A, coi chừng lửa!

– Cầm đồ cũng cầm không xong, bộ tay huynh không có kẽ hả?

Lý Nghiên cướp lấy quyển trục trước khi nó lăn vào lửa, trượng nghĩa giơ chân, hiểm hóc chặn nó lại, sau đó chí chóe nhảy tưng tưng dập lửa trên giày.

Ngô Sở Sở bước tới nhặt quyển trục lên, cẩn thận phủi bụi, thấy đó là một bức tranh cũ, vẽ chân dung một người khiến người ta không biết đâu mà lần, nét bút vô cùng đơn giản, không chút trau chuốt, rất giống ảnh chân dung thời xưa dùng khi tuyển chọn quan lại hoặc cung nữ.

Tranh vẽ một đứa trẻ khoảng 10 tuổi, trông hơi ngây thơ, ở góc viết ngày tháng năm sinh của cậu, không có họ tên.

Mọi người quay mặt nhìn nhau.

Ưng Hà Tòng hỏi:

– Đây là gì?

Lý Nghiên đọc ra tiếng:

– “Năm Vĩnh Bình thứ hai mươi mốt.” Năm Vĩnh Bình thứ hai mươi mốt là năm nào?

– Vĩnh Bình là niên hiệu của tiên đế.

Ngô Sở Sở thuận miệng giải thích, sau đó nói:

– Nếu người này sinh ra vào năm Vĩnh Bình thứ hai mươi mốt, thì bây giờ chắc gần 40 tuổi, lạ thật, người này có gì đặc biệt ư? Vì sao Tề môn phí công cất giữ bức tranh này như vậy… A!

Lý Thịnh vội hỏi:

– Sao?

Ngô Sở Sở đột nhiên chỉ vào dấu ấn trên quyển trục:

– Đây là ấn của cha ta!

Ngô tướng quân luôn đóng vai một nhân vật thần bí khó lường, dường như ông vừa thuộc về Hải Thiên Nhất Sắc của triều đình, vừa thuộc về Hải Thiên Nhất Sắc của giang hồ, cuộc đời ông như một câu đố kiệm lời, ngay cả trong từng con chữ lời nhắn để lại cũng không đủ để đưa ra một đáp án lờ mờ, vợ con đều chưa từng thật sự hiểu ông.

– Không chỉ quyển trục đó, ta thấy phần lớn thư ở đây đều là của Ngô tướng quân viết cho Xung Vân đạo trưởng. Kể ra lúc đó thân phận Ngô tướng quân bại lộ và nơi ở ẩn của Tề môn bị phát hiện gần như là chuyện chân trước chân sau, giữa Ngô tướng quân và Tề môn luôn có liên hệ, cũng không ngoài dự liệu.

Lý Thịnh quỳ xuống, cẩn thận thu gom mớ thư rơi đầy đất:

– Ơ… năm thứ nhất, trước năm thứ nhất cũng có một lá “Lương công thân khải”, lạ thật, tại sao thư gửi cho Lương Thiệu lại xen lẫn trong đây?

Ngô Sở Sở vô thức nắm chặt vạt áo mình.

Lý Thịnh chợt nhớ ra gì đó, ngẩng đầu hỏi nàng ấy:

– Ngô cô nương, chúng tôi có thể xem không?

Mọi người lúc này mới nhớ ra, những lá thư này tuy đều là di tích, nhưng là thư của vong phụ Ngô Sở Sở, tùy tiện xem trước mặt nàng ấy hình như không hay lắm.

Ngô Sở Sở thử mỉm cười đáp lại nhưng không quá thành công.

Kể từ khi Hải Thiên Nhất Sắc bùng phát lần đầu tiên, những câu chuyện quá khứ dường như đều trở nên không quang minh lỗi lạc, không ai biết Trung Vũ tướng quân Ngô Phí gần như được truyền tụng thành “Quan nhị gia tại thế” đóng vai gì trong đó, mà những thứ này dẫu sao cũng là mật thư…

Lý Nghiên muốn nói gì đó thì bị ánh mắt Lý Thịnh ngăn lại.

Lý Thịnh nhìn sắc mặt Ngô Sở Sở, ngập ngừng:

– Nếu không thích hợp, chúng tôi…

– Không sao cả, xem đi.

Ngô Sở Sở chợt ngắt lời hắn:

– Từ nhỏ cha đã nói với ta “không chuyện gì là không thể cho người khác biết”, ta tin ông ấy.

Nói rồi nàng ấy nửa quỳ dưới đất, tự mình mở lá thư viết cho Lương Thiệu, thấy bên trong không có mở đầu, cũng không có lạc khoản, nét bút thậm chí hơi lộn xộn, viết gần như vô lễ: “Giấy chung quy không gói được lửa, Lương công, hà tất chấp mê bất ngộ!”

Ngô Sở Sở vừa nói xong “không có chuyện gì là không thể cho người khác biết” liền bị cha đẻ dán vào mặt câu “giấy không gói được lửa”, lập tức tay run lên, lá thư tuột tay bay ra ngoài, may mà Ưng Hà Tòng ở bên cạnh chụp lấy.

Ưng Hà Tòng chưa bao giờ biết nhìn sắc mặt người khác, nói:

– Lá thư này viết cho Lương Thiệu nhưng cuối cùng không đến tay Lương Thiệu, mà Ngô tướng quân và Xung Vân đạo trưởng của Tề môn luôn giữ liên lạc, bởi vậy chúng ta liệu có thể suy đoán, rằng năm xưa Tề môn lợi dụng mật đạo ẩn nấp, vô hình chính là đường dây liên lạc giữa Ngô tướng quân và Lương Thiệu?

Hắn kẹp lá thư giữa ngón tay quơ quơ, lại nói:

– “Giấy không gói được lửa” và “chấp mê bất ngộ” nói rõ lúc đấy Lương Thiệu chắc chắn đang che giấu gì đó, sau khi Ngô tướng quân biết thì phản đối kịch liệt, thậm chí mạo hiểm viết một lá thư sinh thêm chuyện như vậy để chất vấn, mà Xung Vân đạo trưởng lại chặn lá thư này, tại sao? Sợ họ xảy ra tranh chấp hai bên? Ta cảm thấy chỉ xét những từ ngữ trên lá thư này, tuy không quá khách sáo nhưng cũng không phải chỉ thẳng vào mũi mắng, Lương đại nhân chắc không tới mức nổi cơn thịnh nộ chứ nhỉ.

Lý Thịnh chợt nói:

– Xem thư viết khi nào?

Lý Nghiên vội vàng nhặt một lá thư lăn xuống, đọc:

– “Năm Kiến Nguyên… thứ hai”, ca, năm Kiến Nguyên thứ hai làm sao? Huynh còn chưa ra đời đấy.

Lý Thịnh nhìn Ngô Sở Sở, Ngô Sở Sở lập tức hiểu ý, đưa tay quẹt vành mắt đỏ hồng, lật tìm trong đống ghi chú dày cộm của mình về võ lâm, lát sau nói:

– Năm Kiến Nguyên thứ hai… A! Lý lão trại chủ chết do Bắc Đẩu ám hại, đại đương gia ám sát Tào Trọng Côn không thành.

Lý Thịnh:

– Còn nữa không?

– Ưm, hình như… đợi đã, truyền nhân Bắc đao vào Trung Nguyên, đả thương Sơn Xuyên kiếm, sau đó…

Ngô Sở Sở tâm tư nhạy bén, nói đến đây thì rùng mình dừng lại, bốn người đưa mặt nhìn nhau chốc lát, Ngô Sở Sở nhìn quanh, thấy các lưu dân đồng hành cách đó không xa đều đã ngủ say, xung quanh không có người ngoài, lúc này nàng ấy mới nhỏ giọng:

– Cho nên mọi người đang nghĩ, chuyện của lão trại chủ và Sơn Xuyên kiếm có liên quan với Lương… Lương tướng gia, Xung Vân đạo trưởng lén chặn thư này, thực ra là để bảo vệ cha ta?

– Vẫn chưa thể kết luận.

Lý Thịnh suy nghĩ, lắc đầu, mở lá thư khác.

Mọi người lúc này đã hoàn toàn không còn buồn ngủ, ngay cả Lý Nghiên như khỉ mẹ cũng ngoan ngoãn im lặng giúp mở thư.

Ngô Phí tướng quân là nho tướng, lại là chuyên gia binh pháp, thời trẻ có duyên quen biết Xung Vân đạo trưởng của Tề môn chuyên gia trận pháp, hai người lập tức vừa gặp như đã quen thân… chỉ có điều kể từ khi Ngô tướng quân giả vờ nương nhờ Tào thị, sự liên lạc ngoài mặt giữa hai người liền đứt đoạn, Ngô Sở Sở không hề biết phụ thân còn có một người bằng hữu cũ như vậy.

Lấy năm Vĩnh Bình thứ ba mươi hai làm ranh giới, quá nửa thông tin về trước là tâm sự giữa bằng hữu với nhau, đa phần đều tràng giang đại hải, lúc thì thảo luận trận pháp, lúc thì lo nước lo dân, Ngô tướng quân trẻ tuổi năm ấy còn phát biểu vài câu của người ngoài nghề về chính trị mới quá khích của tiên đế.

Nhưng sau năm ba mươi hai, chỉ qua thư cũng có thể nhìn ra được bầu không khí đột nhiên trở nên căng thẳng, cả năm chỉ có vài lá thư, một lá viết lúc đầu xuân, viết qua loa đơn giản kể những sóng ngầm cuồn cuộn trong triều, bản thân vô cùng bất an, sau đó hơn nửa năm Ngô tướng quân hoàn toàn không có tin tức, đến tháng chạp lại thình lình gửi liên tiếp ba lá thư khẩn cho Xung Vân đạo trưởng.

– Tháng chạp năm đó có lẽ là lúc Tào Trọng Côn dẫn người đi ép vua thoái vị.

Lý Thịnh đặt ba lá thư của Ngô tướng quân cùng một chỗ.

Lá thư thứ nhất giọng điệu khá nôn nóng, hiển nhiên là chuyện xảy ra thình lình, Ngô tướng quân không phản ứng kịp, sau đó lá thư thứ hai bình tĩnh hơn nhiều, lúc này tiên đế đã băng hà, Ngô Phí có nhắc trong thư, là họ sẽ không tiếc bất cứ giá nào để bảo vệ thái tử, không ít nét chữ đã bị nhòe, không biết có phải năm xưa từng ướt nước mắt hay không. Sau đó là lá thư thứ ba, hiển nhiên, chuyện của họ không như ý, Đông cung gặp nạn, thái tử tuẫn quốc, tiểu hoàng tôn không rõ tung tích, cuối cùng họ chỉ bảo vệ được đứa con thơ của tiên đế…

Lý Nghiên xen vào:

– Cho nên sau khi Xung Vân đạo trưởng nhận được thư của Ngô tướng quân mới tụ tập nhóm Ân đại hiệp và gia gia ra tay hộ tống?

– Ừ.

Lý Thịnh nhìn chằm chằm lá thư thứ ba, lơ đãng đáp.

Lý Nghiên chọt hắn:

– Huynh lại làm sao thế? Nói tiếng người coi?

Lý Thịnh bị chọt lung lay, hiếm khi không chấp nhặt với muội ấy, nhìn một câu trong thư như có điều suy nghĩ: “Tiểu điện hạ kinh hãi, bi hận đan xen, trong lúc lang thang thì sốt cao, mê man không tỉnh.”

– Đây là tháng giêng năm Vĩnh Bình thứ ba mươi ba – cũng chính là năm đầu Kiến Nguyên.

Ưng Hà Tòng mở mấy lá thư phía sau, sau đoạn binh hoang mã loạn ngắn ngủi cuối năm ba mươi hai, Ngô Phí tướng quân căn bản không còn nói mấy lời tán gẫu linh tinh nữa, dùng từ đơn giản trực tiếp, liên tiếp mấy lá thư qua lại đều chỉ có thể xem là ghi chép, chuyện thương lượng thì vô cùng cẩn thận. Bọn Lý Thịnh chỉ có thể thấy thư gửi đến chứ không thấy thư gửi đi, nhưng vẫn như chứng kiến được toàn bộ quá trình xuôi nam hùng vĩ năm xưa.

– Lúc đó họ chắc là chia hai đường xuống Giang Nam, Lương đại nhân triệu tập binh mã nửa giang sơn phía nam lên bắc, ngang nhiên lấy Thiên Khiếm làm ranh giới, phân Nam Bắc cai trị. Khi đấy Bắc quân đuổi tận không buông, cho nên họ chia quân hai đường, một đường lấy thị vệ đại nội và tàn dư ngự lâm quân để ngụy trang, một đường khác là mấy đại cao thủ hộ tống tiểu hoàng tử chân chính, nhằm bảo đảm an toàn, kế hoạch này chỉ có rất ít người biết, bao gồm cả mấy nhánh quân tiên phong lên bắc tiếp ứng lúc đó.

Lý Thịnh nói:

– Chỉ e đến chết họ vẫn tưởng người mình liều mạng hộ tống là tiểu hoàng tử chân chính. Đợi đã, nghe nói năm đó Lương công tử cũng vì yểm trợ hoàng tử mà mang binh dẫn dụ Bắc quân, cuối cùng tuẫn quốc… người hắn yểm trợ chắc không phải…

Ưng Hà Tòng:

– Nếu là ta, ta cũng sẽ làm vậy. Các ngươi đừng quên, trên tay Tào Trọng Côn ngoại trừ binh lính thì còn có Bắc Đẩu. Mấy tên chó săn đó giết một đứa trẻ giữa đám tàn binh bại tướng rất dễ dàng, ngược lại nếu đi theo bên cạnh bọn Sơn Xuyên kiếm, tuy không phô trương cũng chưa chắc thoải mái, nhưng có mấy đại cao thủ bảo vệ thì không ai có thể đến gần, Thẩm Thiên Khu năm xưa cũng không thể, vả lại mấy người giang hồ như họ mang theo một đứa trẻ, vừa đi nhanh vừa không bắt mắt, Bắc quân căn bản không lưu ý tới.

Ngô Sở Sở chợt nói:

– Có đáng tin không? Ta từng gặp Thẩm Thiên Khu, ông ta cực kỳ hung ác, nếu ông ta thật ra tay thì vừa thăm dò là biết thật giả ngay, vở kịch này há chẳng phải diễn hỏng sao? Đến lúc đó đại quân Bắc triều hoàn hồn quay đầu vây giết, mà viện quân phía Nam lại không biết chân tướng, căn bản không kịp cứu viện, chỉ dựa vào mấy cao thủ, không chặn được đại quân triều đình.

Điều này họ đã lĩnh hội sâu sắc, nếu không phải cấm địa Tề môn cho họ chỗ trốn, thì với võ công hiện tại của Chu Phỉ còn suýt bị bắn thành nhím nữa là, huống hồ người khác.

Lý Nghiên lẩm bẩm:

– Sao Ngô tướng quân không viết rõ trong thư nhỉ?

Ưng Hà Tòng:

– Thế này là rất rõ rồi, cô xem, trong thư nhắc “chư vị, việc không thể chậm trễ, vạn lần cẩn thận” và cả “ấu chúa đột nhiên gặp đại biến, xin thông cảm nhiều”, đủ để chứng minh Lý huynh suy đoán rất đúng.

Ngô Sở Sở:

– Nhưng…

Lý Thịnh chợt nhớ ra gì đó, ngẩng phắt đầu:

– Khoan đã, đương kim hoàng thượng sinh năm nào?

Câu hỏi này không có đầu đuôi gì hết, mọi người nhất thời ngẩn người.

Lý Nghiên chớp mắt:

– Hoàng thượng? Hoàng thượng sinh năm nào, ai mà biết?

Ngô Sở Sở và Ưng Hà Tòng đều là người tâm tư tỉ mỉ, lập tức nghe ra ý ngầm của Lý Thịnh, đồng thời nhìn về phía bức tranh vẽ kia.

Ngô Sở Sở nhẹ giọng nói:

– Hoàng thượng sinh năm nào chúng ta không biết, nhưng thường nghe người ta nói, khi hoàng thượng xuôi nam chẳng qua chỉ khoảng 10 tuổi…

Thiếu niên sinh năm Vĩnh Bình thứ hai mươi mốt, vào năm thứ ba mươi hai là vừa khéo xấp xỉ tuổi đương kim hoàng thượng. Một đứa trẻ không ai biết tên vì sao còn vẽ chân dung cạnh ngày tháng năm sinh… để chứng minh nó giống ai?

Tư ấn của Ngô tướng quân định ra hai tuyến đường một ngầm một lộ để xuôi nam vì sao lại xuất hiện trên bức chân dung này?

Lý Nghiên cau mày:

– Cũng tức là nói, năm xưa họ vì bảo vệ hoàng tử mà đưa một đứa trẻ vô tội ra làm mồi nhử?

Ba người cùng đưa mắt nhìn Lý Nghiên.

– Nhìn muội làm gì?

Lý Nghiên khó hiểu:

– Bất kể nói thế nào thì như vậy cũng quá đáng mà? Sau này đứa trẻ đó sẽ ra sao?

– Không…

Lý Thịnh nói một cách khó khăn:

– A Nghiên, vấn đề không phải ở đây.

Lý Thịnh nhẹ giọng nói:

– Vấn đề là, năm xưa sau khi hai lộ binh mã ở Giang Hoài hội hợp với đại quân do Lương đại nhân triệu tập, đứa trẻ trong bức tranh này chưa từng xuất hiện, không có ghi chép, không ai quen biết, không ai biết nó từng tồn tại…

“Tiểu điện hạ kinh hãi, sốt cao mê man…”

Giấy không gói được lửa.

Hải Thiên Nhất Sắc…

Hải Thiên Nhất Sắc…

Lý Thịnh giật mình, gần như không dám nghĩ tiếp, khẽ cắn lưỡi mình, nhỏ giọng:

– Thu dọn hết, chuyện hôm nay, đừng ai nói ra ngoài, mọi người về hết đi, tự ta đưa những thứ này cho cô phụ. Không ai được nói ra ngoài một chữ nào hết, Lý đại trạng, muội nghe rõ chứ?

Lý Nghiên:

– …

Ba người kia đều sởn gai ốc, chỉ có Lý Nghiên còn mơ mơ hồ hồ, lúc này, dị biến phát sinh, một bóng đen hiện ra nhanh đến khó tin, ngay cả Lý Thịnh cũng không chống đỡ kịp, nó đã đến ngay trước mắt.

Lý Nghiên theo bản năng đẩy Ngô Sở Sở sang bên cạnh, rút đao, đao chưa kịp đẩy ra liền cảm giác một sức mạnh khổng lồ ập vào ngực, muội ấy ảo giác như cột sống ngực và xương sườn của mình đều bị ép biến dạng, chưa thốt tiếng nào thì trước mắt tối sầm, lùi liên tiếp về sau mười mấy bước, ngồi phịch xuống đất.

Lúc này, Lý Thịnh và Ưng Hà Tòng đã giao thủ với kẻ mới tới, thấy kẻ đó toàn thân quấn trong bộ hắc bào, không thấy rõ đầu đuôi, gầy như một bộ xương, nhưng võ công cao khó tưởng, Lý Thịnh và Ưng Hà Tòng bị hắn ta ép luống cuống tay chân, không hề có sức đánh trả.

Kẻ đó duỗi bàn tay khô gầy, một phát nắm lấy kiếm Lý Thịnh, tay áo dài phất lên, vứt hắn ra xa hơn một trượng, sau đó túm ngực Ưng Hà Tòng.

Cả người Ưng Hà Tòng bị hắn ta nhấc bổng, rắn độc trên người thế mà không dám ló đầu trước kẻ lạ mặt này.

Quái nhân đưa tay vào ngực hắn, xách ra con Niết Bàn cổ mẫu được bọc kín mít, phát ra tiếng cười to chói tai khủng bố không giống tiếng người, nói:

– Hóa ra là vậy, ha ha, hóa ra là vậy!

Nói xong, hắn ta cầm lấy con Niết Bàn cổ mẫu, ném Ưng Hà Tòng thở không ra hơi, lên xuống hai cái liền biến mất trong màn đêm!
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện