta đã đi theo, dùng tài hóa trang thần diệu và khinh công xuất chúng để quanh quẩn bên hóa thân mà quan sát. Lão muốn được chứng kiến mọi vinh quang, sung sướng của Nhương Thư để tự an ủi mình.

Thấy chàng không thực hiện đúng ý mình, lão tức lộn ruột, tìm chỗ vắng mà tuôn ra những lời mắng nhiếc :

- Con bà nó! Tiểu tử này ngu ngốc hết chỗ nói, ả nào cũng thơm như múi mít mà lại bỏ qua! Giá như vào tay lão phu thì...

Thần quân chợt bật cười :

- Ta thì cũng hơn gì! Ba mươi năm học đạo, lửa dục tắt lịm, chỉ còn lại chút trò nghịch ngợm thế thôi. Cái lão trọc Phật Đăng thật khéo dạy học trò, tuổi Nhương Thư còn trẻ mà định lực cao như núi.

Và lão tự an ủi :

- Thế cũng tạm được. Nếu Nhương Thư hăng hái truyền giống cho hàng trăm ả thì con rơi nhà họ Tần rải rác khắp Bắc Kinh, tội ấy lão phu chẳng dám gánh.

Đã có chủ ý, Ải Thần Quân hài lòng quay lại với công việc làm khán giả, đồng thời bảo vệ diễn viên, bởi vì lão thực tâm yêu mến Nhương Thư. Những tiếng gọi cha kia đã đánh thức bản năng từ phụ của Thần quân. Ông đã phát nguyện giới sát để được thành tiên, song nếu cần thì cũng sẵn sàng xuất thủ vì con nuôi.

Lúc này, Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách đã dùng xong bữa, thản nhiên để các nữ nhân thanh toán tiền cơm, song lại dịu dàng nói :

- Ta xin tặng các nàng vài hạt ngọc trai để làm bông đeo tai.

Họ hạnh phúc ồ lên khi thấy những viên ngọc trai tròn trịa, gần như tuyệt đối, lớn bằng hạt nhãn.

Một vị cô nương xúc động nói đùa :

- Công tử đừng quá rộng rãi với chị em bọn thiếp, coi chừng sạt nghiệp đấy.

Tần Nhật Phủ mỉm cười :

- Vạn sự vô thường, của cải chẳng khác gì phù vân, ta giữ làm gì?

Ải Thần Quân đang ngồi ở bàn gần đấy, trong thân phận một lão phú hộ áo gấm, râu đen. Nghe được câu nói của Nhương Thư, tức đến méo mặt :

- Mẹ kiếp! Tiểu quỷ này ngồi với gái đẹp hơ hớ mà lại mở miệng giảng đạo, thật tức chết đi được! Châu báu do lão phu khổ cực mang từ Ba Tư về mà gã cho chẳng tiếc tay.

Ông lại bật cười vì sự mâu thuẫn của mình :

- Ta lẩn thẩn thực! Chính ta muốn y trở thành kẻ Đại Phương, rộng rãi như bậc vương tôn kia mà?

Bảy ả kia chẳng hề thấm thía ý nghĩa cao siêu của lời thuyết giáo, hí hửng đo với nhau xem ngọc của ai đẹp hơn.

Gần trăm nàng khác ngồi ở bàn chung quanh, xôn xao hẳn lên vì ganh tỵ nhưng chẳng lẽ mở miệng xin? Họ càng điên tiết khi thấy Tả Phù, Hữu Bật của Tần Nhật Phủ lả lơi kéo ghế ngồi sát lại, cọ xát gò nhũ phong vào khuỷu tay chàng, nói cười rúch rích.

Họ Tần chẳng động tâm song ai đó đã ngứa mắt lên tiếng :

- Té ra Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách chỉ là một gã trai lơ, suốt ngày nép váy nữ nhân!

Người phát ngôn có lẽ vừa lên đến, còn đứng ở cầu thang. Ông ta mặc áo gấm xanh, có thân hình cao lớn, mặt đỏ như son, râu ba chòm bạc trắng, tóc cũng chẳng còn cọng nào đen.

Thanh danh của Hồng Diện Tôn Giả Hoàng Huy Do oai trấn Hà Bắc, nên bọn nữ hiệp vội đứng lên bái kiến, kẻ gọi sư bá, người xưng sư tổ, hoặc lão tiền bối, tùy theo quan hệ sư môn.

Tần Nhật Phủ không giận vì bị chê trách, vẫn kính cẩn bái :

- Vãn bối Tần Nhật Phủ xin ra mắt tiền bối!

Hồng Diện Tôn Giả đã đến nơi, chăm chú quan sát dung mạo của chàng trai trẻ. Ông đã biết tin rể quý thất tung, lòng đau như cắt nhưng cố tĩnh tâm tu hành, không đi Lạc Dương hỏi han.

Song khi thấy tiếng tăm của Tần Nhật Phủ đến tai, ông chợt có linh cảm kỳ lạ, liền rời núi Thúy Sơn đi Bắc Kinh điều tra. Trong thiên hạ, người mang tướng Phật nhĩ không hiếm, song chẳng phải ai ở dưới tuổi ba mươi mà dễ có được công lực và bản lãnh kiếm thuật như Nhương Thư.

Nay đối diện Tần Nhật Phủ, thấy chàng tỏ vẻ không quen biết, Tôn giả rất phân vân. Tuy nhiên, giọng nói quen thuộc kia thì không thể lầm được.

Phép Di Hồn không thể xóa đi những tính cách thuộc về bản năng như thói quen ăn uống, cách mỉm cười... Bởi thế, Nhương Thư vẫn còn giữ lại được vài nét cũ như thích trà hơn rượu chẳng hạn.

Đôi nhãn quang sắc bén như dao cạo của Tôn diả đã xác định đối phương không mang mặt nạ và cũng chẳng tô vẽ bằng thuốc dịch dung, song muốn chắc thì phải kiểm tra võ công, Phật Đăng kiếm pháp chẳng lạ với ông.

Thái độ lặng lẽ, nặng nề của Hồng Diện Tôn Giả đã khiến thực khách trên tầng hai này của tửu lâu thầm lo lắng cho Tần Nhật Phủ. Đấy là bọn nữ nhân, còn các chàng trai thì mở cờ trong bụng. Họ muốn Ngọc Diện kiếm khách phải nhục bại dưới tay bậc đại kỳ nhân.

Tần Nhật Phủ thản nhiên chịu đựng ánh mắt soi mói của Hồng Diện Tôn Giả, kính cẩn nói :

- Thỉnh tiền bối an tọa.

Bảy nàng kia cũng lăng xăng kéo ghế mời mọc, nhưng Hoàng lão lắc đầu :

- Lão phu đến đây là để kiếm chứng xem võ công của Tần tiểu tử ngươi có đúng như lời đồn đãi hay không?

Tần Nhật Phủ điềm đạm đáp :

- Tuy mới xuất đạo song tại hạ cũng biết tiền bối là bậc đức cao vọng trọng trong võ lâm nên không dám mạo phạm. Tại hạ mang gươm hành hiệp là để trừ gian diệt bạo, chứ chẳng hề tranh danh đoạt lợi.

Chàng nói rất hợp đạo lý nên Tôn Giả không bắt bẻ được, bèn xoay qua kế khích tướng :

- Hay là ngươi sợ?

Nhật Phủ xử sự đúng mực thiền sư, vui vẻ gật đầu :

- Dạ bẩm phải.

Đám công tử thế gia ồ lên cười chế giễu song chẳng làm cho họ Tần biến sắc.

Hồng Diện Tôn Giả chưa chịu bó tay :

- Ngươi không đánh cũng không được vì lão phu đang thay mặt lớp võ lâm tiền bối mà trừng phạt ngươi về cái tội mạo danh. Mười mấy năm trước, trên giang hồ có một bậc kỳ nhân đã xuất đạo với danh hiệu Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách, và cũng có tên là Tần Nhật Phủ, sau này đổi thành Ải Thần Quân. Nếu ngươi là bậc hậu duệ của lão ta thì cũng không được dùng tên của tổ phụ, bằng mạo nhận thì càng đáng tội.

Nhương Thư không hề biết việc này, ngơ ngác hỏi :

- Lẽ nào lại có sự trùng hợp như thế? Vãn bối quê đất Trường Trị, tỉnh Sơn Tây, cha là Long Kiếm Tần Sinh, quá vãng sớm nên không rõ cội nguồn.

Hồng Diện Tôn Giả giật mình :

- Quái lạ thật! Ải Thần Quân cũng người Trường Trị, con của Long Kiếm!

Ải Thần Quân sợ lão quỷ già kia hỏi mãi tất sẽ hiểu rõ ngọn ngành, liền cuống quýt truyền âm bảo Nhương Thư :

- Con hãy đánh cho lão ta một trận, song không được giết hay đả thương đấy nhé.

Thủ pháp Di Hồn của Ải Thần Quân đã đến mức tuyệt đỉnh, chỉ cần dùng âm thanh cũng có tác dụng. Vì thế, Nhương Thư tuân mệnh ngay, bất ngờ nói :

- Thôi được! Tại hạ đồng ý giao đấu, nếu thua sẽ từ bỏ danh hiệu Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách!

Nói xong, chàng xách kiếm tung mình hỏi lan can, rơi xuống vườn hoa. Chàng mặc võ phục toàn trắng, áo choàng vàng nhạt, tư thế hạ thân đẹp như thiên thần giáng hạ.

Hồng Diện Tôn Giả bối rối :

- Quỷ quái thực! Sao y đang hòa hoãn lại đổi thái độ quyết liệt nhanh như thế nhỉ? Phải chăng y sợ nói nhiều sẽ lộ? Nhưng ánh mắt y rất thành thực cơ mà?

Trong tâm trạng hoài nghi, Hoàng tôn giả nhảy xuống vườn, đứng đối diện với Tần Nhật Phủ. Họ Tần cung kính ôm kiếm chào theo thế “Đồng Tử Bái Quan Âm” rồi xuất thủ.

Hồng Diện Tôn Giả chẳng hề khách sáo, dồn công lực vào đôi ray áo lụa, quét những đòn như búa bổ, quyết bắt đối thủ thi triển hết sở học.

Sau khi bại dưới tay Phật Đăng Thượng Nhân, Tôn giả tự hiểu rằng trong nghề đánh kiếm, mình suốt đời chẳng bằng được Thượng nhân. Ông dồn hết sức khổ luyện công phu Thiết Tu thần quyền đặc dị, đạt đến mức đại thành.

Đôi ống tay áo dài thượt của Tôn giả chứa đầy âm kình, có thể đả thương người và đoạt lấy vũ khí. Cùng phối hợp với phép đánh Thiết Tu, song quyền của Hoàng lão cũng biến hóa và cương mãnh tuyệt luân. Có quyền tất có cước, những cú đá của Tôn giả cũng biến hóa và nặng nghìn cân.

Hoàng lão lại sở hữu đến bảy mươi năm chân khí, hơn hẳn Tần Nhật Phủ nên ngay chiêu đầu đã chiếm thượng phong.

Họ Tần nghe thân kiếm chấn động mạnh khi chạm vào tay áo đối phương, lòng thầm kinh hãi, vội dở phép khoái kiếm ra đòn như bảo táp mưa sa.

Đối với người kiếm sĩ, kiếm thuật chính là bản năng thứ hai. Họ luyện đi, luyện lại trong suốt nhiều năm ròng, chiêu thức, đường gươm in sâu vào tiềm thức, không chỉ là ký ức nữa.

Do ảnh hưởng của phép Di Hồn, Nhương Thư hầu như đã quên hết Phật Đăng kiếm pháp và nhớ rất rõ Huyền Không kiếm pháp của Sấu Tiên. Nhưng hôm nay, gặp phải đại kình địch là Hồng Diện Tôn Giả, pho kiếm mới luyện mấy tháng kia dường như không đủ. Khi thi thố hết tám mươi mốt chiêu gốc mà vẫn bị áp đảo, Nhương Thư sử dụng yếu quyết chữ Tùy, từ căn bản biến hóa thành ngàn chiêu thức.

Chính trong lúc này, tiềm thức manh nha phát lộ, sở học bao năm từng giọt nhỏ ra, hòa với vốn liếng mới thành một loại kiếm pháp tuyệt diệu, hòa hợp giữa Phật và Đạo.

Sấu Tiên vốn là một đạo sĩ theo học thuyết Lão Trang, còn Phật Đăng Thượng Nhân là cao tăng cửa Phật.

Phật Đăng kiếm pháp chỉ đóng góp phần kiếm ý nên kiếm ảnh không mang hình ngọn lửa, khiến người ngoài chẳng nhận ra, trừ Ải Thần Quân.

Lão ngơ ngác nhìn con nuôi múa kiếm, gãi đẩu lẩm bẩm :

- Hay thực! Thì ra tiểu tử này vẫn chưa quên nghề cũ, phối hợp với nghề của ta thành một thứ kiếm pháp có một không hai.

Quả đúng như vậy, càng đánh lâu Nhương Thư càng đạt đến mức thâm huyền, trường kiếm trên tay tuy chỉ một mà trông như bảy, hư thực khôn lường, mỗi nhát điểm đều nhắm vào đúng sơ hở trong lưới quyền của đối phương.

Hồng Diện Tôn Giả không có ý làm hại chàng trai trẻ, song vì chút hiếu thắng của con nhà võ, cũng dồn hết sức già mà chiến đấu.

Song tụ của Hoàng lão bay lượn như thần long, quét ra những đạo kình lực thôi sơn, vù vù xé không gian và thổi tung những chiếc lá khô trên mặt cỏ hoa viên.

Thực khách chia làm hai phe mà cổ vũ cho gà nhà. Giọng ồm ồm là của đám nam nhân ủng hộ Tôn giả, giọng trong trẻo, thánh thót thuộc về đám thiếu nữ si tình.

Hồng Diện Tôn Giả, sau ngàn chiêu, đã mơ hồ nhận ra kiếm ý của Phật Đăng kiếm pháp, lòng càng bán tính bán nghi. Ông tự nhủ :

- “Muốn biết giả chân, chỉ còn cách dụ Tần Nhật Phủ về Lạc Dương. Sơn nhi là người đầu ấp tay gối tất sẽ phân biệt được”.

Nghĩ thế nên ông quạt mạnh một đòn, đẩy lùi đối thủ rồi nói :

- Khoan đã! Lão phu muốn đặt cược!

Tần Nhật Phủ đình thủ, hòa nhã đáp :

- Xin tiền bối cứ dạy.

Hoàng lão cười nhạt :

- Chẳng cần đánh nhiều cho mệt xác. Lão phu chỉ dùng ba chiêu cũng đủ khiến ngươi phải rơi kiếm. Lúc ấy, phiền ngươi đi theo lão phu đến Lạc Dương một chuyến.

Tần Nhật Phủ không hiểu mục đích của Tôn Giả nên phân vân bất quyết. Ải Thần Quân thì nghĩ rằng :

- “Xem ra, lão quỷ già họ Hoàng đã sinh nghi, muốn đưa Nhương Thư về cho con gái kiểm tra. Thế cũng hay, lão phu sẽ đi theo hí lộng cho các ngươi điên đầu. Vả lại, đã đến lúc để Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách trổ thần oai đánh Đông dẹp Bắc, lưu danh muôn thuở, ở đây mãi với đám gái tơ kia cũng chán”.

Thần quân đã dùng Di Hồn đại pháp moi sạch quá khứ của Nhương Thư nên biết rõ cuộc đời chàng. Còn cục diện võ lâm thì lão nghe ngóng mấy tháng nay cũng hiểu khá nhiều.

Đã quyết định như vậy nên Ải Thần Quân truyền âm :

- Con cứ đáp rằng dù thắng hay bại cũng vẫn theo lão đi Lạc Dương.

Nhương Thư thoáng rùng mình, may mà Hoàng lão không nhận thấy. Chàng ôn tồn đáp :

- Vãn bối xin tuân mệnh lãnh giáo thêm ba chiêu, dù kết quả thế nào cũng xin theo tiền bối đi Lạc Dương. Vãn bối từ lâu đã mến mộ phong cảnh cố đô của nhà Thương.

Hồng Diện Tôn Giả sửng sốt nghĩ :

- “Quỷ thực! Sao gã lại dễ dãi đến thế nhỉ?”

Ông gượng cười :

- Té ra lão phu bất chiến tự nhiên thành! Nhưng đã lỡ nói ra thì cũng phái đánh! Ngươi cẩn thận đấy.

Dứt lời, lão ập đến, song tụ hóa thành đám mây xanh bao trùm lấy đối phương. Đây chính là chiêu “Thiên Trụ Hóa Vân”, tuyệt kỹ thủ mạng của Tôn giả. Chẳng phải thứ mây mềm mại vẫn lơ lửng trên trời, mà là cơn bão mạnh liệt có thể nghiền nát bao người.

Chiêu thức võ học nào cũng có sơ hở, song màu sắc và sự mềm mại uyển chuyển của đôi dảy tay áo đã che kín chỗ nhược, khiến đối thủ chẳng thể nhìn ra.

Nhương Thư dù thông minh tuyệt thế, kiếm thuật siêu phàm cũng nhất thời rơi vào cảnh lúng túng trước chiêu thức kỳ ảo này. Chính Ải Thần Quân cũng hoang mang, lo sợ cho nghĩa tử.

Muốn đối phó, Nhương Thư chỉ còn cách liều mạng hoặc né tránh. Song chàng đã nhận lời tiếp chiêu nên không thể thi triển Cửu Huyền thân pháp bỏ chạy. Trong lúc cửu tử nhất sinh ấy, tiềm thức Nhương Thư bỗng hé mở. Chàng từng đối mặt với những chiêu chưởng khủng khiếp của Độc Biển Thước nên kinh nghiệm chẳng thiếu, và sự hiểm nguy trước mắt đã đánh thức bản năng sinh tồn.

Nhương Thư bất giác phản ứng một cách máy móc, đề khí bay vút lên cao, rồi chúc đầu xuống, thân kiếm rung động hàng ngàn lần, kiếm ảnh xòa rộng như chiếc ô, mũi kiếm điểm nhanh tợ mưa rào.

Đây vốn là chiêu “Ngọa Thanh Giáng Vũ” (Ngọc Hoàng làm mưa) trong Huyền Không kiếm pháp, song không phải chiêu Ngự kiếm trong khoảng cách gần. Chẳng qua Nhương Thư được chân truyền của Phật Đăng Thượng Nhân nên mới nắm được yếu quyết Bất Nhị, chẳng xa, chẳng gần.

Ngay Sấu Tiên sống lại mà chứng kiến cảnh này cũng phải phục lăn. Điều ấy chứng tỏ sở đắc kiếm đạo của Phật Đăng Thượng Nhân chẳng kém cổ nhân. Bởi ông là đệ tử Phật môn, kiếm pháp thiếu phần sát khí, chịu kém Sấu Tiên thế thôi.

Tiết diện càng nhỏ thì áp xuất càng mạnh, kình lực tập trung ở mũi kiếm nhọn đã đâm thủng được lực đạo tản mác trên diện rộng của tay áo, phát ra những âm thanh xoèn xoẹt như xé lục.

Hồng Diện Tôn Giả không muốn đồng quy ư tận với kẻ có thể là rể của mình, đành phải đảo bộ rời xa vị trí cũ, bỏ dở chiêu thức.

Khách quan chiến reo hò, hoan hô Tần Nhật Phủ khiến Hồng Diện Tôn Giả hơi bẽ mặt.

Ải Thần Quân yêu mến Nhương Thư nên quên đi mối hận với Hồng Diện Tôn Giả, nếu không đã xúi chàng thi thố Lục Mạch thần chỉ.

Thấy đánh mãi không chừng có máu đổ, Thần quân liền truyền âm :

- Phủ nhi hãy nhận bại và đi theo Hồng Diện Tôn Giả.

Nhương Thư ngoan ngoãn vâng lời, tra kiếm vào vỏ, vòng tay nói :

- Vãn bối tự lượng không tiếp nổi hai chiêu nữa, xin tiền bối tha cho.

Hoàng Huy Do chưng hửng, song cũng thừa cơ vớt vát thể diện :

- Tốt lắm! Ngươi quả là kẻ thức thời! Hãy mau về khách điếm thu xếp hành lý.

Các nàng nhao nhao bàn tán nhưng không dám mở miệng phản đối, ả nào rảnh rang thì cấp tốc về nhà, xách tay nải đi theo người trong mộng. Tổng cộng chỉ có sáu nàng nữ hiệp đất kinh đô may mắn được tháp tùng.

Đoàn người rầm rộ rời Bắc Kinh trong ánh mắt luyến tiếc, sầu khổ của không ít hoàng hoa khuê nữ.

Hồng Diện ngao ngán trước cảnh phong lưu, lăng nhăng quá mức của Tần Nhật Phủ liền mỉa mai :

- Ngươi lập chí dương danh thiên hạ, gẩy dựng sự nghiệp anh hùng mà lúc nào cũng cặp kè xử nữ thì làm sao thành công được?

Tần Nhật Phủ đáp đúng như ý Ải Thần Quân :

- Trai anh hùng năm thê bảy thiếp, cổ kim đều thế, có gì phải sợ, vả lại, họ quyết chí đi theo, làm sao vãn bối xua đuổi được?

Tôn giả cười nhạt :

- Thê thiếp thì chẳng đáng nói. Còn ngươi dùng vẻ anh tuấn mê hoặc rồi chiếm đoạt, sao đáng gọi là hiệp khách?

Sáu nàng kia liền phản ứng ngay, một ả tủm tỉm nói :

- Lão tiền bối sai rồi! Tần công tử đây là bậc chính nhân, định lực như núi Thái, chưa hề động tâm trước sắc dục.

Hoàng lão ngơ ngác :

- Thực thế sao? Lão phu theo dõi mấy đêm liền, thấy các ngươi nhảy qua cửa sổ vào ngủ với gã mà?

Bọn mỹ nữ thẹn đỏ mặt, có kẻ phổi bò mở miệng than :

- Có được nước mẹ gì! Chàng ta cứ trơ như gỗ, chỉ ngắm nhìn và ôm lấy mà ngủ ngon lành.

Tôn giả kinh hãi :

- Chẳng lẽ y bị liệt?

Ả nữ hiệp ít học kia bực bội :

- Chàng ta mà bị liệt thì còn đỡ tức. Y dương buồm lên mà chẳng làm gì, cứ như mèo chê chuột hôi vậy.

Cách ví von ngộ nghinh đã khiến Tôn giả không nín được cười. Ông vỗ vai Nhật Phủ khen :

- Khá thực! Không ngờ ngươi lại có định lực thâm hậu như vậy!

Mối nghi hoặc lớn lên, ông tò mò hỏi :

- Nhưng tại sao ngươi lại giới sắc như một nhà sư vậy?

Nhật Phủ cũng không hiểu tại sao, bâng khuâng nói :

- Có lẽ vãn bối ngại câu Tiền Dâm Hậu Thú.

Sáu nàng mừng rỡ lên tiếng :

- Thì công tử cứ cưới quách bọn thiếp đi.

Nhật Phủ chỉ cười mà không nói năng gì cả.

Trên đường đi, Tôn giả sóng ngựa cạnh họ Tần, giả đò đem giáo nghĩa nhà Phật cùng kinh điển Đại Thừa ra bàn luận, lão thất vọng khi chàng chẳng biết gì cả.

Chữ nghĩa, ý niệm thuộc về ký ức nên đã bị xóa đi, song việc tuân thủ ngũ giới lại là hành vi được thực hiện qua nhiều năm, trở thành bản ngã, chính vì thế, Nhương Thư dẫu động tình cũng không sa đọa.

Tóm lại, giờ đây trong chàng hiện diện đến hai nhân cách, một nhà sư và một chàng hiệp khách phong lưu.

Chiều hôm ấy họ đã rời xa Bắc Kinh trăm dặm, ghé trấn Lũy Sơn nghỉ ngơi ở Tùng Hoa lữ điếm.

Ải Thần Quân thì trọ trong quán đối diện, trù tính kế hoạch chọc ghẹo thiên hạ.

Sống cô đơn suốt mấy chục năm dài, Thần quân đã có thói quen độc thoại :

- Không ngờ sáu ả quỷ cái kia lại mặt dầy mày dạn bám theo Nhương Thư. Tư chất chúng đều tầm thường, không xứng làm dâu của lão già này. Có lẽ phải tách họ ra mới được. Hơn nữa, lão quỷ họ Hoàng tâm cơ sắc bén, gần gũi Nhương Thư lâu ngày e sẽ khám phá ra. Vỡ tuồng ngắn quá thì mất hay.

Tuổi Ải Thần Quân đã hơn chín chục nhưng thân xác chẳng già nên tâm hồn cũng rất trẻ con, đầy ắp những ý nghĩ tinh quái. Vả lại, ông tu đạo Lão Trang, xem trọng tính cách thiện chân, hồn nhiên, càng đắc ý với lời trong Đạo Đức kinh: Năng Anh Nhi Hồ! (Trở thành trẻ thơ)

Ông suy nghĩ thêm một lúc, hớn hở vỗ đùi :

- Tuyệt diệu thực! Có thế mà ta nghĩ mãi mới ra.

Đêm hôm ấy, Thần quân âm thầm tìm đến phòng của Nhương Thư. Do có mặt của Hồng Diện Tôn Giả nên sáu nàng kia không dám giở trò ong bướm, trèo trường vượt cửa.

Với bản lãnh hiện tại của Ải Thần Quân thì Nhương Thư chẳng thể nào phát hiện được. Lão già trẻ con kia thi triển Di Hồn đại pháp xong liền chuồn thẳng. Sáng ra, Hồng Diện Tôn Giả và sáu nàng kia phát hiện Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách đã biến mất.

Hoàng lão giận dữ chửi rủa um sùm :

- Tiểu quỷ này tâm địa phức tạp, hành động bất thường khiến lão phu không sao hiểu nổi. Con bà nó! Lần sau lão phu phải gông cổ y mà dắt đi cho chắc ăn!

Sáu ả hiệp nữ đất Bắc Kinh sụt sùi khóc như cha chết, thu xếp tay nải lủi thủi trở về cố quận.

Hồng Diện Tôn Giả quyết định xuôi Nam, trước là thăm Thúy Sơn, sau cùng bọn Vô Ưu Cái nghiên cứu hiện tượng Tần Nhật Phủ.

Ông không biết rằng mình đã đi trước Nhương Thư, vì lúc này chàng đang có mặt ở một nếp nhà tranh ngoài cửa Bắc trấn.

Chàng đã mua xe ngựa, xuống vịn cổng rào báo danh :

- Tại hạ là Tần Nhật Phủ từ đất Trường Trị đến xin bái kiến.

Liếp tre mở rộng, một nàng thôn nữ áo xanh xuất hiện, e thẹn nghiêng mình chào khách. Y phục nàng hơi lụng thụng, cứ y như đi mượn vậy! Nàng ta bước ra mở cộng, dáng đi ngượng ngập, chẳng lấy gì làm yểu điệu hay thướt tha.

Nàng thỏ thẻ :

- Tiểu muội Tần Thế Lan xin ra mắt biểu huynh! Mời biểu huynh vào tệ xá dùng trà.

Thế Lan có dung mạo dễ nhìn, da rám nắng vì việc đồng áng, bàn tay cũng ngắn và thô. Còn giọng nói thì trong trẻo, song đôi lúc hơi the thé.

Thấy nàng bước đi hơi khó khăn, Nhương Thư cau mày hỏi :

- Chân của biểu muội bị sao vậy?

Thế Lan không quay lại nên chàng không nhận ra đôi tròng trắng kia đảo liên đảo lộn. Nàng vui vẻ giải thích :

- Hôm qua, tiểu muội vấp ngã nên chân hơi đau, chỉ vài ngày sau là hết thôi.

Thế Lan mời khách ngồi xuống chiếc đôn gỗ xấu xí, cạnh chiếc bàn mộc thô sơ, rồi rót trà.

Nhương Thư đảo mắt quan sát những vật dụng rẻ tiền, nghèo nàn trong nhà, lòng dâng lên niềm thương xót. Chàng nhấp hớp trà rồi nghiêm nghị nói :

- Lan muội! Thân phụ ta từ trần đã chín năm. Trước khi mất người có nói việc hôn ước giữa ta với nàng. Nay nàng cũng mồ côi không nơi nương tựa, hãy đi với ta, sang năm về Trường Trị làm lễ thành hôn.

Thế Lan ngượng ngùng cúi mặt :

- Tiểu muội xấu xí thế này làm sao sánh duyên cùng bậc tài mạo như biểu ca. Thôi thì biểu ca cứ xem như việc chỉ phúc vi hôn ngày xưa là chuyện đùa vậy.

Nhương Thư nghe giọng nghẹn ngào vô cùng bất nhẫn, khẳng khái nói :

- Nàng chẳng hề xấu xí và ta đã quyết làm theo di mệnh của phụ thân. Nguyện suốt đời yêu thương nàng.

Thế Lan thở dài, nhìn chàng bằng ánh mắt u ẩn :

- Biểu ca đã có lòng thương, tiểu muội chẳng dám không tuân mệnh. Xin chờ tiểu muội thu xếp hành lý.

Nàng vào trong, lát sao trở ra với tay nải nhỏ, nhìn cỗ xe độc mã, nàng tủm tỉm cười :

- Sao biểu ca biết tiểu muội đau chân mà đem xe đến rước?

Nhương Thư ngẩn người, chẳng biết đáp thế nào. Chàng đánh xe quay lại trấn Lũng Sơn mua sắm y phục mới cho vị hôn thê. Chàng càng thương cảm khi thấy Thế Lan vì nghèo khổ quê mùa mà không biết bới tóc và tai chẳng có lỗ để đeo bông.

Nhương Thư tiếp tục đi về hướng Nam vì nơi ấy đang xảy ra cuộc chiến quyết liệt giữa hai phe chính tà. Tất nhiên ý định này là do Ải Thần Quân mớm cho chàng.

Dọc đường thiên lý, Nhương Thư ân cần trò chuyện với Thế Lan để nàng vơi đi mặc cảm. Chàng không nhận ra việc giọng nói kia càng ngày càng dễ nghe và dáng đi của Thế Lan cũng vững vàng hơn.

Y phục đẹp và son phấn đã làm Thế Lan thêm mặn mà. Lúc đến thành Bảo Định, nàng đã vào tiệm bán nữ trang để nhờ xỏ lỗ tai và mua thêm vài cặp bông.

Tình cảm ngày càng đâm chồi nẩy lộc trong tim Nhương Thư. Song không phải vì nhan sắc mà vì tính tình hoạt bát vui vẻ và đầu óc thông tuệ, tinh minh của nàng.

Một hôm chàng bảo :

- Ta tuy giỏi võ nhưng cơ trí mộc mạc, không bằng một nửa của nàng. Hay là ta truyền lại võ công để vợ chồng sánh vai hành hiệp?

Thế Lan phì cười :

- Tiểu muội luyện tuyệt học họ Tần từ thuở lên bốn, chắc gì biểu ca tinh thông hơn được? Tiểu muội chỉ kém phần công lực mà thôi.

Nhương Thư mừng rỡ :

- Thế thì hay lắm!

Từ ấy, hai người say sưa bàn luận về Huyền Không kiếm pháp, và Nhương Thư phải đê đầu bái phục vì Thế Lan đã đạt đến mức uyên thâm nhất, dạy lại cho chàng.

Trong sinh hoạt, hai người cũng rất tương đắc. Phương Bắc lạnh lẽo nên Thế Lan uống rượu rất khá, hơn cả Nhương Thư. Chàng vốn thích trà nhưng chiều ý ái thê, thường cùng nàng đối ẩm.

Có lần ghé quán trọ dọc đường, chỉ còn một phòng nên Nhương Thư đề nghị ngủ chung. Thế Lan biến sắc nghiêm giọng :

- Tiểu muội tuy quê mùa nhưng cũng biết lễ nghĩa, chẳng dám phá hoại gia phong họ Tần. Trước khi thành hôn, chúng ta không thể quá gần gũi được.

Nhương Thư vô cùng khâm phục tiết hạnh của Thế Lan, lủi thủi ôm chăn ra xe ngủ.

Ở đây, Thế Lan thở phào che miệng cười hăng hắc :

- Phải nghiêm khắc như thế mới được, nếu không có ngày y đè lão phu ra thì nguy to.

Vậy là đã rõ ngay gian, Thế Lan chính thị là lão già tinh quái Ải Thần Quân. Tần Nhật Phủ muốn được kề cận Nhương Thư cho vui nên đã nghĩ ra trò giả gái và dùng tà pháp khiến chàng tưởng mình có hôn ước với cô em họ.

Thần quân vốn khéo tay nên mới học được nghề giải phẩu của Ba Tư, bởi thế, việc đẽo gọt một đôi chân giả bằng gỗ chẳng khó gì. Chỉ khó ở chỗ làm quen với thứ đồ giả cứng ngắc ấy mà thực hiện những bước đi yều điệu của nữ nhân. Ngay giọng nói và cách nói cũng không phải dễ học ngay được, phải có thời gian.

Trong nghề dịch dung, khó khăn nhất là biến thành người khác phái. Do cấu tạo cơ thể hoàn toàn khác biệt to nhỏ, cao thấp chẳng đồng. Nếu gặp kẻ tai vểnh, lộ hầu hoặc hàm răng khểnh thì bố ai mà giả nổi?

Thế cho nên, khi tác giả đọc sử võ lâm xứ Đại Lý, đến đoạn con rơi của Đoàn Chính Thuần là A Châu cô nương, bị Kiều Phong giết oan, liền đấm ngực kêu trời, tức như bị bò đá :

- Thật hoang đường, hai gã này mù dở nên mới để A Châu qua mặt.

Chuyết thê đang nấu bếp, nghe vậy liền cười hì hì :

- Bản chất của sử võ lâm là phi lý hoang đường. Tướng công giận làm gì cho mệt xác! Hơn nữa, thiếp thấy những điều tướng công chép lại còn tệ hơn thế!

Tác giả hổ thẹn cười xòa :

- Lão phu chỉ noi gương tiền bối, góp nhặt dông dài để kiếm cơm qua ngày thôi mà bà!

Đầu trung tuần tháng năm, cỗ xe độc mã của Nhương Thư đi vào Thạch gia trang, ghé một tửu lâu dùng bữa.

Tiếng đôi bàn chân gỗ gõ trên bậc cầu thang nghe hơi lạ, nhưng chẳng ai để ý đến. Cùng lắm thì người ngoài cũng chỉ tưởng nữ lang trường bào lam kia đi loại giày vải đế gỗ.

Riêng Ải Thần Quân thì áy náy, quyết sửa lại sao cho hoàn bị hơn. Có lẽ phải tạo khớp di động ở cổ chân mới được.

Hai người chọn một bàn gần lan can hướng Nam để hứng chút gió Nam. Người có danh như cây có bóng, khi Tần Nhật Phủ gỡ chiếc nón rộng vành ra, để lộ đôi lông mày kép có một không hai, gã tiểu nhị thảng thốt rú lên :

- Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách!

Gã cũng biết hành động của mình là thất lễ, liền khom lưng vái dài, miệng cười toe toét :

- Mong đại hiệp lượng thứ cho tiểu nhân. Từ ngày người chặt tay Hổ Đầu Đao Trịnh Bách Liên, phá tan Hổ Đầu bang, các hiệu buôn trong thành không còn phải è cổ nộp thuế bảo kê nên ai cũng xem đại hiệp là ân nhân!

Thế là thực khách trên lầu xôn xao hẳn lên, và chỉ lát sau cả thành biết việc Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách giá lâm.

Các tài chủ vội vã gom góp lễ vật, cử đại diện dâng tặng cho đại ân nhân.

Tần Nhật Phủ cau mày ái ngại nhưng Tần Thế Lan mặt hoa rạng rỡ, tiếp nhận tất cả. Nàng còn khéo léo dương danh chồng :

- Năm nay Thiểm Tây gặp đại họa, bách tính lâm cảnh khốn cùng, chuyết phu lòng đau như cắt, quyết cứu tế nạn dân, vì thế tiện thiếp mới dám nhận sự đóng góp của chư vị.

Thế là Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách lại được thêm cái tiếng nhân nghĩa ngút trời, người người ca tụng.

Khách rút rồi, Nhật Phủ nói :

- Có thực là Thiểm Tây đang hạn hán chăng?

Nàng nheo mắt cười mỉm chi :

- Tiểu muội xem thiên văn biết chắc đất Thiểm không một giọt mưa.

Nhật Phủ hiền như bụt nên tin ngay, tư lự bảo :

- Nếu thế thì ta sẽ bán hết châu báu, đem đến Trường An giao cho Tri phủ Thiểm Tây mua lương thực chẩn tế tai dân.

Thế Lan cười hơi méo :

- Triều cương lỏng lẻo, tham quan đầy dẫy, biểu ca làm thế chỉ e bách tính chẳng được miếng nào. Hay là chúng ta cứ đến Lạc Dương kêu gọi thêm lòng hảo tâm rồi đi Thiểm Tây đích thân phát chẩn.

Nhật Phủ nghe có lý, hớn hở tán thành, vì từ Hoa Bắc đi Trường An phải vược cao nguyên Sơn Tây, đường xá gập ghềnh bất tiện, còn từ Lạc Dương thì quan đạo rộng thênh thang.

Do sự tiếp kiến cái tài chủ nên bữa ăn của họ kéo dài, vừa xong lại phải hầu chuyện với chủ nhân tửu lâu. Trong lúc ấy, có thêm tám người khách nữa lên đền, chính là bọn Bạch Thúy Sơn. Họ mới tới nên không ngờ mục tiêu của mình đang hiện diện nơi đây.

Thạch gia trang gần như nằm giữa Lạc Dương và Bắc Kinh nên hai phe chạm mặt nhau chốn này.

Đi cùng Thúy Sơn có Bất Trí thư sinh, Thiết Kình Ngư và năm gã Tô Châu ngũ tặc.

Thúy Sơn toàn thân bạch y, khăn cột đầu cũng một màu tang tóc, tuy Cao lão luôn khẳng định Nhương Thư còn sống song lòng nàng đã chết tự bao giờ. Gương mặt hoa kiều diễm kia giờ đây héo úa, xanh xao, ánh mắt đầy vẻ muộn phiền.

Nhờ được phương thần hiệu của Bất Trí thư sinh mà ngực nàng đã phát triển hơn xưa, gần như một phụ nữ bình thường. Song điều này chỉ gây thêm nỗi xót xa trong lòng người góa phụ. Nàng thường xoa ngực mình mà chua xót, tự hỏi cái đẹp này phỏng có ích gì khi tình lữ chẳng còn.

Tây Thi đau bụng nhăn mặt mà vẫn đẹp, do vậy, dung nhan ảo não của Thúy Sơn cũng khiến lòng người mê mệt. Bọn thực khách len lén liếc nàng chứ không dám nhìn thẳng vì sợ vẻ mặt cô hồn của Thiết Kình Ngư Tào Ưng và Ngũ Tặc.

Bởi mãi ngắm nàng nên tiếng chuyện trò chuyện vắng đi, chỉ còn lại cuộc đàm đạo ở góc hướng Nam, của chủ quán và Tần Nhật Phủ. Bất Trí thư sinh nghe được, đứng lên nhìn, phát hiện một chàng công tử có một đôi lông mày kép.

Ông mừng rỡ bảo Thúy Sơn :

- Bạch hiền muội! Thật là may cho chúng ta, Tần Nhật Phủ đang có mặt nơi này.

Thúy Sơn giật mình, mắt lóe sáng những tia hy vọng. Song chẳng lẽ đường đột đến nhìn mặt đối phương nên vẫn ngần ngừ.

Thiết Kình Ngư nóng nảy nói :

- Để ta.

Gã đứng lên, chậm rãi bước đến bàn của họ Tần, vòng tay nói :

- Tại hạ là Thiết Kình Ngư Tào Ưng hân hạnh được diện kiến Tứ Mi Ngọc Diện kiếm khách! Từ lâu thanh danh của đại hiệp như sấm rền bên tai Tào mỗ.

Vừa nói, gã vừa dán mắt vào mặt đối phương, mong tìm ra những nét thân quen. Tiếc thay, trên vành tai trái kia chẳng hề có nốt son nhỏ nào và ánh mắt họ Tần cũng dững dưng lạ lẫm.

Tần Nhật Phủ thủ lễ :

- Tại hạ mới xuất đạo, hiệp tích chẳng bao nhiêu, không dám nhận tiếng đại hiệp. Mời Tào huynh an tọa.

Và chàng giới thiệu vợ mình :

- Đây là Tần Thế Lan biểu muội, vị hôn thê của tại hạ.

Người lùn, dù nối thêm chân thi khi ngồi vẫn để lộ sự thiếu thước tấc của thân trên. Do vậy Ải Thần Quân thường lén đặt tay nải xuống mặt ghế rồi ngồi lên.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện