Buổi tối có rất nhiều người đến cắm trại, Kinh Du đã gọi điện trước cho quản lý của khu cắm trại này để đặt trước hai gian lều, cách khá xa đám đông nên yên tĩnh hơn nhiều.
Mạc Hải uống quá nhiều rượu thanh mai trong tối nay nên sau khi ăn xong, cậu bé bị Kinh Du cõng vào lều, thành thử không được ngắm pháo bông luôn tâm niệm.
Ban đêm, tiếng sóng biển vỗ rì rào, một vầng trăng tròn vành vanh lửng lơ tại bờ bến xa xăm của vùng biển, sáng chói lọi mà tịch mịch biết bao.
Hồ Điệp và Kinh Du ngồi phía trước lều vải đóng trên bờ cát, lắng nghe tiếng sóng ngắm nhìn ánh trăng, khoảnh khắc tĩnh lặng hiếm hoi.
Hồi lâu sau, cô bỗng cất tiếng nhưng toan nói lại thôi: “Ngày đó…”
“Cái gì?” Kinh Du quay đầu nhìn sang.
“Ngày đó… Em cũng không nên nói vậy với anh.” Hồ Điệp gối đầu lên đầu gối, vùi mặt vào giữa hai chân mình: “Em xin lỗi anh Kinh Du.”
Anh hèn yếu, nhát gan, không dám đối mặt với thất bại mà chỉ biết trốn tránh.
Cô đã từng trải qua cảm giác như vậy.
“Không sao.” Kinh Du rời mắt đi, cánh tay đặt trên đầu gối, trên tay cầm nhành cỏ khô chẳng biết lượm từ đâu: “Không phải đã qua hết rồi sao? Hơn nữa anh cũng nói khó nghe với em, chúng ta… Xem như hòa nhau.”
Hồ Điệp vẫn giữ tư thế cũ, cúi đầu buồn bã đáp tiếng “vâng”.
Kinh Du không muốn cô tự trách hay suy nghĩ quá nhiều, bèn nói sang chuyện khác: “Đúng rồi, cho em xem món đồ này.”
Quả nhiên lòng hiếu kỳ của Hồ Điệp được khơi dậy, cô ngẩng đầu hỏi: “Gì ạ?”
“Quà.” Kinh Du nghiêng người lấy balo để bên cạnh rồi lấy một hộp quà hình vuông ra đưa cho cô: “Mở ra xem thử đi.”
Hồ Điệp nhớ trước lúc xảy ra cãi vả, đúng là anh có chuẩn bị quà sinh nhật cho mình, những tưởng sau trận cãi vả ấy anh bỏ không làm nữa nên mới cho cô ba điều ước.
Cô cầm hộp quà trong tay, cụp mắt nói: “Em tưởng anh sẽ không làm nữa…”
Kinh Du nhìn cô, nhướn nhẹ mày: “Trong lòng em anh là người nhỏ nhen vậy à?”
“Nhỏ nhen thì không có, mà là người dữ dằn.” Hồ Điệp nhỏ giọng thốt ra câu này, thấy anh nâng tay muốn đánh mình thì vội vàng rụt cổ ra sau: “Quân tử động miệng không động thủ, anh mà ra tay anh là vương bát chó.”
“…” Kinh Du cười cười, lười biếng thả tay xuống: “Được rồi, không đánh em.”

Lúc này Hồ Điệp mới nhích về chỗ cũ, đưa tay mở giấy gói màu xanh da trời bên ngoài, trước khi mở nắp còn hỏi: “Em mở nhé?”
“Mở đi, không nổ đâu.”
“…” Hồ Điệp vừa mở quà vừa lải nhải: “Đúng là anh chỉ vừa mắt mỗi khi không nói gì thôi.”
Kinh Du không phản bác lại, chống cùi chỏ đỡ đầu trên đầu gối, nghiêng sang nhìn cô mở quà.
Hồ Điệp mở nắp ra, bên trong hộp đầy hạt xốp, ở giữa là một quả cầu thủy tinh.

Qua lớp thủy tinh có thể thấy rõ tại phần đế của quả đầu có một chú cá voi đang dừng lại dưới đáy biển, xung quanh chú ta có rất nhiều những mảnh vụn be bé, lấp lánh rực rỡ trong nước.
“Đẹp quá.” Hồ Điệp lấy quả cầu ra, tất cả những mảnh vụn nhỏ bên trong nổi lên theo sự đung đưa.
Khi chúng chuyển động, cô mới thấy những mảnh vụn kia đều là những chú bướm.
Quả cầu thủy tinh hệt như thế giới đại dương mà chỉ trong truyện cổ tích mới có.
Chú cá voi cô đơn dừng chân dưới đáy biển, đàn bướm vây quanh nhảy múa là người bạn duy nhất bên cạnh chú ta trong những năm tháng dài rộng.
Hồ Điệp cầm món quà yêu thích không rời tay: “Đẹp quá đi, cảm ơn anh Kinh Du.”
Kinh Du nhìn cô bảo: “Nó còn một ngạc nhiên nữa.”
“Cái gì ạ?”
Anh lấy chiếc áo khoác đen rộng bên cạnh che lên đầu hai người, không gian xung quanh chợt tối sầm xuống, chỉ có quả cầu thủy tinh trong tay cô tỏa ra ánh sáng màu lam nhàn nhạt.
Ánh mắt Hồ Điệp sáng lên, cô vui vẻ hỏi: “Tại nó lại làm được như thế?”
“Anh phủ một ít bộ huỳnh quang màu xanh da trời ở đế và quanh tất cả con bướm.” Kinh Du cầm quả cầu thủy tinh trong tay cô rồi lắc nhẹ một cái.
Những chú bướm mang sắc xanh nhảy múa trong làn nước, có một số ít nhẹ nhàng rơi lên chú cá voi, vào giờ phút này, chúng tựa như có sinh mạng vậy.
Hồ Điệp thật sự không có ngôn ngữ nào để hình dung cảm nhận của mình vào thời khắc này.

Cô chăm chú ngắm nhìn đàn bướm chuyển động trong quả cầu thủy tinh và bỗng cất tiếng: “Tuổi thọ của một con bướm nằm trong khoảng ba ngày đến một tháng, mà đa số các con bướm chỉ có một tuần tuổi thọ.”
“Em cũng giống chúng vậy, sinh mạng chỉ kéo dài vài tháng thôi, có lẽ còn ngắn hơn thế nữa.

Nhưng cuộc sống không phải là bạn sống được bao nhiêu ngày mà là bạn nhớ được bao nhiêu ngày mà.” Cô quay đầu nhìn Kinh Du: “Anh Kinh Du, cảm ơn anh đã cho em nhiều kỷ niệm đẹp vào thời khắc cuối cùng của cuộc đời.”
Khi nói ra những lời này, vẻ mặt cô chăm chú mà nghiêm túc, đôi con người lóe sáng, không hề nhìn ra chút khổ sở hay tiếc nuối gì như thể cô đã sớm chuẩn bị sẵn sàng rồi.
Kinh Du và cô ngồi rất gần nhau, gần đến nỗi anh có thể thấy cái bóng ngược của mình trong đôi mắt cô, hơi thở cả hai dần quyện vào nhau trong không gian nhỏ hẹp này.
Một tay anh chống ở phần cát sau lưng cô, lúc cúi đầu chậm rãi ghé đến gần, yết hầu nơi cổ chuyển động vài cái, giọng thoáng run rẩy: “Vậy nhớ thêm một ít nữa đi.”
Khi khoảng cách cuối cùng dần bị kéo gần, gần đến độ chóp mũi chạm nhau, hơi thở hòa lẫn, khoảnh khắc hai đôi môi chạm nhau, Hồ Điệp co người theo bản năng.
Nhiệt độ nóng bỏng từ anh như lan đến cô khiến cõi lòng cô nóng lên, đau nhói, hốc mắt âm ấm, cảm xúc dâng trào hệt như thủy triều lên, cuồn cuộn trong lồng ngực cô.
Nụ hôn này nhẹ nhàng nhưng sức nặng để lại rất đỗi lớn lao.
Hồ Điệp không đành lòng nhắm mắt, dùng đôi mắt mình khắc ghi lại đường nét khuôn mặt anh, nghiêm túc nhớ kỹ khoảnh khắc này.
Đột nhiên có gì đó rơi vào mặt cô, cảm giác rất ấm áp.
Mũi cô bỗng đau xót, nỗi khổ sở tức khắc ngập đáy lòng.

Trước khi Kinh Du lui ra, cô vội vã nhắm mắt, một giọt lệ lăn dài theo khóe mắt xuống và rơi xuống khe hở giữa hai người.
Kinh Du kết thúc đột ngột, rời đi gấp gáp.

Anh đứng dậy khỏi không gian nhỏ hẹp mờ tối kia, chỉ để lại Hồ Điệp ngồi một mình.
Cô kéo áo khoác trên đầu ra, gió biển thổi khô nước mắt trên mặt.

Có cô và cả anh nữa.
Kinh Du đi vào lều.
Hồ Điệp ôm áo khoác ngồi bên ngoài một hồi, sau đó mới đứng dậy tiến tới, bên trong không có chút động tĩnh.

Cô đứng ở ngoài, cười hỏi: “Anh Kinh Du, đừng bảo là anh xấu hổ nhé… ?”
Lát sau bên ngoài mới phát ra một tiếng “ừ” trầm trầm.
Hồ Điệp kìm lòng chẳng đặng thở dài một hơi, cô cầm áo khoác ngồi xổm dưới đất: “Nhưng người xấu hổ nên là em mới đúng chứ?”
Kinh Du không lên tiếng.
Hồ Điệp nói tiếp: “Chẳng lẽ tối nay anh định không ra ngoài cả đêm hả?”
Trong lều vẫn không có tiếng động gì.
Hồ Điệp ngồi bất động tại chỗ, lúc sau mới tiếp lời: “Nhưng bây giờ em hơi lạnh, anh với Mạc Hải mỗi người một lều, em không có chỗ ngủ.”
Dứt lời thì cửa lều được vén lên, Kinh Du khom người đi ra, cất giọng trầm: “Em vào ngủ một lúc đi, mặt trời sắp mọc anh lại gọi em.”
Hồ Điệp đứng dậy, chẳng biết do cát dưới chân quá mềm hay vì ngồi xổm quá lâu nên giây phút đứng dậy, cô hơi choáng váng, trước mắt cũng tối sầm đi mấy giây.
Song chẳng mấy chốc đã bình thường trở lại nên cô cũng không để ý nhiều, vừa đi về trước hai bước thì cảm giác choáng váng ấy lại ập đến một lần nữa, dưới chân cũng như đạp trên mút xốp, không thể chống đỡ được cơ thể cô.
“Hồ Điệp!”
Trước khi ngã xuống, Hồ Điệp thấy Kinh Du vươn hai tay về phía mình.

Cô muốn bắt lấy tay anh nhưng cả người mềm nhũn, tay chưa kịp nâng lên mà người đã ngã quỵ và được Kinh Du ôm vào lòng.
Khoảng cách gần gũi, cô thấy rõ vẻ mặt hoảng hốt và đôi mắt đỏ ngầu của Kinh Du, uể oải nói: “Em không sao, chỉ là em…”
Lời an ủi chưa dứt thì có thứ gì đó ấm nóng trào ra khỏi mũi.

Cô không kịp chùi, cũng không có sức lực để nâng tay lên.
Kinh Du luống cuống đưa tay lau cho cô nhưng máu mũi không hề có dấu hiệu ngừng lại, tựa như vòi nước bị hỏng.

Anh bế cô đứng dậy, vì quá gấp nên thân hình cao lớn hơi chao đảo, suýt thì ngã về phía trước.
Hồ Điệp níu áo anh, nhịp thở của cô chỉ nghe thấy tiếng thở ra, hầu như không nghe được tính hít vào: “Em thật… sự không sao, chỉ là ho, chỉ là chảy máu mũi… Cái này rất bình thường…”
“Anh biết, em đừng sợ, chúng ta về bệnh viện ngay.” Kinh Du mím chặt môi, sợ bế cô sẽ khiến máu mũi chảy ngược nên chạy nửa đường thì đổi sang cõng.

Cô mềm nhũn nằm trên lưng anh, người nhẹ tênh, gió thổi một cái sẽ bay mất.
“Hồ Điệp, đừng ngủ.” Kinh Du không nghe cô đáp lại, bèn nghiêng đầu đụng đụng đầu cô một cái, cổ họng khô khốc khó chịu vô cùng: “Đừng ngủ, nói chuyện với anh.”
Anh chạy như bay trong gió, gấp gáp thở hổn hển, khát vọng nhận được một câu trả lời của cô, giọng nói như phát ra từ nơi sâu nhất trong lòng: “Xin em…”
Dưới bầu trời đêm chỉ còn lại tiếng gió và tiếng bước chân.
Kinh Du không dám dừng chân, nhịp bước nhanh thật nhanh, mồ hôi trượt xuống từ trán và rơi lên cánh tay đang rủ xuống trước ngực anh.
Dường như cô đã nghe được lời khẩn cầu của anh, ngón tay động đậy một cái, cô dùng chút ý thức còn lại đáp trả anh một cách đứt quãng: “Anh Kinh Du…”
“Anh đây.”
“Chắc là cõng em… Mệt lắm nhỉ.”
“Không mệt.” Kinh Du thở chậm lại: “Anh không nặng gì hết, rất nhẹ, hồi anh còn ở trong đội huấn luyện phải mang thứ nặng hơn em nhiều để chạy.”
“Anh Kinh Du…”
“Hửm?”
“Em xin lỗi.” Hồ Điệp nhắm mắt, lệ nóng rơi xuống vai anh, đau đớn tựa như đóng dấu lên đó vậy.

“Không có, em không làm gì có lỗi với anh cả.” Kinh Du cắn chặt răng, hốc mắt đỏ bừng: “Trước giờ chưa từng có, bé Hồ Điệp của chúng ta là tốt nhất.”
Cô đáp một tiếng “vâng” nồng nặc giọng mũi, cảm xúc tủi thân không cách nào kìm nén lại được vào giờ phút này: “Nhưng em không hiểu, tại sao lại là em chứ…”
Đúng vậy.
Tại sao lại là cô.
Kinh Du không tìm được câu trả lời, anh không biết nên nói thế nào.

Bao lời an ủi giờ đây cũng chỉ như muối bỏ biển, anh trầm mặc nghe cô vừa khóc vừa kể những gì chưa từng nói lúc trước.
Cô bảo cô không muốn bị bệnh.
Không muốn uống thuốc.
Không muốn ba mẹ buồn lòng.

Trước khi đến bệnh viện, Kinh Du nghe cô nức nở nói một câu cuối cùng: “Em muốn trở lại sân băng quá…”
Anh chưa kịp đáp lại thì cô đã được đưa vào phòng cấp cứu.
Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hành nhận được điện thoại cũng đã chờ sẵn bên ngoài phòng cấp cứu.

Kinh Du chạy cả quãng đường dài đến đây nên áo phông đã ướt hơn phân nửa, trên tay còn có vết máu đã khô.
“Đi tắm rửa lại đi.” Hồ Viễn Hành đi đến chỗ anh: “Vất vả cho con rồi.”
Vừa rồi Kinh Du hứng quá nhiều gió đêm nên cổ họng hơi khô rát.

Anh muốn nói mình không sao nhưng lại chẳng thể phát ra tiếng, chỉ lắc đầu rồi thẫn thờ đi vào nhà vệ sinh cuối hành lang.
Anh nhìn bản thân trong gương, chật vật và hoang mang, ngoài tay ra thì trên vai cũng có vết máu.
Kinh Du mở vòi nước, vóc nước lạnh rửa mặt.

Khi nhớ ra gì đó, anh tắt vòi nước rồi lấy điện thoại gọi cho ông chủ của khu cắm trại.
“Anh Đinh, bạn em gặp chút chuyện nên em đưa cô ấy đến bệnh viện, Mạc Hải đang ngủ một mình ở trong lều, anh trông chừng giúp em.”
Người bên kia điện thoại đồng ý rất thoải mái, sau đó còn quan tâm hỏi: “Bạn em không sao chứ?”
“Không sao.”
“Được, anh biết rồi.”
Sau khi cúp máy, Kinh Du đặt điện thoại xuống bên bồn rửa và lại mở vòi nước bắt đầu cẩn thận rửa vết máu khô trên tay.
Chỉ là càng rửa, nỗi buồn càng trào dâng.
Anh dừng lại, khom người cúi thấp đầu, tay chống ở hai bên bồn rửa, nước mắt nhanh chóng rơi xuống mặt nước trong bồn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện