Mới ngày hôm qua trong lúc cậu trong phòng ôn tập, bà đã sang nhà hàng xóm nói chuyện chơi, cũng đã nghe hai vợ chồng Hai Thành nói việc không thể cho sách nữa, bà nghe xong định chiều nay dắt cháu ngoại đi mua sách vở mới, dạo này cháu ngoại ngoan ngoãn chịu học, bà cũng không muốn cháu mình học sách cũ mãi.

Không ngờ hôm nay nó lại ôm một chồng đồ về, nhìn sơ sơ mấy món này cộng thêm bộ sách kia ít nhất cũng hơn ba trăm ngàn, nó lấy đâu ra nhiều tiền như vậy, hơn nữa lúc sáng nghe thằng Hai Thành nói lại là thấy nó đi đâu đó với thằng Khánh con ông Công, bà càng khẳng định tiền này là ăn trộm mà có.
Công Nam bị đánh chỉ đành chịu trận, cậu đã là người trưởng thành vốn sẽ không khóc, nhưng không biết tại sao lúc này nước mắt lại rơi như mưa, mà cậu cũng ý thức được điều kỳ lạ này, lại vì sợ mất mặt nếu khóc thành tiếng cho nên cắn chặt môi chịu đựng.
Hàng xóm thấy cũng chạy ra khuyên mấy câu, nhưng đây là chuyện nhà người ta, người ngoài không thể xen vào được, hơn nữa họ nghe loáng thoáng bà Hoa mắng trộm tiền gì đó, nghĩ chắc thằng nhóc này ăn cắp tiền của bà cho nên cũng không muốn ngăn.

Con nít mà đi ăn cắp tiền đáng bị đánh!
Mà ở cách đó không xa, xe của ông Hà đi theo cậu tới nhà, thấy vậy vội vàng xuống xe, ông không cho thanh niên đi theo, chỉ bảo tài xế đi cùng mình.


Thanh niên không hiểu ý đồ của ông nhưng cũng không hỏi gì, chỉ chiều theo ý ông cụ ngồi trên xe, nhìn xuyên qua cửa sổ thấy cậu bé kia bị đánh nhưng không trốn, chỉ im lặng cắn răng mà khóc, trông vô cùng đáng thương lại khiến người ta cảm cậu đang cực kỳ uất ức.
Ông Hà và tài xế đi tới cổng, tài xế thay ông cụ gọi to:
\- Bác gái, bác gái…
Bà Hoa đang tức điên quất vào mông cậu tới tấp, nghe thấy tiếng gọi lập tức quay đầu ra nhìn, mặt mày hung hăng quát:
\- Kiếm ai, tôi không quen các người, đi chỗ khác đi.
Lúc này tài xế đứng bên cạnh ông cụ lên tiếng giải thích:
\- Bác gái, hôm nay chúng tôi tới là để cám ơn với nói chuyện về cháu Nam.
Bà Hoa nghe vậy quay sang hỏi Công Nam:
\- Mày biết hai người này không?
Công Nam nhìn ông cụ và người đàn ông kia một cái rồi gật đầu, thấy vậy bà Hoa cũng hạ giọng, mời hai người vô nhà ngồi nói chuyện.

Công Nam thấy bà ngoại đang tiếp khách thì nhanh chân chạy vào phòng buông đồ đạc xuống, sau đó chạy vào bếp nấu nước châm trà.
Thấy thằng nhỏ tháo vác giỏi việc như vậy, ông Hà càng vừa lòng.
Hai người lớn ngồi xuống, cậu và anh tài xế đứng bên cạnh, lúc này ông cụ mới chậm rãi kể lại chuyện hôm đó ở nghĩa địa, bà Hoa nghe xong giật mình, sau đó nổi giận đánh vào tay Công Nam một cái, mắng:
\- Mày gan to há, lỡ tụi nó nhìn thấy mày quay lại trả thù là chết đó biết không con.
Càng nghĩ càng sợ, bà lại càm ràm thêm một hồi, Công Nam cúi đầu nghe không nói lời nào, bản thân cậu cũng biết nếu để bọn du côn đó nhìn thấy mình sẽ có hậu quả như thế nào, nhưng làm thì đã làm rồi, hơn nữa không phải người ta đã tới nhà cám ơn rồi sao? Giúp người như vậy cũng đáng mà.
Mà ông Hà, hôm nay tới không chỉ cảm ơn mà là để nhìn hoàn cảnh gia đình cậu, ông biết bà ngoại cậu đang mắc bệnh ung thư muốn ra nước ngoài chữa trị, ông cũng biết cậu là con riêng của con bạn thân mình, nhưng đứa bé này hoàn toàn không như lời nhà họ nói đủ để thấy nhà họ không thương yêu gì đứa con riêng này.

Một khi bà ngoại cậu thật sự ra nước ngoài, cậu sẽ chỉ còn một mình, không có người nhà để nương tựa, ngẫm lại cũng thật đáng thương, nếu đã như vậy…
Tuy nhiên bây giờ nói chuyện này còn quá sớm, vì thế ông chỉ bày tỏ hôm nay tới để cám ơn, ngoài ra còn gửi cho gia đình một số tiền hậu tạ, bà Hoa thấy phong bì hơi phồng thì biết trong đó có khá nhiều tiền, do dự một chút bà nhận lấy, Công Nam thấy vậy vội ngăn cản:
\- Ngoại…
Bà Hoa liếc cậu:
\- Ngoại cái gì mà ngoại, tiền này cho mày đi học, mày suýt mất mạng lấy chút tiền có sao?
Công Nam đang muốn nói lại thì ông Hà lên tiếng khuyên cậu:
\- Bà ngoại cháu nói đúng, tiền này là để cho cháu đi học, đỡ đần được phần nào cho bà ngoại cháu, năm sau cháu lên cấp ba rồi, chi phí nhiều lắm, nhận lấy đi cho ông vui.
Công Nam nghe xong lâm vào suy nghĩ, thật ra từ sáng nay khi bà ngoại nói đau lưng do trái gió trở trời là cậu đã có suy nghĩ sẽ đi làm thêm rồi, nhưng nghĩ lại cho dù cậu có làm thêm thì chi phí trang trải cũng rất lớn, hơn nữa trẻ vị thành niên đi làm tiền lương nhận được sẽ không bằng người trưởng thành, không phải ai cũng giống chú Công thương trẻ con mà châm chước.
Trong lúc cậu còn đang suy nghĩ miên man, ông Hà lại nói tiếp:
\- Bây giờ con đang tuổi ăn tuổi học, không thể đi làm mấy công việc bốc vác nặng nề như sáng nay, học hành vất vả còn làm việc nặng sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập đấy.
\- Cái gì? \- Bà Hoa nghe xong bật dậy, hỏi:
\- Hồi sáng mày đi bốc vác? Bốc vác cái gì cho ai?
Công Nam không ngờ mình bị vạch trần như vậy, chỉ đành ấp úng thành thật nói:

\- Lúc sáng chú Công thiếu người chuyển xi măng lên xe, con thấy làm được nên xin chú cho làm… chuyển ba tiếng, chú cho con năm trăm.
Bà Hoa nghe cậu nói xong lập tức đứng ngây người, sau đó mắt đỏ lên, bà vội quay đi lau nước mắt, Công Nam thấy vậy vội ôm vai an ủi bà.

Mà ngồi ở đối diện ông Hà cũng không ngăn được xúc động, đứa nhỏ này có hiếu lại chịu thương chịu khó, chỉ tiếc không phải cháu mình, nếu ông có đứa cháu ngoan ngoãn như vậy, nằm mơ ông cũng cười tỉnh.
Một lúc sau bà Hoa mời hai người ở lại ăn cơm, ông Hà xin từ chối vì người nhà đang chờ, ông đứng dậy tạm biệt hai bà cháu, trước khi đi còn để lại card visit trên đó có số điện thoại của ông, bảo là khi nào rảnh rỗi gọi điện thoại cho ông, sau đó hai người ra cửa trở về xe.
Mà bên này, thanh niên nghe xong cuộc đối thoại qua máy nghe trộm, trong lòng ngứa ngáy giống như bị mèo cào.

Thầm nghĩ: “Cậu nhóc kia đúng là không giống như trong lời đồn chút nào, rất đáng yêu, rất…khiến người ta thương tiếc.”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện