Hôm sau, Vân Long viết một phong thư, sai Độc Cô Thiên cỡi Phong nhi, mang theo Vô Cực kiếm làm tin, kiêm trình ra quan ngoại bái kiến Gia Luật Sở Hoa. Sẵn dịp ghé vào Tiêu gia trang gởi thiệp mời Thiên Xích vào dự lễ thành hôn của chàng.
May thay, Vương tử đang ở chơi với họ Tiêu.
Lão đọc thư xong cười bảo :
- Tráng sĩ yên tâm, ta vẫn nhớ lời dặn dò của Tiêu đại hiệp nên không bao giờ gây chiến với Trung Nguyên. Chẳng qua các tù trưởng tham lễ vật nên ép ta nhận lời của Mãn Châu. Ta nhận lễ vật nhưng chỉ ỡm ờ, không trả lời dứt khoát. Nay Tiêu đại hiệp đã là sủng thần của Minh đế, lẽ đâu ta lại gây khó khăn cho người.
Nói xong, lão viết biểu cảm tạ Minh Thành Tổ, chịu nhận sắc phong và nguyện suốt đời thần phục.
Sở Hoa đóng ấn triện, niêm phong lại, trao cho Độc Cô Thiên rồi nói :
- Tráng sĩ hãy về thưa với Tiêu đại hiệp rằng ta không thể rời đất Mông để dự ngày đại hỉ được, nhưng sẽ gửi lễ vật chúc mừng.
Thiên Xích cười ha hả :
- Thiên đệ cứ về trước, ta sẽ sửa soạn rồi nhập quan ngay.
Chỉ nghỉ ngơi một đêm, Độc Cô Thiên lại lên đường trở về Trung thổ.
Qua khỏi trường thành vài trăm dặm, gặp đoàn xa giá của khâm sứ triều đình. Chàng chặn lại xưng mình là người của Hổ Uy Hầu, cho họ xem qua chiếu biểu của Sở Hoa.
Ai nấy đều mừng rỡ, không còn thấp thỏm, lo lắng nữa. Họ tiếp tục lên đường mang chỉ sắc phong và lễ vật đến Tiêu gia trang cho vương tử Mông Cổ. Quả nhiên là có một trăm vò Bách Hoa tửu lâu năm.
Phong nhi là thần mã còn Độc Cô Thiên là thiết hán, sức chịu đựng hơn người nên đi về chỉ mất tháng rưỡi.
Dọc đường, gã không hề để ý gì đến phong cảnh, chỉ cố đi nhanh để hoàn thành trọng trách mà đại ca đã giao phó.
Từ ngày theo phò tá Vân Long, chàng mới thấy đời mình có ý nghĩa, thù sát thê đã trả xong, thanh danh lừng lẫy võ lâm như một kiếm sĩ bạch đạo chân chính chứ chẳng phải đại đạo độc hành.
Độc Cô Thiên thầm nguyện suốt kiếp theo bước đại ca, một bậc kỳ nhân trẻ tuổi.
Trong thời gian này, Hầu phủ đã xây xong.
Hầu gia là người khiêm tốn nên đã yêu cầu bộ công trang trí đơn giản và thanh nhã.
Bốn vị phu nhân cùng các nghĩa đệ muội đã dọn sang tân phủ. Những tỳ nữ, gia đinh cũng từ Đào gia trang đem qua. Dù vậy, ngày ngày, các nàng vẫn tới lui vấn an cha mẹ chồng bằng cách đi qua khu rừng.
Hoàng Nghị đã trở về Cái bang, nhưng Ngọc Yến là người lo xa nên làm sẵn một mặt nạ Phạm công tử theo dung mạo của y để phòng khi hữu sự.
Xích Long Quái Y đem nhánh Thiên Niên Hà Thủ Ô phối với hàng trăm vị thuốc quý nữa, chế thành bảy viên dược hoàn bắt Vân Long uống trong vòng bảy ngày.
Uống xong mỗi hoàn phải lập tức vận khí trục độc ra ngoài. Cơ thể chàng toát ra những giọt mồ hôi tanh tưởi và lớp vẩy rắn dần dần bong ra, trả lại làn da trắng trẻo mịn màng.
Tả thị huynh đệ cùng bốn vị phu nhân luôn túc trực bảo vệ, chăm sóc.
Đến ngày thứ bảy, lớp vẩy trên mặt tróc sạch, Vân Long hoàn toàn thoát khỏi quái tật. Tả Kiếm buột miệng khen chàng :
- Tiểu đệ thấy đại ca dường như trẻ đẹp hơn xưa.
Chàng cười bảo :
- Ngươi chẳng cần phải tốn công nịnh hót ta làm gì. Mau cùng Tả Phi về Hổ Đầu sơn rước bá mẫu lên Bắc Kinh. Trước là dự lễ cưới của ta, sau là biết mặt vị hôn thê của hai ngốc tử.
Hai chàng họ Tả mừng rỡ vái tạ :
- Bọn tiểu đệ xin tuân lệnh.
Đệ tử Cái bang cũng đã được cử đi trao thiệp cưới và rước song thân của Phi Hà, phụ thân của Tố Tâm cùng Miêu chúa.
Độc Cô Thiên về đến, thấy hắn hốc hác, bơ phờ, Vân Long cảm động vỗ vai nói :
- Nhị đệ bạt thiệp trượng đồ, mau vào nghỉ ngơi cho khỏe.
Hắn biết chàng thực dạ quan hoài nên cảm động nhưng chỉ lắc đầu rồi trao tấu biểu và thuật lại những lời nhắn nhủ của Sở Hoa, Thiên Xích.
Chàng mừng rỡ, sáng hôm sau vào cung triều kiến. Đã tám ngày chàng không dự chầu nên Kim thượng rất nhớ. Ngài phán :
- Tiêu khanh, dù trẫm đặc cách cho khanh được quyền miễn dự chầu nếu bận việc. Nhưng khanh cũng nên nghĩ đến lòng ưu ái của trẫm mà thường xuyên lui tới cấm cung để trẫm được thấy dung mạo anh tuấn của khanh.
Chàng hổ thẹn quỳ xuống tâu :
- Khởi tấu Thánh thượng, hạ thần vì bận lo toan tổ chức hôn lễ nên không đến bái kiến long nhan được.

Minh Thành Tổ ngạc nhiên hỏi :
- Chẳng lẽ khanh và bốn vị phu nhân chưa hề có ngày đại hỉ sao?
Chàng cảm khái đáp :
- Muôn tâu! Bọn hạ thần sống kiếp giang hồ phiêu bạt, có duyên gặp gỡ rồi kết hợp, chưa từng có dịp cho bằng hữu được uống rượu mừng.
Tô Mỹ Nhân tỏ vẻ thương cảm :
- Hôn lễ là ngày trọng đại nhất đời của nữ nhi. Khanh nên tổ chức thật huy hoàng cho các vị phu nhân được thỏa lòng.
Minh đế cười ha hả, tiếp lời :
- Ái hậu nói rất phải. Tiêu hầu không nhận bổng lộc triều đình, lấy đâu ra mà đãi đằng quan khách. Trẫm sẽ ban chỉ tứ hôn và tặng khanh một vạn lạng vàng để chi phí cho ngày đại hỉ. Trẫm muốn rằng hôn lễ của Hổ Uy Hầu sẽ trọng thể nhất đế đô.
Tả đô ngự sử Đô Sát Viên Lã Cầm vốn ganh ghét với Tiêu hầu nên tấu rằng :
- Khởi tấu Thánh thượng, nguy cơ ở biên thùy còn đang de dọa. Nếu hôn lễ Hổ Uy Hầu quá xa hoa e không phải lúc.
Tiêu hầu cười mát :
- Lã ngự sử chưa biết tiểu đệ tiến hành thế nào, sao đã vội kết tội là xa hoa? Đại Minh ta đương lúc cường thịnh, chẳng lẽ chỉ mới nghe chút biến động ngoài quan ải đã sợ đến nỗi chẳng yên tâm uống chén rượu mừng?
Minh đế đẹp dạ phán :
- Tiêu hầu nói chẳng sai, bảo vệ cương thổ là việc phải lo. Nhưng đừng vì thế mà phải bỏ qua những chuyện đáng làm, còn gì là uy phong của Đại Minh. Tiêu hầu liều thân cứu giá, diệt tham quan, trừ loạn đảng, công lao to lớn mà chưa hề nhận một chút bổng lộc nào của triều đình. Nếu trẫm không nhân dịp này ban thưởng, tuyên dương cho Tiêu hầu thì hóa ra thiên tử là người bạc bẻo, bất nghĩa hay sao?
Lã ngự sử rụng rời tay chân, vội chạy tội :
- Muôn tâu! Thần nào dám đưa Thánh thượng vào chỗ bất nghĩa. Chỉ vì quá lo cho xã tắc nên lỡ lời. Mong ơn trên lượng xét.
Tiêu hầu giáng thêm một đòn sấm sét :
- Lã ngự sử! Đâu phải trong triều chỉ có mình ngài biết lo cho xã tắc. Bổn hầu nếu chưa nắm chắc được rằng biên cương đã yên lành thì cũng đâu dám nghĩ đến chuyện riêng.
Dứt lời, chàng bước đến trước bệ rồng quỳ xuống, hai tay dâng sớ của Mông Cổ :
- Khởi tấu Thánh thượng, Vương tử Mông Cổ là Gia Luật Sở Hoa đã nhờ hạ thần dâng biểu thần phục Minh triều.
Vì đoàn sứ giả chưa hồi kinh nên bá quan ai nấy đều kinh ngạc.
Dương công công bước xuống nhận tấu chương rồi dâng lên Hoàng thượng ngự lãm.
Đọc xong, long nhan rạng rỡ, ngửa cổ cười khanh khách :
- Hay lắm! Bây giờ chư khanh có còn trách trẫm u mê sủng ái Tiêu hầu nữa chăng?
Quần thần kinh hoảng đồng sụp xuống tung hô :
- Thánh thượng anh minh thần vũ, bọn hạ thần nào dám nghi ngờ!
Minh đế xua tay miễn lễ :
- Chư khanh hãy bình thân, rồi bàn luận xem phải thưởng công Tiêu hầu thế nào?
Chàng kính cẩn thưa :
- Muôn tâu! Hạ thần thực ra chẳng có công lao gì. Hoàn toàn là do Thánh thượng nhân từ, đức độ, uy vũ trấn thiên hạ nên Sở Hoa cảm phục mà quy thuận.
Minh Thành Tổ thấy chàng không nhận công, dâng hết vinh quang ình, ngài đẹp dạ phán :
- Khanh quả là có khí độ của người quân tử. Trẫm không nỡ ép để khỏi tổn hại đến khí tiết của khanh. Nhưng ngày hôn lễ , trẫm với Hoàng hậu sẽ đứng làm chủ hôn.
Vương thừa tướng thầm khen ngợi Vân Long. Còn bá quan là những kẻ lọc lõi quan trường nên đều hiểu rằng, từ nay Hoàng thượng lại càng bội phần sủng ái Tiêu hầu. Do vậy, họ tìm cách để thân cận với chàng.
Tối hôm đó, chàng đến phủ viếng thăm bá phụ. Vương lão hài lòng bảo :
- Long nhi quả là tài trí, ta rất khâm phục.
Chàng cười buồn nói :
- Tiểu điệt chỉ muốn giúp đỡ Thánh thượng giữ vững sơn hà, đem lại ấm no cho bá tánh chứ chẳng hề vì miếng mồi đỉnh chung. Mong bá phụ tìm cách nói rõ chí hướng của Long nhi cho bá quan hiểu rõ để tránh sự ganh ghét vô ích.
Chàng dâng thiếp mời thừa tướng dự hôn lễ và dặn dò :
- Ngày mai, trong buổi chầu, bá phụ cứ làm ra vẻ vô tình tiết lộ ọi người biết tin Tiêu hầu đã nhận phu thê Tài Thần làm can gia, can nương. Như vậy, sau này song thân có đứng ra làm lễ cưới cho Long nhi cũng không ai nghi ngờ.
Vương lão nhận lời. Quả nhiên vài ngày sau, quần thần đều bàn tán việc này.
Thấm thoát đã gần đến ngày cử hành hôn lễ. Anh hùng hào kiệt bốn phương, dù có nhận thiệp mời hay không, cũng kéo nhau đến dự ngày đại hỉ của Minh chủ võ lâm. Hầu tước phủ tuy rất rộng rãi cũng không thể chứa nổi mấy ngàn hảo hán, phải để họ sang ở bớt bên Đào gia trang. Đó là chưa kể đến một số khách đang trú ngụ trong khách điếm. Nhiều người cả đời chưa một lần đến Đế đô, nên nhân dịp này đến sớm vài ngày thưởng ngoạn cảnh vật Bắc Kinh. Sự xuất hiện cùng một lúc mấy ngàn cao thủ hắc bạch không phải là chuyện đơn giản.
Lực lượng Cái bang và Kiếm môn đã phải rất vất vả để tiếp đãi và giám sát những vị khách không mời mà đến. Giang hồ là nơi ân oán chất chồng, quỷ quyệt đa đoan khôn lường. Biết đâu có những kẻ muốn nhân dịp này trả hận, gây náo loạn kinh thành giá họa cho Minh chủ. Vì vậy, Kiếm Ma và La trưởng lão đích thân điều mấy trăm nhân thủ bảo vệ an ninh cho cuộc lễ.
Tiêu hầu cũng dự liệu điều này nên đã xin Hoàng thượng truyền lệnh cho cửu môn đề đốc tăng cường phòng vệ cấm cung và vùng phụ cận.
Năm ngàn thị vệ luôn túc trực tuần tra, nhưng bọn chúng không hề than vãn vì biết chàng là người rộng rãi, chẳng bao giờ để cho chúng thiệt thòi.
Ngoài phu thê Tài Thần, có lẽ người hạnh phúc nhất là Bang chủ Cái bang Hạ Khánh Dương, lão không con cái nên mọi tình thương dồn hết cho chàng tiểu đệ tài hoa, lỗi lạc. Hơn nữa, chàng không hề phụ lòng lão, đã đem lại vinh quang tột bực cho Cái bang trên cả hai bình diện : võ lâm và triều đình. Họ Hạ dẫn các trưởng lão đến sớm hơn ai hết, tự coi mình là người nhà, đứng ra đón tiếp quần hùng, nói cười luôn miệng.
Bốn vị thân gia và Cổ đại nương có mặt ở Đào gia trang, suốt ngày đàm đạo với Tài Thần và Nam Cung Sương.
Giờ đây Tiêu minh chủ đã là nghĩa tử của Tài Thần thì chuyện liên kết giữa Đào gia trang và Hầu tước phủ là thiên kinh địa nghĩa.
Miêu chúa Độc Thánh và năm Động chủ đất Miêu Cương đã được Tiêu hầu đưa vào gặp Minh đế trong buổi tối đầu tiên đến Bắc Kinh. Sau một hồi đàm đạo tương đắc, Hoàng thượng nhận ra rằng Miêu chúa là người văn nhã, tài trí và dễ mến. Độc Thánh hứa với Minh đế rằng sẽ giữ cho Miêu Cương mãi mãi là đất của Đại Minh, một lòng thần phục.
Quả đúng như vậy, sau này, trong suốt triều đại nhà Minh, Miêu Cương chưa một lần nào nổi dậy, khiến vùng Vân, Qúy và Quảng Tây luôn được thanh bình.
Tiêu Thiên Xích cũng đã từ quan ngoại vào đến mang theo bốn con ngựa quý là quà tặng của Sở Hoa cho bốn vị tân nương. So với Ô Truy của Độc Cô Thiên quả là ngang ngửa.
Khắp thành Bắc Kinh, đâu đâu cũng bàn tán về đám cưới của Hổ Uy Hầu. Hàng ngàn khất cái trên đường cũng có vẻ sạch sẽ hơn, nụ cười thoáng hiện trên môi. Chúng tự hào vì Hổ Uy Hầu là Minh chủ và chính là trưởng lão Cái bang.
Các quan lại trong thành và vùng lân cận cũng chạy sốt vó để mua bảo vật quý hiếm mừng ngày đại hỉ của Hầu gia. Kể cả những người không được mời.
Vương thừa tướng muốn bảo toàn thanh danh của Vân Long nên đã nhắn nhủ quần thần rằng Tiêu hầu là người chính trực, liêm khiết, các quan không nên tặng lễ vật quá hậu, nhất là vàng bạc. Nhưng ai cũng sợ kẻ khác hơn mình, nên đều cố sức mua cho được của báu.
Đầu giờ Dần ngày mười hai, tháng tám, bốn vạn cấm quân được huy động canh gác chặt chẽ đoạn đường từ cấm cung đến Hầu tước phủ và phong tỏa khu vực cửa Nam cấm thành. Triệu đề đốc đích thân đôn đốc thuộc hạ, quyết không để xảy ra sự cố gì.
Đầu giờ Thìn, xe và kiệu của các quan kéo đến tấp nập. Họ ngạc nhiên khi thấy gần ngàn bàn tiệc được bày trong khoảng rừng râm mát. Thảm cỏ cắt xén đều đặn, có xen những luống hoa đủ màu, trông rất đẹp mắt.
Khéo ở chỗ là vùng đất ở giữa lại cao hơn chung quanh nên mọi người có thể nhìn rõ bàn của Hoàng thượng cũng như thân gia hai họ.
Ba đại tửu lâu của Tài Thần phụ trách nấu nướng phục vụ. Bốn trăm tiểu nhị và tỳ nữ mặc áo mới màu xanh thoăn thoắt qua lại như những cánh bướm.
Giữa giờ Tỵ, long xa của đức Kim thượng và Hoàng hậu đến. Tràng pháo do đích thân Phích Lịch bảo chủ Kim Chấn Sơn làm tặng dài năm trượng được treo trước cổng phủ Hầu tước bắt đầu nổ vang. Tiếng nổ dòn dã, vui tươi, đặc biệt là khói pháo không nồng nặc mà lại tỏa mùi thơm ngan ngát. Không hề có viên nào bị lép. Sau tiếng nổ lớn cuối cùng, một dải lụa vàng bung ra phất phơ trước gió, trên có tám chữ : Quốc thái dân an. Bách niên giai lão.
Hoàng thượng và nương nương tấm tắc khen ngợi xảo thuật của người làm pháo. Tài Thần và phu nhân bước đến vén áo quỳ xuống bái kiến.
Thấy Phi Vân dung mạo đoan chính, tôn quý phi phàm còn Nam Cung Sương thì bội phần kiều diễm, Minh đế thầm kinh ngạc tự nhủ :
- “Hai người này tướng mạo thanh tú lạ thường, chẳng trách Tiêu hầu chịu nép mình làm nghĩa tử”.
Ngài mỉm cười phán :
- Trẫm vẫn được nghe danh Tài Thần, nay diện kiến mới biết lời đồn chẳng sai. Hai khanh giờ đã là phụ mẫu của Tiêu hầu, bất tất phải đa lễ.
Hai người vái tạ, đứng lên thỉnh hoàng thượng và nương nương vào khách sảnh. Cửu trùng quan sát vẻ đẹp thanh nhã của Hầu phủ thầm khen Tiêu hầu là người khí tiết, không chuộng xa hoa. Dù ngài đã truyền chỉ cho bộ công không cần phải giới hạn chi phí, cố xây Hầu phủ cho thật lộng lẫy để xứng đáng với một đại công thần như họ Tiêu. Nhưng khi công trình hoàn tất, nghe báo lại, ngài lắc đầu khi thấy chỉ tốn có ba vạn lượng bạc. Cũng chẳng thấy Tiêu hầu tổ chức tân gia để thu lợi.
Cuối sảnh là một bức tường cao khảm đá hoa Đại Lý màu nâu sậm, có hai hàng chữ nổi bằng vân thạch trắng : Sơn hà vĩnh phú, Chính khí trường tồn.
Dưới chân tường là hai chiếc đại ý lót da bạch hổ, một loại thú hiếm vùng quan ngoại. Trước có một kỷ trà thấp ba gỗ quý. Từ đó ra đến sảnh là hai hàng ghế dựa, mỗi bên chừng năm mươi chiếc. Dù vậy, khoảng trống giữa hai hàng ghế rất rộng.
Hoàng thượng và nương nương an tọa vào chủ vị, hai tỳ nữ lập tức dâng trà rồi đứng sang hai bên.
Tài Thần cung kính thưa rằng :
- Khởi tấu Thánh thượng, chư vị anh hùng võ lâm muốn được bái kiến, mong Thánh thượng gia ân.
Minh đế phấn khởi đáp :
- Từ lâu trẫm vẫn muốn diện kiến những bậc hiệp sĩ trong giang hồ. Nay được dịp gặp gỡ, trẫm rất vui mừng. Khanh mau mời họ vào đây. Dặn họ bất tất phải thi đại lễ.
Tài Thần và Nam Cung Sương bước ra, lát sau dẫn quần hào vào đến.
Mỗi người lần lượt đến khấu kiến rồi tự giới thiệu. Kiếm Ma Công Tôn Sửu là người cao niên và có bối phận cao nhất nên đi trước. Lão vòng tay nói :

- Thảo dân là Kiếm Ma Công Tôn Sửu, xin bái kiến Thánh thượng và nương nương.
Minh đế cũng biết lão có thân phận rất ới được vị trí tiên phong như vậy. Nhưng ngài thấy Kiếm Ma chỉ trạc lục tuần, lại không phải là Chưởng môn một phái, vì vậy ngài tủm tỉm cười hỏi :
- Chẳng hay năm nay niên kỷ khanh được bao nhiêu?
Kiếm Ma thản nhiên đáp :
- Muôn tâu! Thảo dân năm nay vừa tròn cửu thập.
Minh đế và nương nương sững sờ. Ngài tròn mắt :
- Té ra người giang hồ có thuật trụ nhan, trẫm thật lòng thèm muốn được như khanh.
Kiếm Ma vái tạ, ngồi vào ghế đầu. Tiếp đến là Chưởng môn phái Thiếu Lâm, Võ Đang rồi Cái bang.
Hạ Khánh Dương hôm nay mặc trường bào màu lam bằng gấm, trên thân áo có điểm xuyết mấy mảnh vá cho đúng bang quy. Mặt lão hồng hào, rạng rỡ, hàm râu đẹp được chăm chút cẩn thận. Lão hắng giọng rồi báo danh :
- Thảo dân là Mỹ Nhiêm Cái Hạ Khánh Dương, Bang chủ Cái bang xin ra mắt Thánh thượng và nương nương.
Minh đế vốn nhớ ơn Tiêu hầu và đệ tử Cái bang đã cứu mạng mình nên hớn hở nói :
- Cái bang trung liệt nổi tiếng từ xưa, nay lại sản sinh ra một đệ tử kỳ tài là Hổ Uy Hầu, công nghiệp lại càng hiển hách.
Hạ lão là người khảng khái, trung thực, không muốn vơ hết vinh quang về phần mình nên nghiêm giọng tấu rằng :
- Muôn tâu! Thực ra, Tiêu minh chủ còn là đệ tử của hai phái Thiếu Lâm, Võ Đang nữa. Võ công của Tiêu đệ chính thức là do hai phái này đào luyện. Nhất Tâm thiền sư và Thanh Kính chân nhân là sư huynh của Tiêu hầu.
Hoàng thượng thích thú cười vang :
- Lạ thật, chưa bao giờ có một hiệp khách nào lại cùng lúc làm đệ tử của nhiều môn phái như vậy. Đúng ra, trẫm phải sắc phong luôn cho Thiếu Lâm và Võ Đang mới phải đạo.
Ngài thấy quần hào còn rất đông, đang đứng đợi đến lượt mình liền bảo :
- Chư khanh cứ ngồi cả xuống rồi lát nữa đứng tại chỗ mà giới thiệu cũng được.
Mọi người tuân chỉ, vái tạ rồi an tọa. Các tỳ nữ mau mắn rót trà. Tài Thần và Nam Cung Sương cũng ngồi theo.
Chưởng môn các phái Hoa Sơn, Không Động, Điểm Thương, Côn Luân, Nga Mi và một số hào kiệt bá chủ một phương như Thiên Xích, Trang Sĩ Hổ, Thân Quỳ, Kim Chấn Sơn.... tuần tự bái kiến long nhan.
Minh đế thấy họ người nào tướng mạo cũng hiên ngang, anh hùng tột bực, trẻ già có đủ lại đều chịu tôn Tiêu hầu làm Minh chủ nên thắc mắc :
- Trẫm không hiểu vì sao chư vị lại đều đồng lòng tôn một người trẻ tuổi như Tiêu hầu làm lãnh tụ võ lâm? Chẳng hay họ Tiêu có điểm gì hơn người?
Kiếm Ma về tuổi tác cũng như bối phận đều cao nhất nên đại diện trả lời :
- Muôn tâu! Tiêu minh chủ là đóa kỳ hoa hiếm có. Thiên bẩm võ học xuất chúng, trí tuệ siêu phàm, nhân phẩm đáng mặt quân tử nên toàn võ lâm đều ngưỡng mộ. Nếu không có họ Tiêu đứng ra gánh vác chắc giang hồ đã rơi vào ma kiếp.
Tô nương nương nghe lão tán dương Tiêu hầu, nàng cao hứng hỏi :
- Chẳng lẽ bản lãnh của Tiêu hầu là vô địch thiên hạ rồi sao?
Kiếm Ma nghiêm giọng bảo :
- Bẩm nương nương, trong võ học, không ai dám tự hào mình là vô địch, nhưng quả thật hiện nay muốn tìm ra người đánh thắng được họ Tiêu rất khó.
Minh đế hoan hỉ phán :
- Nay trẫm được Tiêu hầu và chư khanh phò tá thì còn phải lo lắng gì nữa?
Sắp đến giờ lành, Độc Cô Thiên bước vào bái kiến rồi mời mọi người ra dự tiệc.
Bá quan và quần hùng thấy Thánh thượng xuất hiện đồng cúi mình vòng tay tung hô :
- Thánh thượng cùng nương nương vạn tuế.
Nghi lễ triều Minh có quy định quan lại và thứ dân gặp long nhan nơi lễ hội ngoài triều không nhất thiết phải quỳ.
Tài Thần và phu nhân hướng dẫn quý khách vào bàn riêng ở khu trung tâm. Hoàng thượng an tọa, mọi người cũng ngồi theo. Khu vực này có mười bàn dành cho đức vạn tuế, các đại thần và thân gia hai họ.
Vòng quanh đó là bàn các quan lại Bắc Kinh. Quần hào ngồi ở vòng ngoài cùng. Nhưng họ là những người võ nghệ cao cường nên tai mắt đều tinh tường, có thể quan sát được từ xa.
Đám cưới này có đến bốn cô dâu nên có đến năm họ. Nhưng chúng ta cứ dùng từ hai họ cho dễ xuôi tai.
Đã đến giờ lành, tiếng pháo lại nổ vang báo hiệu tân lang và tân nương bước ra nhận lễ tứ hôn. Tiêu hầu hôm nay mặc võ phục màu hồng trông rất anh tuấn. Bốn tân nương mặt phủ the mỏng, lụng thụng trong chiếc áo cưới. Chẳng có mấy người biết rằng ba trong số họ phải chật vật lắm mới che giấu được cái bụng khá to của mình.
Họ đã tế tổ tiên và phụ mẫu xong, giờ chỉ chờ Hoàng thượng ban sắc tứ hôn là hoàn tất nghi lễ. Năm người quỳ xuống chiếc chiếu hoa trải trước bàn đức vạn tuế.
Minh đế và hoàng hậu đứng lên, mọi người cùng đứng theo. Dương thái giám thánh thót tuyên đọc chiếu chỉ :
Vĩnh lạc thập nhị nguyên niên, bát nguyệt, thập nhị nhật. Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết :
Hổ Uy Hầu là bề tôi lương đống của Đại Minh, văn võ toàn tài, thống lĩnh hào kiệt thiên hạ tiêu diệt ác đồ, loạn đảng đem lại thanh bình cho lê thứ lại có công cứu giá, hết lòng phò tá Thánh thượng trong chính sự và việc giữ gin cương thổ, khiến Đại Minh thêm cường thịnh.
Nay trẫm ban chỉ tứ hôn cho Hổ Uy Hầu Tiêu Long Vân và tứ vị phu nhân là Miêu Ngọc Yến, Âu Dương Phi Hà, Bách Lý Thiên Hương, Đông Phương Tố Tâm. Cả bốn nàng đều là chính thất hưởng cấp Hầu tước phu nhân.
Trẫm cùng hoàng hậu chúc các khanh được bách niên giai lão.
Khâm thử.
Vân Long và các nàng đồng thanh tung hô :
- Thánh thượng và nương nương vạn tuế!
Họ lạy ba lạy rồi đứng dậy, Minh đế biết mấy ngàn người đang đợi nên cho Tiêu hầu và tân nương lui ra rồi ngài nâng cao chung rượu phán :
- Hôm nay, trẫm là chủ hôn nên thay mặt hai họ và chư vị cạn chén, uống mừng cho tân lang và tân nhân.
Chờ mọi người uống cạn, Tài Thần mời họ cầm đũa. Quần hào lúc đầu còn e dè vì sự có mặt của Thánh thượng và nương nương, nhưng sau khi đã uống năm sáu chén, bản chất phóng khoáng lại nổi lên, họ nói cười vui vẻ, thay nhau nâng chung cụng chén với tân lang.
May thay, theo tục lệ thì tân nương không cần có mặt, họ lặng lẽ vào trong, tháo ngay những lớp vải nịt bụng, thở phào nhẹ nhõm.
Phi Hà cười bảo :
- Rốt cuộc thì chị em chúng ta cực khổ để một mình đại tẩu hưởng hết. Đêm nay ba người chúng ta đâu có diễm phúc được động phòng hoa chúc.
Ngọc Yến là người rộng lượng lại chí tình chí nghĩa, thực dạ yêu thương ba nữ lang đã cùng mình thờ chung một chồng. Không để cho ai phải buồn tủi, nàng luôn bắt Vân Long phải chìu chuộng, âu yếm họ nhiều hơn. Nhiều đêm về đến phòng nàng thì trời đã gần sáng. Vì vậy, ba vị phu nhân trẻ tuổi kia rất yêu mến nàng. Câu nói này của Phi Hà chỉ là đùa cho vui thôi chứ không hề ganh ghét. Ngọc Yến cũng hiểu họ từ ngày mang thai tháng thứ ba đến nay, không được kề cận tướng công nên cũng khát khao. Nàng tinh thông y thuật, đã mấy năm trời chăm sóc dân Miêu nên rất có kinh nghiệm, biết rằng điều cấm kỵ này của người Hán là không đúng. Các Miêu nữ vẫn ăn nằm với chồng cho đến tháng thứ bảy mà sinh nở vuông tròn, hài nhi khoẻ mạnh.
Nàng tủm tỉm cười rồi cùng họ chụm đầu thì thầm. Ba nàng mặt đỏ như gấc chín, thẹn thùng cúi mặt. Tố Tâm lí nhí nói :
- Tùy đại tỷ an bày, bọn tiểu muội không dám cãi.
Trở lại nơi bày đại yến, chúng ta sẽ thấy những khuôn mặt đỏ bừng vì rượu quý và vì phấn khởi. Hạ Khánh Dương, Độc Cô Thiên dẫn tân lang đi chúc rượu các bàn. Đa số quan khách đều là những hảo hán đã từng cùng chàng vào sanh ra tử. Lại có những người chưa hề quen biết nhưng ngưỡng mộ hiệp danh mà lặn lội hàng ngàn dặm đến chúc mừng. Hỏi sao chàng có thể từ chối được? Vân Long đành phải vận Bát Nhã Vô Tướng thần công, đẩy rượu qua lỗ chân lông rồi uống cạn tất cả những chung rượu mời. Vì vậy, chàng đi đến đâu, mùi rượu tỏa ra bát ngát, chỉ có Kiếm Ma và các đại cao thủ mới nhận ra. Số còn lại trầm trồ khen ngợi tửu lượng tân lang vô địch thiên hạ. Hơi rượu làm ướt áo nên chàng phải mấy lần cáo lỗi vào thay y phục. Bá quan cứ ngỡ chàng muốn khoe áo mới nên đổi liên tục.
Hoàng thượng và nương nương chưa từng được tiếp xúc với giới hào kiệt giang hồ nên vô cùng thích thú quan sát họ ăn uống, nói cười.
Miêu chúa và Kiếm Ma được Thánh thượng mời ngồi cùng bàn. Tô nương nương hỏi Độc Thánh :
- Miêu khanh có danh hiệu là Độc Thánh là vì sao vậy?
Miêu chúa mỉm cười đáp :
- Muôn tâu! Sở trường của người Miêu là nuôi dưỡng và sai khiến độc vật như rắn, rít, ong, bò cạp.... Thần cũng thiện nghề ấy nên được võ lâm tặng cho danh hiệu Độc Thánh.
Minh đế hiếu kỳ bảo :
- Miêu khanh có thể nào trổ tài cho chúng ta mở rộng kiến văn chăng?
Vừa lúc Vân Long đi tới, Độc Thánh huýt một tiếng sáo, Kim Tuyến xà nhi như mũi tên, rời búi tóc chàng bay vào quấn quanh tay lão.
Tô Mỹ Nhân giật mình kinh sợ :
- Lẽ nào sợi dậy bằng vàng trên đầu Tiêu hầu lại là một con rắn ư?
Độc Thánh trấn an :
- Xin Thánh thượng và nương nương đừng sợ hãi. Kim Tuyến xà nhi đã gần trăm tuổi, rất thông minh và là kỳ bảo của đất Miêu Cương. Thần sẽ bảo Xà nhi biểu diễn một vài tuyệt kỹ.
Ông nói với linh xà :
- Xà nhi, trong khu rừng này có nhiều rắn không?
Lạ thay, con rắn lại biết nghe tiếng người, nó gục gặc cái đầu rồi rít lên mấy tiếng.
Độc Thánh lại bảo :

- Xà nhi hãy gọi chúng ra đây.
Độc Thánh vận công nói với mọi người :
- Một bầy độc xà sắp xuất hiện, nhưng xin chư vị cứ ngồi yên, chúng đã bị linh xà khống chế, không còn nguy hiểm nữa.
Kim Tuyến xà nhi chờ lão dứt lời liền rít lên những tiếng lảnh lót, cao vút như tiếng sáo. Hàng trăm con rắn đủ loại, đủ màu sắc từ trên cây bò xuống hay từ dưới hang chui lên, chúng như bị thôi miên, chậm rãi bò qua các bàn tiệc, trèo lên cả bàn chân quan khách, hướng về phía xà nhi.
Đám khách hảo hán giang hồ sống trên đầu gươm mũi giáo nên có xá gì một lũ độc xà. Nhưng với các quan lại thì khác, họ run rẩy như cầy sấy, nếu không vì có mặt Hoàng thượng thì bọn họ đã la hoảng và nhảy tót lên bàn mà ngồi.
Tô Mỹ Nhân kinh hãi, nép sát vào quân vương. Minh đế cũng sợ nhưng không để lộ ra, vỗ về trấn an ái hậu :
- Hậu xem kìa, chúng nằm phục xuống trông rất hiền lành, ngoan ngoãn.
Thấy như vậy cũng đã đủ, Miêu chúa ra lệnh cho linh xà :
- Kim Tuyến Xà, hãy bảo chúng trở về hang.
Linh Xà lại rít lên, lũ rắn quay đầu trở lại đường cũ.
Minh đế hỏi lão :
- Sao khanh không diệt trừ lũ độc xà ấy đi?
Miêu chúa cười đáp :
- Muôn tâu! Nhân loại còn có kẻ dữ, người hiền thì loài rắn cũng vậy. Trời đất đã sinh ra chúng lẽ nào ta lại hủy diệt đi. Độc xà là một loài hữu ích, chúng ăn những con vật có hại như chuột, lại là thần dược chữa được rất nhiều thứ bệnh cho con người. Nọc rắn có thể giết người nhưng cũng có thể cứu người. Thịt rắn rất ngon và bổ dưỡng. Lần này trở lại Miêu Cương, thần sẽ cho sứ giả dâng lên Thánh thượng một trăm con hổ xà để ngài dùng thử.
Minh đế nghe đến chuyện ăn thịt rắn bất giác rùng mình. Nhưng vẫn phải nhận :
- Khanh đã có lòng, trẫm không dám chối từ nhưng đầu bếp trong triều đâu có ai biết nấu loại thực phẩm này.
Tiêu hầu ứng tiếng :
- Thánh thượng yên tâm, tiện thê là thánh nữ đất Miêu Cương, rất giỏi chế biến thịt rắn.
Hạ Khánh Dương lúc này đã say, không dằn được bèn khoe rằng :
- Muôn tâu Thánh thượng, thịt rắn quả là rất ngon nhưng không thể bằng món đặc sản của Cái bang.
Tiêu hầu hồn vía lên mây, thò tay giật áo lão rồi cười khỏa lấp :
- Bẩm Thánh thượng, món thịt dê mà Hạ bang chủ vừa nói quả là ngon thật, nhưng rất cay nồng, e không hợp với khẩu vị đức vạn tuế.
Độc Cô Thiên lẳng lặng kéo họ Hạ đi nơi khác.
Đã hết giờ mùi, Thánh thượng và nương nương hồi cung, bá quan cũng vậy. Chỉ còn lại Vương thừa tướng là nán lại uống chén rượu mừng với Tài Thần.
Quần hào thấy long nhan và quần thần đã về hết, họ phấn khởi uống thêm, ăn thêm bội phần nhiệt náo. Cho đến tận nửa đêm, khi ai cũng say mềm mới chịu thôi.
Vân Long không say lắm nhưng chợt thấy mình vừa trải qua một trận chiến khốc liệt. Chàng lảo đảo bước vào phòng tân nương, chưa kịp nói gì đã bị Ngọc Yến lôi xuống nhà tắm, đẩy vào bồn nước nóng, giúp chàng tắm gội sạch sẽ. Trong lúc thay áo, nàng thỏ thẻ nói :
- Tướng công nên biết cuộc đời nhi nữ, chỉ có một ngày này, chàng cố mà làm tròn phận sự cho bọn thiếp khỏi tủi thân.
Vân Long lúc này đã tỉnh táo nên ngơ ngác hỏi :
- Nhưng ba nàng kia đang mang nặng hài nhi trong bụng, sao ta có thể kề cận được?
Ngọc Yến nghiêm nghị nói :
- Tướng công không tin tưởng vào sở học của thiếp ư? Hàng vạn Miêu nữ vẫn được chồng âu yếm cho đến tháng thứ bảy, mà vẫn chẳng hại gì cho thai nhi. Chỉ cần chàng nhẹ nhàng một chút là được. Ba em đã lâu không được gần chàng, đêm nay lại là đêm động phòng, chàng không thể vì tình phu thê mà an ủi họ hay sao?
Chàng vốn tin tưởng Ngọc Yến và cũng cảm thấy mình thiếu sót nên đồng ý.
Đến gần sáng, chàng trở về phòng Ngọc Yến, hôn nàng rồi bảo :
- Yến muội lúc nào cũng có lý, cả ba đều rất sung sướng, hạnh phúc khi ta đến. Bây giờ đến lượt chúng ta uống chén giao bôi hợp cẩn.
Đã đến lúc phải lên đường đến nơi phó ước với Dã Mã Mộ Đồ. Đám cưới xong được vài ngày, Vân Long và Ngọc Yến khởi hành.
Hai người đến vùng biển Thanh Đảo Sơn Đông, đã là ngày mùng tám, tháng chín. Nghỉ ngơi một đêm ở khách điếm, sáng hôm sau họ ra bờ biển đợi chờ. Đây chính là nơi sáu mươi mốt năm trước Đông Doanh song thần đến khiêu chiến với võ lâm Trung Nguyên.
Đầu giờ thìn, Dã Mã Mộ Đồ và Sương Mỵ Phương Tử đã đến bằng thuyền nhỏ. Họ kéo thuyền lên bãi cỏ rồi đứng đối diện địch thủ, chắp tay, cúi đầu thi lễ. Cả hai đều mặc võ phục màu trắng.
Phu thê Vân Long đáp lễ :
- Nhị vị hãy nghỉ ngơi lấy sức rồi hãy vào trận.
Mộ Đồ lạnh lùng lắc đầu :
- Không cần đâu, hôm nay chỉ có mình ta và các hạ so kiếm. Lúc nãy Sương Mỵ sư muội đã chèo để ta dưỡng sức, xin bắt đầu ngay.
Vân Long cười mát, chậm rãi rà Vô Cực kiếm thủ thế, Mộ Đồ cũng vậy.
Chàng biết đối phương sau một năm đã có nhiều tiến bộ, nhưng không biết đến mức nào? Chỉ thấy sát khí từ lưỡi trường kiếm và bản thân Mộ Đồ tỏa ra giàn giụa.
Chàng không dám coi thường vội quán chú công lực vào thân kiếm chờ đợi. Cảm giác mến tài địch thủ khiến chàng không xuất ngay chiêu “Vô Sở Nhi Quy”, chỉ thản nhiên định thần chờ Mộ Đồ động thủ trước. Sở học nội công của chàng thuộc Thiền môn nên định lực vững như núi Thái Sơn, mức độ trầm tĩnh khó ai bì kịp.
Nhưng Mộ Đồ bây giờ đã khác xưa, hắn cũng thủ kiếm lặng lẽ chờ cơ hội. Gió biển lồng lộng thổi bay vạt áo hai người. Ngọc Yến và Sương Mỵ Phương Tử hồi hộp đến nỗi mồ hôi ướt đẫm bàn tay cũng chẳng hay.
Họ như bốn pho tượng đá đứng im lìm trên bãi biển, đến nỗi lũ hải điểu không còn sợ hãi nữa. Đột nhiên một con bay đến đảo quanh đầu Vân Long như muốn tìm chỗ đậu. Khi nó vừa bay ngang mặt, che lấp thị tuyến của chàng thì Mộ Đồ đã không bỏ lỡ thời cơ, xuất chiêu “Tuyết Trung Nhất Điểm Hồng”, nương theo kiếm quang xô đến. Chiêu này vô cùng bá đạo, gồm một trăm mười lăm thế thức, đích nhắm cuối cùng là trái tim địch thủ.
Vân Long biết mình đã mất một tiên cơ, không dám chậm trễ tung người lên không. Nội lực chàng giờ đây vô cùng thâm hậu nên chỉ một cái nhún chân đã bốc cao hơn mười trượng, thoát khỏi tầm sát thương của kiếm chiêu. Song thần biết khinh công của người Trung Hoa rất cao siêu nên đã dự liệu trường hợp này. Chiêu thứ hai là “Kiếm Võng Tảo Vân” dệt thành một màn lưới kiếm đuổi theo chụp lấy hạ bàn đối phương.
Nhưng từ trên cao, chàng đã lộn người xuất chiêu “Vô Cực Chuyển Luân”, như một bánh xe bằng thép sa thẳng vào kiếm ảnh đối phương.
Tiếng sắt thép chạm nhau rền rĩ, chàng nghe thân kiếm chấn động mạnh, biết nội lực của Mộ Đồ còn cao hơn mình. Hai người dội ra cách nhau năm trượng. Qua lần chạm kiếm vừa rồi, kiếm sĩ Đông Doanh đã đánh giá được công lực đối phương nên nhếch mép cười nhạt.
Vân Long thắc mắc, không hiểu Mộ Đồ đã rèn luyện thế nào mà chỉ sau một năm, nội lực đã tăng tiến một cách đáng sợ như vậy? Lần này, không chờ đợi nữa, chàng xuất ngay chiêu “Vô Cực Quang Minh”. Một vòng kiếm quang như đám mây sáng rực, nâng chàng bay lên, phủ xuống đầu địch thủ. Mộ Đồ lập tức ra chiêu “Ba Trung Xạ Nhật”, người gã lảo đảo, chập chờn như thuyền con trong sóng dữ rồi tung mình lên đâm thẳng vào tâm vòng tròn Vô Cực.
Tiếng thét ngân dài như vô tận, hai bóng người tách ra. Thân áo trước Mộ Đồ bị mười tám nhát kiếm rạch nát, nhưng chỉ là vết thương ngoài da. Còn ngực trái Vân Long bị mũi kiếm đâm vào, nếu không nhờ thần công hộ thể ắt đã trọng thương.
Nhìn vệt máu loang dần trên ngực áo lam bào của đối phương, Mộ Đồ tỏ vẻ tiếc nuối. Đôi mắt gã tỏa hào quang quyết thắng trong chiêu tối hậu.
Vân Long thở dài, biết không còn có thể nương tay, chuẩn bị xuất chiêu “Vô Sở Nhi Quy”.
Mộ Đồ quát vang như sấm, vung kiếm đánh chiêu “Nhật Nguyệt Tương Đồng”. Kiếm khí vun vút xé rách không gian, xô đến như cơn bão. Nhưng hắn không ngờ chàng còn một chiêu sát thủ khoáng cổ tuyệt kim, hơn hẳn Vô Cực tam kiếm. Kiếm kình của chàng mềm mại như nước, bao la như biển, nuốt chửng lấy đường kiếm của y. Mộ Đồ nghe lưỡi kiếm nặng nề như mái chèo trong tay một người kiệt sức trước những cơn sóng lớn.
Tiếng thép ngân lên rồi ngưng bặt. Hai nữ lang định thần nhìn lại. Ngọc Yến vui mừng khôn xiết khi thấy trượng phu vẫn bình yên. Nàng bay đến xem xét trước sau, khóe thu ba trào ra những giọt lệ hân hoan. Bên kia, Mộ Đồ toàn thân đẫm máu, cánh tay hữu đã bị chặt cụt sát vai, một vết kiếm cắt dài từ chân tóc đến cằm, cắt ngang sống mũi.
Sương Mỵ định băng bó thì bị hắn gạt ra. Mộ Đồ quỳ xuống, hướng ra biển Đông nói bằng tiếng Đông Doanh, như cáo lỗi với ai. Xong xuôi, hắn đứng dậy điểm huyệt chỉ huyết rồi trầm giọng nói :
- Ta thật lòng khâm phục kiếm thuật của các hạ. Xin hẹn mười năm sau gặp lại.
Vân Long nghiêm sắc mặt bảo :
- Các hạ có cốt cách anh hùng của một kiếm sĩ. Nhưng rất tiếc lòng hiếu thắng của Song thần đã đưa các hạ vào mê lộ. Người học kiếm mà không có được cái tâm trong sáng sẽ khó lòng bước vào kiếm đạo. Nếu các hạ liễu ngộ được điều này thì may ra mới thắng được ta. Xin cáo biệt.
Dứt lời, chàng và nương tử quay người đi thẳng, không hề ngoảnh lại.
Hai người về khách điếm lấy ngựa và hành lý, lên đường hồi kinh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên ← → hoặc WASD để lùi/sang chương.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện