Thời tiết nóng nực dịu dần lúc về đêm, chúng tôi dạo quanh con đường gần khách sạn. Tiến vào một tiệm cơm, gọi một dĩa cá sóc chua ngọt, tôm chiên giòn và vài món đặc sản Tô Châu. Món ăn có hình thức rất tinh xảo, chất lượng cũng rất tuyệt, ha ha.

Ăn cơm xong, chúng tôi đến một cửa hàng tơ lụa. Gấm Tô Châu nổi tiếng khắp thế giới, dĩ nhiên phải được những cô gái lành nghề dệt nên. Dì Lạc khi còn trẻ cũng hay thêu dệt nên rất am hiểu từng đường kim mũi chỉ. Dưới sự hướng dẫn của dì, tôi hiểu rõ năm màu tơ lụa, gấm vóc và ý nghĩa của những đường thêu duyên dáng.

“Thật là tinh tế! Phụ nữ hồi xưa làm được vầy cũng không dễ gì. Người nào không biết thêu chắc sẽ bị chê cười dữ lắm dì nhỉ?” Bởi trước đây tôi vẫn cảm thấy phụ nữ thời xưa không cần thi thố làm gì, chỉ cần sống và làm việc thoải mái là được rồi.

“Ừa, đại khái là không gả đi được!”

“Vậy cũng mừng, được sống thanh thản yên bình.

“Thanh thản yên bình, nhưng về già bơ vơ côi cút thì sao?”

Tôi nghe xong lại thấy có gì đó không đúng, sợ lại làm dì nhớ tới chuyện thương tâm, lập tức gỡ bỏ đề tài, “Đúng rồi, dì Lạc, hay là chúng ta tự mua quà tặng nhau đi, coi như kỷ niệm.”

“Được thôi. Để xem mắt nhìn của dì có làm Thỏ con vừa lòng không.”

Chọn tới chọn lui, dì lại chọn cho tôi một chiếc váy ngủ, càng chết người hơn là nó trễ ngực!

Tôi chỉ chỉ cổ áo, “Cái này… sợ là không hợp lắm?”

“Con bảo thủ tới vậy luôn đó hả?” Dì khó tin nhìn tôi, “Không cảm thấy rất đẹp sao?”

“Đẹp lắm!” Mặt mày tôi như đưa đám, “Nhưng gợi cảm quá hà, không hợp với con đâu.”

“Ha ha, được rồi, để dì lựa cái khác.”

Cuối cùng dì chọn cho tôi một bộ đồ ngủ màu be. Còn tôi thì lựa cho dì một chiếc áo ngủ màu tím nhạt thêu hình hoa sen trắng.

Sau khi ra khỏi cửa hàng, người trên đường rất thưa thớt, một vầng trăng sáng giữa trời, gió đêm phơ phất, pha trộn với giọng nói mật ngọt, mùi hoa thơm dịu tựa dòng suối mát, không cần rượu đã làm say lòng người.

Tay tôi vẫn khoát trong khuỷu tay dì, hai người đều không nói gì, chậm rãi bước đi, như đang hưởng thụ cảnh bình an hiếm thấy này vậy.

Nhớ tới bài “Ánh trăng trong hồ Sen” của Chu Tự Thanh (1):

“Ta giống như một phần của thế giới này; ta vượt qua khuôn khổ bản thân, đến một thế giới khác. Ta thích náo nhiệt, yêu bình yên, thích sống chỗ đông đúc, nhưng cũng thích ở một mình. Như tối nay, mình ta dưới ánh trăng mênh mông, ngẫm về mọi thứ, nhưng chẳng muốn có thứ gì, cảm thấy thật tự do tự tại. Buổi sáng, nhất định phải làm việc, nhất định phải nói chuyện, nhưng ta giờ đây chẳng thèm để tâm đến nữa…” Nghĩ tới câu này, tôi bất giác ngâm nga ra miệng.

“Tuổi trẻ không hiểu được mùi vị của buồn đau…” Dì ở một bên khẽ khàng nói.

Tôi không có gì để nói. Nếu dì cảm thấy tôi là thiếu niên không sầu lo, vậy thì tôi lập tức không buồn đau nữa, chỉ cần dì thấy vui là được.

Dù tôi có trăm mối lo thì liên quan gì đến dì đâu chứ? Tôi với dì là hai cá thể độc lập và bình đẳng. Tôi có tư cách gì mà bắt dì phải hiểu, phải buồn vì tôi chứ? Tôi có tư cách gì quấy nhiễu lòng dì đây?

Nghĩ như vậy, cánh tay liền buông xuống. Dì dừng bước lại, quay sang nhìn tôi. Dưới ánh trăng, mắt dì sáng long lanh tựa ngôi sao lấp lánh.

“Bộ dì nói không đúng sao?”

“Chắc tại so với nhiều người, con đúng là đang sống trong phúc mà không biết hưởng, nên mới mạnh miệng nói về nỗi buồn như vậy.”

“Việc này không thể đem ra so sánh, ai cũng có cuộc sống khác nhau. Dì chỉ cảm thấy tuổi trẻ các con nên sống vui vẻ, thoải mái một chút sẽ tốt hơn. Tuổi trẻ chính là ước vọng to lớn nhất mà.”

Tôi thầm suy nghĩ trong lòng, ‘ai mà thèm tuổi trẻ vô dụng này, tôi thà rút lui, vậy còn có thể bầu bạn với dì mỗi ngày, sống ít hơn vài chục năm thì có mất mát gì đâu?’

“Dì cảm thấy con không vui vẻ?” Tôi buồn buồn hỏi lại dì một câu.

“Khi còn bé thì vui vẻ hơn hiện giờ một chút, chắc là do trưởng thành rồi.”

Tôi cảm thấy trong lời nói của dì ẩn chứa gì đó, cũng không dám phỏng đoán lung tung nữa.

Có lẽ Bạch Nhược Lâm đã sớm nhìn ra tâm sự của tôi, còn dì Lạc thì không thấy được. Chẳng qua chị ấy không đành lòng nói toạc ra thôi, cho đến nay chỉ láng máng nhắc tới.

Sau một lát, dì rốt cuộc nói rằng:

“Thỏ con, thời gian của con gái không dài, con cũng nên lưu ý mấy cậu trai bên cạnh một chút đi, đừng đòi hỏi quá cao như vậy.”

Tôi cảm giác lòng mình đang từ từ lạnh lẽo. Dì cứ nhớ mãi không quên, dĩ nhiên là chuyện này.

“Con tạm thời không muốn nghĩ tới chuyện yêu đương.”

“Ừ, dì biết con còn nhỏ. Nhưng lỡ đâu gặp được cậu bé tốt, con cũng nên lưu tâm, đừng bỏ lỡ nha.” Dì nói lời có ý vị sâu xa, nhưng tôi chỉ cảm thấy tim mình như bị đao cắt.

Sao cứ gấp gáp muốn đẩy tôi ra xa? Tôi phẫn hận trong lòng, lại không còn gì để nói, chỉ cắn chặt lấy môi.

Có lẽ dì nhìn thấy sắc mặt tôi không được tốt, nên cũng không nói gì nữa. Cảnh đêm hôm nay rất đẹp, nhưng lại bị vấn đề này hủy diệt hết cả rồi.

Tôi hít sâu mấy cái, để cho mình bình tĩnh lại.

Kỳ thực, nếu tôi không yêu dì, vậy thì tôi nên cảm kích việc trưởng bối quan tâm mình mới đúng chứ, dù sao xuất phát điểm của dì cũng là muốn tốt cho tôi.

Nghĩ vậy nên trong lòng dần bình tĩnh lại, nhưng tôi có một ý nghĩ khác kiên định hơn.

“Dì Lạc, con muốn nói dì nghe một chuyện. Con đã suy nghĩ rất lâu rồi, dì đừng tưởng con chỉ là nhất thời xúc động nha!”

“Chuyện gì?” Dì thấy sắc mặt tôi nghiêm túc, hơi bất ngờ.

“Đời này kiếp này, con sẽ không bao giờ kết hôn. Vậy nên sau này dì không cần nói lại với con những câu như thế.”

“Tại sao?” Lông mày của dì đều xoắn lại một chỗ.

“Hôn nhân chẳng có ý nghĩa gì cả, con cũng không thích con nít. Lúc còn rất nhỏ, con đã nghĩ vậy rồi, tới giờ vẫn không thay đổi.”

“Con cần phải trải qua mới hiểu rõ hôn nhân có ý nghĩa gì. Con ruột của mình, thế nào lại không thích chứ? Con bây giờ còn nhỏ, sau này gặp được người thích hợp, sẽ không nghĩ như thế nữa đâu.”

“Không phải vậy” Tôi kiên quyết nói, “Con nghĩ rất kỹ. Sau này, con thà xuất gia đi tu, đốt đèn niệm Phật, rời xa thế tục.”

“Thỏ con!” Dì lo lắng nhìn tôi, “Có phải con gặp chuyện gì không? Không có chuyện gì là không thể giải quyết, con đừng giấu trong lòng!”

“Không cần lo lắng, con không có chuyện gì hết. Chỉ là lớn hơn, suy nghĩ cũng dần trưởng thành thôi. Dì nói lúc nhỏ con rất vui vẻ, đó là vì lúc đó con không có nhiều thứ để suy nghĩ thôi.”

“Nhưng tại sao lại muốn xuất gia? Con nhẫn tâm buông bỏ cha mẹ, buông bỏ dì luôn sao?”

Tim tôi như bị kim đâm. Thứ tôi không buông bỏ được, há chẳng phải chính là dì sao? Nhưng…

Tôi không trả lời dì, chỉ cắn chặt môi, cúi đầu.

“Thỏ con!” Giọng dì trầm xuống, nói, “Con đọc sách quá nhiều nên nghĩ cuộc đời bi quan. Dù đời không như ý, nhưng trốn tránh không phải là biện pháp. Con nhìn dì đi, xui xẻo như vậy đó, nhưng dì có tiếp tục kiên trì không? Dì có từng nói muốn xuất gia không?”

Tôi xấu hổ, cảm giác mình vừa nói lời không nên nói, lại làm dì lo lắng, quả thực tội đáng chết vạn lần.

Haiz, lúc nào mới có thể trưởng thành, hiểu chuyện hơn đây! Thật ra người như tôi có tư cách gì đòi xuất gia cơ chứ? Tôi căn bản không bỏ xuống được!

Tôi nhớ tới một câu chuyện.

——

Có hai vị thiện giả đi trên một con đường lầy lội. Đi tới chỗ nước cạn, nhìn thấy một cô thiếu nữ xinh đẹp đang mắc kẹt ở đó. Bởi cô mặc quần là áo lựa, nên không cách nào cất bước qua chỗ nước cạn.

“Đến đây đi! Cô gái, tôi cõng cô qua.” Người anh dứt lời, cõng thiếu nữ lên lưng.

Qua chỗ nước cạn, anh thả cô gái xuống, sau đó tiếp tục đi cùng em trai mình.

Người em đi theo sau anh mình, trong lòng không vui, nhưng lại im lặng không lên tiếng. Tối đến, đi tới sau chùa, người em không nhịn được, hỏi người anh: “Chúng ta là người xuất gia, tuân thủ giới luật, không thể gần nữ sắc. Tại sao hôm nay anh lại cõng người phụ nữ kia qua sông?”

“Ồ! Em nói người phụ nữ đó hả?! Anh đã sớm thả cô ấy xuống rồi, em đến giờ vẫn còn để trong lòng sao?”

—–

Cho nên nói, ‘không bỏ xuống được thì đừng vác lên vai, nếu không sẽ vĩnh viễn cảm thấy nặng trĩu!’

Mà tôi lại không buông xuống được người ấy, nhất định cả đời nặng trĩu.

(1) Chu Tự Thanh (1891 – 1948) là người Dương Châu tỉnh Giang Tô. Ông là thi nhân tản văn gia nổi tiếng của Trung Quốc, cũng là học giả có tinh thần yêu nước mãnh liệt và khí tiết sùng thượng dân tộc. Văn chương của ông rất hay, nhất là tản văn, được khen là “mĩ văn” 美文 trong văn học sử hiện đại. Ông từng làm Chủ nhiệm khoa Trung Văn trường đại học Thanh Hoa, là nhân sĩ yêu nước nổi tiếng Trung Quốc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện