(*) Âm kém dương sai: Bởi nhân tố ngẫu nhiên như sai thời điểm sai địa điểm mà tạo thành sai lầm.

Biên tập: Ginny.

Diệp Nham Bách không nói với An Thị ông lo không phải vì một bữa thịnh yến, mà vì cái vị thái tử điện hạ ở Đông Cung kia dạo gần đây hành xử quá kỳ quặc.

Địa vị của Diệp gia trong triều khá đặc biệt, được thánh thượng trọng dụng nhưng không thuộc đảng thân hoàng, cũng không để bất kỳ phe cánh nào mượn sức, trước sau luôn duy trì trạng thái trung lập, bên ngoài lại rất được lòng dân, nhất là các văn nhân sĩ tử, hỏi ai cũng đều sùng bái nhà họ Diệp, có thể nói thanh danh lẫn địa vị cao vô cùng.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, muốn vĩnh viễn duy trì trạng thái trung lập không phải là chuyện dễ, nhóm hoàng tử dần trưởng thành, nếu không tính nhị hoàng tử sinh non và ngũ hoàng tử tâm trí chậm phát triển thì những vị khác tâm tư nông cạn ra sao chẳng đường nào lường được.

Diệp Nham Bách am hiểu sâu đạo “Trung Dung” [1], đối với các hoàng tử đều trọn lễ, không quá thân cận với ai, mỗi lần giảng bài xong lập tức thu dọn đồ đạc trở về, một câu nói thừa cũng đào không ra.

[1] Đạo Trung dung: giữ cho cách nghĩ và việc làm luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập, chỉ cố gắng ở đời theo nhân lễ nghĩa trí tính. Đây còn là một trong bốn cuốn sách của Thứ Thư được Tử Tư là học trò của Tăng Tử, cháu nội Khổng Tử, dựa trên cơ sở Mộ Thiên trong Kinh Lễ dẫn những lời Khổng Tử nói về đạo Trung Dung viết trong cuốn Trung Dung.

Hiển nhiên cách làm của thừa tướng đại nhân không thuận lòng Khánh Tông đế, hoàng đế xưa nay dốc lòng với thái tử mai này sẽ kế thừa đại nghiệp vậy mà lại lệnh Diệp Nham Bách đảm đương cương vị thái phó của các hoàng tử, ngày đầu mỗi tháng phải đến thượng thư phòng giảng bài, chẳng qua là muốn cho Diệp gia thấy thái tử là người tài cao chí lớn, đáng để Diệp gia nâng đỡ.

Ngặt nỗi Diệp Nham Bách là con cháu dòng chính của Tân Châu Diệp Thị, vào triều làm quan là đã đi ngược quy chế tổ tông, đương nhiên không muốn cuốn vào tranh đấu trong cung, tránh cho mai này gieo phải mầm họa lớn, liên lụy người trong tộc.

Thấy Diệp tướng mãi vẫn tận chức tận trách, chẳng mảy may tỏ chút thái độ nào chứ nói chi đến lập trường lựa cây núp bóng, Khánh Tông đế nhiều lần truyền thừa tướng đại nhân vào ngự thư phòng tâm sự, nếm thử một ít điểm tâm ngự thiện phòng làm, nhấp thử một chén trà thơm.

Khánh Tông đế cuối cùng cạn sạch kiên nhẫn, hắng giọng hỏi một câu: “Ái khanh, khanh cảm thấy các hoàng nhi của trẫm thế nào?

Diệp Nham Bách sợ hãi đáp: “Các vị hoàng tử đều là người thiên tư thông tuệ, rất có phong phạm của bệ hạ.”

Câu trả lời rộng như trăm sông ngàn bể, Khánh Tông đế nhíu mày, lại hỏi: “Vậy ái khanh cảm thấy thái tử thế nào?”

Diệp Nham Bách càng kinh sợ, đáp: “Thái tử là người thiên tư thông tuệ, rất có phong phạm của bệ hạ.”

Khánh Tông đế muốn ném luôn chén trà lên người Diệp Nham Bách, phải hết hơi hết sức nhịn xuống, ai bảo con hồ ly ngàn năm này thanh danh cực tốt, nếu hôm nay đánh ông ta trong ngự thư phòng, sáng sớm mai thôi phỏng chừng tấu chương Ngự Sử dâng lên dám chất đầy bàn lắm. Đám văn nhân ăn no rỗi việc kia am hiểu nhất là nói có sách mách có chứng, tính tình ngoan cố cứng đầu, không cần biết trước mặt là hoàng đế hay thái hậu, chỉ chờ ngươi bước sai một bước là cần mẫn mắng người.

Hoàng đế nuốt giận trừng thừa tướng một cái rồi phất tay cho qua chuyện: “Ái khanh lui xuống đi, nhớ phải thay trẫm dạy dỗ các hoàng tử cho tốt, chớ phụ kỳ vọng của trẫm.”

Diệp Nham Bách ăn no uống đủ, cung kính thối lui.

Ra khỏi cửa, lòng bàn tay Diệp Nham Bách đã ướt đẫm mồ hôi, khi nãy ông thật sự rất sợ Khánh Tông đế không nhịn nổi sẽ tẩn mình một trận.

Về sau Diệp tướng trải qua không ít lần “tâm sự” như vậy, “thái cực quyền” càng “đánh” càng lên tay. Khi hoàng đế nói muốn ông đưa vợ con tham gia ngự yến, thừa tướng đại nhân cũng chẳng buồn chớp mắt.

Cho đến khi cái vị trong Đông cung kia đứng trước mặt ông, nói với ông rằng: “Thái phó, Vương Tư Tề ngã bệnh, e là không thể làm thư đồng cho cô được nữa, chẳng hay thái phó có thể đề cử cho cô người nào ổn hơn một chút được chăng?”

Diệp Nham Bách lúc này mới cảm nhận mồ hôi lạnh chảy ròng trên lưng, thái tử tuy tuổi còn nhỏ, tính ra cũng chỉ bằng trưởng tử nhà mình, ấy vậy mà rèn thế nào ra được đôi mắt sắc như dã thú, ngày thường không phô trương thể hiện thì trông cũng vô hại ôn hòa đấy, nhưng quanh thân lại luôn quẩn quanh một loại khí tức kể cả khi lơ đãng cũng có thể ép cho người ta không thở nổi, người như vậy càng khiến ông e ngại.

Nhìn đứa trẻ trước mắt dùng ánh mắt thuần khiết trông mong nhìn mình, kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời của mình, Diệp Nham Bách hít sâu một hơi, giọng điệu như đang giải quyết việc công, trịnh trọng đáp: “Thần đề cử nhị công tử Mạc Hoài Hiên của Việt Quốc Công, người này tính tình trầm ổn, không kiêu căng không siểm nịnh, có thể đảm đương việc lớn.”

“Mạc Hoài Hiên ư?” Cố Sâm suy ngẫm một chốc, lại hỏi: “Chẳng hay dựa vào đâu thái phó cho rằng Mạc Hoài Hiên là người thích hợp nhất?”

Diệp Nham Bách nắm chặt tay, không đáp.

Cố Sâm cười khẽ một tiếng: “Được rồi, cô sẽ suy xét đề nghị này của thái phó.”

Diệp Nham Bách nhìn theo bóng lưng thái tử, sắc mặt dần ngưng trọng, ông đương nhiên rất rõ, Mạc Hoài Hiên tuy không tệ nhưng chỉ là thứ tử, mai này nếu gánh vác đại sự tuyệt nhiên không có ưu thế, nếu nói người nào thích hợp hơn Mạc Hoài Hiên, thì có một người so ra càng thích hợp.

Con trai ông – Diệp Trọng Huy.

Tám tuổi đã vào Thái An thư viện, tuổi còn nhỏ đã danh chấn kinh thành, gia thế hiển hách, hiển nhiên không ai thích hợp bằng. Điều không ổn duy nhất là Diệp Trọng Huy họ Diệp.

Nếu Diệp Trọng Huy làm thư đồng của thái tử, Diệp gia chỉ sợ khó giữ thân mình.

An Thị thấy trượng phu mình suy tư chưa tỉnh, nước trà trong chén đã nguội lạnh, vội đổi cho ông một chung khác, nhẹ giọng khuyên giải: “Lão gia, là phúc thì không phải họa, đã là họa… có tránh cũng không khỏi. Ngự yến dẫu có sài lang hổ báo đang chờ thì thiếp cũng sẽ cùng lão gia đối mặt. Huống chi hiện tại mọi việc vẫn chưa định, tất cả chỉ là suy đoán nhất thời, chúng ta không nên tự mình dọa mình.”

Diệp Nham Bách gật đầu, chậm chạp uống cạn trà trong chén.

Đông cung.

Trước thư án là một bé trai chừng tám chín tuổi, mặc một bộ mãng bào (*)màu đen, ngón tay thon dài mơn trớn trên mặt giấy Tuyên Thành đã khô mực, trên giấy là một chữ “Ly” được viết rất đẹp, đường nét ngay ngắn chỉnh tề, không thừa không thiếu. Thình lình, đôi mắt sắc bén lạnh lẽo trừng lên.

“Tra được những gì?”

Trước mặt xuất hiện một hắc y nhân quỳ gối, không nhìn rõ dung mạo, cứ như trời sinh đã sống giữa bóng đêm, đến đi không ai phát hiện.

“Khởi bẩm điện hạ, trong cung không có tiểu thái giám nào tên Tống Ly, ngược lại ở ngoại ô kinh thành vài năm trước có một đứa bé tên Tống Tam Bảo đã chết bất đắc kỳ tử. Nghe nói đứa bé này rất đẹp, có vài phần giống với người mà điện hạ muốn tìm, thuộc hạ đã tìm họa sĩ vẽ lại, thỉnh điện hạ xem qua.”

Trong phòng tĩnh lặng như tờ, không biết qua bao lâu, bé trai trên ghế cất lên thanh tiếng lạnh lùng: “Không cần, y tuyệt đối không chết, tiếp tục tìm kiếm!”

Với tuổi tác này lẽ ra phải là một đứa trẻ ngây thơ vô hại, nhưng không hiểu vì sao thanh âm thốt ra lại khiến cho người ta rét lạnh, nam tử đang quỳ trên mặt đất như rơi xuống hầm băng, thân thể cứng đờ một lúc mới hồi hồn, lặng lẽ thối lui.

Cố Sâm lần nữa lên tiếng: “Bên phía tướng phủ có dị động gì không?”

Trong phòng lại hiện ra một người, quỳ xuống, cung kính đáp: “Thuộc hạ theo phân phó của điện hạ, ngày ngày giám sát Diệp Trọng Huy, cảm thấy người này thông minh hơn so với người cùng tuổi, rất có thiên phú văn chương, ngoài ra không có gì khác lạ.”

Cố Sâm nhắm lại hai mắt, lạnh nhạt ừ một tiếng.

Lại nghe người quỳ bên dưới bổ sung: “Diệp đại thiếu gia dường như rất yêu thương đệ đệ của mình, cho dù có thể chịu phạt cũng muốn mua điểm tâm cho đứa bé ấy.”

Cố Sâm bất động một lúc, hỏi lại: “Ngươi vừa nói gì? Diệp Trọng Huy có đệ đệ?”

“Vâng, chính là nhị công tử Diệp Trọng Cẩm của tướng phủ, Diệp tướng rất thương đứa con này, đây là chuyện cả triều đều biết…”

Cố Sâm chau mày, ấu đệ của Diệp Trọng Huy không phải đã mất do sinh non sao? Diệp Trọng Cẩm hiện tại vì sao vẫn còn sống? Còn A Ly của hắn đang ở nơi nào? Vì sao mọi chuyện lại khác xa đời trước như vậy?

Buổi tối, Diệp Trọng Cẩm nhận ra cha mẹ mình có chuyện lo lắng không yên, nhưng y hiện tại chỉ là một đứa bé ba tuổi, có một số việc không thể hỏi, chỉ có thể làm bộ như cái gì cũng không biết.

Diệp Trọng Cẩm cầm trong tay một cái chén bằng bạc rất vừa tay, vừa định cúi đầu tiếp tục dùng bữa thì phát hiện đồ ăn trong chén lại đầy, đã đến mức muốn tràn ra ngoài, y ngẩng đầu, Diệp Trọng Huy đang mỉm cười với y, còn thúc giục: “A Cẩm mau ăn đi, ăn nhiều mới mau cao.”

Diệp Trọng Cẩm có xúc động muốn đem cái chén chất đầy đồ ăn này ụp thẳng lên đầu thằng ôn con kia, mi đang nuôi heo đấy phỏng?

An Thị thấy hai con lại bắt đầu làm loạn thì ho nhẹ một tiếng nhắc nhở: “Huy nhi, A Cẩm, mau dùng bữa, lát nữa Phùng bá sẽ đến may cho các con mấy bộ y phục mới, không được gây rối.”

Diệp Trọng Huy ngẩng đầu, ngạc nhiên hỏi: “Không phải mới may mấy bộ xiêm y rồi ạ, giờ lại may nữa thì có hơi lãng phí, cổ nhân dạy: Một bát cháo một hạt cơm, nên biết kiếm được không dễ; Nửa sợi tơ nửa sợi gai, nên nhớ làm ra rất khó [2]. Mẫu thân, như vậy không tốt đâu.”

[2] Nguyên văn: Nhất chúc nhất phản, đương tư lai xử bất dịch; Bán ti bán lũ, hằng niệm vật lực duy gian  – Trích “Trị Gia Cách Ngôn do Chu Bách Lư biên soạn.

An Thị chưa kịp giải thích thì Diệp Trọng Cẩm đã dùng muỗng gõ coong coong lên cái chén chất đầy đồ ăn của mình, hừ mạnh một tiếng: “Một chén cháo một hạt cơm, đến miệng thật không dễ dàng.”

Diệp Trọng Huy bị đệ đệ chọc không thấy ngại, còn cười khen: “A Cẩm thật thông minh, đã biết suy một ra ba.”

Diệp Trọng Cẩm: “…”

An Thị bất đắc dĩ cười nói: “Không phải mẫu thân khoe khoang lãng phí, nhưng vào cung dự yến thì ít ra nên ăn mặc cho ra dáng một chút, tránh bị người ta chê cười, cho rằng Diệp gia chúng ta keo kiệt, làm mất mặt phụ thân các con.”

Diệp Trọng Huy lúc này mới giật mình: “Vào cung là sao ạ?”

Diệp Nham Bách tiếp lời: “Trung Thu năm nay bệ hạ muốn thiết yến trong cung, còn non nửa tháng nữa, con và mẫu thân con học thêm một ít lễ tiết cung đình đi, tránh cho vào cung không biết lễ nghĩa, để người ta bắt được khuyết điểm thì không yên.”

Diệp Trọng Huy gật đầu xem như đã hiểu, Diệp Trọng Cẩm bên cạnh giơ cánh tay mũm mĩm lên, mềm mại nói: “Phụ thân, A Cẩm không muốn đi.”

Diệp Nham Bách ôm con trai nhỏ nhấc qua đùi mình, nhéo nhéo gương mặt trắng nõn mềm như sữa của con, dỗ dành: “Trong cung có thật nhiều thật nhiều đồ ăn ngon, còn có rất nhiều rất nhiều tỷ tỷ a di xinh đẹp chơi với A Cẩm, A Cẩm nhất định sẽ thích cho mà xem, xem như A Cẩm bồi phụ thân mẫu thân đi dự yến tiệc cũng được, được không nào?”

Diệp Trọng Cẩm há miệng mấy lần nhưng không lần nào thốt nổi nửa lời cự tuyệt, y làm sao mà ngờ được, đường đường đương triều thừa tướng lại đi lừa gạt một đứa con nít đâu.

===========

Hết chương 7.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện