Từ Hiền giấu ý niệm rời đi xuống đáy lòng, hắn sẽ chính thức suy nghĩ chuyện này sau khi giải quyết nguy cơ Sát Thần Môn.

Khẽ khàng cười một tiếng, như đã nói trước đó, nếu như ba người kia là loại kẻ thù mà hắn phải mai danh ẩn tích để trốn khỏi, thì khi bị chúng phát hiện Từ Hiền còn có thể sống được sao? Mấy chuyện trả thù hắn bằng cách gia hại người khác lại càng vô căn cứ.

Hắn dùng lại lời giải thích ở tiệm rèn nói cho dân trấn cùng nghe, đồng thời không chớp mắt nhìn lướt qua từng người xuất hiện ở đây, như thể định ghi khắc bọn họ vào ký ức của mình trước khi rời xa tiểu trấn.

Bạch Long Trấn là chốn đất khách quê người, nhưng đây cũng là nơi khởi đầu con đường Hiệp đạo của Từ Hiền, đối với hắn mà nói có ý nghĩa không thấp.

Dân trấn sau khi nghe lời giải thích của hắn thấy cũng hơi hợp lý, những tưởng chuyện này đã dừng ở đây thì lại nghe tên lưu manh dẫn đầu chế thêm chuyện mới:

“Đừng để bị tên phế nhân này lừa, cứ cho là chuyện đó không liên quan đến hắn đi, ở đây chắc cũng có người nhìn thấy thằng to xác Lý Tiểu Ngưu đánh trọng thương người giang hồ rồi chứ, gã chắc chắn đã học được võ công cao cường nên mới có thể làm được như vậy...”

Từ Hiền im lặng nhìn tên lưu manh chỉ tay múa chân, ánh mắt lạnh nhạt như đang xem một thằng hề nhảy nhót làm trò.

Mặc dù biết chân của tiên sinh nhà mình đã lành, nhưng khi nghe người khác dùng từ ngữ sỉ nhục hắn, Lý Tự Thành vẫn tức điên lên, muốn xông lại đánh vỡ mồm tên lưu manh kia nhưng bị Từ Hiền giữ lại.

“…Người dạy võ cho gã chắc chắn là thằng què kia, tên phế nhân này nhất định biết võ trong người, nhưng đến Bạch Long Trấn lâu như vậy đều giấu giấu giếm giếm, e rằng có mưu đồ đen tối. Hơn nữa còn bày trò mở lớp dạy học, dụ dỗ lũ trẻ con tới đọc sách, rắp tâm cỡ nào, chỉ sợ hắn chính là đồng bọn của đám hung đồ mà quan phủ đang truy nã đó!”

Tên lưu manh nói dứt lời liền dùng ánh mắt ngạo mạn nhìn Từ Hiền, bộ dạng như ta đây đã phát hiện chân tướng của ngươi, nhưng Từ Hiền chỉ coi hắn như một thằng đần.

‘Nếu ta mà là đám hung đồ đó, e là ngươi đã không còn mạng khi dám sỉ nhục ta.’

Nhìn thấy càng ngày càng nhiều người tụ đến chỗ này, bàn tán xôn xao, Từ Hiền nhìn tên lưu manh chỉ bằng nửa con mắt, giọng nói lạnh lùng đáp lại:

“Thằng hề nhảy nhót, nếu thật như ngươi nói, vậy ta trước đó đã có hàng trăm cơ hội để ra tay, cần gì phải chờ đến bây giờ, còn bị quan phủ truy nã?”

Sau đó hắn nhìn quanh một vòng, khí dồn Đan Điền, vận dụng công lực để lời nói của mình có thể rơi vào tai mỗi người:

“Chư vị hương thân phụ lão, ta trên không thẹn với trời, dưới không thẹn với lòng, nếu ta từng làm gì có lỗi, hoặc làm liên lụy đến Bạch Long Trấn, Từ Hiền này tất mổ bụng tự sát tại chỗ, lấy tâm can ra cho chư vị soi mói, đây là lời giải thích duy nhất của ta.”

Đoạn hắn nhắm mắt làm ngơ, phất tay áo bảo rằng: “Tự Thành, đến lớp.”

Tiểu Hữu Danh Khí khiến cho Từ Hiền có một loại uy vọng vô hình, ngầm ảnh hưởng đến người khác trong lúc nói cười, khiến họ bất giác sinh ra sự tín nhiệm dành cho hắn, đấy chính là một trong các tác dụng của Danh Vọng.

Bình dân bá tánh mặc dù dễ bị dắt mũi nhưng không có nghĩa là ngu, chuyện mà tên lưu manh bịa ra quá nhiều sơ hở như Từ Hiền đã nói, huống chi còn là lời nói một bên của kẻ du thủ du thực không có uy tín.

Mặc dù hoang ngôn bị vạch trần dễ dàng, nhưng tên lưu manh vẫn chưa chịu thôi, giọng điệu âm dương quái khí:

“Mấy người xem, hắn chính là bị vạch mặt nên muốn bỏ chạy. Thề thốt bằng miệng mà thôi, con nít cũng nói được, có ai làm chứng cho ngươi chứ?”

“Đúng vậy.”

“Nói thì hay lắm!”

“Giỏi thì mổ bụng thử coi!”

Đám đồng bọn cũng hùa theo, nhưng ngay sau đó chúng đã phải ngậm miệng khi nghe một giọng nói già nua vang lên: “Lão phu làm chứng cho hắn!”

“Trưởng trấn”, “lão trưởng trấn”, “Vương lão”, v.v…

Đám dân trấn đang tụ tập nghe được giọng nói này liền rối rít chào hỏi, chỉ thấy từ phố Nam có một già một trẻ đang đi tới, chính là Vương lão trưởng trấn và đồng học Tiểu Minh.

Vương lão chống gậy bước tới, gân giọng nói rằng: “Nếu Từ tiên sinh mà có lỗi với hương thân trong trấn, lão già này cùng mổ bụng với hắn.”

Vương Tiểu Minh reo lên: “Gia gia mổ bụng, Tiểu Minh cũng mổ bụng, chơi rất vui.”

Sau đó, không biết xuất hiện từ bao giờ mà tình địch giả tưởng của đồng học Tiểu Minh cũng nhảy ra, trầm giọng hô lớn:

“Từ tiên sinh là bậc chính nhân quân tử, đội trời đạp đất, sao có thể là loại gian tà mà mọi người nghe nhầm đồn bậy cho được. Hứa Tuyên này cũng làm chứng cho hắn, nếu ta sai rồi, nguyện xin mổ bụng!”

“Hứa đại phu!”

“Là Hứa đại phu!”

Dân trấn lại kinh hô, hai người đức cao vọng trọng trong trấn đều đứng ra nói đỡ cho Từ Hiền, chuyện này đến đây coi như có thể kết thúc, đám lưu manh thấy tình thế không ổn chỉ đành ôm đầu chuồn đi.

Từ Hiền khẽ gật đầu, chắp tay với Vương lão và Hứa đại phu để tỏ ý cảm tạ, sau đó cũng không nán lại thêm, ra hiệu cho Lý Tự Thành mau mau đến hẻm Hướng Dương bởi giờ học sắp đến, nhìn ông cháu trưởng trấn dắt tay nhau tới là biết.

Sư đồ hai người cứ đi, dân trấn trên đường vốn đang chau đầu ghé tai trò chuyện bỗng liền tách ra ngay khi thấy Từ Hiền, len lén ngó trộm hắn chứ không dám nhìn thẳng.

Cũng có dân trấn vẫn chào hỏi bình thường như mọi khi, chỉ là trong ánh mắt đã có thêm một thứ gì đó khang khác, không còn thuần túy như lúc xưa.

Từ Hiền đều giả vờ như chẳng biết những sự thay đổi này, thản nhiên đáp lễ những ai chào hắn.

Hắn biết, dù là mấy tin đồn xấu về mình đều đã được hóa giải, dù rằng có Vương trưởng trấn, Hứa đại phu đứng ra đảm bảo cho mình, thái độ của dân trấn vĩnh viễn đã không thể quay lại như xưa.

Đối với những bách tính bình phàm, quan binh triều đình và nhân sĩ võ lâm đều là những kẻ không cùng thế giới với họ, là loại người mà họ cần phải kiêng dè và sợ hãi.

‘Nhân sinh nếu chỉ như lần đầu gặp gỡ…’ Từ Hiền bất chợt nghĩ đến Tiểu Thánh Tăng và Nhất Nguyên Tử, có lẽ đối tượng mà hắn kết giao bằng hữu chỉ có thể là những người như họ.

Tri âm của kỳ tài chỉ có thể là kỳ tài.

Từ Hiền tự nhận như thế, hắn chưa bao giờ coi nhẹ bản thân mình, dù cho không có hệ thống thì hắn vẫn có thể siêu việt hơn người, hắn có sự tự tin tuyệt đối về điều đó.

Bởi lẽ, bảy năm trước hắn đã đủ sức trở thành Trạng Nguyên nhỏ tuổi nhất Đại Vĩnh, chỉ là Từ Vi Đạo lo sợ ‘mộc tú vu lâm, phong tất tồi chi’ nên mới để hắn chờ thêm vài năm mới tham gia khoa cử.

Một tăng một đạo bay khỏi tâm trí, Từ Hiền chợt nghe Lý Tự Thành hỏi mình với giọng khá bất bình:

“Tại sao tiên sinh không cho đệ tử nói ra chuyện xảy ra ở lớp, đến bây giờ họ vẫn còn hoài nghi đây!”

Lý Tự Thành gặp dân trấn túm tụm nói thầm, nên tưởng là họ vẫn còn đang nói xấu tiên sinh nhà mình. Từ Hiền biết sự thật không phải vậy, nhưng hắn không giải thích cho gã, lại nhân cơ hội này mà giảng đạo:

“Nói ra vô dụng, cho nên không cần nói.” Hắn nhẹ giọng đáp lại.

Lý Tự Thành tỏ vẻ không tin: “Tiên sinh, tại sao lại thế?”

“Bởi vì trên đời này có một số người, đôi khi sự thật rành rành ra đó, nhưng họ chỉ tin thứ mà bản thân muốn tin.”

“Sao họ có thể vô lý như vậy được?”

Từ Hiền cười nhạt: “Tại vì có lý là trời, vô lý mới là người. Ta và ngươi nào lại chưa từng vô lý?”

Câu nói này Lý Tự Thành không đủ trình độ để hiểu, nên gã lập tức nhận dốt, mong tiên sinh giải đáp.

“Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri.”

Người biết thì không nói, mà người nói thì không biết.

Ngày hôm nay khiến Từ Hiền có nhiều hoài niệm về thuở xưa, thế là hắn chợt dùng cách nói chuyện trong quá khứ để trả lời Lý Tự Thành, quả nhiên tên đồ đệ nghe thấy tưởng như nghe thiên thư, trong mắt xuất hiện hai vòng xoáy, đầu quay mòng mòng.

Để tránh tên đồ đệ bị xoắn não, Từ Hiền lại hỏi gã: “Vô lý hay có lý, tin hay không tin, lại có gì quan trọng sao?”

Lý Tự Thành thoát khỏi cái “tri giả, ngôn giả” gì đó, nghe hắn nói vậy bèn nhăn mặt đáp lại: “Quan trọng, thưa tiên sinh.”

“Vì sao?”

“Vì bị người khác hiểu lầm rất khó chịu.”

“Khó chịu ở đâu?”

Câu này Lý Tự Thành suy nghĩ một chốc rồi mới đáp lại: “A… ở trong lòng, thưa tiên sinh.”

Từ Hiền “ừm” một tiếng, sau đó đột ngột kể một câu chuyện tưởng chừng như không liên quan:

Ngày xưa có một chàng trai rất nghèo, bởi hắn phải vừa chăm sóc cho người mẹ bị bại liệt, vừa phải nuôi dưỡng ba đứa em nhỏ, một nhà năm miệng ăn hoàn toàn phụ thuộc vào một mình hắn, vậy nên muốn mua quần áo mới cũng không được, y phục trên người ít thì ba năm, nhiều thì chín mười miếng vá, bạc màu cũ kĩ.

Lúc ra đường, bắt gặp người khác nhìn mình, hắn luôn cảm thấy trong lòng xấu hổ, đầu lúc nào cũng lúi cúi không ngóc lên được. Chợt một ngày có vị thiền sư già đi ngang qua làng hắn, y phục trên người lão còn tàn tạ hơn cả chàng trai nghèo, rách rưới đủ chỗ, mà lại đến cả một miếng vá cũng không có.

Nhưng khác với hắn, vị thiền sư chẳng một lần cúi đầu, bị người khác nhìn cũng chỉ mỉm cười đáp lại, trên mặt chưa từng xuất hiện vẻ xấu hổ, chỉ có sự thản nhiên. Chàng trai nghèo thấy thế bất ngờ lắm, không nhịn được chạy đến hỏi lão vì sao lại bình thản được như vậy, thiền sư mới cười hỏi ngược lại:

“Thí chủ là vì bị người khác nhìn nên xấu hổ, hay là do mặc y phục cũ nát mới xấu hổ?”

“Là do… y phục.”

“Y phục của thí chủ vì sao lại cũ?”

Nghe thiền sư hỏi vậy, chàng trai nghèo mới kể gia cảnh mình ra. Vị thiền sư nghe xong, mỉm cười bảo rằng:

“Không giấu gì thí chủ, lão nạp xưa cũng từng là phú hộ một làng, nhà có vài mảnh ruộng. Sau đó có một ngày lão nạp nhìn thấu hồng trần, quy y ngã Phật. Vì muốn đến Phật quốc bái kiến chân Phật, lão nạp bán hết gia sản để lên đường, đi đến đây đã tiêu xài cạn kiệt, chỉ có thể hóa duyên qua ngày.”

Thiền sư nở nụ cười hiền hòa nói tiếp: “Nhưng lão nạp biết, bản thân mình thành ra như vậy là vì muốn ngộ được chân Phật. Nếu đã vì ước nguyện của bản thân mà lâm vào cảnh như thế, vậy thì có gì mà đáng xấu hổ?”

Kỳ thật hết thảy mọi thống khổ nội tâm của chúng sinh, về bản chất đều do tự mỗi người gieo rắc lên mình, nào có phải do tác động của kẻ khác như cái giả tượng bên ngoài?
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện